Năm 1964, khi chú Đỗ Văn Lan chỉ mới 14 tuổi, một nhóm binh lính Mỹ đã đóng quân 6 tháng tại nhà chú ở Bình Định vì muốn theo học nghề làm nón ngựa. Khi chú biết rằng tôi là người Mỹ, chú liền kể ngay cho tôi nghe câu chuyện này. Không chỉ một mà nhiều lần.
Sở dĩ chiếc nón ngựa có tên gọi như vậy là vì đặc tính bền bỉ, dẻo dai, thích hợp để che chắn cho người đội khi cưỡi ngựa. Vì quy trình chế tác tác tỉ mỉ, nón ngựa trở thành mặt hàng đắt đỏ và xa xỉ, ngoại trừ quân triều đình và các nhà quý tộc thì không phải ai cũng có thể đội hàng ngày.
Từ 300 năm nay, danh tiếng của làng Phú Gia, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã vang xa nhờ tài nghệ làm nón ngựa thủ công của người dân nơi đây. Bằng cái tâm của một nghệ nhân, chú Lan dẫn dắt chúng tôi tham quan quy trình 10 bước để sản xuất nón ngựa, đồng thời chia sẻ nhiều điều thú vị về công việc của mình: loại lá dùng làm vật liệu là do đồng bào dân tộc thu hoạch trên cao nguyên; những thiết kế nón công phu nhất có thể mất đến 6 ngày để sản xuất và trị giá đến 1,5 triệu VND; bốn cô con gái của chú sẽ tiếp quản nghề từ chú, vì các anh con trai xem đó là "việc của phụ nữ." Nếu có người chịu khó lắng nghe, có lẽ chú Lan có thể ngồi tâm tình cả ngày ấy.
Thế nhưng, cuộc tham quan của chúng tôi kéo dài không lâu. Đây chỉ là một điểm dừng nhỏ trong hành trình được tổ chức bởi một khu nghỉ mát tôi đang ở. Thật lòng mà nói, khi nghe về "chuyến thăm làng nghề," tôi đã không dám kỳ vọng nhiều. Tôi chỉ nghĩ đây sẽ là một hoạt động để giải trí cho khách du lịch, thương mại hóa những gì còn sót lại của một nét truyền thống đang hấp hối trong thời hiện đại, giống như việc xem mua rối nước tại Hồ Hoàn Kiếm hay đi lượn lời quanh chợ Bến Thành. Thế nhưng, tôi đã nhầm to. Tôi được đặt chân vào một căn nhà ấm cúng, nơi cả gia đình tận tụy dành cả đời để giữ nghề, dù có khách du lịch đến thăm hay không.
Có phải vì vẻ đẹp và sự tinh xảo những chiếc nón, của từng hoa văn và con chữ thêu; hay quyết tâm bám trụ với nghề của chú Đỗ Văn Lan; hay những suy tư lo lắng về tương lai của làng nghề thủ công? Tôi không biết điều gì đã thôi thúc tôi tìm kiếm thêm thông tin trên internet. Tôi cứ ngờ rằng mình sẽ chẳng tìm đủ thông tin để viết nổi một bài báo. Nhưng một lần nữa, tôi lại sai lầm. Có vô số bài viết, video và bản tin của chính phủ về nón ngựa Phú Gia, được đăng tải rộng rãi trên truyền thông địa phương. Tôi chẳng thể đóng góp thêm gì nữa cho ngôi làng sau chuyến đi ngắn ngủi của mình.
Chúng ta ai cũng muốn được làm người khám phá ra một viên ngọc quý, nhưng có lẽ tốt hơn khi biết rằng đã có người khác trân trọng viên ngọc ấy mà không màng vụ lợi. Suy nghĩ ấy thắp lên trong tôi một tia hy vọng cho ngành du lịch Việt Nam, và cũng như cho tương lai của những làng nghề thủ công truyền thống, bởi như chú Đỗ Văn Lan đã khẳng định: “Chú chỉ làm đủ để sống qua ngày thôi, nhưng chú yêu nghề của mình lắm.”