Từ trước đại dịch COVID-19, các nhóm cứu hộ chó mèo đã phải đối mặt với những mối lo thường trực từ vấn đề chi phí, nguồn lực, thời gian cũng như làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các động vật được cưu mang. Giờ đây, khi tình hình dịch chuyển biến ngày càng phức tạp, họ lại phải đương đầu với những thử thách mới đầy nan giải.
Những ai nuôi thú cưng và xem chúng như một thành viên trong gia đình có lẽ đều thấu hiểu cảm giác hân hoan khi đón chào một người bạn bốn chân về nhà, những lo âu, thấp thỏm khi thú nuôi bỏ ăn, hay sự nghẹn ngào khi một ngày phải tạm biệt người bạn thân thiết ấy.
Thế nhưng, ở những trạm cứu hộ chó mèo, các tình nguyện viên không chỉ trải qua những cảm xúc như vậy với một mà là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chú chó mèo khác nhau. Có thể nói, công việc này không chỉ đòi hỏi sự cam kết về thời gian, công sức, tài chính mà cả sự vững vãng tâm lý từ phía những người tình nguyện. Khi hoạt động đi lại trong thành phố bị thắt chặt, công việc của các tình nguyện viện lại càng khó khăn hơn bội phần.
Công tác tiếp nhận và chăm sóc gặp nhiều khó khăn
Trò chuyện với Saigoneer, chị Uyên Như, một thành viên chủ chốt của Sài Gòn Time (SGT), một trạm cứu hộ chó mèo hoạt động lâu năm tại Sài Gòn, chia sẻ rằng khó khăn lớn nhất của nhóm trong giai đoạn này là tìm được cách vận chuyển lương thực là hạt và pa-tê cho khoảng 70–80 chú chó mèo ở cơ sở quận 6. Đến cuối tháng 8, ngay trước khi thành phố siết chặt các quy định giản cách, lượng thực phẩm dự trữ của trạm đã gần như cạn kiệt.
Trong khi đó, tại Hà Nội, nhóm cứu hộ động vật Hanoi Pet Adoption (HPA) cho biết lương thực hiện không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất với trạm ở thời điểm hiện tại do trạm đã kịp dự trữ lương thực và vật dụng thiết yếu cho cả tình nguyện viên lẫn chó mèo.
Tuy nhiên, các tình nguyện viên lo rằng mình không thể đưa chó mèo đi chữa trị vì tình hình giãn cách nghiêm ngặt tại thủ đô: “Thời tiết mùa này thường hay thay đổi nên rất nhiều bé chó, mèo bị bệnh về đường hô hấp. Chúng mình cố gắng giữ liên lạc với bác sĩ thú y quen để cập nhật tình trạng hàng ngày. Trong trường hợp xấu, bác sĩ sẽ tới nhà chung để giúp điều trị trực tiếp. Chúng mình chỉ hi vọng không có ca nào trở bệnh nặng trong thời điểm này.”
“Trong giai đoạn giãn cách, chúng mình tiếp nhận rất nhiều bé chó mèo bị chủ bỏ rơi vì vấn đề bệnh tật,” Linh, đại diện của HPA cho biết.
Việc nhiều người tìm mua chó mèo khi chưa có kỹ năng lẫn kiến thức chăm sóc thú nuôi đã trở thành một thực trạng phổ biến. Trong nhiều trường hợp, những chú chó mèo này bị chuyền tay từ chủ nuôi này sang chủ nuôi khác, sau đó bị bỏ rơi khi mắc phải những căn bệnh tốn kém và khó chữa. “Nhận nuôi các bé mắc bệnh, phí điều trị hàng tháng rất cao nên chúng mình phải dựa nhiều vào các mạnh thường quân để có thể duy trì được hoạt động của nhóm,” Linh nói tiếp.
Bên cạnh đó, làn sóng COVID-19 thứ tư đã ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận dân số lớn, khiến số thú cưng bị chủ bỏ rơi cũng tăng đáng kể. Trước tình hình trên, các tình nguyện viên lại gặp phải một trở ngại khác khi không thể trực tiếp đến giải cứu chó mèo nằm ngoài phạm vi di chuyển của mình.
Như cho biết: “Hiện nay, Sài Gòn không cho phép đi lại giữa các quận, nên chúng mình phải nhờ các bạn sống tại địa bàn đó chăm lo cho các bé. Khi lệnh phong tỏa được tháo gỡ, trạm sẽ đến đón các bé về.”
Dốc toàn bộ nguồn lực
Khi Chỉ thị 16 được ban hành, nhiều tình nguyện viên đã quyết định không trở về nhà mà thực hiện "3 tại chỗ" ngay tại các trạm. “Tình nguyện viên lớn tuổi của nhóm năm nay đã trên 60 nhưng vẫn hết sức nhiệt tình. Có những ngày, một mình bác vừa phải đi đón mèo bị bỏ rơi trên đường, chở bé ở nhà chung Trường Chinh qua phòng khám rồi lại chuyển một bé khác đã khỏe về Từ Liêm. Đây là nguồn động lực giúp chúng mình vượt qua được giai đoạn khó khăn này," Linh kể thêm về các tình nguyện viên tại Hà Nội.
Cũng lựa chọn lưu trú tại trạm, Như và chồng mình còn chấp nhận cảnh "Ngưu Lang Chức Nữ" khi chia nhau về hai cở sở tại quận 6 và Bình Chánh. Như cho biết hai vợ chồng đã đồng hành cùng nhau trong công tác cứu trợ từ những ngày mới yêu nhau và đồng lòng dốc mọi nguồn lực có thể cho trạm, dù phải hi sinh thời gian và quỹ tiết kiệm cho kế hoạch tương lai. Trước đó, vào năm 2017, Như cùng chồng từng tạm hoãn đám cưới khi những chú chó ở trạm đồng loạt mắc chứng Pravo, một căn bệnh nguy hiểm về đường ruột, khiến cả hai phải dùng toàn bộ tiền tổ chức đám cưới để chữa trị cho đàn chó tại đây.
Tuy nhiên, nỗ lực của các tình nguyện viên thôi là chưa đủ. Các trạm đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để có thể cứu hộ chó mèo tại từng quận và địa bàn.
Linh nhắn nhủ: “Khi thấy có ca trong khu vực của mình đang sống và có thể giúp đỡ, hãy nhắn tin hoặc gọi điện ngay cho chúng mình. Do nhiều phòng khám thú y đóng cửa hoặc nằm trên địa bàn khác, chúng mình có thể phải nhờ các bạn giữ giúp các bé trong vài ngày trước khi chuyển các bé tới phòng khám.” Bên cạnh đó, các nhóm cứu trợ cũng kêu gọi cộng đồng cố gắng giúp đỡ chó mèo hoang trong khu vực bằng cách đặt thức ăn và nước uống trước cửa để giúp những người bạn nhỏ cơ nhỡ có bữa ăn qua ngày.
Không chỉ cố gắng để lo bữa ăn giấc ngủ, các tình nguyện viên còn chú ý tới sức khỏe tâm lý những người bạn bốn chân này, đặc biệt là những trường hợp bị ly gián đột ngột với người chủ. Gần đây, Như tiếp nhận một chú chó có câu chuyện khá đặc biệt. “Mình nhận được tin báo từ phường là có bé chó của một người lang thang cần trạm chăm sóc hộ. Chủ nhân của bé bị phường ‘hốt’ về quá nhanh, bỏ lại chiếc xe đạp với bé còn nằm trong lồng ở đằng sau. Khi phát hiện, bé được các anh công an chở về đến tận trạm. Lúc đầu, mình rất xót vì bé nhớ chủ nên bỏ ăn. Mình đang cố gắng liên lạc với người chủ để chú nói chuyện với bé,” chị kể.
Như cho biết, khi hết dịch, chị sẽ gửi chú chó này về lại cho chủ vì “bé được chăm sóc rất tốt, lông bóng mượt không hề có ve rận, tính tình lại năng động chứ không ù lì.”
Ngoài ra, SGT và HPA cho biết, những chú chó lớn ở trạm đều được nuôi ở những cơ sở có khoảng sân rộng rãi để thoải mái vận động trong mùa dịch. “Riêng tại nhà chung của HPA ở Trường Chinh, các bé chó đa phần là chó nhỏ và bị liệt nên cũng không cần quá nhiều không gian. Chúng mình có một khoảng sân lát gạch cho các bé tắm nắng và đua xe lăn hàng ngày,” Linh một lần nữa khẳng định.
Độc giả Saigoneer có thể quyên góp trực tiếp cho HPA và SGT để hỗ trợ sinh hoạt phí và chi trả viện phí cho chó mèo hiện lưu trú tại nhà chung. Danh sách mạnh thường quân thường xuyên được cập nhật trên trang Facebook của các nhóm. Ngoài ra, HPA hiện đang cần tìm tình nguyện viên được hưởng trợ cấp để hỗ trợ công tác dọn dẹp nhà chung tại Trường Chinh. Thông tin chi tiết có thể tham khảo tại đây.