Một ngày hè, tôi ra vùng ngoại thành Hà Nội về với huyện Thạch Thất. Con đường làng hai bên là cánh đồng lúa đang độ xanh đưa tôi đến làng Chàng Sơn.
Chàng Sơn, ngôi làng cách trung tâm Hà Nội chừng 25km về phía Tây, vẫn còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ cổ kính với mái đình, cây đa, chợ quê í ới tiếng người. Những con ngõ nhỏ quanh co dọc những bức tường gạch nhuốm màu thời gian, nắng xuyên qua tán cây tỏa bóng xuống mặt đường, sắc tím bằng lăng dịu dàng trên nền xanh mướt mải trong veo.
Làng Chàng Sơn xưa có tên là Nủa Chàng. Trong dân gian có câu “Chớ cho Nủa coi.” Câu này ngụ ý người dân Nủa Chàng rất tài năng, học rất nhanh. Làng được đổi tên thành Chàng Sơn từ năm 1956. Chàng Sơn còn nổi tiếng là “đất trăm nghề” vì là cái nôi của nhiều nghề truyền thống, cho ra đời những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt đến độ tinh xảo từ bàn tay của những con người khéo tay hay làm.
Dân làng còn lưu truyền một câu nói đùa rằng “6 người ăn chung 1 cây tre,” bởi người Chàng Sơn đã tận dụng tre để làm 6 sản phẩm khác nhau như dát giường, đũa, quạt, thúng, nơm, đòn gánh. Trong số các nghề thủ công của Chàng Sơn, có nghề làm quạt nức tiếng gần xa.
Những người lớn tuổi trong làng cho biết, nghề làm quạt đã tồn tại khoảng 200 năm nay. Mỗi người Chàng Sơn đều lớn lên giữa sắc đỏ, xanh, vàng của những chiếc quạt trong không gian làng nghề đậm văn hóa truyền thống mà cha ông họ để lại. Ngày nay, tại Chàng Sơn, len lỏi trong những con ngõ nhỏ, dọc các bờ tường gạch cũ kỹ, ống tre khô làm nguyên liệu chất thành đống, những chiếc quạt được xếp dọc lối đi đều tăm tắp. Khung cảnh nhà nhà làm quạt, người người làm quạt là minh chứng cho sức sống của một nghề truyền thống lâu năm trải qua nhiều thăng trầm vẫn còn tồn tại với thời gian.
Nói về nguồn gốc của nghề làm quạt, người dân Chàng Sơn vẫn truyền nhau những câu thơ:
Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên
Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền
Phiền tâm quạt, tay đưa gió
Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên.
Những câu thơ ý chỉ nghề làm quạt bắt nguồn từ mong muốn tốt đẹp của người dân Chàng Sơn. Chiếc quạt trên tay của những chàng trai, cô gái như một vật kết duyên và giải tỏa những muộn phiền trong tâm.
Từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn không chỉ vang danh mọi miền đất nước, mà còn vượt chặng đường rất xa sang đất Pháp triển lãm ở thủ đô Paris. Tuy vậy, quạt Chàng Sơn cũng trải qua không ít thăng trầm ở giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường.
Thời kỳ đó, những chiếc quạt giấy thủ công đối mặt khó khăn trong việc tìm đầu ra khi sản phẩm ngoại nhập ồ ạt đổ vào thị trường. Khan hiếm nguồn tiêu thụ, người dân không thể kiếm sống được bằng nghề. Đau xót khi một nét đẹp truyền thống dần biến mất, một số nghệ nhân bất chấp khó khăn vẫn tâm huyết bám trụ để tìm hướng đi mới cho sản phẩm.
Đến tận ngày nay, khi được hỏi về người giữ hồn “thổi gió” cho quạt Chàng Sơn, trong làng người dân ai cũng nhắc tên cụ Dương Văn Mơ (sinh năm 1935). Cụ Mơ đã dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu, phục chế những chiếc quạt cổ, đau đáu cứu vãn nghề làm quạt có nguy cơ thất truyền.
Cùng thời gian đó, người làng Bùng (Thạch Thất) biết đến tài năng của nghệ nhân Dương Văn Mơ đã mời cụ phục chế một chiếc quạt thờ bị hỏng vì mối mọt, nhằm phục vụ mục đích thờ cúng trong lễ hội tại đền thờ của làng. Cũng nhờ cơ duyên này, tài năng và tâm huyết của cụ Mơ càng bay xa khắp vùng. Nhiều người tìm đến cụ để đặt quạt hơn. Đó cũng là lúc cụ nhận thấy, cùng với việc giữ gìn những nét tinh tế, mộc mạc của quạt Chàng Sơn, cũng cần phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu mới.
Từ đó, cụ bắt đầu đa dạng hóa mẫu mã và kiểu dáng sản phẩm — quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh — để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ quạt mát thường ngày đến đạo cụ trong nghệ thuật, lễ hội và trang trí, trưng bày. Đặc biệt, trong 1 tháng, cụ Mơ đã làm nên chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, dài 9m, cao 4,5m, trên quạt vẽ chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố Hàng Trống. Tiếng tăm của quạt Chàng Sơn nhờ vậy càng vang xa.
Nghề làm quạt Chàng Sơn không chỉ được duy trì như một di sản tinh thần, một nét đẹp truyền thống xứ Đoài, mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người dân nơi đây. Với hướng đi mới, người Chàng Sơn đã sống bằng nghề làm quạt, nhà nhà làm quạt và có sự chuyên môn hóa trong từng công đoạn. Nhà chuyên chẻ nan, làm khung quạt, nhà chuyên dán áo quạt tạo thành một dây chuyền uyển chuyển. Bên cạnh những chiếc quạt phục vụ đời sống có giá từ vài nghìn đồng đến khoảng 20.000 đồng, những chiếc quạt nghệ thuật kích thước lớn, được đầu tư công phu về mặt thẩm mỉ có giá hàng triệu đồng.
“Từ một nghề phụ làm lúc nhàn rỗi, nghề làm quạt thực sự đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân Chàng Sơn," nghệ nhân Dương Văn Đoàn, con trai nghệ nhân Dương Văn Mơ, chia sẻ. "Quạt Chàng Sơn luôn thay đổi để thích ứng với những biến đổi của nhu cầu để có thể vươn xa hơn.”
Để tạo ra một chiếc quạt đẹp mắt và chất lượng, thợ thủ công Chàng Sơn phải bỏ nhiều thời gian, tâm sức và sự tỉ mỉ trong từng khâu từ chọn nguyên liệu, làm nan quạt, vót nhẵn, đánh đầu nhẵn, dán quạt, phơi khô, dán mép… Tre sau khi cạo, cắt đều, bỏ cật, sẽ ngâm trong nước khoảng 4 đến 5 tháng để đảm bảo sau này không bị mối mọt. Đi quanh làng, những ống tre đã được ngâm xếp thành từng chồng chờ được chẻ và vót nhẵn.
Bước tiếp theo là làm nan quạt. Các ống tre khô sau khi được ngâm sẽ được chẻ thành từng thanh nhỏ, vót cho đều rồi đính lại với nhau bằng đinh. Số lượng nan cho một chiếc quạt thông thường là 11 nan. Máy móc được dùng để đánh đầu từng nan cho tròn nhẵn, và cắt đầu còn lại để các nan đều bằng nhau.
Trong cái nóng oi ả gần chạm 40°C, bác Việt (67 tuổi) cẩn thận gọt từng mép khung nan quạt. Những giọt mồ hôi rơi xuống. Dưới con dao sắt, từng mảnh vụn tre tua tủa bắn ra. Tay bác mang bao tay cẩn thận để tránh trầy xước. “Nhà bác chỉ chuyên vót tre, bác ngồi từ sáng đến chiều. Mỗi ngày gọt 1.000 khung tre nên cũng đau lưng, đau tay lắm,” bác trò chuyện.
Nan quạt thành phẩm sẽ được chuyển sang khâu dán áo quạt. Nghệ nhân tách từng chiếc nan một cách tỉ mỉ để khoảng cách giữa các nan đều nhau. Nan tách càng đều, quạt làm ra càng đẹp. Các nan tỏa ra thành hình vòng cung theo hình dáng của quạt. Điều này đòi hỏi nghệ nhân phải chăm chú quan sát bằng đôi mắt tinh tường. Sau đó, nghệ nhân phết hồ lên các nan quạt, rồi phủ giấy hoặc vải đã được cắt sẵn lên.
Mỗi chiếc quạt có hai lớp áo phủ lấy hai mặt của nan. Nghệ nhân phải canh cho vị trí khớp với nan quạt. Tay nhẹ nhàng để giấy không bị nhàu, gấp. Cuối cùng, quạt sẽ được cắt mép thừa và dán lại, sau đó mang đi phơi gió để lớp hồ khô và dính chặt lại. Quạt được treo lên thành hàng hoặc xếp đầy trên các vách tường.
Trước kia, quạt Chàng Sơn dùng giấy dó Bắc Ninh, và dùng nhựa quả cây làm hồ. Nhưng các nguyên liệu này ngày càng khan hiếm và giá thành cao. Vì vậy, ngày nay, người dân chuyển sang các loại giấy khác. Trong khi đó, quạt the thì sử dụng vải voan mua từ chợ Đồng Xuân nhiều màu sắc. Trên mặt quạt in chữ thư pháp với nhiều nội dung giáo dục lối sống.
Nghệ nhân Dương Văn Đoàn cho biết, làm ra một chiếc quạt nghệ thuật đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, kỹ thuật cũng nhiều bước phức tạp hơn những chiếc quạt thông thường. Tranh cần được họa hoặc thêu trên vải lụa trước khi gắn vào nan quạt. Người nghệ nhân cần óc sáng tạo và kỹ thuật tốt để tạo nên các thiết kế đa dạng. Tất cả các tranh trên quạt là tự tay anh vẽ nên mỗi chiếc quạt đều là độc bản.
Giữa cuộc sống hiện đại khi các phương tiện quạt điện, điều hòa trở nên phổ biến, những chiếc quạt giấy Chàng Sơn đầy màu sắc đâu đó vẫn xuất hiện trên đôi tay của người dùng. Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mỗi chiếc quạt chính là kết tinh của tri thức dân gian, sự sáng tạo, khéo léo, chăm chỉ được người Chàng Sơn truyền lại qua nhiều thế hệ.