Là tổ chức hướng đến mục tiêu xóa đói và chống lãng phí lương thực, Food Bank Vietnam hay Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam kết nối các đơn vị và cá nhân có thực phẩm đóng góp để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo VnExpress đưa tin, ngày 8/1 vừa qua, Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam đã chính thức cho ra mắt kho lưu trữ thực phẩm đầu tiên tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Nhà kho có diện tích lên đến 500m2, với mục đích lưu trữ và cung cấp thực phẩm cho các dự án thiện nguyện.
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4, kho lưu trữ cũng đã được kích hoạt để hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng của các đối tượng cơ nhỡ và lực lượng chống dịch tuyến đầu. Đội ngũ đầu bếp và nhân viên của Ngân hàng Thực phẩm đã sinh hoạt và làm việc tại chính kho lưu trữ để đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch.
"Sau nhiều năm tổ chức hoạt động cung cấp bữa ăn cho người yếu thế, tôi thấy mình vẫn chưa chủ động được nguồn thực phẩm chất lượng, ổn định. Trong khi nhiều thực phẩm bị vứt bỏ lãng phí thì có nhiều người lại thiếu ăn," anh Nguyễn Tuấn Khởi, giám đốc của Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam chia sẻ với VnExpress về lý do thành lập kho lưu trữ.
Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam là một phần của mạng lưới Food Bank toàn cầu, với chi nhánh tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Năm 2016, tổ chức thành lập văn phòng đại điện tại Việt nam để điều phối các chiến dịch về chống lãng phí thức ăn và phân phát thức ăn cho người nghèo tại TP.HCM. Khi thành phố đi vào giãn cách, tổ chức đã triển khai nhiều chương trình như "siêu thị 0 đồng" và xe cứu thương miễn phí để góp phần vào nỗ lực chống dịch.
Mục tiêu của kho lưu trữ là giải quyết các vấn đề thường gặp trong việc bảo quản thực phẩm từ thiện, nhất là những thực phẩm dễ hỏng như rau và trái cây. Thực phẩm được các doanh nghiệp, siêu thị hoặc hợp tác xã nông nghiệp đóng góp sẽ được được nhân viên kho phân loại và bảo quản phù hợp, sau đó vận chuyển đến những đơn vị đang cần như trại trẻ mồ côi, mái ấm trẻ em và các tổ chức nhân đạo khác.
Đến nay, Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới đối tác gồm hơn 200 bên cung cấp và 100 bên nhận. Nhìn chung, trong quá trình hoạt động, vấn đề lớn nhất không phải là nguồn cung thực phẩm mà là khâu vận chuyển ách tắc dẫn tới việc phân phối không đồng đều các gói hỗ trợ. Một ví dụ điển hình là những khó khăn trong giai đoạn giãn cách siết chặt vừa qua tại Sài Gòn, trong suốt thời gian này chuỗi cung ứng thực phẩm nội thành và liên tỉnh đã gặp phải vô số "tường rào."
“Chúng tôi ước tính rằng, lượng thực phẩm và hàng hóa cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu trợ thực phẩm trên khắp Việt Nam là khoảng 31 triệu kg mỗi năm. Hiện nay, các tổ chức cứu trợ đói nghèo kết hợp của Việt Nam cung cấp khoảng 22 triệu kg, nghĩa là còn khoảng 9 triệu kg chưa đáp ứng được đến với người khó khăn, thiếu ăn," anh Khởi chia sẻ với báo Lao Động.
[Ảnh bìa: VOV Giao Thong]