Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Lắng nghe hồn quê Nam Bộ qua điệu đờn ca tài tử miệt vườn

Lắng nghe hồn quê Nam Bộ qua điệu đờn ca tài tử miệt vườn

“Không phải là điều gì xa lạ nhưng cũng vài năm không nghe lại, giờ vô tình bắt gặp cảnh quê làm tôi thấy mê cái điệu đờn ca tài tử của miền Tây mình vô cùng.”

Đó là một buổi chiều tà, tía chèo xuồng chở tôi đi thăm ruộng dừa ở phía bên kia sông, nằm khuất trong mấy con rạch nhỏ. Thỉnh thoảng cha tôi vẫn thích chèo ghe thay vì đi xe, dù giao thông đã thuận lợi hơn hồi đó rất nhiều, vì cảnh sông nước hữu tình mà bình yên lắm. Vô tình, dưới hàng bần xanh xen trong đám dừa nước cạnh bờ sông, chúng tôi bắt gặp cảnh đờn ca tài tử trên ghe. Những con người đậm chất Nam Bộ nhâm nhi ly rượu đế giữa miệt sông nước, với những món dân dã; rồi ca mấy bài ca đã quen, đã thuộc nằm lòng, làm tôi thấy khoái cái điệu hò, điệu đờn của thú vui này lắm.

Thế là tôi, một đứa con của miền Tây sông nước, chắc đã nghe đờn ca tài tử từ trong bụng mẹ, giờ phải hỏi thăm, phải nghe kể nhiều chuyện từ những người lớn để hiểu về loại hình văn nghệ độc đáo này.

Đờn ca tài tử trong lối sống Nam Bộ. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Lâu thật lâu hồi đó, đờn ca tài tử ra đời

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của miệt vườn sông nước phương Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, được giới bình dân tìm tòi sáng tác và trình diễn sau những giờ lao động vất vả.

Theo những thông tin từ thuở sơ khai được bà con đất phương Nam kể lại, đờn ca tài tử bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc của các tỉnh Nam Trung Bộ. Các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn khi phong trào Cần Vương tiến vào Nam đã đem truyền thống ca Huế vào vùng Nam Bộ. Từ đó, những “ngón đờn” điêu luyện của nghệ nhân đã ăn sâu vào máu thịt người dân nơi đây.

Âm sắc của đờn ca tài tử mang nét đặc trưng riêng, không hòa lẫn với bất kỳ loại hình âm nhạc nào khác. Đi kèm với đó là ngôn ngữ dân dã, thấm đượm sắc thái địa phương, góp phần nghệ thuật hóa nét mộc mạc, giản dị của tiếng Nam Bộ, làm bật lên vẻ trữ tình độc đáo. Thời kỳ sơ khai, đờn ca tài tử chủ yếu được trình diễn bởi ban nhạc gồm bộ tứ tuyệt, bao gồm bốn loại đàn: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Tuy nhiên, về sau, với sự cách tân, bộ tứ này không còn luôn xuất hiện cùng nhau trong mọi buổi diễn. Tùy vào hoàn cảnh, số lượng nhạc cụ có thể được điều chỉnh, và đàn bầu đôi khi được thay thế bằng guitar phím lõm.

Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Đến đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử trở thành một phong trào ca nhạc phổ thông tại miền Nam, nhất là tại các địa phương như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Mỹ Tho, Sài Gòn, v.v. Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam Bộ. Đến thập niên cuối thế kỷ XIX, ông Lê Tài Khí, với tên thường gọi Nhạc Khị, là người đầu tiên đứng ra thành lập Ban cổ nhạc Bạc Liêu.

Ông đã ra công hiệu đính, hệ thống hai mươi bản tổ, phân chia các bản nhạc cổ của đờn ca tài tử làm bốn loại: Sáu Bắc, Ba Nam, Bốn Oán, Bảy Bài. Ông còn sáng tác những bản mới, bốn bản: ‘Ngự giá đăng lâu,’ ‘Minh hoàng thưởng nguyệt,’ ‘Phò mã giao duyên,’ và ‘Ái tử kê’ của ông đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Tứ Bửu (bốn món báu vật) của đờn ca tài tử.

‘Dạ cổ hoài lang’ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thể hiện bởi nhạc sư Ba Tu và nghệ sĩ Bích Phượng.

Trong rất nhiều loạt bản nhạc khác nhau, ‘Dạ cổ hoài lang’ của Cao Văn Lầu như một điểm sáng trứ danh. Như nhà nghiên cứu Phan Thanh Nhàn đã nói: “Nó đã đi vào cuộc sống nhân quần như một tất yếu của nghệ thuật. Nó trong sáng, bình dị lạ thường. Nó đã và đang xâm thực vào hồn người và ở đó nó đã mọc rễ... Ở thế kỷ này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã dành cho thế hệ người Việt đương đại ‘Dạ cổ hoài lang.’ Khúc nhạc ấy đã cắm một cột mốc vào lịch sử và phát sáng như một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.” Từ miệt vườn cây trái hay đồng nước mênh mông, người Nam bộ từ trẻ đến già đều có thể hát vài câu trong bài ‘Dạ cổ hoài lang.’

Nhạc cụ đờn ca tài tử. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Tại quê hương tôi, đờn ca tài tử thường được thực hành trong các nhóm nhỏ, câu lạc bộ hoặc gia đình. Khác với độc tấu, hình thức phổ biến là song tấu, tam tấu hoặc hòa tấu. Dàn nhạc thường quây quần trên bộ ván hoặc chiếu, trong khi người ca có thể trình diễn theo bản gốc cố định hoặc sáng tạo thêm vào lời ca.

Học đờn ca tài tử không phải quá khó, nhưng để thành thạo thì cần sự kiên trì. Tôi vẫn có thể hát được vài bài quen thuộc, nếu được hướng dẫn về nhịp và cách luyến láy. Tuy nhiên, để theo đuổi bộ môn này một cách bài bản, người nghệ sĩ cần ít nhất 3 năm rèn luyện những kỹ thuật cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp, v.v. Cùng với đó là học cách biểu diễn độc chiếc, tam tấu, tứ tấu hay ngũ tấu với các loại nhạc cụ khác nhau.

Người học ca, dù đơn ca hay song ca, cần nắm vững các bài bản truyền thống trước khi sáng tạo thêm những nhấn nhá, luyến láy tinh tế, sao cho vừa giữ được hồn bài gốc, vừa tạo được nét riêng.

Từ làng quê ra thế giới

Đờn ca tài tử từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. Tiếng đờn, tiếng ca được cất lên từ các sân khấu khác nhau — trong các lễ hội linh đình, trang trọng đến những không gian bình dân, dưới những gốc dừa hay trên những con đò — một cách rất ngẫu hứng.

Bước sang thế kỷ 20, đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Loại hình nghệ thuật này kế thừa âm điệu của nhạc tuồng Bắc, nhạc cung đình Huế và nhạc lễ Nam Bộ, tạo nên sự đa dạng nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt. Có lẽ chính vì thế, đờn ca tài tử như một dòng chảy gắn liền với lịch sử di cư của người Việt từ Bắc vào Nam, dễ dàng dung hòa với âm nhạc vùng miền nơi nó đặt chân đến.

Sự xuất hiện của các danh ca nổi tiếng cũng góp phần làm đờn ca tài tử thêm sức sống. Trong đó, những nữ nghệ nhân như NNƯT Thanh Tuyết, NNƯT Kim Thanh và Ngọc Đặng, với giọng ca với giọng ca giàu cảm xúc, đã chinh phục khán giả qua nhiều thế hệ. Giọng hát của họ không chỉ bảo tồn mà còn tôn vinh giá trị của dòng nhạc Nam Bộ, đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến gần hơn với công chúng cả nước.

Nhạc tài tử được trình diễn lần đầu tiên tại Pháp năm 1900 trên sân khấu Nhà hát Đông Dương trong Hội chợ Thế giới Paris.
Cléo de Merode múa ở giữa, bên phải là ban nhạc tài tử. Nguồn ảnh: Parisen Images.

Không chỉ nổi danh trong nước, vào khoảng hơn 100 năm trước đã xuất hiện trên sân khấu Paris và Marseille (Pháp). Nhóm đờn ca tài tử do ông Nguyễn Tống Triều làm trưởng nhóm sang Pháp dự Hội chợ thế giới Paris năm 1900. Ở đó, ban nhạc của những người An Nam này đã đệm ‘Vũ khúc Đông Dương’ cho vũ công Cléo de Mérode múa. Sau Hội chợ thế giới Paris, đoàn tài tử Mỹ Tho của ông Nguyễn Tống Triều còn được mời sang Pháp biểu diễn tại Hội chợ thuộc địa 1906 (Marseille) và cũng gặt hái được những thành công vang dội.

Sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử được giữ gìn và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp bởi người dân và các nghệ sĩ, nghệ nhân. Các địa phương ở Nam Bộ từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh, thành đang có nhiều cố gắng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhiều câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử được thành lập. Các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử thường xuyên được tổ chức. Festival đờn ca tài tử hiện được tổ chức luân phiên ở 21 tỉnh thành phía Nam, là sân chơi cho các tỉnh, thành giao lưu, trao đổi và học hỏi. Đờn ca tài tử còn gắn liền với phát triển du lịch ở miền Tây.

Doodle tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử của Google ngày 5/12/2023 nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO
công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nguồn ảnh: Google Doodle.

Có lẽ bởi trong đờn ca tài tử, ta bắt gặp đủ loại tình cảm thiêng liêng: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái, tình bạn tri kỷ, và cả tình anh em máu mủ ruột rà. Ca từ và nhạc điệu, giữa người ca và người đờn, như hòa quyện vào nhau, khiến những ai đã trót yêu mảnh đất miền Tây cũng phải thấm thía. Với tôi, những câu chuyện vui hồi nhỏ ngồi nghe ông nội hát đơn ca tài tử, theo ghe cha đi thăm ruộng bắt cá chài tôm, cảnh tượng bữa chiều quê với mâm nhậu dân dã cùng những người thân quen xóm giềng ngồi nhâm nhi vừa đờn ca, vừa nói chuyện thân tình đã đậm sâu trong ký ức.

Thời ấy làm gì có karaoke, cũng chẳng phải nhà nào cũng sắm đủ nhạc cụ. Vậy đó mà với cái chén đôi đũa, chiếc thùng nhựa là đủ để “ban nhạc miệt vườn” hoà tấu, cùng ca cùng hò sảng khoái. Với tôi đờn ca tài tử là một ngôn ngữ đậm đà nói lên tính cách người miền Tây hào sảng, chân chất. Ở đâu cũng có thể ca, dễ vui, dễ truyền và dễ tiếp chuyện nhau.

Bộ tem “Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.” Nguồn ảnh: viettimes.

Đờn ca tài tử giữa dòng chảy hiện đại

Chẳng dễ dàng để những giá trị truyền thống của đờn ca tài tử có thể hòa cùng nhịp điệu của thời đại mới. Nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận những điều tưởng chừng chỉ có thể sống cùng thế hệ trước vẫn đang len lỏi vào cuộc sống hiện đại.

Hiện nay nếu muốn học đờn ca tài tử, có rất nhiều chương trình bài bản với các giảng viên là nghệ sĩ có tâm và có tài. Chẳng hạn như đều đặn mỗi cuối tuần tại Trung tâm Văn hóa quận Ninh Kiều, các học viên lại đến lớp học miễn phí của Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng. Đây là lớp học khá đặc biệt với “biên độ tuổi” của học viên khá rộng, từ vài tuổi đến hơn 70 tuổi. Người học đến từ nhiều ngành nghề, độ tuổi — có người vì yêu thích, có người học để hỗ trợ công việc. Dẫu khác biệt về mục đích, họ đều chung niềm đam mê và tâm huyết với bộ môn này. Còn ở Sài Gòn, có Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với 2.000 nghệ sĩ gạo cội đang hoạt động tích để xây dựng điểm biểu diễn đờn ca tài tử định kỳ để phục vụ người dân và du khách.

Bản phối hiện đại của ca khúc ‘Dạ cổ hoài lang’ trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (2024).

Đáng chú ý, nhiều trường học cũng đưa đờn ca tài tử vào chương trình ngoại khóa để giới thiệu đến thế hệ trẻ. Như hoạt động học đờn ca tài tử của học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Trường Tây, Hòa Thành, Tây Ninh) là một ví dụ. Những lớp học này không chỉ giúp các em hiểu hơn về văn hóa dân tộc mà còn khơi dậy niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống. 

Cá nhân tôi từng xúc động khi xem những thước phim nói về đờn ca tài tử trong chương trình truyền hình thực tế 2 ngày 1 đêm mà mình luôn yêu thích. Những câu chuyện lịch sử, âm thanh quen thuộc của nét đặc sắc miền sông nước được tái hiện và trân trọng. Tất cả làm tôi càng tin rằng, dù ở những năm tháng hiện đại, nhiều dòng âm nhạc phù hợp với thị hiếu người trẻ xuất hiện, thì đờn ca tài tử vẫn sẽ tồn tại ở đó, trọn vẹn trong từng ca từ, thanh âm.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in Quãng 8

Ly Mí Cường, nghệ sĩ H'Mông đưa tiếng sáo từ bản làng đến sân khấu quốc tế

Ly Mí Cường (sinh năm 2005) hai lần mang cây sáo truyền thống H’Mông tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế và đều giành vị trí quán quân. Điểm tựa của Cường là văn hóa H’Mông, cội nguồn đã nuôi dưỡng tinh...

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An

Ở tuổi 90, cụ ông tóc đã bạc phơ, thế mà khi nói về những chiếc đèn lồng, giọng vẫn hào sảng và mắt sáng rực hy vọng. Nhờ công thức đèn lồng gấp gọn của cụ Huỳnh Văn Ba, món đồ thủ công mang đậm hơi t...

in Văn Hóa

Câu chuyện đa dạng văn hoá đất Việt qua 3 phiên bản 'Sọ Dừa' của người Kinh, Chăm, Raglai

Nếu điền giấy khai sinh cho Sọ Dừa, bạn sẽ ghi gì vào ô Dân tộc?