Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Văn hóa châu thổ Bắc Bộ qua lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Với những lễ tục, sinh hoạt dân gian đậm nét văn hóa vùng nông nghiệp trồng lúa nước, lễ hội chùa Keo Hành Thiện là dịp người dân tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Tổ — thiền sư Dương Không Lộ vì những công trạng cứu dân, độ thế của ngài.

Trung tuần tháng 9 Âm lịch hàng năm, làng Hành Thiện (Nam Định) lại tổ chức lễ hội chùa Keo. Truyền thống này có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng và ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân Hành Thiện:

“Dù ai ngang dọc Tây Đông,
Ngày Rằm tháng chín hội Ông nhớ về.
Dù ai bận rộn trăm nghề,
Ngày Rằm tháng Chín nhớ về hội Ông.”

Mặt trước chùa Thần Quang Tự (chùa Keo trong làng Hành Thiện).

Hành Thiện — ngôi làng hình cá chép giàu truyền thống hiếu học

Làng Hành Thiện tọa lạc tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Nằm ở ngã ba giao giữa sông Hồng và sông Ninh Cơ, làng mang đậm dấu ấn đặc trưng làng quê Bắc Bộ. Những ngày cuối thu, từng vạt nắng vờn nhẹ kẽ lá, chạm lên những mái đình rêu phong nơi ngôi làng nhỏ. Dọc triền đê, cỏ lau trắng lác đác, gió từ sông Ninh Cơ thổi vào mát rượi. Đặt chân lên đất Hành Thiện, tôi nghe hơi thở trăm năm từ quá khứ vọng về trên từng mái đình, góc chợ, cây đa bến nước.

Là một địa danh cổ xuất hiện từ lâu đời, nhưng chỉ đến 200 năm trước, làng mới được đặt tên là Hành Thiện bởi vua Minh Mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi lập làng đến nay, Hành Thiện nổi tiếng là vùng đất hiếu học, trọng tài. Câu ngạn ngữ “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” được lưu truyền để ca ngợi truyền thống ấy. Làng cũng là cái nôi của nhiều tục lệ văn minh, phong tục nhân văn, từng được vua Tự Đức ban tặng 4 chữ “mỹ tục khả phong” (đạo sắc của vua phong tặng cho vùng đất có phong tục tốt đẹp).

Làng Hành Thiện nằm trên mảnh đất hình cá chép, có truyền thống hiếu học, trọng tài.

Ngoài truyền thống, giá trị tinh thần tốt đẹp, di sản tổ tiên để lại trên đất Hành Thiện còn là những di tích mang ý nghĩa lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa. Chùa Keo là một trong số đó. Chùa được cấu thành bởi chùa Keo trong (Thần Quang Tự — xây dựng năm Nhâm Tý 1612) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan Tự — xây dựng năm Đinh Mùi 1788).

Theo tư liệu lịch sử, thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang vào năm Tân Sửu (1061) trên đất Giao Thủy, phủ Hải Thanh, sau đổi tên là Thần Quang. Chùa còn được gọi là chùa Keo vì “Giao” có âm Nôm là “Keo.” Chùa ban đầu khá bề thế, từng là trung tâm Phật giáo của vùng phía Nam châu thổ sông Hồng. Đến năm Mậu Tý (1588) và Tân Hợi (1611), ngôi chùa hơn 500 năm tuổi đã bị càn quét bởi những trận lũ lụt do đê sông Hồng vỡ. Nhân dân trong vùng phải rời quê, di tản đến hai bờ sông Hồng dựng làng mới. Phía tả ngạn là làng Dũng Nhuệ. Còn phía hữu ngạn, các cụ tổ làng chọn một khu đất có hình con cá chép đuôi hướng Bắc, đầu hướng Nam để dựng làng Hành Cung (sau này là Hành Thiện). Hình dáng cá chép là sự kết hợp giữa thế đất tự nhiên và mong muốn con người, gửi gắm ước vọng “cá vượt vũ môn” của những người đầu tiên khai sinh ngôi làng.

Dân làng hai bên đều cho dựng chùa mới và cùng lấy tên cũ là chùa Keo, thờ tự theo nghi thức “tiền Phật, hậu thánh.” Ngoài thờ Phật như các ngôi chùa khác, chùa Keo Hành Thiện còn thờ Đức Thánh Tổ, thiền sư Dương Không Lộ để tưởng nhớ công đức của ngài. Dương Không Lộ là vị quốc sư có công dựng chùa, giúp dân, độ thế, có nhiều công lao với triều đình nhà Lý và nước Đại Việt, được người dân Hành Thiện suy tôn thành vị Thành Hoàng làng. Ngoài công trạng trị thủy cứu dân, thiền sư Dương Không Lộ còn sáng tạo ra các giá trị văn hóa, khai sinh ra các nghề thủ công truyền thống của vùng châu thổ Bắc Bộ, chỉ dạy người dân nghề chài lưới, làm thuốc, đúc đồng, đan lát.

Lễ hội chùa Keo mang đậm dấu ấn văn hóa vùng nông nghiệp lúa nước

Theo thông lệ, cứ dịp tháng 2 và tháng 9 âm lịch hàng năm, làng Hành Thiện lại tổ chức lễ hội chùa Keo. Trong đó, hội rằm tháng 9 được gọi là hội thu diễn ra ở chùa Keo ngoài (Thần Quang Tự). Lễ hội có quy mô hoành tráng, diễn ra nhiều ngày, bảo tồn nhiều nghi lễ, sinh hoạt dân gian mang đậm bản sắc cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông Hồng. Người Hành Thiện, dù bận rộn thế nào, cũng về làng dịp này:

“Dù ai muôn nẻo xa quê
Đến Hội tháng Chín cùng về chung vui
Mười người một trải đua bơi,
Nước sông cuộn sóng, vang trời hò reo.”

Là một lễ hội quan trọng và có quy mô lớn, khâu chuẩn bị được tiến hành ngay từ đầu tháng 9. Khuôn viên chùa, khu vực thờ tự được vệ sinh, trang hoàng. Làng trên xóm dưới, ai nấy đều nô nức trang trí, sắm sửa, háo hức chờ đến chính hội. Từ chùa ra đầu làng, cờ hội được treo rực rỡ, bay phấp phới.

Chủ hội (giữa) được cả làng tín nhiệm, quyết những vấn đề quan trọng của lễ hội.

Một bậc cao niên uy tín, đức độ được cả làng bầu chọn làm chủ hội. Dưới thời phong kiến, chủ hội còn phải là quan viên bậc nhất. Tiêu chí chọn chủ hội phải khắt khe bởi nhân vật này được cả làng tin tưởng để quyết những vấn đề hệ trọng của lễ hội. Ngày nhậm chức, chủ hội được rước lên chùa một cách trang trọng và ở đến chùa cho đến hết lễ hội. Làng quy định chủ hội làm không quá một nhiệm kỳ.

Lễ hội chính thức bắt đầu bằng vài hồi trống, chuông, khánh đánh vang dội trong ngày nhập tích mở cửa hội. Các ngày kế tiếp diễn ra nhiều nghi lễ như phụng nghinh (rước thánh), dựng phướn, v.v. cùng nhiều sinh hoạt cộng đồng, hội thao, trò chơi dân gian như thi bơi trải, rước đèn, kéo co, múa rối…

Sáng 12 và 15 Âm lịch, nghi thức phụng nghinh diễn ra quanh chùa. Người lớn tuổi trong làng kể, trước đây, phụng nghinh được thực hiện rất hoành tráng, đoàn lễ đi quanh làng, qua tất cả các xóm, kiệu đi đến đâu, người dân đều bày mâm lễ bái vọng Đức Thánh. Ngày nay, quãng đường phụng nghinh rút ngắn còn 3 vòng quanh di tích. Đoàn phụng nghinh gồm 300 người gọi chung là phù giá mặc trang phục đẹp khiêng kiệu, sắc, cầm cờ, lọng diễu hành quanh hồ nước trước gác chuông. Đoàn xếp hàng dài hàng cây số, đi đến đâu cờ lọng rực rỡ, âm nhạc trang nghiêm, vang dồn đến đấy. Khi đoàn phụng nghinh di chuyển trên bờ thì dưới hồ nước trước chùa, thuyền cò cốc bơi theo. Trên thuyền là 10 em nhỏ ngồi thành hai hàng dọc đối xứng, một em lái, một em gõ mõ phất cờ và hò giữ nhịp.

Nghi thức phụng nghinh, rước kiệu 3 vòng chùa được thực hiện vào sáng 12 và 15 Âm lịch.

Đoàn phụng nghinh gồm 300 người, trang phục đẹp, khiêng kiệu, cầm cờ, lọng, v.v. được gọi chung là phù giá.

Hòa tấu gồm trống cơm, kèn tàu, hồ, nhị, níu, đàn tứ, đàn nguyệt trong đoàn phụng nghinh.

Kiệu sắc rước sắc phong ban cho Đức Thánh Tổ.

Thuyền cò cốc bơi dưới hồ khi đoàn phụng nghinh di chuyển trên bờ.

Người dân cầu may mắn khi đoàn kiệu đi ngang qua.

Chùa Keo không có sư trụ trì, do vậy, tất cả các công việc tế, lễ và thực hiện các nghi thức tôn giáo đều do các thầy chùa đảm nhiệm (còn gọi là ông Thống).

Người dân Hành Thiện, từ người già đến trẻ con, từ làng trên đến xóm dưới đều háo hức xem hội.

Bên cạnh phụng nghinh, lễ hội chùa Keo còn có nhiều nghi thức cúng tế trang trọng khác như phục miều y, thánh đản, lễ tiễn đàn. Trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, ngoài lễ vật thông thường như hương, đèn, hoa quả, trà, còn có lễ vật đặc trưng là bánh giầy, một món bánh truyền thống của người dân nơi đây.

Ngoài phụng nghinh, trong lễ hội chùa Keo còn có các nghi thức cúng tế khác.

Nghi thức dựng phướn.

Lá phướn là một dải lụa dài khoảng 10m, rộng khoảng 50cm, màu đỏ, viền xanh.

Cột phướn gắn liền với câu chuyện ngụ ngôn kể về sức mạnh cảm hoá của Phật đạo đại từ, đại bi, răn dạy chúng sinh cải tà quy chính.

Trong phần hội, náo nhiệt và đặc sắc nhất là cuộc thi bơi trải truyền thống của 10 xóm diễn ra vào 12 và 15. Bơi trải gợi nhắc về thuở hàn vi làm nghề chài lưới của Đức Thánh Tổ, đồng thời, thể hiện đặc trưng rõ nét văn hóa vùng đồng bằng Hồng.

Mỗi trải gồm 10 người, phân biệt bằng màu trang phục.

Thuyền tham gia bơi trải được làm bằng gỗ nhẹ, hình con thoi, có 5 khoang, được sơn, đánh bóng và trang trí đẹp mắt. Đội hình bơi của mỗi thuyền gồm 10 người, trong đó có 9 chân chèo và 1 ông lái. “Trai xuống trải, gái quay tơ” — đối với trai làng Hành Thiện, được tham gia đội hình bơi trải là một vinh dự lớn lao. Người tham gia đều là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Trong đó, ông lái phải giàu kinh nghiệm, thạo chiến thuật, bố trí đội hình, biết cách tận dụng hướng gió, hướng sóng để điều khiến thuyền đi nhanh khi xuôi dòng và hạn chế lực cản khi ngược dòng. Mỗi đội mặc đồng phục có màu sắc khác nhau.

Người bơi trải giữ tư thế đứng suốt đường đua.

Tại vị trí xuất phát ở đoạn kênh gần chùa Keo, các thuyền được neo ở các cây nêu dựng dọc bờ. Lệnh xuất phát vang lên bằng ba hồi trống cái. Các thuyền di chuyển theo dòng kênh rồi rẽ ra sông Ninh Cơ. Trên sông, các trải phải bơi 3 vòng rồi quay về theo hướng cũ để trình diện tại địa điểm xuất phát ban đầu. Không giống nhiều loại hình đua thuyền khác, khi bơi trải, người chèo thuyền giữ tư thế đứng thay vì ngồi suốt chặng đua. Chân sau duỗi, chân trước co làm trụ ngả người về phía trước khi chèo. Các thuyền trong màu áo xanh, đỏ, tím, vàng đuổi bám nhau gay cấn. Những mái chèo đều tăm tắp rẽ nước băng băng trên sông. Nước tung bọt trắng xóa. Trên đường đua, các phao là mốc mà các trải buộc phải đi qua. Phao là cây tre ngả ngọn ra, có túm lá, khi đến đây, trải phải chạm vào túm lá. Nếu không, trải bị tính là trượt phao sẽ bị tụt vài thứ hạng.

Người dân cổ vũ cho các đội trải.

Thanh niên các xóm bơi xuống sông để cổ vũ.

Người dân từ các xóm đổ về, tập trung đông đúc dọc bờ sông Ninh Cơ để cổ vũ cho đội mình. Dòng người chen chúc, kéo dài hơn cả cây số. Tiếng hò hét, vỗ tay, tiếng kèn, tiếng trống inh ỏi vang một góc trời. Những thanh niên khỏe mạnh của các xóm còn bơi xuống sông để cổ vũ, tạt nước các thuyền ngang qua. Không khí vừa kịch tính lại vừa náo nhiệt. Sau 3 tiếng đồng hồ, các trải bắt đầu tiến về vị trí xuất phát ban đầu để trình diện. Trong nghi thức về đích, các trải đâm vào gốc nêu theo số thứ tự ngược lúc xuất phát trong tiếng vỗ tay, reo hò của dân làng đứng kín dọc hai bờ kênh.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Tết Thanh Minh, người Dao Chàm Quản Bạ xuống suối bắt cá dâng lên tổ tiên

Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng...

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Nghề làm thúng chai của nghệ nhân tỉnh Phú Yên

Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ nắng gió, Phú Yên là một trong những địa bàn trên cả nước có ngành ngư nghiệp phát triển lâu đời.

in Văn Hóa

Rực rỡ sắc màu lễ hội Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Là truyền thống đặc sắc từ xa xưa của cộng đồng người Chăm, lễ hội Katê được công nhận bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.