Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Đặc sắc lễ hội đua ghe ngo — hơi thở tâm linh của cộng đồng Khmer Sóc Trăng

Đến với Sóc Trăng vào một ngày tháng 10 oi nóng, chúng tôi còn đang phân vân không biết khám phá gì tại xứ sở chùa vàng của Việt Nam, thì anh chủ homestay nhiệt tình rủ đi giải nhiệt bên dòng sông Maspéro. Và từ đó, chúng tôi được hòa mình vào một nhịp sống đặc biệt chỉ diễn ra một lần trong năm của vùng đất này: đua ghe ngo.

Trong phố…

Khoảng 5h chiều bên bờ sông Maspéro, không khí bỗng trở nên nhộn nhịp khi những thanh niên từ khắp nơi tụ về. Họ í ới gọi nhau bằng tiếng Khmer — thứ ngôn ngữ xa lạ với tôi và hai người bạn nhiếp ảnh gia người Đức. Đây là các vận động viên của chùa Sangker, những người sẽ tham gia tranh tài trong cuộc đua ghe ngo sắp tới.

5h chiều bên sông Maspéro.

Lễ hội đua ghe ngo có nguồn gốc từ hoạt động quân sự ở xứ Ba Sắc (nay là Sóc Trăng) vào năm 1528. Lúc đó, một vị lãnh chúa đã thành lập ba đội quân thủy chiến để diễn tập vào dịp lễ cúng trăng, trong đó có hai đội sử dụng thuyền giống ghe ngo ngày nay. Ban đầu, các cuộc diễn tập này nhằm bảo vệ vùng đất, nhưng sau thời gian, khi đất nước yên bình, hoạt động quân sự này chuyển thành một hoạt động văn hóa cộng đồng.

Đến năm 1888, chính quyền đã chính thức khôi phục hoạt động này và tổ chức vào dịp lễ Óoc Om Bóc — lễ cúng trăng của người Khmer. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người Khmer tổ chức lễ tạ ơn các vị thần như thần mặt trăng, thần đất, thần nước vì đã giúp đỡ mùa màng bội thu. Theo thời gian, lễ đua ghe ngo đã trở thành một phần quan trọng trong lễ hội Óoc Om Bóc, vừa mang giá trị tỏ lòng biết ơn đến thiên nhiên vừa là dịp để mọi người tề tựu, vui chơi.

Toàn đội hình xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 50 người và cùng nhau khởi động trước khi xuống ghe.

Sau nửa giờ tập trung, đội hình hơn 100 người bắt đầu khởi động theo tiếng còi nhịp nhàng, tất cả đều nghiêm túc trong trang phục đồng nhất in tên chùa mà mình đại diện. Mỗi buổi tập chia thành hai nhóm luân phiên, với mỗi thuyền chứa khoảng 50 tay chèo, thực hiện 8–10 vòng xuôi ngược. Bên cạnh đội chính còn có đội hậu cần lo việc chuẩn bị bữa tối, may đồng phục, tiếp nước và chăm sóc y tế.

Mỗi chiếc ghe được lắp đặt 24 đến 27 thanh ngang, mỗi thanh vừa cho hai người ngồi, tổng thể có thể chứa từ 40 đến 60 người chèo và chỉ huy. Điểm đặc biệt là luôn có ba vị trí điều khiển chính: người ngồi mũi phụ trách phần tâm linh và chỉ đạo kỹ thuật tổng thể, người ngồi giữa và cuối ghe có nhiệm vụ thổi còi điều chỉnh nhịp bơi.

Khi con nước lên cũng chính là lúc ghe ngo thuận dòng được mang đến đúng vị trí đội hình luyện tập. Một nhà sư bắc loa lên điểm danh từng tay chèo sẽ xuống ghe cho đợt luyện tập đầu tiên. Không ai bảo ai, người sắp xếp mái chèo, người bắc thang, tay này dìu dắt tay kia xuống ghe.

Khi ghe đến, nhóm đầu tiên sẽ xuống và luyện tập trước trong nhóm còn lại dõi theo cổ vũ trên bờ.

Khoảnh khắc tiếng còi vang lên, mái chèo đồng loạt đập xuống mặt nước, tạo nên những đợt sóng bọt trắng xóa đập vào mạn thuyền. Trên bờ, đội cổ vũ đánh trống không ngừng, hòa quyện với tiếng reo hò của đám trẻ và tiếng hô nhịp của người chỉ huy trên ghe. Các đội thuộc những ngôi chùa trong trung tâm thành phố có được lợi thế đặc biệt khi được luyện tập ngay trên dòng sông Maspéro — nơi sẽ diễn ra cuộc đua chính thức. Nhờ đó, họ có thể cảm nhận được nhịp độ dòng chảy để phân bố lực một cách hiệu quả.

Đoàn ghe từ xa nhìn như một con rắn khổng lồ trên mặt nước.

Các vị sư là những thủ lĩnh tinh thần của từng đội đua.

Cứ thế, họ mải miết đi từ đầu sông đến cuối sông rồi quay đầu, mỗi lượt đi-về sẽ nghỉ ngơi độ chừng 5–10 phút sau đó lại tiếp tục lượt đi-về mới; đội hình đầu tiên sẽ luyện tập trong tầm 2–3 lượt và sau đó lên bờ thay phiên cho đội hình thứ 2. Khi trời sập tối cũng chính là lúc các tay chèo lên bờ và cùng nhau dùng bữa. Bữa ăn cũng chỉ đạm bạc có hôm là mì gói và trứng, hôm thì cháo trắng và muối giản đơn. Theo Hoàng Tín, một tay chèo trẻ chia sẻ: “Tuy ăn đạm bạc vì điều kiện kinh tế có hạn nhưng chưa bữa ăn nào không vui vì tinh thần.” Dùng bữa xong, từng người một ra về với lời í ới hẹn nhau ngày mai lại luyện tập.

Tiếng trống và hò reo cổ vũ vang không ngớt từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc luyện tập.

Nụ cười sảng khoái sau một ngày luyện tập hết mình của các tay chèo.

Tò mò về những chiếc ghe ngo rực rỡ sắc màu và muốn tìm hiểu cách luyện tập của các đội ở xa sông nước, chúng tôi quyết định đến thăm huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố khoảng nửa giờ đi xe.

Ngoài huyện…

Sau một ngày tản mạn trong các phum sóc (xóm, làng) trải nghiệm đời sống dân dã của bà con Khmer, đúng 5h chiều, chúng tôi bị cuốn theo dòng người đến chùa Phnoroka để tập đua ghe. Vừa bước đến cổng chùa, phía bên tay phải của chúng tôi là một nhà xưởng rộng rãi với 2 chiếc ghe, 1 đã hoàn thiện và 1 đang dở dang.

May mắn thay, chúng tôi được chứng kiến những công đoạn cuối cùng trong việc đóng một chiếc ghe ngo mới. Theo các thợ mộc giàu kinh nghiệm, ghe ngo ngày xưa được làm từ một thân cây khoét ruột nguyên khối. Nhưng ngày nay, do khó tìm được những thân cây sao đủ to và dài, người Khmer đã chuyển sang kỹ thuật ghép ván, một phương pháp đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ không kém.

Bên trong xưởng làm ghe ngo của chùa Phnoroka.

Chiếc ghe ngo không đơn thuần là một phương tiện đua tài, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và danh dự. Mỗi chiếc ghe đại diện cho một ngôi chùa và cả cộng đồng phum sóc (xóm, làng) người Khmer. Vì thế, mỗi cuộc đua không chỉ là cuộc tranh tài giữa các tay chèo, mà còn là sự so tài giữa các ngôi chùa, là nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của cả một vùng đất. Chiến thắng của ghe ngo không chỉ mang lại vinh quang cho đội đua mà còn làm rạng danh cả một cộng đồng.

Loanh quanh trong xưởng một lúc lâu, chúng tôi hỏi người dân xung quanh rằng gần đây không có sông thì làm sao có thể luyện tập. Ngay lập tức, họ dắt chúng tôi men theo một lối nhỏ bên hông xưởng để vòng ra sau chùa. Một hồ nước lớn hiện ra với 2 bộ khung ghe như bộ khung xương của một loài cá lớn đang nằm im lìm trên mặt nước. Nếu không thể luyện tập trên một dòng sông thì đây là một giải pháp thay thế.

Họ là những vận động viên nghiệp dư nhưng đầy kỷ luật khi không bao giờ bỏ qua phần khởi động.

Các tay chèo lần lượt ngồi vào vị trí và tiến hành chèo theo động lệnh. Khác với ngày hôm qua khi xem luyện tập trên sông Maspéro, hôm nay chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt từng động tác, cơ bắp của họ được hiển lộ, mồ hôi hòa lẫn với bọt nước trắng tung tóe nhưng không một ai than vãn hoặc rời vị trí. Nhìn cách mà mỗi người nỗ lực đến tiếng còi cuối cùng cũng đủ cho chúng tôi hiểu ý chí, lòng quyết tâm cao độ vì “màu cờ sắc áo” của họ.

Người chỉ huy nhịp nhàng thổi còi hiệu, tay không ngừng cử động nhịp nhàng để bắt nhịp cho các tay chèo.

Thế giới tâm linh của ghe ngo

Việc chọn biểu tượng ghe ngo cũng liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của mỗi chùa. Mỗi chiếc ghe là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh. Biểu tượng trang trí trên ghe không chỉ thể hiện bản sắc của từng ngôi chùa mà còn ẩn chứa những ý nghĩa thiêng liêng. Thường thấy nhất là hình tượng những loài vật biểu trưng cho sức mạnh và tốc độ: rắn thần Naga uyển chuyển lượn sóng hai bên thân ghe, Rồng (Neak) oai nghiêm, Hổ (Khla) dũng mãnh, Voi (Đom Rây) hùng tráng, hay Sư tử (Reach Cha Sây) uy vệ. Đặc biệt, mỗi chiếc ghe còn được bảo hộ bởi các vị thần như Srey Khmav, Konseng Sorya, Kontong Khiev.

Đội của chùa Phnoroka chọn bạch hổ làm linh vật cho ghe của mình.

Để tạo nên một chiếc ghe ngo vừa bền vững vừa nhanh nhẹn, người Khmer khéo léo ghép từng mảnh ván và gia cố bằng “cây cần câu” — một hoặc hai cây gỗ sao cứng cáp đường kính khoảng 0,2m được cột chặt vào giữa ghe. Những cây gỗ này không chỉ đóng vai trò như đòn bẩy giúp ghe lướt nhanh mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Việc lắp đặt chúng phải được thực hiện vào giờ lành, bởi những người thợ khỏe mạnh, đạo đức và am hiểu về ghe ngo. Thông thường việc nối hai cây này vào ghe được tiến hành vào giờ tốt, có thể cùng ngày với lễ xuống ghe (hạ thủy), người nối cũng phải là người khỏe mạnh, có đạo đức và sự am hiểu về văn hóa.

Điểm nhấn ấn tượng nhất trên mỗi chiếc ghe là đôi mắt được chạm nổi bằng gỗ ở hai bên đầu ghe. Theo Lĩnh Nam chích quái, đôi mắt này không chỉ để xua đuổi thủy quái, mà còn giúp ghe “nhìn thấy đường” và tránh được hiểm nguy. Nghệ thuật tạo hình này, tương tự như trên những chiếc ghe trong lễ hội nước ở hồ Tonlé Sap (Campuchia), làm cho ghe ngo trở nên sinh động và linh thiêng.

Mâm lễ vật dâng thần linh.

Lễ hạ thủy là nghi thức quan trọng đánh dấu sự ra đời của một chiếc ghe ngo. Trung tâm của buổi lễ là Slath thor, vật phẩm cúng được làm từ quả dừa (Slath thor Đôn) hoặc thân cây chuối (Slathor Chek), được cắm nhang và nến. Thầy cúng cẩn thận đặt Slath thor dọc hai bên ghe, tại vị trí của các tay chèo. Những mâm lễ vật gồm bánh trái, đầu heo hoặc gà vịt được trang trọng bày biện ở đầu ghe, giữa ghe và mũi ghe. Khi giờ lành điểm, vị sư cả hoặc người đứng đầu ban quản trị chùa sẽ chủ trì buổi lễ, thành tâm khấn nguyện các vị thần bảo hộ. Trong không khí trang nghiêm, vị sư cả cầm bình bát nước thơm từ sáp hoa, đi một vòng quanh ghe vẩy nước thanh tịnh, cầu bình an và sức mạnh cho các tay chèo đang đứng vòng quanh.

Tiếp đến là nghi thức cúng đầu ghe với phần trình diễn âm nhạc đặc sắc. Dàn nhạc lễ gồm 5–7 người, sử dụng các nhạc cụ truyền thống như Khưm, Cha pây Đon veng, sáo, trống dặm, đàn cò, đàn nhị và cồng. Ba đến năm bản nhạc cúng được trình tấu trước khi bước vào phần hát lễ. Các bài hát được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt: Sene Kru (cúng bề trên), Chom riêng berk both Tuk Ngua (khúc mở đầu) và Run Tua (hát theo dàn), với lời ca phù hợp với biểu tượng thiêng của từng phum sóc.

Chi tiết hoa văn độc đáo trên ghe ngo. Ảnh: Trần Trung Nhân qua báo Thanh Niên.

Trong quan niệm của người Khmer, mỗi chiếc ghe đều có vị thần hộ mệnh riêng, không chỉ định đoạt sức mạnh của ghe mà còn bảo vệ an toàn cho các tay chèo. Niềm tin này thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa con người với thế giới tâm linh trong văn hóa Khmer. Ghe ngo, vì thế, trở thành vật thiêng chỉ dùng trong thi đấu, và mọi hoạt động liên quan đều phải được thực hiện theo nghi lễ cầu xin phù hợp — từ lễ xin cây trong rừng, lễ khởi công cho đến lễ khánh thành và đưa ghe về nhà ghe.

Và rồi, cuộc đua bắt đầu và tìm ra người chiến thắng trong vài giờ ngắn ngủi thế nhưng cái bầu không khí nôn nao từ vài tháng chuẩn bị trước đó mới khiến cho vùng đất này càng thêm sống động. Chúng tôi đến Sóc Trăng với tâm thế của những người lữ khách không định hướng, nhưng ra về với sự vấn vương dang dở và lời hứa hẹn quay lại vào mỗi độ tháng Mười. Khi những cơn mưa cuối mùa nhường chỗ cho nắng hanh vàng, khi vầng trăng dần tròn đầy và nước sông dâng cao, cũng là lúc cả vùng đất này sống trong sự phấn khích từ những xóm làng nhỏ bé đến phố thị nhộn nhịp. Tất cả hoà chung một nhịp đập, hướng về dòng sông thiêng nơi từng chiếc ghe chở hy vọng và niềm tin của bà con Khmer sẽ tề tựu.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Rực rỡ sắc màu lễ hội Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Là truyền thống đặc sắc từ xa xưa của cộng đồng người Chăm, lễ hội Katê được công nhận bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.

in Văn Hóa

Tết Thanh Minh, người Dao Chàm Quản Bạ xuống suối bắt cá dâng lên tổ tiên

Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng...

in Văn Hóa

Gia đình 3 thế hệ giữ hồn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế

Nằm ở miền Trung, mảnh đất cố đô Huế là cái nôi của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Ẩn hiện trong từng sản phẩm là những đường nét mộc mạc, thanh thoát mang đậm dấu ấn tâm hồn người nơi đây. Tro...