Hôm trước có một người bạn mách tôi ra chợ đồ cũ Vạn Phúc.
Khu chợ nằm ở quận Hà Đông; từ trung tâm thành phố, bắt xe BRT đi 30 phút là đến nơi. Đây quả là một nơi lạ lùng; sự đa dạng của nó hiếm siêu thị nào sánh bằng. Người ta có thể mua từ con dao, cái kéo, đến tượng phật, và thậm chí cả... vũ khí ở đây.
Hàng đầu tiên mà tôi bị lạc vào là của anh Nguyễn Anh Đàm. Tôi bị cuốn hút bởi cây rìu anh bày ngoài cửa, trông nó chẳng khác nào quân dụng của một chiến binh viking để lại. Cây rìu đặt cạnh một thứ như cối xay thịt. Anh Đàm bảo đó đúng là cối xay thật, nhưng mà là xay tay người — một dụng cụ quân đội Pháp dùng để tra tấn tù nhân thời xưa.
Anh Đàm kể anh mở hàng ở đây hơn chục năm rồi. “Mỗi cửa hàng ở đây sẽ có nét riêng,” anh kể. “Nói chung người chủ thích cái gì thì hàng sẽ nghiêng về cái đó.” Cửa hàng của anh thiên về những món đồ trang trí hay những thứ để sưu tầm.
Đối diện với hàng anh Đàm là một cửa hàng cũng chuyên đồ sưu tầm khác, nhưng ở đây chỉ có một loại hàng thôi: xe đạp Peugeot. “Ở đây có hơn 100 cái xe,” anh Bùi Xuân Mai, chủ của hàng nói. “Trung bình từ 10 triệu một chiếc. Có những con đủ đồ, sơn đẹp thì phải tầm 25–26 triệu.”
Anh Mai kể mình mở cửa hàng này chủ yếu là vì đam mê sưu tầm. “Hồi bao cấp, cái xe tương đương như cái nhà mặt đường ấy, rất khó để có được,” anh nói. Chiếc xe đạp vì vậy mà trở thành một kỷ niệm với anh Mai về cái thời khó khăn. “Anh đi sưu tầm các nơi. Biết tỉnh nào có xe là phải lên đường đi mua bằng được. Có những cái xe mua về ngắm nghía nó đến tầm 2, 3 giờ sáng.”
Đi lòng vòng một hồi rôi tôi cũng chọn mua một con dao phay. Trông nó khá mới và cầm cũng nặng tay. Tôi nâng lên đặt xuống mãi rồi mới hỏi giá. Người bán hàng bảo nó là hàng Nhật bãi, chất lượng rất tốt. Sau một hồi mặc cả thì tôi phải chi 200,000VND để mang nó về nhà.
Về nhà rồi tôi mới biết mình bị chém. Khi tìm con dao trên mạng tôi mới biết đây là đồ Thái, không phải Nhật. Và cái giá tôi trả cũng tương đương với giá mua mới Shopee. Khi nói chuyện với Vũ Thành — một “thợ” săn đồ ở chợ và cũng là người mách tôi đến đây — thì mới biết mình “gà mờ” như thế nào.
“Vì nó là chợ đồ cũ nên anh phải phải rất nghi ngờ món nào [trông] mới,” Thành nói. “Cái thứ hai là nếu nó mới, thì mình lại rất dễ kiểm tra thông tin trên mạng. Có một cái công cụ thần thánh em hay dùng là Google hình ảnh. Mình chụp cái đó lên và tìm những hình ảnh tương tự trên mạng thì nó sẽ cho mình kết quả rất chính xác.”
Nhưng cái công cụ thần thánh đó Thành sẽ chỉ dùng như một nước cuối. “Vì khi anh rút điện thoại ra chụp ảnh để đăng lên, thì người bán biết anh đang rất thích món đó. Và họ sẽ có chiến thuật để trả giá cho anh. Nên việc mình tìm kiếm thông tin về món đồ, làm thế nào để nó diễn ra càng bí mật càng tốt và phải càng kín đáo càng tốt.”
Khi tìm được một món đồ ưng ý và biết thông tin về nó, Thành sẽ áp dụng “tư duy hệ thống” để xem xét tỉ mỉ cấu tạo cũng như công năng của đồ vật. “Và quan trọng là mình tìm điểm trừ của nó để mình có lợi thế khi mặc cả với người bán.”
Bước mặc cả cũng rất phức tạp. Tùy món đồ mà Thành sẽ hỏi giá trước hoặc sau khi kiểm tra nó. Rồi tùy người bán mà cậu cũng sẽ có những câu trả giá khác nhau. Cậu phân tích cho tôi một hồi rồi chốt lại một câu: “Tốt nhất là hôm nào em đưa anh đi chợ.”
Hôm ở chợ tôi để ý thấy đủ loại người đi mua, từ các thợ săn đồ để bán lại, các bác trung niên đi tìm hoài niệm, đến những cặp đôi trẻ đi hẹn hò. Tôi cũng tự nhủ hôm nào phải đưa gia đình đến đây vì ở chợ sẽ có đồ cho tất cả mọi người. Và nếu được đi cùng một người thợ thì sẽ không lo bị chém mà lại học được tí chút về nghệ thuật săn đồ.