Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

Nghe lời đồng nghiệp, tôi đã đánh xe một chặng rất xa đến quận 8 để đi tìm nhân vật cho bài viết mới. Lúc tới nơi, tôi lơ ngơ tháo khẩu trang ra để hít thở, mà không ngờ rằng không khí lúc ấy ngập tràn những mảnh mùn cưa li ti từ xưởng mộc gần đó. Tôi thấy mình và anh nhiếp ảnh gia như bị cuốn vào một phân cảnh trong phim Tuyết Rơi Mùa Hè, nhưng thay vì những bông tuyết trắng trẻo, chung quanh chúng tôi là những đám mây bụi trôi lờ lững trong không trung, hiện hình dưới cái nắng chói chang của ngày hôm ấy.

Con hẻm dài chưa đến 40 mét, nhưng cảm tưởng như sâu đến vô tận. Đồ cổ lớn nhỏ xếp ngổn ngang lên nhau khiến không gian ở đây trở nên méo mó. Mùi ẩm mốc và mối mọt lập tức tràn vào sống mũi và ám vào quần áo tôi. Âm thanh vang vọng của máy móc kim loại liên tục kêu rít làm rung chuyển bầu không khí.

Con hẻm khiến tôi phải thở hộc hệch ấy là một xóm tái chế và buôn bán nội thất cũ sầm uất. Đồ gia dụng như cửa, ghế, tủ (hay gạc-măng-giê như các cụ hay gọi) được những người trong xóm thu mua để sửa chữa và bán cho chủ mới. Đồ gỗ chục năm tuổi được chất trên sà lan từ Đồng Bằng Sông Cửu Long rồi vận chuyển tới đây bằng đường sông, còn những lô hàng nhỏ hơn được chở trên xe ba gác từ Sài Gòn và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Sau khi dỡ hàng, mỗi món đồ được kiểm tra để định giá dựa trên chất liệu và độ hao mòn. Tuy không mới tinh tươm, nhưng nhiều món vẫn giữ được cấu kiện chắc chắn, vécni sáng bóng cùng hàng đinh cứng cáp — dấu tích từ một thời hoàng kim của nghề mộc miền Nam.

Có những vật dụng kém may mắn, sống vòng đời biến động hơn, toàn thân vằn vện vết nứt gẫy và trầy xước. Món nào tả tơi đến mức không thể cứu chữa sẽ bị tháo bung ra thành đống củi và ván gỗ thừa. Khác biệt về ngoại hình, nhưng tất cả những sản phẩm trên có điểm chung là được làm từ gỗ tự nhiên — loại chất liệu được nhiều người săn đón vì độ bền bỉ và tính thẩm mỹ.

Trong bối cảnh tài nguyên rừng ngày một cạn kiệt, các khu rừng già mất nhiều năm để tái tạo, nguồn cung suy giảm khiến giá cả tăng cao, con hẻm nhỏ thành hình để phục vụ nhu cầu sắm sửa của người dân. Từ đó nơi đây gia nhập “nền kinh tế tuần hoàn tự phát” của Sài Gòn — mạng lưới mang lại những “dòng sản phẩm” như đồ điện tử, giấy bìa các-tông, v.v nay có thêm cả bàn ghế.

Hoạt động tái chế của con hẻm bắt đầu từ những năm 1990, cô Nguyễn Thị Láng chia sẻ. Cô Láng, 71 tuổi, kể rằng cả gia đình cô di cư từ An Giang lên thành phố để lập nghiệp. “Tui tới đây năm 1992, lúc đó có người sống ở đây rồi, nhưng chưa ai bán gì hết.”

Con hẻm nằm ngay cạnh kênh Đôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, di dịch bằng đường thuỷ. Cư dân trong xóm, trong đó có em trai cô Láng, muốn tận dụng vị trí, nên cho xây dựng nhiều kho dọc kênh để lưu trữ thuyền bè, hàng hoá. Nhận thấy tiềm năng, một người trong số đó đã lấy kho để cất giữ nội thất cũ, rồi bán lại kiếm lời. Láng giềng xung quanh thấy làm ăn phát đạt nên học cách làm theo. Nghề sửa chửa, buôn bán đồ gỗ trong xóm thịnh hành từ đó.

Có vô số nguồn cung, nhưng phần lớn nội thất cũ được thu mua khi các gia đình bán lại đồ đạc trong nhà. Thế nên khi dạo quanh con hẻm, tôi tưởng như mình đang chứng kiến khung cảnh mái ấm của những người xa lạ.

Tôi bắt gặp một bộ bàn thờ mới coóng, một chiếc ghế rồng-phượng (khiến người trẻ phải khiếp đảm khi về quê mùa Tết), và một chiếc tủ kéo lạ kỳ, bên trong vẫn còn lưu giữ hình chụp và giấy khen ngày bé của một ai đó. Một luồng cảm xúc tò mò lẫn buồn bã chiếm lấy tôi.

Tôi tự hỏi, những người này đã có cuộc sống như thế nào? Hoàn cảnh gì đã khiến họ phải từ bỏ tài sản của gia đình? Liệu em bé trong hình có biết mẹ thương mình rất nhiều, và tình thương của bà đã bị bỏ quên trong ngăn tủ chỏng chơ này?

Tôi không biết phải trả lời thế nào, nhưng tôi biết rằng, những món đồ này vẫn còn may mắn khi dừng chân trong khu tái chế, chứ không phải bị chôn vùi đến mục rữa trong bãi phế liệu nào đó. Ít nhất ở đây, chúng còn mang lại kế sinh nhai cho những người thợ mộc. Phải nhờ bàn tay màu nhiệm của họ, nội thất cũ mới có cơ hội được phục hồi và “chuyển kiếp” đến một gia đình mới.

Tôi gặp anh Kiên khi anh đang “phù phép” cho một cánh cửa màu xanh lam trên nền nhạc cải lương oang oang. Anh Kiên quê ở Thái Bình, nhưng theo nhà vợ ra Sài Gòn vì “ông già vợ” muốn có người để truyền nghề. “Cửa thì người ta hay đóng bằng thao lao hoặc sao, còn bàn thì hay đóng từ hương đỏ hoặc cam xe,” anh chỉ cho tôi.

Phần khung của cánh cửa anh Kiên đang sơn đã bị mục hoàn toàn, nên phải thay bằng một chiếc khung mới mà anh đang lắp ráp. Khi xong việc, anh có thể bán chiếc cửa này với mức giá 150.000VND. Anh Kiên kể rằng nếu xét về thời gian công sức bỏ ra cũng như những lần phải tiếp xúc với hoá chất thì khoản tiền này chẳng đáng là bao. Nhưng nhờ trào lưu hoài cổ nở rộ gần đây, anh Kiên bán được rất nhiều cánh cửa như thế này cho các chủ quán cafe thích trang trí đồ cũ.

Khi tham quan một nhà xưởng, tôi lại gặp một anh Kiên khác trẻ tuổi hơn. Anh cũng đến đây làm vì có người thân giới thiệu, nhưng chỉ mới vào nghề được tám tháng. Trước đó anh từng làm công việc cơ khí, nhưng doanh nghiệp bị COVID-19 ảnh hưởng nên anh đành phải bỏ ngành. Anh chia sẻ, anh may mắn học việc nhanh vì đã có tay nghề cơ khí cao. Mỗi ngày, anh có thể kiếm được đến 400.000VND từ việc bóc vác và sửa chữa nội thất. Đây cũng là mức thu nhập trung bình của một người thợ trong xóm.

Khi phỏng vấn anh Kiên, tôi lại lên cơn ho dữ dội. Anh đang tỉ mỉ tẩy lớp vécni đã bong tróc của một chiếc ghế bành, những người thợ còn lại thì đang cưa, chà nhám những món đồ gỗ khác mà không có dụng cụ bảo hộ. Công xưởng nơi chúng tôi đang đứng được lấp ghép sơ sài bằng mái tôn và ván gỗ, khiến không khí khó lưu thông, mùn cưa và hơi nóng ẩm cũng không thoát ra ngoài được. Thế nhưng khi tôi hỏi cảm nghĩ của anh Kiên về điều kiện làm việc khắc nghiệt, anh có vẻ chẳng lo lắng mấy. “Có quạt thổi là được rồi,” anh khẳng định chắc nịch như niềm tin của anh về sự ổn định của công việc này. “Anh còn định làm cái nghề này lâu lắm.”

Cuộc gặp gỡ thú vị nhất của chúng tôi ngày hôm đó là với anh Trì, chủ của một cửa hàng và một công xưởng. Để mà miêu tả chính xác về anh Trì , tôi chỉ có thể dùng một cụm từ: "ngầu đét." Anh tự giới thiệu mình là Trì Gỗ — một cái tên rất phù hợp với lượng kiến thức về khổng lồ mà anh thể hiện. Vì thấy chúng tôi lượn lờ trong cửa hàng của anh, tay lóng ngóng cầm cái máy chụp hình và máy ghi âm, anh Trì đã nhanh nhảu gọi chúng tôi lại, nhưng không phải để mời chào hàng, mà là để dạy một khóa cấp tốc về nghề chế tác gỗ. “Mấy đứa nghe kỹ nha,” anh Trì vừa nói vừa lấy cây thước dây đập bình bịch vào ghế. Đây là công cụ giảng bài của anh từ đây đến hết tiết học ngẫu hứng của chúng tôi. 

"Mấy cái tủ áp phê này làm từ gỗ cẩm đỏ. Cái này được đóng ở Hố Nai. Còn cái kia thì đóng ở Sài Gòn. Nhìn vậy chứ không có giống nhau đâu." Anh Trì cho biết, Sài Gòn và Hố Nai ngày xưa là hai địa danh chế tác đồ gỗ nổi tiếng ở miền Nam. Vì cạnh tranh gắt gao, hai bên liên tục sản xuất và đưa ra thị trường những mẫu mã mới, đôi khi dẫn đến việc trùng lập trong thiết kế.

Người thường sẽ không thấy sự khác biệt, nhưng anh Trì thì có thể kể ra vanh vách. Theo anh, thợ mộc Hố Nai thích vẻ ngoài mềm mại, nên chạm trổ hoạ tiết rất tinh vi, còn thợ mộc Sài Gòn thì lại ưu tiên việc đóng sao cho bền chắc. Anh lấy ví dụ những chiếc ghế bành: có chiếc sẽ có tay vịn với các mẫu hoa văn tinh xảo, có chiếc thì lại có diện mạo cứng cáp, đứng dáng.

Anh Trì là người theo chủ nghĩa "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nên khẳng định rằng đồ nội thất đóng ở Sài Gòn có chất liệu và kỹ nghệ tốt hơn: "Cái gỗ nó quan trọng lắm." Anh khuyên khách hàng tìm các loại gỗ chất lượng như cẩm, gõ, hoặc tràm, dù anh thừa nhận rằng lượng nội thất cũ từ gỗ nguyên khối đang ngày càng ít dần. Ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện tại có năng suất cao nhưng vẫn không thể bắt kịp, vì những cánh rừng có thể sản sinh ra những loại gỗ này mới phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ, mới phục hồi được.

Vậy tương lai của chợ nội thất cũ sẽ về đâu khi nguồn nội thất cũ dần cạn kiệt? Trên thực tế, đồ nội thất mới vẫn được sản xuất hàng ngày, nhưng việc sản xuất theo dây chuyền hàng loạt, và sử dụng vật liệu như MDF (gỗ ép nhân tạo) để giảm chi phí đã tạo ra một thế hệ đồ nội thất kém bền bỉ. Ai đã từng lắp ráp sản phẩm từ IKEA hoặc Shopee có thể chứng thực cho điều này. Các thợ mộc mà tôi trò chuyện cùng rất "tôn thờ" gỗ tự nhiên và xem gỗ nhân tạo như thứ bỏ đi, nên rất quan ngại khi thấy chúng bắt đầu len lỏi vào những kiện hàng gần đây.

Anh Trì chia sẻ rằng, mặc dù hiện tại việc buôn bán vẫn rất tốt, nhưng không ít người thợ với hàng chục năm kinh nghiệp đã bỏ nghề. Anh cũng không thể truyền nghề này cho con gái mình, vì cô bé đang theo học một ngành nghề khác. Anh Kiên thậm chí còn không ấp ủ kế hoạch gì cho thế hệ tiếp theo, vì anh nghĩ rằng nghề này "rồi cũng mai một trong mấy chục năm nữa."

Nói thật, tôi không nghĩ gỗ tổng hợp hay gỗ công nghiệp là thứ "vô thưởng vô phạt" như mọi người hay chê bai. Đây là chất liệu nhẹ, đa năng, rẻ và dễ ứng dụng. Thiếu sót lớn nhất của nó là vắng bóng những tầng lớp của thời gian, và do đó, thiếu cả "nội hàm." Con người trầm trồ trước thớ gỗ và vân gỗ của những loài cây trăm năm, vì chúng là kết tinh của một chu trình trưởng thành vượt quá ngưỡng chờ đợi của đời người. Thế nên suốt hàng thế kỷ, con người đốn ngã những cánh rừng và tích hợp gỗ vào không gian sống của mình, vì hi vọng có thể "hấp thụ" được thứ hiểu biết mà bản thân không thể tự có được.

Mỗi bữa ăn, mỗi trang sách, mỗi vật dụng con người sử dụng đều góp phần xây dựng nên nhân cách. Vậy nếu chúng ta ngừng theo đuổi thứ chất liệu dung dưỡng bằng thời gian và kiên nhẫn, và thay thế chúng bằng thứ sản phẩm "ăn liền" có thể phân mảnh bất cứ lúc nào, thứ nội hàm mà chúng ta nhận lại được là gì?

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

Chris Humphrey

in Đời Sống

Vẻ đẹp bình dị của làng gạch bên bờ sông Hồng

Ở vùng đất rộng lớn và phong phú như Hà Nội, không khó để tìm thấy những "viên ngọc quý" tại những nơi chốn tưởng chừng đã quen thuộc. Dẫu biết bề dày ấy của thành phố thủ đô, tôi vẫn không khỏi bất n...

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Ao Ta

Chuyến tàu Bắc-Nam: 35 giờ, 1730km và 1001 mảnh ghép cuộc sống thân thương

Nếu di chuyển bằng tàu lửa, một người sẽ mất đến 35 tiếng đồng hồ đi từ thủ đô đến thành phố mang tên Bác. Ấy vậy mà lần đầu tiên hoàn thành chặng đường dài hơi ấy, tôi chẳng những không thấy mệt mỏi ...