"Có một chị khách Việt kiều Pháp tới thăm tôi, nhìn bộ sofa rồi bật khóc. Vì kiểu sofa y chang nhà chị ngày xưa, chị bảo chị nhớ nhà và nhớ ngày xưa quá."
Nếu đứng nhìn từ bề ngoài, quán cà phê Lúa tại 140B Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TP. HCM) của anh Huỳnh Minh Hiệp cũng có hình thức trang trí như bao quán cà phê cóc khác tại Sài Gòn. Tuy nhiên, khi dần đi vào trong và khám phá từng ngóc ngách của quán, khách ghé thăm sẽ được trở lại những miền ký ức trong quá khứ rất riêng bởi khả năng gợi nhớ của hơn 5.000 hiện vật trưng bày trong quán.
Vì không thể sống xa Sài Gòn
Tôi gặp anh Hiệp vào một ngày cuối tuần, khi anh đang tất bật sửa soạn đồ đạc đi Bình Dương săn lùng những hiện vật mới, nhưng anh vẫn rất niềm nở đón tiếp tôi. Nói về hành trình bước chân con đường sưu tập, anh kể rằng bản thân bắt đầu từ năm 1993, khi vừa mới ra trường và công tác tại cửa hàng miễn thuế của sân bay Tân Sơn Nhất.
Do có tài lẻ là đánh trống và làm ảo thuật, anh thường biểu diễn cho du khách nước ngoài xem và được tặng những đồng xu, tờ tiền giấy của đất nước họ, từ đó anh tự hỏi rằng: Liệu có nên tìm kiếm thêm tiền của các nước khác để làm một bộ sưu tập tiền thế giới?
Nghĩ là làm, anh Hiệp bắt tay săn lùng các tờ ngoại tệ đến từ khắp nơi, và đó cũng là bộ sưu tập đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh Hiệp. Đến khi bộ sưu tập ngoại tệ đã khá “tròn trịa,” anh Hiệp bắt đầu chuyển sang sưu tầm tiền Việt, đặc biệt là bộ sưu tập tiền thời phong kiến và tiền Đông Dương, thứ đánh dấu một thời kỳ lịch sử khi vùng lãnh thổ Đông Dương trở thành thuộc địa của Pháp.
Thuở mới nhen nhóm ý định sưu tầm, nhiều người cho rằng anh Hiệp “rảnh hơi” mới đi làm những chuyện vừa phí thời gian vừa phí công sức. Trên thực tế, định kiến đó nảy sinh ra đều có cơ sở, vì phải chạy ngược xuôi từ Nam chí Bắc mới có thể tiếp cận được hiện vật. Nhưng đó cũng là nét đặc trưng thường thấy ở những người có đam mê sưu tầm — họ sẵn sàng đánh đổi rất nhiều các giá trị về vật chất lẫn tinh thần để có được cổ vật mình muốn.
“Có những hiện vật mà tôi muốn sở hữu, muốn người ta nhượng lại cho là tôi phải nhịn ăn cả tháng trời. Như hai khối tiền cổ thời triều vua Minh Mạng. Gọi là khối vì nó đã tồn tại cách đây hơn 200 năm, bị hóa thạch thành nguyên một khối rất đẹp, tôi mê lắm. Tôi phải nài nỉ vị chủ hai khối tiền đó mãi, tôi có tiền lúc nào thì tôi trả lúc đó, mà phải dành cả tháng chắt chiu thì tôi mới đủ tiền,” anh Hiệp chia sẻ.
Dạo quanh không gian quán, bên cạnh những bộ sưu tập về tiền hoặc xe, vật cao cấp của quan chức Sài Gòn ngày xưa, ta có thể bắt gặp những vật gần gũi, gắn liền với tuổi thơ người Sài Gòn thuở ấy như poster phim, xà bông cô Ba, dầu cù là Mac Phsu hình công chúa Miến Điện, kem đánh răng Perlon, nước ngọt Con Cọp,... hoặc những biển hiệu gốc của các cửa tiệm Sài Gòn xưa. Để có được những thứ này, anh Hiệp phải đi từ Sài Gòn dần về các tỉnh miền Tây Nam Bộ lùng sục, vì ở thành phố chẳng mấy ai còn giữ lại các loại bao bì, đồ vật ngày xưa.
Nhờ niềm đam mê mãnh liệt ấy, anh Hiệp đã được UNESCO Việt Nam mời về làm việc vào năm 2004 và có nhiều cơ hội được đến các bảo tàng, triển lãm để phát triển các bộ sưu tập của mình. Tuy nhận được rất nhiều kỷ lục về sưu tầm nhưng anh cho rằng bản thân làm sưu tập trước hết là vì thích, đến mức dù gia đình anh định cư tại Mỹ nhưng anh vẫn không thể bỏ Sài Gòn đi. Với người đàn ông này, những thứ thuộc về Sài Gòn là chất liệu quý giá nhất để anh tận hưởng niềm vui sưu tầm và cuộc sống của mình một cách trọn vẹn.
Một chương đáng nhớ của thành phố
Nếu như những gian ngoài của quán cà phê được trưng bày các hiện vật xưa, thì gian trong của quán có những hiện vật liên quan đến thời đại dịch được đóng khung, bảo quản trong tủ, và số còn lại được bọc nilong trong các cuốn bìa còng khổ lớn.
Là người tiên phong trong việc sưu tầm các đồ vật từ giai đoạn chống dịch, anh Hiệp đã thu thập các lọ vắc xin rỗng, thẻ đi chợ, thẻ ra đường, công văn, thẻ tình nguyện chống dịch, v.v.
Công việc của một người sưu tầm không chỉ dừng lại ở việc chinh phục được đồ vật và rời đi, mà còn phải am hiểu về nó, để có thể thấu hiểu được tận cùng giá trị của đồ vật ấy. Và từng sự kiện, con người liên quan đến các hiện vật, anh Hiệp dường như đều “thuộc làu.”
Chính quá trình đi chống dịch đã giúp anh nhận ra, bên trong một Sài Gòn từng vắng lặng, tang thương đến thế, lại tồn tại những nghĩa cử ấm áp, cao đẹp của những người dìu dắt lẫn nhau qua nghịch cảnh khôn lường. Đó chính là động lực giúp anh hoàn thiện kho tàng kỳ lạ này.
Hoàn cảnh đại dịch cũng khiến việc hoàn thiện “BST COVID-19” vất vả hơn nhiều. Chẳng hạn, anh phải chạy đua với thời gian để thu thập các lá phiếu đi chợ, bằng không người dân sẽ vứt mất, không có cơ hội để tìm lại lần hai. Trong hành trình đó, anh cũng chạm trán những loại giấy thông hành độc nhất vô nhị, như giấy đủ điều kiện tập thể dục tại công viên (phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM), giấy cắt cỏ cho bò ăn (Tây Ninh), phiếu lên rẫy,...
Biết được ý nghĩa công việc của anh Hiệp, người dân và các cán bộ địa phương tham gia chống dịch sẵn lòng quyên tặng anh những thứ anh tìm kiếm. Họ đóng gói cẩn thận, đồng thời viết thư tay với mong muốn được đóng góp vào việc lưu giữ những ký ức đã qua, để nhìn lại và không quên những ai đã hy sinh lặng thầm trong quãng thời gian khủng khiếp ấy.
“Nay em xin tặng anh những kỷ vật ở tại thành phố Đà Nẵng trong một thời điểm cả nước đều tham gia phòng chống dịch. Chúc anh Lúa mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống và bình an…" Những dòng chữ nắn nót ấy đã được anh Hùng, cán bộ chống dịch phường Thanh Khê Đông, TP. Đà Nẵng gửi về cho anh Hiệp, kèm theo miếng băng tay đỏ của cán bộ chống dịch.
Cũng nhờ đó, anh Hiệp đã “bỏ túi” được những mối quan hệ tốt đẹp trên khắp cả nước, dần dần lan rộng được ý thức gìn giữ và đừng bỏ đi những giá trị xưa, vì sau này có muốn cũng không thể khai quật trở lại.
Nhờ những nỗ lực của mình, anh đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục "Người sở hữu bộ sưu tập phiếu đi chợ và các giấy tờ, hiện vật liên quan đến dịch COVID-19 tại các địa phương Việt Nam với số lượng nhiều nhất.” Nhưng anh không sưu tầm chỉ để có danh hiệu cho riêng mình, anh còn đang nung náu kế hoạch tổ chức những buổi triển lãm, để cộng đồng có nơi nhìn lại một chương đáng nhớ của thành phố.
Bước ra khỏi quán Lúa, tôi bất thức nghĩ về Sài Gòn thời “Nước ngọt con cọp ở đâu / Đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời” và Sài Gòn kiên cường sau bao biến cố đã qua. Và chợt nhận ra rằng ở thời nào, vẫn luôn tồn tại những người hào sảng, cố gắng giữ lại những gì riêng biệt và đẹp nhất của thành phố này.