Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.
Để đi từ Hà Nội đến Bát Tràng, tôi phải mất khoảng 30 phút ngồi xe cho quãng đường 20km. Hành trình đưa tôi đến với Làng gốm Bát Tràng, nơi nghề làm gốm sứ truyền thống đã tồn tại từ thế kỷ 14.
Ngày nay, người dân nơi đây vẫn tận tụy với cái nghiệp mà tổ tiên truyền lại. Hầu như tất cả các hộ trong làng vẫn đang tham gia công việc sản xuất và quảng bá các sản phẩm gốm sứ. Dạo một vòng quanh những con đường của ngôi làng, tôi bị mê hoặc bởi những gam màu rực rỡ của những hàng chum nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau.
Nhìn từ xa, bảo tàng gốm sứ của ngôi làng nổi bật với kiến trúc độc đáo. Mặt tiền của công trình mang sắc nâu của đất sét, với những đường cong gợi lên dáng hình của bình hoa được xếp lớp lên nhau. Một thiết kế tương phản với vẻ vuông vức thường thấy ở những ngôi nhà ống Việt Nam.
Các kiến trúc sư đã lấy cảm hứng từ chiếc bàn xoay làm gốm của các nghệ nhân, nhưng trong mắt tôi, công trình lại mang dáng dấp của lò nung truyền thống. Bên trong bảo tàng là những bờ tường uốn lượn như dãy hẻm núi, với các gian hàng thủ công mỹ nghệ được bố trí ở các góc tòa nhà.
Những hiện vật đầu tiên mà khu triển lãm trưng bày là các sản phẩm gốm sứ từ thế kỷ thứ 10 đến 19 — nhằm mục đích giới thiệu cho công chúng về sự quan trọng của nghệ thuật gốm sứ trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Điểm nhấn của gian triển lãm là mô hình tinh xảo mô phỏng hình ảnh con thuyền đã mang những người khai phá đầu tiên đến vùng đất Bát Tràng.
Sau vài phút dạo quanh, tôi nhận ra một điều: hiện vật trưng bày ở đây rất đẹp, nhưng du khách như tôi sẽ chẳng học được gì vì không hề có các thông tin đi kèm. Không có hướng dẫn nào về lịch sử của vùng đất và những cột mốc quan trọng, không có mô tả nào về quy trình nung gốm, và cũng không có lời giải thích nào về các hoa văn trên gốm sứ.
Tôi thấy một phòng triển lãm dành riêng cho một người tên là Lê Văn Vân. Nhìn vào bàn thờ trang trọng, tôi suy đoán rằng cụ ắt hẳn phải là một nhân vật quan trọng với lịch sử nơi đây. Nhưng lại vì thiếu thông tin, tôi chẳng học được gì về đóng góp của cụ cho việc phát triển nghề thủ công nơi đây.
Tôi đành mon men dọc theo một hành lang khác, nơi trưng bày các loại sản phẩm gốm sứ đa dạng được sản xuất bởi các hộ gia đình trong làng. Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn những bình hoa màu sắc, được tạo tác theo những kiểu dáng và phong cách khác nhau, thể hiện được cách các nghệ nhân của ngôi làng biến hóa đa dạng trong sản phẩm sáng tạo của mình.
Điều làm tôi thấy thú vị nhất về làng gốm Bát Tràng chính là là khả năng thích nghi và tiến hóa của sản phẩm gốm sứ để bắt nhịp với những thay đổi trong thị hiếu đương thời, để phục vụ cả khách nước ngoài lẫn người Việt. Từ những tác phẩm hiện đại, với những đường nét sáng tạo và màu sắc đơn giản, đến các sản phẩm gốm sứ trang trí tinh tế hơn. Ai cũng có thể tìm được một tạo vật cho riêng mình ở làng gốm Bát Tràng.
Đáng tiếc, chuyến tham quan của tôi phải kết thúc một cách đột ngột. Khách viếng thăm phải mua thêm vé riêng để được vào khu triển lãm nghệ thuật đương đại ở tầng trên — một điều không nhân viên nào báo trước với tôi.
May mắn thay, tầng hầm của tòa nhà đã vớt vát lại phần nào chuyến đi của tôi. Tại đây, các vị khách có thể thử tài làm gốm sứ với giá chỉ 70.000 VND dưới sự chỉ dẫn của chính các nghệ nhân Bát Tràng. Các em nhỏ cũng có thể vui chơi bằng cách tô màu trên các sản phẩm gốm sứ.
Bảo tàng không mang đến quá nhiều thông tin hữu ích về bề dày lịch sử của làng gốm Bát Tràng, nhưng kiến trúc đặc sắc cùng bộ sưu tập gốm sứ tinh xảo vẫn khiến nơi đây là điểm dừng chân thú vị cho các du khách. Hoạt động của bảo tàng chủ yếu mang tính thương mại, nhưng vẫn phần nào đó tôn vinh được sự khéo léo và tài năng của cộng đồng nghệ nhân nơi đây.
Bảo tàng gốm Bát Tràng tọa lạc tại số 28, thôn 5, đường Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.