Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Hồi tưởng về văn hóa chợ quê xưa chân chất trong thời đại thương mại điện tử

Bền bỉ tồn tại trong cuộc sống thường nhật, những ngôi chợ quê cũ không đơn thuần chỉ là nơi mua bán, mà còn là những mảnh ghép khó phai về tuổi thơ, những vui vầy sắm sửa ngày lễ và cả những câu chuyện khó nhọc về kiếp mưu sinh của bao nhiêu mảnh đời. 

Dù là kiểu buôn bán “chất phố” hay là “rặc” phong cách của người vùng quê thì chợ nào cũng có những nếp văn hoá thật đẹp. Nhưng so với chợ Sài Gòn luôn nhộn nhịp với những gian hàng xum xuê, đầy đủ sản vật từ khắp mọi nơi quy về đất phố, thì chợ quê trong ký ức của tôi đượm chất dân dã và mộc mạc hơn biết bao.

Rời mảnh đất quê hương cũng đã mấy năm, chợ với tôi không còn là một hình ảnh quen thuộc mỗi ngày như hồi còn nhỏ, lẽo đẽo theo mẹ lựa bó rau, con cá nơi hàng quen của thím Ba, dì Bảy. Giờ đây khi những cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên khắp mọi nẻo đường, len lỏi về các ngóc ngách của quê hương, dường như sự sầm uất của chợ quê cũng đã bớt đi nhiều, nhưng ý nghĩa của nó đối với bao thế hệ thì vẫn còn đậm đà lắm.

Mỗi lần có dịp trở về nhà, sáng sớm tôi lại cùng mẹ trên con xe quen thuộc, ghé ăn một tô cháo lòng nóng hổi ở đầu chợ, rồi đi vòng khắp chợ quê để mua đủ mấy món ngon chỉ chợ quê mới có. 

Tôi nhớ hoài con đường đi học mấy năm cấp 1 cấp 2 đều đi ngang chợ làng, nên dường như tôi thuộc nằm lòng từng khu hàng quán bán món gì của ai. Đâu chỉ là tô cháo lòng, mà bánh bao, bánh mì, bánh đúc, bánh canh, chè ngọt, tàu hủ thơm — mấy vị ngon đó dễ gì mà tôi quên được. Chỉ là giờ đây chợ cũng khác xưa nhiều, có cô chú còn giữ hàng quán ngày xưa, có người cũng đã vắng bóng mấy năm, nên nếu có thèm thì chỉ có thể nhớ vậy thôi.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, chợ được định nghĩa là “nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày, buổi nhất định.” Nhưng xét diện mạo mới của chợ trong đời sống hiện này, có thể thấy tình hình thực tế đã vượt xa định nghĩa ở trên. Chợ có sự phát triển nhanh chóng từ lúc sơ khai, tự phát đến mức độ có tổ chức, quy mô và được kiểm soát bởi địa phương.

Chợ cũng đi vào nền văn học Việt, trở thành một đề tài diễn tả biết bao tâm trạng của con người. Như khi Nguyễn Trãi lắng nghe những thanh âm một đời sống hòa bình, no ấm của muôn dân, chợ đã xuất hiện: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ” (Bảo kính cảnh giới số 43). Hay sau này, Nguyễn Khuyến, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam đã như hoạ nên một bức tranh chợ Đồng, thể hiện tình cảm của ông với quê hương:

“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông
Hàng quán người về nghe xao xác
Nợ nần năm cũ hỏi lung tung.”

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ thì đã mở đầu bài thơ ‘Chợ Tết’ bằng những câu thơ ấm áp, đầy màu sắc:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.”

Qua đó cũng thấy được chợ truyền thống mang đậm nét văn hóa làng xã. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần, mà còn có sự giao lưu tình cảm gắn liền với các giá trị ứng xử trong văn hóa người Việt. Có lẽ vì thế mà khi đi du lịch, người ta sẽ thường ghé thăm chợ vì ngoài việc mua được sản vật địa phương còn là cách cảm nhận nền, nếp văn minh của địa phương đó, cốt cách đôn hậu của con người ở một vùng đất.

Mỗi dịp vài người bạn về quê tôi chơi, tôi nhất định phải dẫn đi trải nghiệm chợ quê, ngắm nghía hàng quán, sống cùng nhịp sống thường nhật, và ăn những món ăn đặc sản, dân dã khiến tụi nó dễ hình dung hơn về nơi tôi lớn lên. Khi được nhắc lại, tụi bạn tôi lại thèm tô cháo lòng nóng hổi đầu chợ.

Thế mới thấy muốn hiểu về một vùng đất dễ dàng hơn thì cứ đi chợ sẽ rõ. Không chỉ chợ quen ở quê, mà khi ghé thăm chợ ở nơi khác qua những lần du lịch, công tác, tôi đều bắt gặp những sản vật đậm phong vị vùng miền, bó rau rừng không rõ hết tên, giọt mật ong bạc hà núi đá, cái bánh bò thốt nốt, dĩa bánh tằm cay hay nắm xôi vò thơm mùi nước cốt dừa. Chợ như một tấm bản đồ ẩm thực thu nhỏ, gói trọn hết món ngon ở một vùng đất, dù bình dị nhưng lại rất đặc biệt.

Tất nhiên đã nhắc đến chợ thì người ta sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực nhưng với tôi thì có một điều cũng không thể không nhắc đến, đó là âm thanh chợ. Những thanh âm quen thuộc được tạo nên bởi ngôn ngữ đậm chất địa phương như một bản hợp âm vùng miền, sống động nhưng cũng đầy hối hả. Trong sự trộn lẫn âm thanh đó, lẫn cùng tiếng va đập chan chát, tiếng dao chặt thịt, tiếng cá quẫy mạnh trong thao, tiếng rao của người bán, tiếng mặc cả, trao đổi rộn ràng.

Mỗi ngày một buổi chợ nhưng dường như thứ âm thanh đó suốt mấy chục năm vẫn vậy, vẫn ồn ào, nhộn nhịp, và chỉ ngớt dần khi chợ sắp tan và dòng người cũng thưa thớt bớt. Chợ như một nơi hợp tình hợp ý để người ta hỏi thăm nhau, nói chuyện đồng áng, mời dự tiệc vui. Trong những lần đi chợ của tôi, chẳng bao giờ thiếu được tiếng gọi hỏi thăm của những cô chú bán hàng, mối quan hệ thân quen suốt mấy chục năm đâu chỉ vì chuyện buôn bán mà còn là cái tình quê chân chất, dễ thương.

Ngày nay, chợ quê đã phát triển rất nhiều so với trước, mẹ tôi kể cách đây mấy mươi năm chợ có quy mô rất nhỏ, thường chỉ vài mươi hộ buôn bán cố định, chợ rất mau tan, chiều tối vắng vẻ đìu hiu lắm. Vì hồi đấy đồng ruộng mênh mông, kênh rạch xa tít tắp, dăm độ nửa tuần mới đi chợ mua thêm đồ dùng cần thiết. Sau này khi giao thông thuận lợi thì đi chợ cũng trở thành một nếp sống quen thuộc hơn rất nhiều.

Nhưng theo nhịp sống hiện đại, trong nền kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, ai cũng hiểu rằng nếu không hội nhập và đổi mới thì rất dễ bị thay thế, nên để có thể giữ lại những ngôi chợ truyền thống, các địa phương cũng đã có cho mình những chuyển đổi trong mô hình phát triển chợ. Đặc biệt, các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống, khiến cho thị phần chợ ngày càng mất đi sự tồn tại vốn có.

Có lẽ vì thế, trong chừng mười năm trở lại đây, địa phương có nhiều hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư, quản lý thì phần lớn các chợ trên địa bàn được nâng cấp cơ sở hạ tầng xuống cấp, cần được cải tạo. Với lối sống quen thuộc đã gắn bó suốt mấy chục năm, thì mẹ tôi, bà tôi vui mừng nhiều khi thấy chợ được đổi mới, vì với họ dù có nhiều dịch vụ mua hàng hoá hiện đại, thì đi chợ vẫn là niềm vui, là thói quen khó bỏ, là điều chẳng thể nào thay thế được.

Ngoài ra việc thu hút khách du lịch cũng là cách giải quyết bài toán về lượng khách mua sụt giảm vừa giúp tiểu thương kinh doanh ổn định, “bám chợ-giữ nghề” vừa góp phần tạo thêm nhiều loại hình du lịch mới lạ cho địa phương. Giờ đây chợ không chỉ là để bán buôn mà còn là cách địa phương bảo tồn di sản bản địa. Như đi du lịch Mũi Né thì phải đi chợ làng chài ở Hòn Rơm; đi Sóc Trăng thì ghé chợ nổi Ngã Năm, hay qua Đà Lạt mà không ghé chợ Đà Lạt là hành trình chẳng mấy trọn vẹn.

Ngoài những hình thức chợ quen thuộc diễn ra hầu như mỗi ngày thì cũng có những loại hình chợ rất đặc biệt mỗi năm một lần. Như chợ Viềng Nam Định chỉ mở duy nhất vào đêm mùng 7 rạng sáng–mùng 8 tháng Giêng hàng năm, đón mọi người về chơi với ý nghĩa “mua may bán rủi.” Người Việt mình còn có loại hình chợ phiên được họp theo tuần, theo tháng, hoặc theo quý. Mỗi chợ phiên như thế có thể có những mặt hàng đặc sản riêng biệt ở vùng miền, tạo nên một không gian văn hoá đầy tính cộng đồng hiếm có.

Chợ làng chài Mũi Né. Ảnh: Dân Trí.

(Trái) Chợ Viềng Nam Định. Ảnh: Dân Trí. (Phải) Chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng. Ảnh: Alberto Prieto.

Dù chợ lớn chợ nhỏ, dù là nổi tiếng cỡ biểu tượng một vùng đất, hay đơn giản chỉ là nơi bà con tụ họp rồi bán buôn, thì chợ nào cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị thấm sâu vào ký ức. Cứ vậy đó, mỗi thời một kiểu chợ, mỗi vùng miền lại họp chợ theo một hình thức khác nhau, nhưng chỉ cần là chợ quê mình, là những điều đã theo mình lớn, đã nuôi dưỡng tâm hồn mình thì lúc nào cũng ẩn chứa muôn điều thú vị.

Tôi luôn tin rằng dù cho có nhiều loại hình mua bán hiện đại xuất hiện thì chợ vẫn sẽ tồn tại bền bỉ qua lối sống thường nhật, giữ gìn qua nếp sống của các bà các mẹ. Và tôi cũng hiểu rằng để giữ gìn một lối sống văn hoá truyền thống thì không chỉ cần giữ gìn mà còn cần phát huy và lan tỏa những vẻ đẹp đặc trưng, lan tiếng thơm đi xa và hội nhập vào dòng văn hoá hiện đại.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Viết cho giai đoạn ẩm ương khi mọi vấn đề đều được hóa giải bằng câu 'Tết mà'

Tôi không ưa các thể loại lý do lý trấu.

in Snack Attack

Viết cho trái cây sấy, món vặt được hội phụ huynh Việt Nam tin dùng

Trái cây sấy từng là món quà vặt được bố mẹ tôi dùng để dỗ ngọt cậu con trai.

in Văn Hóa

Về đâu cuốn lịch bloc trong thời đại smartphone?

Sống trên đời đã hơn 20 cái nồi bánh chưng, nhưng tôi chưa bao giờ phải mua một cuốn lịch bloc (hay còn gọi là lịch xé) cho bản thân dùng. Trong tâm trí của tôi, lịch là một thứ để mình mua tặng cho n...

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Những cô Mía muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Người ta thường nói một người chết sẽ đi hai lần: một lần khi nhịp tim ngừng đập, lần nữa khi bóng hình họ nhạt nhòa trong ký ức người đời. Nếu vậy, liệu cô Mía của Sài Gòn, với nụ cười bí ẩn và mái t...

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...