Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » In Plain Sight » Bài tụng ca cho chò nâu Sài Gòn

Bài tụng ca cho chò nâu Sài Gòn

Nơi tôi từng sống thời tiết quá lạnh, chò nâu không thể mọc, tuy vậy nó vẫn có tên tiếng Anh: dipterocarp.

Nơi tôi từng sống thời tiết quá lạnh, chò nâu không thể mọc, tuy vậy nó vẫn có tên tiếng Anh: dipterocarpDipterocarp. Xướng nó lên đi. Xướng to lên. Dipterocarp. Làm vậy sẽ khiến cho những chuyển động của môi, lưỡi trở nên mềm mại hơn, và hàng nghìn cơ, dây chằng, tế bào trở nên uyển chuyển hơn chăng? Việc này đơn giản hơn nhiều so với những nỗ lực mà các cây đại thụ phải làm để hút nước vào rễ rồi đưa lên tận tán lá.

Khi tản bộ trên những đường phố Sài Gòn, người ta chỉ thấy thân cây chò nâu tẻ nhạt và một tán lá sum suê cao 30 mét nếu ngước cổ lên nhìn. Nhưng vòi vọi trên cao là những cành nhánh thanh mảnh lúc lỉu hoa trắng có phơn phớt tí hồng mềm mại như tiếng thì thầm của những cánh bướm. Bạn chưa hề nhìn thấy những thứ như vậy. Cây chò nâu như thể đang nói với chúng ta: những cánh hoa mỏng manh của ta không dành cho các người; cách thưởng thức phàm phu sẽ làm hỏng chúng đi.

Nhưng thân cây chò nâu đâu có tẻ nhạt. Rãnh, vảy, vỏ cây vằn vện và đa sắc: một lớp vỏ phức tạp không khác chi một vùng châu thổ giàu trầm tích, đất bùn và các chủng loài. Khi thật lòng nhìn ngắm bạn sẽ thấy thân chò nâu đẹp như một cây tảo nở hoa hay quá trình sinh sản của loài tôm tép, sao bạn lại không thể nhận ra vẻ đẹp của nó chứ?

Jean-Baptiste Louis-Pierre chào đời ở đảo Reunion nằm ngoài khơi xa của Madagascar, con trai của một gia đình làm giàu từ đường mía. Nhưng rồi công việc làm ăn thất bát khi chính quyền bắt đầu trả tự do cho các nô lệ làm công tại các đồn điền. Louis-Pierre vì vậy đành phải bỏ học, trôi nổi qua nhiều vùng thuộc địa rồi cuối cùng trụ lại ở Sài Gòn, nơi ông thể hiện gu thẩm mỹ Châu Âu bằng cách viền các con đường bằng hai hàng cây chò nâu mà ông tích cóp được từ vùng cao nguyên nhằm mục đích bảo vệ làn da nhạy cảm của người Pháp, đồng thời thưởng lãm thiên nhiên của vùng đất thuộc địa.

Những con số được xịt bằng sơn trắng trên mỗi thân cây chò nâu trong thành phố giúp nhà nước nhận ra cây nào cần tỉa nhánh để lớn mạnh hoặc cây nào cần đốn bỏ để rễ của chúng không làm hỏng cấu trúc lề đường hay phá vỡ ống nước ngầm.

Cây #11: Chò nâu ở Sài Gòn có tuổi đời cao hơn dây cáp điện thoại, hơn cả máy cưa xích, hơn cả ny-lông, nhựa tổng hợp và thuốc kháng sinh penicillin. Cao tuổi hơn cả xe gắn máy, trà sữa trân châu, bánh tráng nướng, hơn cả chụp ảnh “tự sướng,” hơn cả phi cơ và thuốc khai hoang được rải từ máy bay.

Cây #152: Khi có xảy ra nổ súng ở các khu vực, thân cây chò nâu là bia chắn đạn cho các chiến sĩ. Bóng mát từ cây chò nâu xoa dịu nỗi đau nơi những tòa cao ốc bị tàn phá, những con đường bị bom đạn, những cơ thể be bét. Chúng hiện diện ở đấy làm nền cho những đoạn phim tài liệu. Ấy vậy mà chẳng ai thèm để mắt đến chúng.

Cây # 78: Chò nâu Sài Gòn non tuổi hơn chuông gió, hơn pháo hoa, diều, xích lô và thịt nướng xiên que. Nó cũng trẻ tuổi hơn áo dài, rượu nếp và cồng chiêng, trẻ hơn cả việc tản bộ một mình lúc nửa đêm, đang cảm thấy thương thân tủi phận thì ngước nhìn lên chợt thấy lòng thanh thản trong cái mênh mông của thiên nhiên.

Cây #187: Trong những vùng có mùa màng ổn định, chò nâu đơm hoa kết trái đúng mùa, nhưng với khí hậu vô chừng của Sài Gòn, chu kỳ này rất lộn xộn, có lẽ không hơn một lần mỗi mười năm, cành nhánh bung ra những hạt có hai cánh xòe bay lượn xuống như những bông tuyết siêu thực.

Cây #45: Ngày mồng một Tết, hoa giấy vướng trong những cái rễ nằm phơi trên mặt đất như nhạc trôi bềnh bồng trên một vịnh nước. Concerto của một rạn san hô là gì? Tết đối với chò nâu có ý nghĩa ra sao?

Cây #123: Hãy tưởng tượng những vòng gỗ bên trong thân cây. Chúng không giống chút nào với những vòng vàng mà người bán chả cá trên đường Tôn Thất Đạm đeo trên tay chỉ vì tin rằng giữ của trên tay mình an toàn hơn gửi tiền ở các ngân hàng; chẳng hề giống với những vòng khói thuốc lào rít trong giờ rảnh rang ở bến xe đò trước khi lái đường trường về lại miền cao nguyên; cũng không giống các vòng xoay giao thông nơi Đức thánh Trần Hưng Đạo đắc thắng chỉ tay về phía bờ biển được linh hồn Ngài phù hộ.

Cây #7: Nước có lẫn các dung dịch hữu cơ: ure, bã thải từ thận, axit uric, tinh bột, nội tiết tố, axit béo, sắc tố, chất nhầy, các phân tử vô cơ bao gồm natri, kiềm, muối, magie, chất vôi, amoniac, sulfat và phosphat... — sau 7 lon bia với một đoạn đường dài phải cuốc bộ, tôi lấy làm biết ơn quan điểm của thành phố về việc tiểu tiện nơi công cộng và cảm thấy vinh dự vì một số chất trong cơ thể của mình sẽ ngấm qua đất, thấm vào rễ cây, chuyển lên các gân lá và cung cấp dinh dưỡng cho một tí đầu lá.

Cây #61: Phụ nữ ngày nay không còn nhuộm răng đen, người ta không còn chèo đò qua sông. Những chiếc cầu không nối được hai bờ um tùm cây cối. Những lõi cây trưng bày vòng tuổi ở đường Tôn Thất Đạm trông giống như vân ngón tay bị tước mất xúc giác. Tôi đứng cạnh một lõi cây như một nhành ma và cảm thấy nhói đau như cái đau của một bóng mát đã bị lãng quên.

Cây #154: Để trồng một cây chò nâu, phải bỏ đi phần cánh hoa chò rồi ngâm hạt trong nước khoảng một-hai giờ; ươm hạt dưới một lớp đất mỏng đã được bón phân; trong vòng ba-bốn ngày hạt sẽ nẩy mầm; một năm sau cây sẽ mọc cao 1 mét; trong ba-bốn năm đầu chò nâu thích bóng râm sau đó thì hợp với nắng ở phần đời còn lại; trong suốt quá trình này cây chò nâu có thể cao lên đến 40 mét; nó có thể sống lâu hơn bạn và những người thân yêu của bạn.

Cây #36: Để lấy nhựa chò nâu, người ta phải khoan một lỗ nhỏ rồi để nhựa tiết ra dần, giống như nắm tay của một đứa trẻ hé mở từ từ trong giấc ngủ.

Cây #42: Chò nâu được dùng làm nước sơn, dầu bóng, keo dán, giỏ xách, thùng/hộp, ván ốp tường, mồi nhen lửa, mực in, thuốc đuổi côn trùng, thuốc nhuận trường, thuốc lợi tiểu, chất kích thích, thuốc sát trùng, than đốt, chất giữ mùi thơm, thuốc nhuộm răng đen và cao để trét tàu bè ngăn thấm nước.

Cây #167: Thực vật biểu sinh bám vào thân cây chò nâu bằng cách len vào các kẽ ngách trên thân cây. Loại thực vật chỉ hút không khí và ăn sương mà sống này chẳng làm hại cũng chẳng mang lợi gì cho cây chò nâu, giống như những con hà bám trên thân cá voi hay một người trung bình sinh sống trong xã hội.

Cây #99: Tuyên ngôn của chò nâu là quang hợp và hô hấp, rễ và rễ giả, nhựa và phấn. Kẻ phát ngôn này mạnh mẽ kinh khiếp và không hề biết thế nào là nản chí.

Cây #58: Do thôi thúc từ khao khát phi lý muốn sở hữu một con khủng long thời thơ ấu, gần đây tôi đã mua một con chim. Đó là một con vành khuyên Nhật Bản. Bộ lông xanh lục đầy sinh lực của nó sẽ làm bẽ mặt nỗi thèm khát quang hợp của chò nâu. Sau sáu ngày phẫn nộ vùng vẫy gieo mình vào các thanh chắn của chiếc lồng, nó thoát. Tôi quan sát với tất cả niềm vui sướng. Mong cho nó tìm được đường vào sở thú: hi vọng duy nhất của nó là gặp một cây chò nâu để bình an sà xuống đậu.

Cây #211: Họ làm như vậy khi cả thành phố đã ngủ say để không ai để ý, nếu không họ sẽ bị phân tâm trong việc họ đang làm. Ôm cây là một hình thức giao cảm giữa con người và thực vật, chứ không phải để bày tỏ. Nhà nước để ý, chờ lúc cần can thiệp, nhưng mà, làm như vậy thì có gì sai chứ?

Cây #103: Tựa lưng vào thân cây chò nâu, một ông trần trùng trục đang ngủ giữa ban ngày, cạnh cánh tay có một ống kim tiêm. Chò nâu thì biết gì về nghiện ngập? Chúng ta có thể tìm thấy điều tương tự nơi loài cây này chăng, trong cái cách nó khát nước từ lòng đất, trong cái cách lá cây đói thán khí, trong cái cách chò nâu thèm thụ phấn?

Cây #121: Nhà nước đã chọn một số cây chò nâu để dẹp bỏ đi vì lợi ích của hạ tầng cơ sở. Không biết số cây còn lại là bao nhiêu. Bứng rễ một con người có dễ dàng hơn chăng? Như Quế Mai, bạn của tôi, đã nói: “Hãy hớp lấy từng cơn gió nhẹ… hãy học cách ươm cây… hãy rùng mình để nở… hãy đơm quả từ những nhành rễ đang rớm máu của ta.” Là một người được sinh ra và lớn lên ở một vùng đất không có chò nâu, tôi tin rằng điều này khả dĩ.

Cây #6: Trong khi tản bộ xuống đường Lê Duẩn, tôi chợt thấy một thác hoa chò đổ tuôn sau một trận gió hè. Những quả hạch bay vòng vèo xuống rồi đáp trên nền bê-tông. Vô phương bám rễ, những cánh hoa xuội lơ, giống như vây cá voi sát thủ yếu quặt vì bị giam cầm. Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế.

Bài viết được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi Trần Thị NgH cho tạp chí Da Màu.

Bài viết liên quan

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

in In Plain Sight

Giữa lòng Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa ngày ngày kể chuyện đời Phố cổ

Nằm an nhiên trong lòng Phố cổ, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Hà Nội mang trong mình một kho tàng kiến thức, điển tích xưa về kiến trúc và lịch sử thủ đô.

Khôi Phạm

in Quãng 8

Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Bò gặm cỏ rau ráu, đôi uyên ương rối tung tăng trên nước, ván bài tam cúc ma mị, nàng thơ ngổ ngáo mặc áo tứ thân đi giày bata, mâm cơm đạm bạc. Đây chỉ là một vài hình ảnh lập lòe trong tâm trí khán ...

Paul Christiansen

in Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một than...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

Khôi Phạm

in Văn Nghệ

Nỗi buồn hoa phượng: Từ 'nàng thơ' thi ca đến bi kịch của một tượng đài

Kỉ niệm tuổi học trò của tôi với phượng đi theo lối mòn như văn mẫu. Dù đã cố gắng lục tìm trong tiềm thức một mảnh kí ức đặc biệt nào đó khác với hoa phượng, tâm trí tôi vẫn đau đáu tìm về khoảnh khắ...