"Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."
Ngày 21/19 vừa qua, Hà Nội đã chính thức kết thúc hai tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đây là lần thứ hai thủ đô phải áp dụng các biện pháp cứng rắn theo Chỉ thị 16 để kiểm soát đợt bùng phát COVID-19.
Theo đó, người dân chỉ được phép ra ngoài để mua thực phẩm và các mặt hàng cần thiết, các hoạt động không thiết yếu khác đều bị tạm ngừng — và tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về mặt an sinh xã hội.
Không ít các đối tượng như người nhập cư, buôn bán phế liệu, bán hàng rong và công nhân đã mất đi nguồn thu nhập. Là những lao động tự do, họ chỉ được nhận lương theo ngày làm việc, nên khi công việc bị đình trệ và gián đoạn, những khó khăn kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Nhận thức được tình hình này, nhiều cá nhân và nhóm tình nguyện tại Hà Nội đã đứng lên kêu gọi quyên góp, chuẩn bị thức ăn miễn phí, phân phát thuốc men và những vật dụng cần thiết cho những trường hợp đang cần được giúp đỡ nhất.
Nỗ lực cá nhân
Từ Thanh Thúy, 20 tuổi, là một trong những cá nhân đang thực hiện các hoạt động thiện nguyện như vậy. Sinh ra ở Đà Nẵng và hiện sống ở Hà Nội, cô sinh viên năm hai này đã đi phát thức ăn cho những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí không biết cách thức nào đề nhờ cậy sự giúp đỡ, trong đó có nhiều người thất nghiệp và vô gia cư.
“Mình nghĩ đến những cô chú buôn bán phế liệu, một ngày làm ra không bao nhiêu nhưng vẫn phải dành dụm để trả tiền thuê nhà. Đến lúc dịch như thế này thì các cô chú cũng không kiếm được bao nhiêu cả, nên mình nghĩ mình nên làm gì đó để giúp họ," Thúy chia sẻ với Saigoneer.
Cùng với ba người bạn của mình, Thuý bắt đầu công việc thiện nguyện vào đầu tháng 8. Nhóm kêu gọi sự đóng góp từ bạn bè, sau đó chuẩn bị những túi thực phẩm bao gồm gạo, mắm, muối, cá hộp, ruốc (chà bông), lạc, đôi khi có cả rau để mang tặng.
“Có lần mình đến biếu thức ăn cho một bác lớn tuổi ở Ô Chợ Dừa, bác ấy thốt lên rằng: 'Ôi cháu có gạo và trứng á, quý hoá quá! Mấy ngày nay bác không ăn gì rồi, giờ chỉ cần có gạo thôi, cháu cho bác thêm gạo được không? Không cần rau cũng được, bác lấy gạo và trứng là đủ rồi,’” Thúy kể lại.
“Lúc đấy mình thấy thương bác quá nên nói, 'Không sao, bác cứ lấy rau đi ạ.' Nhưng bác cứ một mực từ chối: 'Nếu được thì cháu cho bác xin thêm gạo chứ không phải cho rau đâu, bác đói mấy ngày nay rồi.'"
“Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."
Tính đến nay, nhóm của Thuý đã tặng được khoảng 120 túi thức phẩm, mỗi túi có trị giá 300.000–400.000VND. Nhưng Thuý cho biết, điều quan trọng nhất đối với cô không phải là giá trị của phần quà, mà là việc cô giúp đã giúp được những ai.
“Mình muốn giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm và tặng những thứ họ thực sự cần,” Thúy cho biết. “Ví dụ một lần nọ mình giúp một bác gái mắc bệnh hen suyễn mua thuốc điều trị trị giá hơn một 1 triệu VND. Mình thấy vui vì ít nhất cũng làm được điều đó cho bác. Và mình mong là ai cần điều gì thì mình có thể cho họ điều đấy. Bản thân mình cũng từng là trẻ mồ côi và từng không có gì cả, nên mình hiểu hoàn cảnh của họ và muốn giúp họ."
Gắn kết cộng đồng
Vào ngày 1/7, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 68, trong đó có gói cứu trợ trị giá 26 nghìn tỷ VND để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Vào tháng 4 năm ngoái, một gói hỗ trợ tương tự trị giá 62 nghìn tỷ VND cũng đã được triển khai.
Thêm vào đó, vào ngày 3/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã ký quyết gói an ninh xã hội khoảng 155 tỷ VND cho 103.466 người lao động tự do cư trú tại thủ đô. Đến nay, đã có 80.115 người nhận được khoản trợ cấp này với tổng giá trị hơn 120 tỷ VND.
Theo thống kê của Sở đến ngày 9/9, có khoảng 106.000 lao động nhập cư đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng không đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng. Đây là một trong những lý do khiến họ không thể tiếp nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Nhận thức được vấn đề này, ẤM, một nhóm từ thiện tại Hà Nội, đã thực hiện dự án cung cấp 10.000 suất ăn cho những người vô gia cư và người có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.
Hoàng Thảo, người tổ chức dự án cho biết nhóm đã kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng, cũng như làm việc với các tổ chức phi chính phủ như Blue Dragon Children’s Foundation, để tìm hiểu và xác định những đối tượng cần giúp đỡ. Các bữa ăn được nấu bởi Bếp Cơm nhà - Cơm văn phòng online, một đơn vị chuyên nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó được mang đến tận tay những người cần giúp đỡ thông qua mạng lưới tình nguyện viên.
“Tình hình dịch liên tục thay đổi, nên không ai là không bị ảnh hưởng. Nhưng, mình nghĩ người chịu tổn thất nặng nề nhất vẫn là người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư và người lao động chân tay. Vì vậy, bọn mình muốn hỗ trợ họ và đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng, dù không quá lớn lao, trong thời gian này,” Thảo chia sẻ với Saigoneer.
Theo Thảo, sự an toàn của các tình nguyện viên cũng như người được giúp đỡ là ưu tiên hàng đầu của ẤM.
“Bọn mình rất đề cao việc đảm bảo vệ sinh và an toàn của cá nhân cũng như của những người cùng tham gia,” Thảo cho biết, “Ví dụ, bọn mình giảm tối thiểu số lượng người nấu ăn trong cùng một ca, và đảm bảo mọi người luôn giữ khoảng cách với nhau; các bạn đi giao thức ăn cũng được che chắn kĩ càng, tiêm vaccine đầy đủ, và luôn sử dụng nước rửa tay và đeo khẩu trang trong quá trình giao hàng. "
Đến ngày 30/8, ẤM đã có đủ kinh phí cho 10.000 suất cơm với giá trị mỗi phần là 25.000–30.000VND, số tiền quyên góp còn lại được chuyển cho các hoạt động từ thiện khác đang diễn ra.
“Dự án của bọn mình nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng, từ những người có thu nhập cao cho đến các bạn sinh viên dùng tiền tiết kiệm để gửi cho bọn mình mua thức ăn và trái cây, hoặc đơn giản là tình nguyện giúp chuẩn bị bữa ăn,” Thảo nói.
“Đối với mình và tất cả các bạn tình nguyện viên trong dự án, đó là minh họa rõ nét nhất về khả năng đồng cảm của con người. Bọn mình đang cố gắng hết sức để chia sẻ giá trị ấy với những hoàn cảnh khó khăn để họ biết rằng họ vẫn được quan tâm, yêu thương và giúp đỡ rất nhiều. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua tất cả! ”
Nối vòng tay lớn
Những người tham gia trong Chương trình đồng hành Gieo mầm Phát triển (DiF), một chương trình đào tạo về các vấn đề xã hội và phát triển cộng đồng ở Việt Nam, cũng nhận ra rằng lao động nhập cư gặp nhiều bất lợi như thế nào trong việc xin hỗ trợ từ chính phủ. Từ nguồn quỹ do Oxfam và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tài trợ, DiF đã tiến hành những hoạt động mới nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn, qua đó hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt hoặc hiện vật như thực phẩm, thuốc men và các vật dụng thiết yếu, mỗi suất trị giá 1 triệu VND.
Chương trình chú trọng vào việc giúp đỡ đúng đối tượng, và dành rất nhiều nỗ lực để xác minh thông tin của các trường hợp lao động nhập cư.
“Thu thập và xác minh thông tin là việc đầu tiên chúng mình làm, và việc này đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của dự án. Nó đảm bảo rằng chúng mình đang hỗ trợ đúng người và thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ,” anh Vũ Văn Toàn, điều phối viên của dự án, chia sẻ với Saigoneer. Anh cho biết tổ chức đã gọi cho những người lao động nhập cư mà họ biết qua các dự án trước đây để hỏi thăm sức khỏe và điều kiện sống của họ.
“Nếu họ gặp hoàn cảnh khó khăn và muốn được giúp đỡ, chúng mình sẽ đưa họ vào danh sách. Những người khởi xướng dự án cũng là những người đã từng làm việc với nhiều hoàn cảnh khó khăn trước đây và đã liên hệ lại với nhóm này để chắc chắn là họ cần hỗ trợ, ”anh chia sẻ.
“Quá trình xác nhận được thực hiện trực tiếp với những người lao động đang gặp khó khăn tại Hà Nội thông qua những nguồn đáng tin cậy. Bằng cách đó, chúng mình có thể thiết lập một cơ sở dữ liệu về những người thực sự cần được giúp để chúng mình có thể tiếp cận được đúng đối tượng.”
Dự án đã xác định được 157 lao động nhập cư cần hỗ trợ, và đến ngày 15/9, các phần quà hoặc tiền mặt đã được gửi đến 135 cá nhân trong số đó cùng với những lá thư động viên, số điện thoại của các bác sĩ và thông tin về những điểm cấp thuốc miễn phí.
Bên cạnh nguồn thông tin đáng tin cậy về người lao động nhập cư, các thành viên DiF cũng muốn tạo ra một phương pháp từ thiện có hệ thống để tránh khỏi việc giúp đỡ sai đối tượng.
“Thông qua dự án, chúng mình cũng muốn thiết lập một quy trình hỗ trợ người dân, từ việc xác định những người cần giúp đỡ, nhu cầu và hình thức hỗ trợ phù hợp, đến việc giám sát và đánh giá hiệu quả, những thách thức và cơ hội, để cùng chia sẻ quy trình này cho các bên quan tâm (các nhóm từ thiện, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước) và giúp nâng cao chất lượng các hoạt động thiện nguyện, ” anh Toàn nói.
“Việc cho đi cái gì không quan trọng bằng cách cho đi thế nào. Khi hỗ trợ ai đó, chúng ta cần phải thực sự quan tâm, gọi điện hỏi thăm, nói chuyện và xây dựng mối liên kết bằng tình cảm chứ không chỉ bằng tài chính,” anh nói thêm. “Chúng mình mong muốn sự kết nối, đồng hành và hỗ trợ từ các hoạt động này sẽ giúp xóa bỏ khoảng cách giữa mọi người dù trong tình trạng giãn cách xã hội, và cho thấy rằng đại dịch sẽ không làm con người bị chia rẽ mà còn khiến chúng ta đoàn kết hơn."
[Ảnh do nhân vật trong bài viết cung cấp.]