Sắp tới đây, ngôi chợ 110 tuổi sẽ được "thay áo mới" bằng một đợt đại trùng tu mái ngói, cửa chính và cơ sở hạ tầng nói chung.
Theo VnExpress đưa tin, nguồn quỹ xã hội hóa sẽ được sử dụng để thay thế, sửa chữa và cải tạo các hạng mục như nền sàn, lưới điện, hệ thống đèn và phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước, v.v. Bên cạnh đó, bốn cửa chính và các ki-ốt cũng sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của các tiểu thương tốt hơn. Đáng chú ý nhất, mái tôn kim loại sẽ được thay bằng mái ngói gạch như hiện trạng ban đầu, kèm theo lớp cách âm và nhiệt để giảm tiếng ồn và tăng lưu thông không khí.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM, đã chấp thuận đề xuất cải tạo, mở rộng chợ Bến Thành. Ông đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm việc với nhóm tư vấn thiết kế để cung cấp bảng kế hoạch chi tiết, có dự trù mức kinh phí, cho Ủy ban nhân dân trước ngày 28/02/2022.
Hiện vẫn chưa có thông báo cụ thể nào về lịch trình cải tạo chợ, cũng như hoạt động của chợ trong quá trình xây dựng. Tương tự, chưa có nguồn nào đưa tin về đơn vị điều động nguồn vốn cho dự án này.
Lần cuối cùng chợ Bến Thành được cải tạo là vào năm 1985. Nhiều hạng mục cơ sở vật chất của chợ đã xuống cấp trầm trọng từ đó do thời gian và thời tiết.
Chợ Bến Thành có nguồn gốc là trung tâm thương mại Les Halles Centrales do người Pháp xây vào năm 1870. Năm 1912, chợ được di dời đến địa điểm ngày nay, mở rộng diện tích lên đến 13.000m2, và chính thức đổi tên thành chợ Bến Thành. Sau nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và các đợt giãn cách, tình hình hoạt động của chợ đã dần khởi sắc trở lại khi chợ mở cửa vào tháng 10/2021.
Dù trải qua vô số thay đổi qua các thập niên, chợ Bến Thành vẫn là địa danh quan trọng về văn hóa lẫn kinh tế với người dân và khách du lịch khi đến TP. HCM.