Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Vào vùng đỏ: Hành trình tình nguyện của cô gái ở tuyến đầu tâm dịch Sài Gòn

“Cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi là hãy đối mặt với nó.” Đó là suy nghĩ của chị Nguyễn Hương, 33 tuổi, khi tình nguyện hỗ trợ nhân viên chống dịch tuyến đầu tại "điểm nóng" Covid-19 Sài Gòn.

Chị Hương là một trong hàng ngàn người trẻ tình nguyện của cộng đồng Go Volunteer!, nhóm điều hành các hoạt động phòng chống COVID-19 trên địa bàn Sài Gòn. Biết đến nhóm từ ngày mới thành lập vào cuối tháng 5, chị Hương từng nhiều lần muốn “đầu quân” khi một mình chống chọi với đợt giãn cách của thành phố. Khi chị tham gia Go Volunteer! vào giữa tháng 7, Sài Gòn đã trở thành vùng đỏ với số ca nhiễm mới giao động giữa 4,000–5,000 mỗi ngày.

“Mình đã tham gia nhiều chương trình tình nguyện từ thời đại học, nên khi Sài Gòn và quận Bình Thạnh, nơi mình sinh sống, có số ca nhiễm cao, mình thấy rất sốt ruột và muốn được lên đường hỗ trợ.” Chị Hương cho biết đây là quyết định không hề dễ dàng. Là một người làm trong lĩnh vực tư vấn du học, chị được công ty cho phép làm việc từ nhà. Nhưng khi lên đường "hành quân," chị đành dành những khung giờ giải lao và tối muộn trong ngày để hoàn thành công việc.

"Có những lần số lượng người dân tới tiêm chủng đông, đội nhập liệu chúng mình ở lại làm tới 9 giờ tối mới về. Laptop cá nhân mình vẫn mang theo để làm việc khi có thời gian."

“Mình cũng phân vân suy nghĩ cả một tháng. Nhưng tính mình là vậy, muốn làm là sẽ làm dù ý thức được những rủi ro của công tác tình nguyện lần này.”

Những trải nghiệm có một không hai

Tôi biết đến câu chuyện của chị Hương qua một người bạn giới thiệu. Khi xem các bức hình được cập nhật đều đặn trên Facebook cá nhân của chị, tôi không đoán được nhiệm vụ chị hỗ trợ là gì: khi thì ở điểm tiêm vaccine tại sân vận động, lúc ở phòng kín chứa đầy giấy tờ, khi thì ngồi trong con hẻm với loạt bộ xét nghiệm. Chị kể chưa bao giờ được kinh qua nhiều vị trí trong cùng một đợt tình nguyện như hai tháng vừa rồi: từ đội nhập liệu, điều phối viên tới đội xét nghiệm nhanh tại nhà.

Thời gian đầu, chị Hương được điều động tới các điểm tiêm vaccine quanh quận, nhiệm vụ chính là cập nhập thông tin y tế của người dân vào hệ thống lưu trữ, và đôi khi cũng tham gia điều phối. “Đội nhập liệu làm việc với máy tính và cần đảm bảo độ chính xác nên thường được sắp xếp ngồi ở phòng riêng. Hồi đầu mình hơi bất ngờ vì công việc nghe qua thì nhàn quá,” Hương chia sẻ. Nhưng chỉ sau ngày đầu, chị Hương nhận ra trong giai đoạn cao điểm, không khâu nào là “dễ thở” hơn cả. “Có những ngày, chúng mình đón gần 3,000 lượt người tới tiêm vaccine và đến tối muộn vẫn chưa nhập hết dữ liệu.”

Sẵn sàng nhận các nhiệm vụ được phân công, nhưng chị Hương cũng có phần e ngại khi sau một tháng làm việc ở các điểm tiêm, được giao về đội xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân: “Phần vì phải tiếp cận trực tiếp với những hộ dân ở vùng đỏ, phần vì chưa từng tham gia hỗ trợ nghiệp vụ y tế trước đây.” Và sau khoảng 10 phút thực tập lấy mẫu với bộ test nhanh, chị Hương gia nhập đội gồm 5 thành viên, chính thức đảm nhiệm vị trí thứ ba sau một tháng làm việc.

“Cực nhất không phải là phải tiếp xúc với nhiều hộ dân hay là thời gian làm việc dài mà chính là bộ đồ bảo hộ.” Khoác lên bộ đồ kín mít cùng găng tay, vớ và kính chống giọt bắn trung bình khoảng 9 tiếng một ngày không phải là điều dễ dàng ngay cả trong thời tiết mát mẻ của mùa mưa tại Sài Gòn.

“Khi cởi bộ đồ bảo hộ ra, ai cũng ướt như chuột lột từ đầu tới chân, cả bộ quần áo mặc bên trong cũng ướt sũng.” Những kỉ niệm khó quên nhất đối với chị cũng gắn liền với bộ bảo hộ nilon này: “Do bảo hộ nhiều lớp, nên người ngoài rất khó nghe tiếng nói của chúng mình. Có ngày, mình kiệt sức vì nói nhiều và nói lớn lại do thời tiết nắng mưa thay đổi liên tục nên ‘bất tỉnh nhân sự.’ Đồng nghiệp được một phen tá hỏa. Mình chưa cứu trợ được ai thì đã cần người khác cứu lại.”

“Sẽ tiếp tục tình nguyện đến khi Sài Gòn khỏe hơn”

Khi hẹn chị thời gian để chia sẻ về hai tháng vừa qua, tôi gợi ý khung giờ buổi tối sau khi chị đã ăn tối và có chút thời gian nghỉ ngơi. Nhưng chị báo lại có thể gọi điện trao đổi luôn sau khi kết thúc công việc khoảng 6:30 chiều. Cuộc điện thoại diễn ra tới gần một tiếng đồng hồ, và chị nhiệt tình thuật lại kỹ càng các câu chuyện với nguồn năng lượng mà có lẽ những người work from home đã gần 4 tháng như tôi đây thấy có phần lạ lẫm. Chị Hương chia sẻ về những thay đổi tâm lý tích cực qua thời gian tình nguyện: “Được đi lại, gặp gỡ nhiều người, trong đó có rất nhiều các bạn thanh niên trong độ tuổi 20 với nguồn năng lượng tuyệt vời nên cá nhân mình thấy tinh thần rất thoải mái, bớt lo nghĩ so với thời gian ở nhà tránh dịch trước kia.”

Trong suốt cuộc trò chuyện, trừ những kỷ niệm không thể quên với bộ đồ bảo hộ, phần lớn trong câu chuyện của mình, chị hay nhắc tới những chi tiết dễ thương mà cá nhân tôi thấy như những “bát cháo hành” ấm nóng: khi là quả chuối, gói bánh của người dân từ đầu hẻm tới cuối hẻm gom góp đem cho, khi là anh cán bộ đi cùng nhóm có tài bắt cá thần sầu, khi là lần lỡ miệng gọi chiến sĩ công an là “chú” để bị giận và kiểm tra thủ tục hành chính, v.v. Chị Hương không cần suy nghĩ nói ngay ba điều có được “nhờ” đại dịch COVID-19 và đợt tình nguyện ngày: “Nụ cười, bạn bè và kiến thức y tế để bảo vệ bản thân. Chúng mình được kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm nhanh 2–3 ngày một lần. Dù tiếp xúc với nhiều người nhưng áp dụng đúng các quy trình đảm bảo an toàn nên cũng không lo lắng nhiều.”

Nói về không khí làm việc tại các địa điểm chị hỗ trợ, chị Hương rất cảm phục tốc độ và cường độ làm việc của đội ngũ y bác sĩ: “Toàn đội nhiều khi mệt mỏi nhưng nhìn các bác sĩ làm việc lăn xả là anh chị em lại thấy phần mình chẳng thấm tháp. Mình nói chuyện với một anh bác sĩ tại điểm tiêm chủng thì biết sau khi kết thúc ca làm việc tại đây vào tầm chiều, anh ấy sẽ tiếp tục di chuyển tới bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân. Có hôm nhiều ca bệnh, anh làm việc tới 2 giờ sáng, rồi chợp mắt tại khu điều trị tới 6 giờ thì phải dậy để chuẩn bị đi tới điểm tiêm chủng.”

Kết thúc cuộc trò chuyện, chị Hương chia sẻ tin vui là ngày mai sẽ tới Quận Đoàn Bình Thạnh để làm lễ kết nạp Đoàn lại. “Mình thôi công tác Đoàn lâu rồi; các công tác thiện nguyện sau đại học cũng làm cùng các tổ chức tự phát chứ không theo Đoàn. Cũng không ngờ là sau thời gian này, ở tuổi 33 mình lại muốn tham gia công tác cộng đồng với Đoàn nhiều hơn.”

Khi làn sóng COVID-19 thứ tư này qua đi, báo chí truyền thông sẽ còn nhắc nhiều về những hình ảnh không thể quên của quãng thời gian im lìm này. Tôi hình dung ra những thước phim đen trắng mà trong đó có những nhân vật chính hiện lên với màu sắc nổi bật. Chị Hương và 60,000 tình nguyện viên của Go Volunteer! trong màu xanh dương của bộ đồng phục nilon là một trong số đó.

[Ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Gặp nhóm học sinh Hà Nội giải cứu thức ăn bị lãng phí từ nhà hàng, khách sạn

Là một thành phố lớn, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề lãng phí thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Trong các nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này không thể không kể đến chương trình giải cứu t...

in Đời Sống

Hoạt động thiện nguyện của hội nhóm và người Hà Nội: Vì những người 'đang ở phía sau'

"Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."

in Đời Sống

Người sáng lập 'ATM' gạo và khẩu trang tiếp tục triển khai 'ATM' oxy tại TP. HCM

Anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi), người sáng lập của dự án 'ATM' gạo và 'ATM' khẩu trang trước đây, vừa mới đưa ra một mô hình ATM mới nhằm hỗ trợ nhu cầu sử dụng bình oxy của người dân có vấn đ...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Đời Sống

Bên trong chợ Nhật Tảo, chợ trời bán linh kiện điện tử cũ lớn nhất Sài Gòn

Đã từ lâu, khu chợ Nhật Tảo nằm giữa quận 10 và quận 11 đã trở thành trung tâm mua bán máy móc và linh kiện điện tử cũ lớn nhất Sài Gòn.

in Đời Sống

Bước qua một mùa giãn cách, người Sài Gòn mình lại tìm thấy nhau

Trước những xô bồ của cuộc sống, đôi khi chúng ta bỏ lỡ mất những điều đặc biệt xung quanh mình. Trước đây, tại các khu tập thể, chung cư ở Sài Gòn, những người trẻ thường chẳng mấy quan tâm lắm về nh...