Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Trăm năm lịch sử Việt Nam kể qua câu chuyện xổ số kiến thiết

Trăm năm lịch sử Việt Nam kể qua câu chuyện xổ số kiến thiết

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, những mẫu giấy và dãy số may rủi vẫn đóng một vai trò đặc biệt trong đời sống người Việt: vừa là chiếc phao níu giữ ước mơ “đổi vận” của người dân, vừa là tấm gương phản ánh thực tế xã hội đương thời.

“Cô ơi, cậu ơi, ủng hộ giúp tôi một tờ.”

Vang lên từ thành thị đến miền quê, từ trong con hẻm đến quán nhỏ bên hiên chợ, lời rao đơn giản ấy từ lâu trở thành thứ trải nghiệm gắn liền với những sinh hoạt đường phố. Chẳng khó để bắt gặp cảnh người lao động vừa ngồi nhâm nhi cà phê sáng, vừa lựa vài tấm vé số ưng ý để “dằn túi” tựa một thói quen bắt đầu ngày mới; hay cảnh người đi đường háo hức tụ tập trước cửa đại lý để chờ xem kết quả xổ số giờ tan tầm.

Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Dù tỉ lệ trúng thưởng độc đắc nhỏ chỉ là một trên hàng triệu, xổ số kiến thiết vẫn mang sức hút khó cưỡng với một bộ phận lớn người dân. Mỗi ngày, doanh số bán vé mang về cho nền kinh tế nước nhà đến hàng trăm tỷ đồng, vượt cả những ngành hàng xa xỉ. Có lẽ vì xổ số là cuộc chơi nơi “chúng sinh bình đẳng” — không phân biệt người mua giàu, nghèo, cùng lời hứa hẹn “sang trang cuộc đời” mà người ta lại lan truyền những câu cửa miệng như “không cần trình độ, chỉ cần trời độ” hay “kiếm tiền tỷ không khó, năm giờ chiều là có” mỗi độ chiều chiều.

Nhân dịp những ngày Tết cận kề, tay vừa mua một tờ vé số cầu may, tôi viết bài viết này để nhìn lại hành trình của xổ số tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ đầy “hỷ nổ ái ố” của nó với người Việt trong những thập kỷ qua.

Lịch sử xổ số Việt Nam 

Khái niệm về xổ số hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi đó, các tổ chức như trường học hay nhà thờ cần xin phép chính quyền để phát hành các đợt vé xổ số nhỏ lẻ nhằm gây quỹ cho hoạt động của mình.

Quảng cáo xổ số của viện Đông Dương học xá trên báo Hà thành Ngọ báo (1933)
Nguồn ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Chẳng hạn, trong quá trình trùng tu nhà thờ lớn Hà Nội bằng gạch, Tổng Giám mục đã đề nghị chính quyền bảo hộ Pháp cho phép tổ chức xổ số để huy động kinh phí. Sau hai lần bị từ chối, ông mới được chấp thuận và lần lượt mở hai đợt xổ số vào các năm 1883 và 1886, thu về khoảng 30.000 franc Pháp.

Đến năm 1902, tại Hội đấu xảo Hà Nội được tổ chức ở Cung đấu xảo, ban tổ chức lần đầu thử nghiệm hình thức xổ số vui chơi có thưởng. Kể từ đó, trong các kỳ đấu xảo những năm sau, việc phát hành xổ số trở thành hoạt động thường kỳ, số tiền thu được được sử dụng cho các mục đích xã hội.

Quảng cáo xổ số Đông Dương ở Hà Nội. Nguồn ảnh: trang Facebook France Indochine.

Xổ số chỉ thực sự được tổ chức trên quy mô lớn từ năm 1935 với sự ra đời của Loterie Indochinoise (vé số Đông Dương) do chính quyền Pháp phát hành trên ba lãnh thổ: Việt Nam, Campuchia và Lào. Là thủ đô của Liên bang Đông Dương, Hà Nội được chọn làm nơi quay số mở thưởng. Ban đầu, xổ số được tổ chức hạn chế, mỗi năm chỉ diễn ra một lần, với giá vé là 1 đồng bạc Đông Dương. Giải thưởng cao nhất lên đến 1 vạn đồng bạc, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó, cùng với các giải phụ dành cho những người trúng thưởng.

Xổ số Đông Dương. Nguồn ảnh: trang Facebook France Indochine.

Do được phát hành trên phạm vi xuyên biên giới, thông tin trên vé được trình bày bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Khmer. Thiết kế trên vé thường mang hình ảnh các công trình kiến trúc đặc trưng hoặc nhân vật văn hóa tiêu biểu của các nước thuộc địa. Nhờ sức mua gia tăng đáng kể, tần suất phát hành sau đó được nâng lên bốn lần mỗi năm, cho đến khi chấm dứt vào năm 1944 do bối cảnh chính trị bất ổn dưới thời phát xít Nhật.

Mặt sau của một tờ vé số Đông Dương. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Sau năm 1945, đất nước bị chia cắt thành hai miền với hai thể chế chính trị, nhưng xổ số vẫn tồn tại như một điểm giao thoa kỳ lạ. Dù cơ cấu giải thưởng và cách thức tổ chức khác nhau, cả miền Nam và miền Bắc đều sử dụng vé số như một công cụ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong những bối cảnh kinh tế, xã hội riêng biệt. Cũng chính từ đây mà khái niệm “xổ số kiến thiết,” tức xổ số nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng, ra đời.

Thư từ dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại được đóng dấu kêu gọi mua xổ số. Nguồn ảnh: Society of Indo-China Philatelists.

Tại miền Nam, vé số xuất hiện trở lại vào năm 1951, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại. Ban đầu, loại hình này phục vụ chủ yếu cho tầng lớp thượng lưu. Vé được phát hành mỗi quý một lần với giá 10 đồng, giải thưởng độc đắc lên đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, xổ số trở nên phổ biến hơn, không còn giới hạn trong một nhóm nhỏ mà mở rộng ra các tầng lớp khác.

Xổ sổ miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Nguồn ảnh: chuyenxua.net

Để khuyến khích người dân tham gia, chính quyền miền Nam đã áp dụng nhiều biện pháp từ sáng tác nhạc cổ động, đến cho phép dùng vé số để thay tiền phạt hành chính. Mỗi tuần, sự kiện quay số còn được tổ chức trang trọng tại rạp hát Norodom, có các tiết mục tân nhạc và sự góp mặt của những ca sĩ nổi tiếng.

Ca khúc "Xổ số kiến thiết quốc gia" của nghệ sĩ Trần Văn Trạch.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, xổ số phải cạnh tranh với những trò chơi cá cược như số đề — vốn thu hút người nghèo nhờ mức đặt cược thấp, chỉ từ 1-2 đồng, và thời gian biết kết quả nhanh chóng.

Đến năm 1955, khi hai tụ điểm cá cược lớn là sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới bị đóng cửa, người dân không còn lựa chọn khác để tìm vận may. Từ đó, vé số bán chạy đến mức xuất hiện tình trạng đầu cơ, buôn bán chợ đen. Một tờ vé số chính thức có giá 10 đồng, nhưng trong những năm khan hiếm như 1963, người dân đã phải mua với giá chợ đen lên tới 13 đồng. Ngoài ra, vé số Tombola — do các trường học, tổ chức tôn giáo và tư nhân phát hành — cũng khá phổ biến với giải thưởng thường là hiện vật như xe đạp, máy may, hoặc nhu yếu phẩm thiết thực.

Nguồn ảnh: trang Facebook Lớp Học Vui Vẻ.

Trái ngược với mô hình xen lẫn tính giải trí như ở miền Nam, xổ số miền Bắc ra đời năm 1962 với chủ trương rất rõ ràng từ trung ương: xây dựng cơ sở hạ tầng miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Giá vé ở mức 2 hào với các giải thưởng có giá trị cao như xe máy Simson hay xe đạp Phượng Hoàng — những tài sản đáng mơ ước với người dân thời “bao cấp.”

Bố cục của vé số miền Bắc ở giai đoạn này chịu ảnh hưởng của vé số Liên Xô. Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong.

Hoạt động phân phối vé số ở miền Bắc không dựa vào thị trường tự do, mà được tổ chức theo cách thức tập trung hơn. Vé được bán tại quầy đại lý và còn được phân phối trực tiếp đến các cơ quan, xí nghiệp để cán bộ, công nhân viên mua. Công tác quay thưởng diễn ra tại câu lạc bộ Đoàn Kết dưới sự giám sát của cả cơ quan chức năng.

Một cựu binh chia sẻ về cơn sốt vé số ở thủ đô lúc bấy giờ: “Đầu tiên là việc đi nhặt xổ số mỗi buổi chiều, nơi quay xổ số ngày ấy ở gần nhà hát lớn Hà Nội, độc đắc đâu thì không thấy, chỉ thấy vé số không trúng thưởng bay đầy vỉa hè tựa như lá sấu chiều mưa. Và chúng tôi thi nhau nhặt, mỗi ngày mỗi đứa cũng nhặt được chừng vài trăm tờ. Khi lượng vé số đã lên tới vài cân thì cũng vào khoảng gần ngày ông Táo về trời [...]” Dân chúng cuồng xổ số đến mức những ai không có tiền mua cũng ra nhặt vé như một biểu hiện của “hội chứng sợ bỏ lỡ.”

Bộ phim Người Cầu May châm biến thực trạng "nghiện" vé số lúc bấy giờ.

Triển khai nghiêm ngặt nhưng hệ thống xổ số miền Bắc cũng kéo theo một số hệ lụy tiêu cực như ở miền Nam. Trong bối cảnh kinh tế trình trệ, mọi mặt hàng đều được kiểm soát chặt chẽ bằng tem phiếu, xổ số nổi lên như một trong số ít loại hình tiêu dùng tự do — sự tự do ấy khiến một bộ phận người dân xem đây là "tấm vé" thoát nghèo và biến nhiều người con bạc bất đắc dĩ.

Bộ phim Người Cầu May của đạo diễn Tự Huy châm biếm hiện thực này qua nhân vật Khiển, một cán bộ về hưu mơ ước trúng xổ số độc đắc. Càng chơi, ông càng thua lỗ, nhưng vẫn không ngừng ám ảnh với những con số, đến mức đuổi theo đoàn xe đám ma để tìm cho đúng con số trời cho.

Xổ số nói gì về xã hội chúng ta?

Hậu thống nhất, hệ thống xổ số kiến thiết cả nước cũng được gộp chung lại thành một, với ba đơn vị chính đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam. Từ đó đến nay, cục diện xổ số Việt Nam đã có nhiều thay đổi để đồng hành với những biến chuyển của xã hội.

Hãy thử quay về thập niên 80, khi ảnh hưởng từ giai đoạn cấm vận khiến việc mua sắm hàng hóa nhập khẩu là một điều vô cùng xa xỉ. Do đó, các đơn vị xổ số đã tạo thêm điều khoản “đặc quyền” dành cho ai trúng giải đặc biệt: họ được mua các mặt hàng ngoại nhập như tivi cát-sét, tủ lạnh,... với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường. Một giải thưởng cực kỳ được săn đón ngày ấy là chiếc xe Honda Super Cub 90, có giá trị lên đến 10 cây vàng, tương đương một căn hộ tập thể rộng 24m² ở Hà Nội thời bấy giờ. Được in lên các tờ vé số để thu hút người mua, chiếc xe này từ đó được toàn dân gọi là xe Honda DD, tức Honda “độc đắc.”

Xổ số với giải thưởng là hàng ngoại nhập (1987). Nguồn ảnh: Báo Giao Thông.

Thật khó có thể tượng tưởng một cơ cấu giải thưởng như vậy trong bối cảnh thương mại hiện tại, bởi chiếc xe máy cao cấp nhất cũng không thể nào so bì được với giá tiền của một căn hộ phố. Bây giờ, vé số được phát hành nhiều hơn, thường xuyên hơn, giải thưởng được ấn định bằng giá trị tiền mặt, người ta cũng không cần phải ngồi canh tivi, loa đài mà có thể dễ dàng lướt điện thoại để biết kết quả xổ sổ bất cứ lúc nào.

Nhìn lại, có lẽ thứ duy nhất chẳng thay đổi mấy là chính là mối quan hệ phức tạp của người Việt với xổ số. Thời nào cũng vậy, những tấm vé nhỏ bé là con dao hai lưỡi — không ít trường hợp dành dụm cả gia sản mua vé sổ để rồi lâm vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát; song chúng cũng mang theo hy vọng, niềm tin về một tương lai tương sáng hơn cho cả người bán lẫn người mua.

Một tờ vé số đặc biệt được in vài ngày trước ngày thống nhất đất nước.
Kỳ xổ số này không bao giờ được quay mở. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Nhưng lớn hơn cả vận mệnh của mỗi cá nhân, tôi cho rằng vai trò bất ngờ nhất của xổ số chính là trở thành một phương tiện ghi dấu dòng chảy lịch sử đất nước — một lát cắt của đời sống, một hơi thở của thời đại, gói ghém vừa vặn trong một mảnh giấy, gói ghém vừa vặn trong một mảnh giấy giờ đây gấp gọn trong túi áo mỗi người.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

Linh Phạm

in Văn Hóa

Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Điều gì tạo nên danh tính văn hóa của một quốc gia?

in Văn Hóa

Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An

Ở tuổi 90, cụ ông tóc đã bạc phơ, thế mà khi nói về những chiếc đèn lồng, giọng vẫn hào sảng và mắt sáng rực hy vọng. Nhờ công thức đèn lồng gấp gọn của cụ Huỳnh Văn Ba, món đồ thủ công mang đậm hơi t...

in Văn Hóa

Dấu ấn trăm năm của nghề làm quạt truyền thống làng Chàng Sơn

Một ngày hè, tôi ra vùng ngoại thành Hà Nội về với huyện Thạch Thất. Con đường làng hai bên là cánh đồng lúa đang độ xanh đưa tôi đến làng Chàng Sơn.