Trong tiếng rao của người bán rươi vang vọng lời mời gọi của mùa thu, khi những hương vị từ khắp Việt Nam hòa quyện trên bàn ăn.
Cũng như loài rươi, tiếng rao của những người bán rươi chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn vào mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch, khi “trời treo trên cao, rươi ngoe nguẩy ở dưới,” như bác Hưng Thịnh, chủ một cửa hàng chả rươi nổi tiếng ở Hà Nội, đã miêu tả. Con rươi là cái tên mà người Việt đặt cho giun palolo, một loài hải trùng dài vỏn vẹn 5 cm, không may bị tạo hóa ban cho hình thù xấu xí. Rươi là thành phần chính của món chả rươi, một món đặc sản làm từ thịt rươi, vỏ quýt, rau thơm, và thịt lợn bằm nhuyễn.
Văn đàn Việt ưu ái dành nhiều tác phẩm viết về sự tồn tại của thức quà mùa se lạnh. Trong tựa sách Miếng Ngon Hà Nội, bác Vũ Bằng đã nhắc đến tiếng rao của người bán rươi trong một chương được ông dành riêng cho chả rươi.
Qua lời văn của Vũ Bằng, người đọc có thể mường tượng được sự phong phú của nền ẩm thực Hà Nội xưa. Nếp sống ngày ấy giản dị biết bao, chỉ cần bước chân khỏi nhà là đã mua được vài lạng rươi núc ních, tươi rói. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là kí ức xa xôi: tiếng rao rươi lảnh lót, cao vút lan tỏa khắp phố phường dường như đã biến mất.
Một chiều thứ Bảy, tôi dành vài giờ lang thang qua chợ Thanh Hà, Ô Quan Chưởng và chợ Đồng Xuân để lần theo tiếng gọi của những người bán rươi, để tìm xem tiếng rao rươi đã đi đâu. Trước khi lên đường, tôi đã thầm mong con rươi sẽ mang dáng hình na ná loài giun cát trong tiểu thuyết của Frank Herbert — Dune. Thế nhưng, chúng bé nhỏ, phẳng phiu dưới đôi bàn tay nhanh nhẹn của các cô bán hàng. Con rươi xấu số khi vòng đời chỉ quanh quẩn thùng xốp và chảo chiên. Đã thế lại phải chịu ngoại hình trêu ngươi.
Trong chiếc hộp bìa cứng quấn băng dính xanh da trời, những con rươi nằm xen kẽ nhau, xoăn xoắn những thân mềm chỉ dài vài cm. Rươi mang màu của lá bàng — đỏ rực tô điểm bởi những mảng xanh thẫm, toàn thân lởm chởm lông tơ như quả chôm chôm.
Con rươi là sinh vật rất không ăn ảnh, nhưng các cô chú bán chả và bán rươi đều đon đả mời tôi chụp thật nhiều pô. Người thu ngân tại Hưng Thịnh chỉ cho tôi thùng rươi của cửa hàng, nhờ tôi chụp rươi làm sao cho tươi và núc ních, chụp “đẹp để mà còn lên báo.” Nhiều cô chú trong chợ tự hào khoe với tôi rằng nhiều người trẻ cũng hay ra đây chụp hình rươi. Một số còn tưởng tôi đang đi quay nội dung đăng TikTok.
Khi được hỏi, những người mà tôi gặp đưa ra ý kiến khác nhau về việc liệu những người bán rươi như trong văn Vũ Bằng có còn lang thang trên các phố phường Hà Nội hay không. Người đầu tiên mà tôi trò chuyện, một cô bán hàng ở chợ Thanh Hà, không nhớ lần cuối mình nghe tiếng rao rươi là khi nào: “Bây giờ, người ta chỉ bán rươi trong cửa hàng thôi. Hiếm khi thấy ai bán rươi dạo lắm.” Cô ngại ngùng chắp tay sau lưng khi tôi nhờ cô bắt chước tiếng rao của người bán rươi trong ký ức mình, nhưng sau đó cô mỉm cười và vui vẻ ngâm nga: “Ai mua rươi ra-à mùa.”
Nghe thanh điệu ngân nga như vậy, nhỡ như người bán rươi cũng là người ngâm thơ. Tiếng rao sử dụng phép lặp âm và hòa âm — “m” trong mua, mùa, và “r" trong “rươi,” “ra" — để tạo nên vần điệu nhịp nhàng. Bằng cách chơi đùa với trọng âm và điều chỉnh nhấn nhá với “ra" và “mua,” cô ấy thổi hồn âm nhạc vào lời rao của mình. Một hiệu ứng đơn giản nhưng chất chứa bao nhiêu lớp nghĩa — tiếng rao rươi nổi bật giữa quan cảnh âm thanh đa dạng của Hà Nội.
Tôi vui cười khi lần đầu được nghe tiếng rao rươi, rồi bỗng tự hỏi vì sao thứ âm thanh từng len lỏi phố phường Hà Nội ấy lại dần tắt đi. Cô bán hàng bảo có thể nhu cầu mua rươi tươi không còn cao như trước. Ngày xưa, sau khi các phiên chợ kết thúc, người bán rươi thường mang gánh đi khắp ngõ để bán rươi cho người dân, đặc biệt là các bà nội trợ, muốn mua nguyên liệu tươi sống nấu bữa tối. Thật khó để tìm lại cảnh tượng như vậy trong bối cảnh xã hội Hà Nội ngày nay.
Chiều hôm đó, tôi đến Hưng Thịnh, một điểm bán chả rươi nổi tiếng tại Hà Nội. Ở đây, 75.000VND có thể mua được miếng chả rươi đầy ắp thịt rươi đến lộm cộm cả lên trên bề mặt, còn lựa chọn phải chăng hơn, 45.000VND, thì không khác gì một lát cốt lết bình thường. Cô bán hàng vừa gắp ra từ chảo dầu nóng những miếng chả rươi ngon lành, thì tôi liền hỏi chuyện về tung tích của tiếng rao rươi. “Không phải là người ta hết bán rươi và rao rươi,” cô nói. “Mà bây giờ họ chủ yếu bán ở mấy con đường gần Khu Phố Cổ, ở đấy khách người ta thích mua rươi tươi rồi sơ chế luôn.”
Khi đi qua Chợ Đồng Xuân, tôi đi ngang qua một người bán rươi rong, đòn gánh nặng trĩu trên bờ vai mảnh mai. Nhưng cô đi qua mà không buông lời rao nào. Xung quanh tôi, chỉ có tiếng máy khoan và xe máy ầm ĩ.
Từ hành trình đi tìm những tiếng rao rươi cuối cùng, tôi bỗng nghiệm ra số phận của những tiếng rao không chỉ của Hà Nội, mà còn ở Sài Gòn và những thành phố lớn khác ở Việt Nam — luôn giằng co giữa tàn tích quá khứ và nhà chọc trời hiện đại. Giữa những âm thanh thành thị, tiếng ồn buồn tẻ, vô vị, nỗi nhớ nhung về tiếng rao xưa đưa người ta về những ngày cũ, về quê nhà bình dị và êm đềm hơn bây giờ rất nhiều.