Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng thời cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ.
Nặm Đăm là một thôn thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 50 km. Nằm nép mình trong thung lũng yên bình dưới chân núi, Nặm Đăm là nơi sinh sống của người Dao Chàm, dân tộc có dân số đông thứ hai tại huyện Quản Bạ.
Người Dao quan niệm, khi con người sống hòa hợp, tôn trọng tự nhiên, các vị thần cai quản tự nhiên sẽ bao bọc, che chở, mang đến cho họ cuộc sống bình an, no đủ. Vì vậy, trong đời sống tín ngưỡng, người Dao ở Hà Giang ngoài thờ cúng tổ tiên còn thờ thần như thần thổ công, thần bếp, thần gia súc gia cầm; các vị thần cai quản tự nhiên (thần mưa, thần nước, thần đất, thần gió); và các vị thần nông nghiệp (thần rừng, thần nương).
Tọa lạc ở cửa ngõ của cao nguyên đá, Nặm Đăm được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc yên bình với những cánh rừng già bao bọc xung quanh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Làng cũng có nhiều dòng suối chảy qua, nhiều hồ nước xanh mát. Người dân nơi đây xem hồ Nặm Đăm là "hồ thiêng" mang đến nguồn nước tưới mát ruộng nương, giúp cho vạn vật sinh sôi, tươi tốt.
Người lớn tuổi trong làng nói rằng, người Dao nơi đây có truyền thống nuôi cá ở hồ Nặm Đăm trong suốt một năm và chờ đến Tết Thanh Minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) để mở hội bắt cá dâng lên tổ tiên, cảm tạ trời đất, thần linh đã phù hộ, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Vì là sản vật để dâng lên tiền nhân nên bầy cá được chăm sóc và bảo vệ rất cẩn thận. Làng quy định trong suốt 12 tháng đó, không ai được câu cá trong hồ, nếu vi phạm bị phát hiện sẽ chịu phạt rất nặng.
Không biết tục lệ bắt cá đã hình thành từ khi nào, nhưng cho đến ngày nay, cứ vào dịp Tết Thanh Minh, trong mâm cơm cúng ông bà của người Dao Chàm Quản Bạ luôn có món cá. Truyền thống này được duy trì như một nét đẹp trong tín ngưỡng, thể hiện lối suy nghĩ, tinh thần nhân văn của người Dao. Đó là lòng biết ơn tổ tiên, là sự tôn kính đối với các vị thần tự nhiên đã luôn phù hộ, chở che họ.
Lễ hội bắt cá được tổ chức hàng năm ở Nặm Đăm, ngoài ý nghĩa tâm linh sâu sắc, còn là dịp để người dân trong làng có dịp vui chơi tăng cường gắn kết. Trước khi các đội bắt đầu xuống suối bắt cá, từ 8 giờ sáng, một đoàn rước lễ đi từ đầu làng đến miếu Đội 1 để cúng. Miếu đội 1 nằm trên một gò đất cao, gần một hồ nước. Mâm lễ gồm xôi ngũ sắc, thịt, gà, rượu, v.v. Nghi thức cúng do ông Lý Đại Thông, một người có uy tín trong bản, thực hiện.
Năm nay, lễ hội bắt cá của người Dao Chàm Quản Bạ là cuộc so tài giữa hai đội Nặm Đăm và Chúc Sơn. Buổi sáng hôm đó, thời tiết ủng hộ, trời ấm áp, nắng không gắt và nước suối không quá lạnh nên gương mặt ai cũng rạng rỡ.
Mỗi đội thi gồm 10 người đã được ban tổ chức chia trước đó. Cá, chủ yếu là cá rô, cũng được mang từ hồ thả vào suối ngày hôm trước. Người tham gia mặc trang phục truyền thống màu chàm. Phụ nữ đội nguyên khăn vấn đầu với những sợi chỉ thêu nhiều màu sắc. Hai đội phân biệt bằng màu ruy-băng quấn trên đầu. Đội Nặm Đăm màu đỏ, đội Chúc Sơn màu xanh. Theo luật, người tham gia bắt cá bằng tay và bỏ vào thùng của mỗi đội đặt trên bờ suối. Trong 30 phút, đội nào bắt được nhiều cá hơn là đội chiến thắng. Những người bắt được cá to nhất, đẹp nhất cũng được cho là sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Hiệu lệnh từ trọng tài báo hiệu cuộc tranh tài bắt đầu. Tiếng hò reo cổ vũ từ bờ suối vang vọng từ tứ phía. Nhanh nhất có thể, những người tham gia khẩn trương lao xuống nước. Những mảnh nước bắn lên tung tóe, lung linh như pha lê. Thoắt một cái, ai nấy đều đã ướt hết từ đầu đến chân. Họ ngụp lặn, tay liên tục mò mẫm, mắt láo liên quan sát. Chỉ trong khoảng 3 phút đầu tiên của cuộc tranh tài, anh Lý Tà Sàng (thôn Nặm Đăm) đã tìm thấy con cá đầu tiên trong tiếng vỗ tay tán dương của cả làng. Theo luật chơi, người bắt được cá đầu tiên sẽ có phần thưởng riêng.
Mực nước suối ngang người nên việc di chuyển của người chơi tương đối khó khăn. Ngoài ra, vì suối nhiều nước, nhiều đá, không như ở hồ, lại bắt cá bằng tay không nên cá dễ luồn lách. Đây là một thách thức lớn với hầu hết những người chơi. Thế nhưng, với sự khéo léo, hầu như ai cũng bắt được cá. Cứ chốc chốc lại có tiếng hô to lên khiến mọi người đồng loạt ngoái lại nhìn. Cá được nắm chặt trong lòng bàn tay giơ lên cao như một động tác khoe kết quả trong niềm vui sướng và tự hào khôn xiết.
Sau 30 phút cực kỳ sôi nổi, kim đồng hồ điểm hết giờ, trọng tài đếm ngược 10 giây cuối cùng, người chơi tiến về bờ trong bộ áo quần ướt sũng. Cá trong thùng của hai đội được tiến hành cân để xác định đội chiến thắng. Chung cuộc, đội Nặm Đăm với khối lượng cá lớn hơn giành giải nhất.
Sau hội thi, cũng như những ngày sau đó, người làng cũng xuống ao bắt cá. Cá bắt lên được chia cho tất cả các hộ trong làng. Những con cá to nhất, đẹp nhất được bà con làm cơm cúng tổ tiên vào Tết Thanh Minh và rằm tháng 3 âm lịch.