Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Gặp nhóm học sinh Hà Nội giải cứu thức ăn bị lãng phí từ nhà hàng, khách sạn

Là một thành phố lớn, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề lãng phí thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Trong các nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này không thể không kể đến chương trình giải cứu thức ăn Hanoi Food Rescue (HFR) của nhóm học sinh thủ đô — một dự án có cách tiếp cận trực tiếp, hiệu quả cùng quy mô tổ chức rất ấn tượng.

Saigoneer đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Chủ tịch và Phó chủ tịch HFR, Nguyễn Thị Vân Anh và Nguyễn Hương Giang, trong một quán cà phê đông khách. Dù vẫn còn là học sinh và hoàn toàn tự mình tổ chức tất cả các hoạt động, các em đã đạt được những kết quả rất đáng ngưỡng mộ. HFR đã bước sang năm hoạt động thứ 7 và hiện có 40 thành viên cùng 50 tình nguyện viên.

HFR hoạt động với hai mục tiêu rất rõ ràng: một là giảm thiểu lãng phí thức ăn, và hai là trao tặng thức ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Khi được Saigoneer hỏi liệu nhóm có ưu tiên mục tiêu nào hơn không, Vân Anh trả lời “cả hai đều quan trọng như nhau,” và đều đóng góp vào mục đích lớn hơn mà nhóm đang ấp ủ đó là “thành lập một ngân hàng lương thực tại Việt Nam.” Ngân hàng này sẽ tạo ra một nguồn cung thực phẩm cho những ai không đủ khả năng tự chu cấp. Vân Anh cho biết, ngân hàng sẽ sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Một nhóm các tình nguyện viên đi giao thức ăn.

HFR có quy mô ấn tượng cùng phương pháp tổ chức chặt chẽ và hiệu quả, hoàn toàn không phải là một hoạt động ngoại khoá để làm đẹp hồ sơ. Nhóm làm việc trực tiếp với các nơi thu gom đồ ăn và nơi phân phát đồ ăn. Nơi thu gom là các nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và các em sẽ phân phối thực phẩm tại các bệnh viện hay trung tâm bảo trợ xã hội trong địa bàn thành phố. Như vậy, thức ăn dư thừa sẽ được giải cứu và trao đến những hoàn cảnh khó khăn ở thủ đô — cụ thể là các bệnh nhận ở một bệnh viện nhi đồng và bệnh viện điều trị ung thư.

HFR hoạt động từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần; ngoài ra, nhóm còn tổ chức hai sự kiện lớn hằng năm vào tháng Tám và dịp Tết Nguyên Đán. Tết Mậu Tuất 2018, nhóm đã trao tặng hàng trăm phần quà và vật dụng cho trẻ em ở tỉnh Lào Cai.

Nhờ tham gia HFR, nhiều thành viên đã tích lũy được những kinh nghiệm bổ ích để theo đuổi sự nghiệp cá nhân trong tương lai. Ví dụ như câu chuyện của Bình, một trong những giây phút hãnh diện nhất của cô bé 16 tuổi là được làm việc cùng đài VTV để đưa tin về HFR và vấn đề lãng phí thực phẩm ở Hà Nội. Phóng sự của nhà đài không chỉ giúo nhóm được biết đến nhiều hơn, mà còn giúp Bình hiểu hơn về lĩnh vực quan hệ công chúng mà em muốn học ở đại học.

Các tình nguyện viên của HFR được chia thành các nhóm khoảng 5 người, mỗi nhóm có một nhóm trưởng riêng. Mỗi ngày, các nhóm sẽ lần lượt đi nhận và phát đồ ăn từ 2 giờ đến 4 giờ chiều. Khung giờ này đảm bảo đồ ăn khi trao tặng vẫn còn tươi ngon, và các tình nguyện viên cũng kịp chuẩn bị cho lớp học thêm vào buổi chiều.

Một chiều nọ, Saigoneer hẹn gặp Bình và ba thành viên cùng nhóm trước khách sạn Hotel de l’Opera. Chúng tôi nhận thẻ thông hành dành cho khách và đi vào nhà bếp của khách sạn để lấy đồ ăn. Với thao tác nhanh nhẹn, các em đeo găng tay vào và phân chia các loại đồ ăn gồm thịt nguội, salad, trái cây và bánh ngọt vào khoảng 20 hộp xốp.

Vừa làm việc, Bình vừa chia sẻ với tôi về liên mối liên kết lâu năm giữa HFR và Hotel de l’Opera. Ban đầu, nhiều nơi tỏ ra nghi ngại vào khả năng của nhóm, vì thế các bạn trẻ phải kiên trì xây dựng lòng tin với từng nhà hàng, khách sạn và dần dần xây dựng một mạng lưới quan hệ như hiện nay. Một vài phút sau, chúng tôi cùng rời khỏi khách sạn để bắt đầu công việc tiếp theo là phân phát phần ăn.

Bệnh nhân tại Bệnh viện K nhận thức ăn.

Điểm phát thức ăn của ngày hôm ấy là bệnh viện K Hà Nội nằm cách đó không xa. Bệnh viện K là một trong những trung tâm chữa trị ung thư lớn nhất thủ đô, nên tiếp nhận bệnh nhân từ vô vàn hoàn cảnh khác nhau. Vân Anh nói, động lực để em hợp tác với bệnh viện xuất phát từ trải nghiệm của bản thân. Cô bé có phụ huynh là bác sĩ nên từng nhìn thấy “nhiều bệnh nhân khổ sở vì không có đủ để ăn.”

Để đảm bảo công bằng, HFR sẽ ưu tiên những ai đã đăng ký trước và trình chứng minh thư khi nhận suất ăn. Tuy nhiên, khung cảnh ở bệnh viện rất khác với khi ở khách sạn. Khi nhóm vừa đến nơi, mọi người từ bốn phía vội vàng đổ tới: có cả bệnh nhân và người không phải là bệnh nhân, trong đó chỉ có ít người là đã đăng ký trước. Các suất ăn phát hết trong nháy mắt, nhiều người có mặt nhưng chẳng nhận được gì. Vì số suất ăn ít hơn số người nên chỉ có thể là ai đến trước nhận trước mà thôi. Lúc sau Bình nói với chúng tôi rằng em cảm thấy khó xử nhất khi có người đến xin nhưng em không còn gì để đưa. Khi ấy, cô bé “chẳng biết nên nói gì.”

Mô hình của HFR có thể còn thiếu sót, chẳng hạn như vẫn còn dùng hộp xốp để đựng thức ăn, nhưng ý tưởng của em vẫn mang lại nhiều hi vọng cho thành phố. Các thành viên trong nhóm tuy còn nhỏ tuổi nhưng quản lý công việc tốt và chín chắn, các em tự mình đảm đương tất cả các khâu từ liên lạc, lên kế hoạch cho đến thu gom và phân phát, bất chấp những khó khăn trong quá trình thực hiện. Vân Anh kể rằng ban đầu nhóm vẫn bị các phụ huynh theo sát, nhưng dần dần các em đã hoàn toàn tự lập.

Khi Saigoneer hỏi về phản ứng của phụ huynh của các thành viên HFR, Giang cho biết cha mẹ các em rất ủng hộ vì bản thân họ chưa từng làm tình nguyện như thế này bao giờ. Nhóm cũng tin rằng những hành động ấm áp nghĩa tình như thế sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn trên địa bàn thủ đô.

Có thể nói sự ra đời và phát triển của HFR là “đúng người, đúng thời điểm,” vì thế hệ của các em được sống trong điều kiện tốt hơn nhiều so với cha ông. Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua, với thu nhập bình quân đầu người tăng từ 98USD năm 1993 lên 2.000USD năm 2015. Năm 2018, Việt Nam được báo The Economist xếp hạng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Kinh tế phát triển tạo điều kiện đầu tư cho giáo dục và công nghệ, nhờ đó chúng ta có càng có khả năng giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Các thành viên HFR cũng đồng ý với quan điểm này. Vân Anh nói: “Người trẻ có điều kiện tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông và có nhận thức tốt hơn về những vấn đề xã hội.” Bình thì cho rằng người trẻ có thể tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hơn thế hệ trước vì điều kiện sống ngày này đã được cải thiện. Có thể mỗi học sinh đều có một động lực riêng khi tham gia HFR, nhưng các em đều có cơ hội hành động vì những vấn đề chung của cộng đồng. Trong kỷ nguyên mới, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào một thể hệ trẻ đầy năng lực sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho đất nước.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Hoạt động thiện nguyện của hội nhóm và người Hà Nội: Vì những người 'đang ở phía sau'

"Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Uống

Hẻm Gems: Vóc dáng Hà Nội thu nhỏ ở quán cafe giữa lòng Sài Gòn

Với tôi, có ba thành phố ở Việt Nam thể hiện rõ tinh thần của miền đất này nhất: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Trong tâm trí tôi, màu sắc văn hóa đặc trưng của Huế vẫn hiện lên vô cũng sống động, nhưng những ...

in Đời Sống

Vào vùng đỏ: Hành trình tình nguyện của cô gái ở tuyến đầu tâm dịch Sài Gòn

“Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi là hãy đối mặt với nó.” Đó là suy nghĩ của chị Nguyễn Hương, 33 tuổi, khi tình nguyện hỗ trợ nhân viên chống dịch tuyến đầu tại "điểm nóng" Covid-19 Sài Gòn.

in Kiến Trúc

[Ảnh] Đến Công viên Thiên văn học Hà Nội để thấy những vì tinh tú trên mảnh đất thủ đô

Trong thời gian gần đây, các dự án phát triển đô thị ở các thành phố lớn của Việt Nam đã chú ý hơn đến việc bố trí và thiết kế không gian xanh, trả lại một chút trong lành cho cảnh quan phố thị đông đ...

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...