“Nhà nước bán 100.000VND. Đưa cô 150.000VND nhớ. Cổng 3, ở ngay giữa.”
Người phụ nữ vừa nói, vừa huơ tấm vé vào mặt tôi; tôi ngập ngừng. Đây sẽ là lần đầu tiên tôi đến sân vận động Hàng Đẫy, cũng là lần đầu đi xem một trận bóng đá ngoài sân. Hôm đó, FC Hà Nội, thành phố của tôi, sẽ đá với FC Thanh Hóa. Hai đội đang cùng chia nhau vị trí đầu bảng của giải đấu, nên đây là trận cầu mà tôi không muốn bỏ lỡ. Một ngày trước khi trận đấu diễn ra, tôi lò dò ra sân mua vé, nhưng chẳng tìm được cái quầy vé nằm đâu. Tôi chỉ thấy có hai người phụ nữ — hai cô phe vé — ngồi trên cái ghế nhựa, chờ con mồi đi qua.
“Thôi cho cháu 220.000VND hai vé nhé?” Tôi sẽ đi cùng ông bạn bay tận từ Sài Gòn ra Hà Nội, nên tôi thử chiêu mua sỉ để mặc cả, nhưng không ép phê gì. Cô ấy chẳng buồn trả lời mà quay đi luôn. Nhưng cô phe vé số hai đóng vai quân sư: “Tiền đó thì bán cho cháu nó vé cổng 4 đi.”
“Rồi, đây!” Cô phe vé số một lầm bầm. “Cổng 4, mua đi để cô có tiền ăn sáng. Khán đài A hay B?”
“Bên nào là Hà Nội?” Vì là lần đầu, tôi muốn ngôi chung với các fan Hà Nội để được trải nghiệm cảm giác đi cổ vũ đội nhà.
“Tất nhiên là A rồi!” Vậy là cuộc giao thương chấm dứt. Con mồi đã vào tròng.
Ngày hôm sau, tôi và ông bạn ra sân sớm vì muốn cảm nhận bầu không khí quanh sân trước trận. Nhưng chưa gì tôi đã thấy hụt hẫng. Những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của cả hai đội, với những lá cờ và lời reo hò khản cổ, đều ngồi bên khán đài B. Từ ngoài sân mà chúng tôi vẫn cảm nhận được nhịp trống hừng hực của họ. Tôi trân trân nhìn khán đài B, tự hỏi không biết có nên mua lại một cặp vé khác không. Nhưng ông bạn tôi an ủi rằng thôi không sao đâu, và chúng tôi ra cửa của mình.
Ở cổng 3, tôi đưa cặp vé cho cậu nhân viên soát vé. Cậu quét tờ vé, nhìn tôi, quét lại lần nữa, rồi hỏi: “Anh mua vé này ở đâu thế ạ?”
“Anh mua của mấy cô ngoài kia hôm qua.”
“Vé giả rồi anh ạ.” Cậu cho tôi xem dòng chữ màu đỏ trên máy đọc vé.
Vì một lí do nào đó mà tôi chẳng thấy ngạc nhiên hay tức giận, chỉ thấy bùi ngùi. Có vẻ như chúng tôi sẽ không được trải nghiệm hôm nay. Tôi và ông bạn đang bàn nhau nên làm gì tiếp thì một cậu trai cạnh bên quay qua nói: “Có vé đây anh, em kỷ niệm.” Chúng tôi sốc không nói nên lời. Cậu trai tốt bụng nhét cặp vé vào tay chúng tôi với nụ một nụ cười. Lúc đấy cậu đeo khẩu trang, nhưng tôi chắc chắn cậu đang cười. Chúng tôi rốt rít cảm ơn, và a lê hấp, tự tin bước vào sân.
Khán đài B hiện ra trước mắt chúng tôi. Hầu hết khán giả ở đây đều mặc một trong hai màu: tím, của FC Hà Nội, và vàng, của FC Thanh Hóa. Các lá cờ tung bay phất phới trên khắp khán đài. Và kia là dàn trống Hà Nội: tổng cộng mười chiếc, cái loại người ta đánh báo hiệu trong trường học. Cổ động viên Thanh Hóa cũng mang theo trống, không nhiều bằng Hà Nội nhưng họ chơi bốc lửa không kém. Mười lăm phút trước khi bắt đầu trận đấu, phía Thanh Hóa đã đốt quả pháo đầu tiên, những tia lửa phun lên trời như dòng nước bạc lấp lánh.
Còn ở khán đài của chúng tôi, mọi người mặc đủ loại màu sắc. Ở bên này, mọi người có vẻ ít hào hứng hơn, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được sự hồi hộp — cái chờ đợi của mấy ngàn con tim cùng chung một nhịp. Một điều mà nếu xem ở nhà một mình tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được.
Không lâu sau, các cầu thủ ra sân trong bộ đồng phục cùng màu với người hâm mộ của mình. Người dẫn chương trình cất tiếng mời mọi người trên khán đài đứng lên hát quốc ca. Tôi cất giọng hát — "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc..." — với một sự tha thiết đến lạ. Sau đó, trọng tài nổi còi, và trận đấu chính thức bắt đầu.
Cổng 4 nằm gần cột gôn bên trái, khung thành của FC Hà Nội trong hiệp một. Chưa đầy năm phút, người hâm mộ Hà Nội đã có một phe hết hồn. Hậu vệ của chúng tôi chuyền bóng hơi nhẹ cho thủ môn, tiền đạo đối phương xông lên để cố cắt bóng May mắn thay, thủ môn của chúng tôi chơi xuất thần và đá bóng lên kịp thời.
Phần lớn hiệp một, đội khách kiểm soát bóng nhiều hơn chúng tôi. Và kể cả khi có bóng, cầu thủ FC Hà Nội cũng chẳng làm được gì nhiều ngoài việc để mất bóng tiếp cho FC Thanh Hóa. Tỉ số vẫn là 0-0; nếu đang ngồi ở nhà, có lẽ tôi đã mất hứng và ngồi lướt điện thoại từ lâu. Nhưng ở đây, tại sân vận động, tôi thấy mình khua tay la hét chỉ dẫn cứ như là môt huấn luyện viên: "Sang phải đi!" "Việt vị rồi!" "Sút đi, giời ơi!"
Bất ngờ, một giọng nói phía sau nhảy vảo: “Thanh Hóa đá chắc quá. Mình không triển khai được!"
"Cứ đá đá kiểu này thì chỉ hòa là may rồi," tôi nói.
"Hòa là may rồi," người lạ gật gù với tôi. “Nếu hòa được thì thủ môn là hay nhất trận.”
Công nhận vậy, đến giờ thủ môn của chúng tôi đã cứu thua hai bàn thua rồi. Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng xem đá bóng ở sân thế này lại vui, vì còn có người bình luận cùng. Xuyên suốt hiệp một, chúng tôi liên tục chém gió với nhau. Tôi vẫn chưa quay lại để xem nãy giờ mình đang ngồi buôn dưa với ai.
Chỉ khi nghỉ giữa hiệp, tôi mới biết mặt người đồng bình luận viên của mình, Thế Anh. Đây cũng là lần đầu tiên cậu đến sân vận động Hàng Đẫy; cậu và anh trai đã đưa bố mẹ đến xem trận đấu. "Mẹ em cũng chả xem bóng đá bao giờ đâu, dắt bà ra đây cho vui thôi," cậu chia sẻ. "Bố em thì thường xem ở nhà. Bây giờ ông nghỉ hưu rồi nên không có gì làm. Thế là hai anh em đưa ông ra đây khi có trận Hà Nội để giải khuây."
Hiệp hai đến rồi đi. Vẫn không ai ghi bàn; thủ môn của chúng tôi tiếp tục cứu rỗi khung thành mấy lần nữa. Trận đấu hòa những tôi thấy rất vui. Ông bạn tôi bảo chưa bao giờ thấy tôi “máu” đến như vậy. Đúng là tôi chưa từng cảm thấy thế này bao giờ. Nó là thứ cảm giác được chia sẻ một cái gì đó với ông bạn, với Thế Anh và gia đình, với hơn 7.000 người ở khán đài hôm đó.
Giải đấu V-league hiện đang tạm nghỉ cho đến tháng 4. Khi mùa giải quay trở lại, tôi mong lại có dịp đi xem một trận đấu khác. Thế Anh chỉ tôi cách mua vé online, nên “phe queo” nhé, quân phe vé. Lần sau, có lẽ tôi sẽ chọn khán đài B.