Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song song mà cũng hoàn toàn tách biệt.
Đó là sự náo nhiệt của các hoạt động buôn bán kéo dài từ Võ Văn Kiệt đến Hải Thượng Lãn Ông, và nét hoài cổ của của những công trình xưa cũ, mà tâm điểm chính là ngôi chợ Phùng Hưng.
Bắt đầu hành trình của mình từ đường Võ Văn Kiệt, tôi bắt gặp nhiều cửa tiệm nhỏ kinh doanh đủ các loại sản phẩm: sơn, bìa cứng, vật tư in lụa. Cô Trí Nguyễn, chủ của cửa hàng in lụa tại số 56, cho biết, cô quyết định thành lập cửa hàng này vào 20 năm trước do nhận thấy tiềm năng từ việc kinh doanh và buôn bán biển hiệu (in lụa) cho các cửa hàng trong và ngoài khu vực Chợ Lớn.
Kế bên, tôi trò chuyện với cô Mỹ, bà chủ xởi lởi của cửa hàng Phương Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc phân phối bìa carton nguyên sinh và tái chế. Cô đến đường Phùng Hưng lập nghiệp vì đã xây được căn nhà ở đây. Hai tầng dưới cùng được cô dùng để lưu trữ và buôn bán hàng hóa, còn tầng trên là không gian sinh hoạt. Khi được phỏng vấn, cô nhoẻn miệng cười và nói: “Bán carton hoài vậy mà tui không thấy chán.”
Ngã tư Trịnh Hoài Đức-Phùng Hưng sặc sỡ với nhiều cửa hàng bán vật liệu sơn và bóng đèn. Tôi gặp tiếp hai cửa hàng sơn liền kề nhau và lấy làm lạ vì người ta kinh doanh sát vách mà lại có nhiều loại sản phẩm giống y đúc. Chú quản lý của cửa hàng Trí Phượng mới chia sẻ: "25–30 năm về trước, người ta kéo nhau đến đây lập nghiệp tại vì giá cả hàng hóa phải chăng. Tụi tui có khách hàng riêng, không ai phải tranh giành với ai."
Con đường thêm rực rỡ nhờ vào bảng hiệu chớp tắt bóng đèn LED giăng của hai cửa tiệm gần đó. Sơn, chủ cửa hàng đèn điện Sơn Hành ở số 96, cho biết anh mới chuyển đến đây được 6 tháng: “Mình có đi tìm hiểu trước về khu vực, rồi thuê được mặt bằng giá rẻ, giờ thì mình kinh doanh mấy cái đèn trang trí này. Mình bán cho mấy nhà thiết kế nội thất với cả khách thường nữa.”
Đi thêm một đoạn nữa, ta sẽ đụng phải cửa tiệm số 116. Tôi được con gái của chủ tiệm là Nhân, cùng các nhân viên trong tiệm tiếp đón bằng nụ cười niềm nở. “Ba tôi mở cái tiệm này được gần 30 năm rồi, hồi đó chỉ có ba là buôn bán đèn đóm trên con đường này thôi. Tiệm may mắn là được người ta ủng hộ nhiệt tình mấy năm rồi. Bây giờ đến đời tôi tiếp quản, tôi làm thêm trang web để tiện phát triển việc kinh doanh.”
Tuy không đồ sộ như chợ vải Tân Định, nhưng những sạp hàng vải của Chợ Lớn cũng nức tiếng không kém. Đây là một trong những địa điểm mà người thành phố tìm đến khi có nhu cầu mua vải số lượng lớn. Đập ngay vào mắt khách hàng sẽ là những cuộn vải sặc sỡ, đa dạng màu sắc lẫn mẫu mã như ở cửa tiệm Như Ý gần vòng xoay Phùng Hưng-Trần Hưng Đạo.
Ngã giao với đường Hải Thượng Lãn Ông đông đúc xe cộ nên việc qua đường cũng là một thử thách. Đây là điểm dừng ở giữa hành trình của tôi, cũng nơi mà sức sống còn lại của đường Phùng Hưng lên ngôi.
Nằm ở ngã tư đường là chùa Ông Bổn uy nghi. Công trình được khởi dựng vào năm 1730 bởi người Hoa, đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò: một ngôi chùa, đền thờ, và hội quán phục vụ cộng đồng. Sau 400 năm tồn tại, chùa Ông Bổn vẫn mở cửa đón tiếp các hậu duệ những người Hoa đầu tiên, góp phần bảo vệ những nét văn hóa được truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau này.
Đối diện chùa là dãy cửa tiệm văn phòng phẩm. Trong số đó, có một cửa tiệm đã mở cửa hơn 40 năm được vận hành bởi Tú và mẹ. “Nhà chuyển về địa chỉ này sáu năm về trước vì ở đây có mặt bằng giá rẻ và vị thuận lợi. Ở đây có nhiều tiệm bán mặt hàng tương tự nhau, nhưng tụi tui đều có khách riêng nên cũng hòa thuận lắm.”
Đến ngã giao Nguyễn Trãi, tôi bắt gặp biển hiệu đỏ bắt mắt của của hiệu bánh mì Tăng ngay đầu chợ Phùng Hưng. Tôi có dịp trò chuyện với Quận, con trai của người sáng lập thương hiệu này. Giờ đây, anh thay ba mình tiếp quản công việc điều hành tiệm bánh. “Ba mình một tay dựng nên cái xe bán bánh mì này vào năm 1968. Ba và mẹ chuẩn bị sẵn nguyên liệu ở nhà rồi đem ra xe bán. Bốn năm trước, nhà mới quyết định mua căn nhà với xây căn bếp dưới tầng trệt. Nhưng tụi mình vẫn dùng đúng cái xe cũ đó đến bán bánh mì đến giờ.”
Nếu có dịp ghé qua chợ Phùng Hưng, hãy thử khám phá ngôi chợ từ môt góc nhìn đặc biệt: hành lang của dãy căn hộ chung cư cũ. Khu chợ trải dài gần ba dãy căn hộ, mọi hoạt động buôn bán, trao đổi tấp nập bên dưới đều được che phủ bởi hàng dù đen bóng đồng bộ.
Khác với không khí trang nghiêm của chùa Ông Bổn, đường phố chung quanh mang dòng chảy năng lượng hối hả, kéo dài từ các dãy phố chợ cho đến tận đường Hồng Bàng. Khi bước vào chợ, tôi lập tức va phải bầu khi quyển âm thanh vồn vã — nào tiếng người bán và người mua mặc cả, nào tiếng xì xụp hấp dẫn từ xe đồ ăn phục vụ món Việt lẫn món Hoa. Các tiểu thương, người đi chợ và các anh shipper cùng chen chúc trong một không gian hẹp, khiến lối nhỏ giữa các quầy hàng lại càng bị thu nhỏ.
Tôi rẽ vào đường Lão Tử, nhánh phụ của chợ Phùng Hưng. Giữa các gian hàng ăn uống, tôi tia được một cửa hàng trang sức chuyên bán các loại ngọc bích. Chị Trần Diệu Yên, chủ cửa tiệm, xởi lởi chia sẻ với tôi: “Mẹ tôi tên là Bích Quyên, bà mở ra cái tiệm này 30 năm trước rồi lấy tên mình đặt cho nó luôn. Bà chọn chỗ này vì muốn kiếm một vị trí yên tĩnh ít cạnh tranh. Từ ngày tôi quản lý, tôi mở rộng sán bán cả trang sức vàng, bạc rồi tượng điêu khắc bằng ngọc nữa.”
Nhờ những hộ kinh doanh gia đình và tiểu thương mới liên tục gia nhập “đường đua,” mà chợ Phùng Hưng có thể duy trì hệ sinh thái của mình trong suốt những thập kỷ qua. Ngay cả khi có ba, bốn cửa hàng cạnh nhau bán cùng một sản phẩm, các tiểu thương vẫn hỗ trợ lẫn nhau chứ không quá cạnh tranh gay gắt. Và chính tinh thần gắn kết ấy, cùng lớp lang văn hóa lan tỏa qua mỗi thế hệ, đã làm nên từng khía cạnh cuộc sống của cộng đồng nơi đây.