Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An

Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An

Ở tuổi 90, cụ ông tóc đã bạc phơ, thế mà khi nói về những chiếc đèn lồng, giọng vẫn hào sảng và mắt sáng rực hy vọng. Nhờ công thức đèn lồng gấp gọn của cụ Huỳnh Văn Ba, món đồ thủ công mang đậm hơi thở Hội An này dễ dàng theo chân khách quốc tế đến nhiều nơi trên thế giới.

Một hiên nhà nhỏ ở Cẩm Hà, Hội An chất đầy nan tre. Bên trên lủng lẳng vài chiếc đèn lồng màu vàng. Khoảng sân có hàng cau và vài cây mẫu đơn trổ hoa. Đó là nhà ở của cụ ông Huỳnh Văn Ba. Ở tuổi 91, vì một chấn thương ở chân, ông không thể thường xuyên lên xưởng lồng đèn trên phố như trước. Nhớ không gian xưởng nhỏ ngập tràn ánh đèn vàng, ở nhà, ông vẫn vót nan, làm khung lồng đèn cho vui tay.

Tại Hội An, ông Huỳnh Văn Ba được công nhận rộng rãi là người đầu tiên nghĩ ra công thức làm đèn lồng gấp gọn lại được. Sáng tạo của ông hàng chục năm trước đã giúp đèn lồng Hội An trở nên dễ dàng bỏ vào vali những vị khách quốc tế đi khắp thế giới. Đèn lồng Hội An, từ một vật dụng trang trí phục vụ đời sống, trở thành một sản phẩm du lịch, một thương hiệu nổi tiếng gần xa. Đây là minh chứng cho sự thích ứng của nghề thủ công truyền thống với những bước chuyển mình của du lịch nơi đô thị cổ.

Ông Huỳnh Văn Ba (90 tuổi) là người đầu tiên nghĩ ra công thức gấp gọn đèn lồng Hội An.

Cả thời trẻ của ông Ba gắn với những chiếc đèn lồng. Chẻ tre, vót nan, cắt vải với ông đã thành thói quen. Âm thanh lách cách và màu sắc rực rỡ lấp đầy ký ức. Những hồi ức năm xưa được ông gói ghém một cách thân thương. Sống gần một thế kỷ, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất, nhiều điều bị lãng quên, vậy mà kỷ niệm trong nghề đèn lồng được ông nhắc lại vanh vách như thể chuyện mới hôm qua.

Ông Huỳnh Văn Ba vốn là người Thăng Bình (Quảng Nam). Chuyển đến Hội An sinh sống từ lâu, ông yêu mảnh đất này như quê hương. Tại Hội An, ông vốn là thợ đan lát cho một hợp tác xã mành trúc lớn, cho ra đời những chiếc mành, lọ hoa, giỏ tre.. đẹp có tiếng trong vùng.

Khoảng những năm 1990, sau khi mở cửa đón khách quốc tế, Hội An được thổi vào luồng không khí mới. Đô thị cổ tấp nập hơn xưa. Du khách rảo bước qua những con phố rủ hoa giấy đỏ hồng rực rỡ, thấy nhà nào cũng treo đèn lồng trước hiên, lấy làm thích thú.

“Hồi đó, nhiều khách nước ngoài muốn mua lồng đèn về làm quà lưu niệm lắm,” ông Ba cười làm lộ rõ những nếp nhăn hằn trên trán,“Thấy được nhu cầu này của khách, lúc rảnh rỗi, ông làm thêm đèn lồng để bán, rồi ngày càng chế tác đèn lồng nhiều hơn,” ông nói về suy nghĩ thôi thúc ông bén duyên với lồng đèn.

Xưởng đèn lồng của ông Huỳnh Văn Ba tại Hội An.

Bỗng ngày nọ, một vị khách Úc tìm đến, ôn tồn bảo muốn mua một chiếc đèn lồng mang về nước. Khổ nỗi, đèn lồng to quá không thể cho vào hành lý, nếu gấp gọn lại được thì giá cao cỡ nào khách cũng lấy mang đi. Lời ngỏ ấy đã gõ cửa một ý tưởng sắp thành hình trong ông Ba.

Hôm đó về nhà, ông lấy nan tre ra, đục đục, khoan khoan. Tối nào ngủ, ông cũng vắt tay lên trán suy nghĩ. Loé lên trong đầu ông là hình ảnh cái quạt giấy, cái ô che mưa, những vật dụng có thể xếp vào mở ra, bung lên gập xuống dễ dàng. Ông dành cả tâm và trí, ngày và đêm cho ý muốn chế tạo bộ khung lồng đèn dựa trên nguyên tắc gập của chiếc dù. Nửa năm trời trôi qua, sau hàng trăm thử nghiệm thất bại, “quả ngọt” cuối cùng cũng đơm trái. Chiếc đèn lồng gấp gọn đầu tiên thành hình dưới đôi bàn tay của người nghệ nhân Hội An.

“Đó là lồng đèn hình tròn, khung sườn cũng làm từ những nan tre như đèn lồng kiểu cũ, chỉ khác là, các nan được đục lỗ hai đầu, gắn vào hai chuôi gập mở dễ dàng, có thể xếp gọn vào hành lý, lúc treo thì bung ra,” ông vừa mô tả vừa cười lớn như thể niềm phấn khích lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn sau hàng chục năm, “Chu choa. Lúc cái đèn thành hình, ông mừng lắm. Đúng là bõ công 6 tháng mày mò.” Từ đó, kỹ thuật chế tác lồng đèn gấp gọn của ông Ba được nhân rộng khắp Hội An.

Nghệ nhân Huỳnh Văn Trung – con trai nghệ nhân Huỳnh Văn Ba.

Điều làm người nghệ nhân 90 tuổi tự hào nhất là việc thành công truyền nghề cho con trai và nhiều học trò ở Hội An. Tại xưởng đèn lồng rực rỡ màu sắc nằm trên đường Phan Đình Phùng, nguyên vật liệu như nan tre, chui đèn, vải, mảnh vụn trải kín từ lối ra vào cho đến tận trong nhà.

Trong không gian rộng chừng hơn 10m2, anh Huỳnh Văn Trung (con trai ông Huỳnh Văn Ba) ngồi tập trung đăm từng nan tre vào quai thép để tạo khung. “Đèn lồng Hội An có nhiều hình dáng, kích cỡ, từ hình bầu dục, quả trám, củ tỏi, bánh ú, quả bí. Đa dạng kiểu dáng nhưng nguyên liệu và quy trình làm các loại đèn lồng nhìn chung tương đồng. Hai chất liệu chủ đạo là tre và vải lụa. Tính một cách chi tiết, có đến 10 thao tác để ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Các thao tác ấy có thể chia thành 2 công đoạn chính là làm khung sườn và dán vải,” anh Trung chia sẻ.

Nghệ nhân đang làm khung sườn đèn lồng.

Công việc làm đèn lồng thoạt đầu nhìn đơn giản, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ.

Hai đầu lồng đèn được gia công từ gỗ.

Khung sườn đèn lồng có thể gập vào và bung ra dễ dàng.

Các nan được liên kết lại với nhau bằng dây nhựa mảnh.

Làm đèn lồng thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi ở người nghệ nhân sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Trước tiên, người thợ chọn loại tre đủ già, mang đi nấu rồi ngâm trong nước muối từ 10 đến 15 ngày nhằm tăng độ bền, chống mối mọt, sau đó phơi khô rồi chẻ thành nan. Chui đèn được gia công từ gỗ. Trong khi đó, vải bọc là vải lụa hoa văn chìm lấy từ làng nghề Hà Đông.

Theo anh Trung, thao tác quan trọng nhất quyết định thẩm mỹ của đèn lồng là vót nan. Các nan vót đạt độ nhẵn, đều sẽ cho ra những chiếc đèn lồng đạt chuẩn. Tùy vào kích thước lồng đèn, số lượng và độ dài nan tre khác nhau. Đèn càng to, nan càng nhiều và dài. Các nan xử lý xong được chặt độ dài bằng nhau và khoan lỗ ở hai đầu để lắp ráp với hai vòng gỗ và định hình khung.

Vải được dán vào khung tre bằng keo.

Vải được dán vào khung tre bằng keo.

Người thợ cắt bỏ các phần vải thừa, chuốt các chi tiết, trang trí để ra thành phẩm.

Sau khi đã có khung sườn, nghệ nhân tiến hành dán vải lên khung đã bôi keo. Các mảnh vải được cắt phù hợp với kích thước khung sườn để khi căng lên, đèn lồng không bị nhún, chùng. Sau khi dán, các chi tiết thừa được cắt bỏ. Người thợ chuốt các chi tiết, trang trí chuôi là có được chiếc đèn lồng thành phẩm. Ngoài các loại đèn lồng đơn giản, ngày nay, để đáp ứng các xu hướng thẩm mỹ hiện đại, đèn lồng Hội An còn được khoác lên những kiểu dáng mới, chất vải mới, trang trí hoa văn mang tính mỹ thuật cao.

Đèn lồng Hội An có nhiều kích cỡ và kiểu dáng.

Sau khi chia sẻ về quy trình làm lồng đèn, anh Trung nhớ lại thời điểm 20 năm trước. Khi đang sống ở Sài Gòn, anh vốn chẳng giữ ý định theo nghề của cha. Bước ngoặt là khi có gia đình, sinh con, anh quyết định trở về quê.

“Hồi ấy cha đã lớn tuổi. Hiểu cha mong muốn và đau đáu chuyện lưu giữ nghề truyền thống, hai vợ chồng bắt đầu học. Lúc đầu, mình không hứng thú, nhưng cha động viên, chỉ dẫn từng tí một. Khi đi đường, thấy lồng đèn được treo khắp nơi, mình lại vui vì góp một phần nhỏ để Hội An đẹp thêm. Thế là mình tiếp tục, đến nay đã 20 năm,” anh Trung bồi hồi nhớ lại.

Những con phố lung linh đèn lồng là ấn tượng khó phai đối với nhiều du khách khi đến Hội An.

Đến Hội An, bạn hãy bước thật chậm trên những con phố vào một buổi sáng sớm, lúc không gian tĩnh mịch, chỉ văng vẳng tiếng rao vọng từ những hẻm sâu hun hút, rồi đắm chìm vào không khí trong trẻo khi tia nắng đầu tiên rẽ ngang màn sương mỏng.

Điểm lên trên diện mạo vừa rực rỡ lại vừa mộc mạc này có những chiếc đèn lồng rực rỡ. Và đằng sau đó, thấp thoáng bóng dáng của nhiều thế hệ nghệ nhân cần mẫn duy trì truyền thống hàng trăm năm. Trong đó, có gia đình cụ Huỳnh Văn Ba.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Dấu ấn trăm năm của nghề làm quạt truyền thống làng Chàng Sơn

Một ngày hè, tôi ra vùng ngoại thành Hà Nội về với huyện Thạch Thất. Con đường làng hai bên là cánh đồng lúa đang độ xanh đưa tôi đến làng Chàng Sơn.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Mạch nha — món quà ngọt lành từ mộng lúa và ruộng đồng Quảng Ngãi

Hàng trăm năm nay trên đất Mộ Đức, bao đôi tay đã chắt chiu từng mầm lúa để làm ra những dòng mạch nha ngọt lành, một thức quà từ ruộng đồng Quảng Ngãi thơm ngon nức tiếng gần xa. 

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Người yêu tiền cổ từ bỏ sự nghiệp học thuật để gắn đời mình với chợ đêm Đà Nẵng

Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.

in Văn Hóa

Nhấp ngụm trà sen Bách Diệp, thưởng lãm hương vị đất trời trăm năm của xứ Tây Hồ

Uống một ngụm trà sen là thưởng thức cả tinh hoa đất trời làng cổ ven Hồ Tây.