Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Sau vụ đánh bả ở chung cư Đồng Khởi, tương lai nào cho những bé mèo được cứu?

Gần 10 tháng trước, cuộc sống của tôi đảo lộn vì hộ khẩu nhà có thêm thành viên bốn chân.

Tôi gọi thằng nhỏ là Noir (tiếng Pháp: đen) vì nó là mèo mun và lông nó đen thui, gần như lẫn với bóng râm của lùm cây mà ai đó đã vứt nó vào. Trước đó, tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện nuôi gì ngoài bản thân, nhưng vì đôi ba tiếng meo meo và cặp mắt nhìn thấu tâm can của Noir, tôi đã bất đắt dĩ trở thành bà má của một đứa con nhiều lông. Rồi cũng từ hôm ấy, tôi bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của những chú mèo giống Noir, nhưng kém may mắn hơn.

Tụi nhỏ nấp trong bóng râm của bãi giữ xe; len lỏi dưới chân của bàn nhậu để kiếm ăn; sống nay đây mai đó nhờ vào lòng tốt của người dân; và thường mất rất sớm vì tai nạn, bệnh tật. Tất nhiên, làm mèo hoang ở đâu trên thế giới cũng có cái khó, nhưng ngay trước mắt tôi, chuyện sinh tồn của mèo hoang Sài Gòn hiện lên rất gần và rất khổ. Những va chạm giữa truyền thống và hiện đại của một thành phố đang phát triển lưng chừng đẩy mấy chú mèo qua lại giữa lò mổ và trạm cứu hộ, giữa những kẻ bắt trộm và những nhà hảo tâm. Vài đứa lọt qua những khe hở của xã hội và không bao giờ trở lại.

Hai em mèo mướp ở bãi xe.

Băn khoăn trước những phận mèo cơ nhỡ, tôi đã trò chuyện với những nhân vật trong cuộc để “kiểm điểm” lại mối quan hệ của người Sài Thành với loài mèo. Đồng thời đi tìm lời đáp cho một câu hỏi hóc búa — rằng làm thế nào, và đến bao giờ, Sài Gòn mới không còn là thị trấn của mèo hoang?

Chơi vơi giữa những lỗ hổng của đạo đức và pháp lý

“Mèo hoang là do con người chứ đâu ra.”

“Nghe tin người dân tập trung đi vứt hơn 20 xác mèo, người chị rụng rời. Việc đầu tiên chị nghĩ trong đầu là phải đi một vòng, tìm tất cả đồ ăn và vứt đi, để lỡ còn, dù rất ít, mấy đứa chưa kịp ăn sẽ cứu được. Chị hỏi chú hàng xóm về con mèo vàng và đám con của nó, tại nó mới đẻ cách đó vài ngày thôi, tới lúc chú lắc đầu nói ‘chết hết rồi’ là chị khóc như mưa,” chị Hải Yến kể lại thời khắc ám ảnh vào ngày 27/5. Hơn 50 chú mèo tại chung cư Đồng Khởi đã bị đánh bả bởi một nhà hàng.

Cái chết của những chú mèo gây ầm ĩ dư luận, chi tiết dẫn đến những ngày cuối cùng của tụi nhỏ cũng theo đó mà nổi lên — nào lý do về vệ sinh, mùi hôi, tiếng ồn, phân trần về khó khăn kinh doanh của thủ phạm. Tất cả như ngấm ngầm giải trình rằng “giết chóc là không thể tránh khỏi, mong quý vị lượng thứ.” Không mấy báo đài nhắc đến việc trước khi chết, những chú mèo ở chung cư Đồng Khởi đã sống thế nào. Hay vì sao ở một tòa nhà ngay giữa trung tâm thành phố, lại có một dân số động vật hoang lớn như vậy.

Chiếc bẫy sắt chị Yến dùng để bắt mèo. Loại bẫy này thường được các nhà cứu trợ động vật ở nhiều thành phố lớn sử dụng để bắt mèo hoang theo chương trình TNR (Trap-Neuter-Release) — tạm dịch: Bẫy-Thiến-Thả — nhằm giảm bớt tình trạng mèo sinh sản không kiểm soát.

Trên thực tế, sự việc lần này giống như một giọt nước, tràn ra khỏi ly từ những mâu thuẫn của một đô thị ngày càng đông người lẫn thú. Đến bây giờ, người ta vẫn tranh cãi liệu các chung cư có cho nuôi động vật hay không; nội quy nào hay nhân vật nào là người có thẩm quyền quyết định, và nếu cấm nuôi thì sẽ di dời đi đâu.

Ngoài ra, TP. HCM không có chi cục quản lý động vật, và thiếu phương án chính thức để ứng phó với thú nuôi thả rông và thú hoang. Điều này dẫn đến cảm giác thù ghét, bực tức ở những cá nhân không muốn tiếp xúc với chúng. Thế nên khi sự cố xảy ra, mèo chó hoang luôn bị nhắc đến như một vấn đề, thậm chí như một sự tồn tại hiểm ác. Trong khi đầu têu thuộc về nhận thức con người và sự ậm ừ của những nhà quản lý.

Câu chuyện của những chú mèo Đồng Khởi không ngoại lệ. “Đã nhắc đến chung cư này thì phải nói về mèo. Bao nhiêu đời tổ trưởng này kia, người ta đã có ý định tống mèo hoang đi. Nhưng đâu có được [...],” chị Yến, người đã làm việc ở đây 11 năm và chăm sóc tụi nhỏ trong phần lớn thời gian đó, kể. “Mèo nó còn sợ người chứ chuột là nó leo lên ghế ngồi chơi luôn. Từ khi tụi nhỏ ở đây, cả tòa nhà không có một con chuột nào. Cư dân sống ở đây là họ biết rõ nhất, họ cũng bắt đầu cho tụi nhỏ ăn và xem tụi nhỏ là thành viên của chung cư.”

Góc chung cư nơi chị Yến hay cho các bé mèo ăn.

Có thể thấy, chẳng ai biết sự tồn tại của mèo ở đây có thực sự được “cho phép” hay không. Nhưng cũng không có ai có thẩm quyền đứng ra để cho tụi nhỏ một mái nhà tốt hơn. Thế nên chị Yến và những cư dân thương mèo khác đóng vai bảo hộ tự phát — cho mèo ăn, thuê người dọn dẹp vệ sinh, triệt sản nhiều nhất có thể để duy trì một thế cân bằng nào đó. Những chú mèo ngược lại, bắt chuột và chào đón những vị khách viếng thăm. Ấy vậy mà “họ vẫn nỡ giết con của chị.”

Tệ hơn là sau những ồn ào, thủ phạm không gặp hình phạt gì vì hành vi giết chó, mèo công cộng khó có thể xử lý hành chính. Tình trạng mèo hoang ban đầu cũng chẳng được giải quyết, vì nó vượt qua ranh giới của chung cư. “Chỉ cần 3–6 tháng thôi, mèo từ khu vực khác chắc chắn sẽ kéo qua. Mặt Nguyễn Huệ bên kia, vòng vòng mấy mái tôn, cũng có rất nhiều mèo. Bây giờ bên đây chết hết rồi thì bên kia cũng sẽ tràn qua lại thôi,” chị Yến nói.

Chiếc bẫy trong môi trường tự nhiên của nó.

Chịu dư chấn từ cái chết của bầy đàn, những chú mèo còn sống lẩn sâu vào những ngóc ngách. Khó để truy vết và di dời, chỉ khoảng 10 chú mèo, phần nhiều trong số đó vẫn sẽ phải đối mặt với chương tương lai khó khăn, dù đã có một nơi khác để tạm trú thân.

Đưa đến trạm cứu hộ — có phải đã hết chuyện?

“Mình cứ xác định trước trong đầu là ‘có thể tụi nó sẽ chết.’”

Từ chung cư Đồng Khởi, những chú mèo sống sót được tiếp nhận bởi Team16 để hỗ trợ tìm chủ mới. Được thành lập sau một khủng hoảng khác về nhân đạo động vật, Team16 vận hành các “nhà chung” cho mèo chó cơ nhỡ ở Đà Nẵng, Hà Nội và Sài Gòn.

“Chắc chắn là khi về đứa nào cũng bị bệnh rồi! Bệnh kí sinh trùng máu. Bệnh GBC. Bệnh FIP. Đôi khi là bị khuẩn Amip,” chị Quyên, trưởng nhóm tại Sài Gòn, kể về tình trạng chung của các trường hợp được đón về trạm. “Mấy bệnh đó đều là bệnh dễ chết, mình cứ xác định trước trong đầu là ‘có thể tụi nó sẽ chết.’”

Đáng nhẽ chỉ là một điểm dừng, nhưng những trạm như Team16 dễ trở thành trạm cuối cùng trong hành trình đi tìm mái ấm của mèo hoang. Những chú mèo lớn tuổi, với bộ lông lắm lem và đôi chân dị tật hay bị lọt khỏi mắt xanh của người nhận nuôi. Chị Quyên bảo, trong hơn một năm hoạt động, chỉ mới hơn 10 chú mèo được nhận nuôi, chưa đến ¼ số mèo được trạm đón về. Vào ngày tôi đến thăm, trạm lại có thêm những chú mèo vài tuần tuổi còn đang run rẩy dưới ánh đèn sưởi.

Một em mèo vài tuần tuổi được đưa về trạm gần đây.

Với tâm lí “trời sinh voi trời sinh cỏ,” một phần đông người Việt không thích triệt sản cho thú cưng. Trong khi đó, một cô mèo trưởng thành có thể sinh sản đến 2–3 lứa trong một năm, và không phải người chủ nào cũng đủ nhân đạo để nuôi thêm vài miệng ăn thay vì phủi tay vứt bỏ. Việc vỡ kế hoạch trên diện rộng như thế góp phần đẩy số miêu khẩu thường trú ở các trạm từ hàng chục lên hàng trăm. Vậy là trong không gian của chỉ vỏn vẹn tầm hơn 40m2 của Team16, rất nhiều chú mèo, chú chó, phải co cụm và chia sẻ từng thau cát, cái tô.

Một căn hộ chung cư rõ không phải là địa điểm lý tưởng để nuôi dạy nhiều động vật thế này, nhưng ấy là thực tế với nhiều mái ấm “tự phát” với kinh phí hạn hẹp như Team16. Mỗi tháng, tiền thuê nhà, thức ăn, cát vệ sinh và thú y là những khoản chi phí cấn vào nguồn quỹ mà theo chị Quyên là “chỉ có âm thôi chứ không thể dư được.”

Hoạt động của những trạm như Team16 phụ thuộc rất lớn vào những khoản quyên góp, có thể là thức ăn, có thể là tiền từ cộng đồng. Nhưng quỹ có lớn, hạt có đầy thì cũng sẽ vơi bớt, bởi chỉ cần một đợt bùng dịch bệnh hay một bao mèo con bị vứt trước trạm, là nguồn tài nguyên ấy lại phải đem quy đổi qua vắc xin hay thuốc men tính bằng tiền triệu.

Trên cả câu chuyện tiền nong là sự hi sinh của những người chăm sóc những chú mèo. Với chị Quyên, đó là một công việc đòi hỏi toàn bộ thời gian năng lượng — bắt đầu từ 6 giờ sáng, kết thúc lúc tối khuya và đi kèm với rất nhiều đêm mất ngủ.

“Mỗi chuyến giải cứu mèo đều là một lần thử thách. Đôi khi tụi mình phải đợi cả tiếng đồng hồ, leo trèo, lê lết, dùng vợt, dùng tay, tất cả mọi cách để đưa mèo về. Bắt xong bao giờ người cũng chi chít vết thương [...] Có giai đoạn phải chăm ngày chăm đêm, vì mèo con dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột, tụi mình chỉ chợp mắt 1-2 tiếng chứ không dám nằm ngủ, vì sợ tỉnh dậy thấy tụi nhỏ đã chết.”

Ở Team16 cũng như ở trạm khác, những công việc trên hoàn toàn không lương, nhưng vì cái nhãn cứu hộ mà nhiều người xem đấy như một trách nhiệm mà các tình nguyện viên phải luôn gánh vác.

Những chú mèo trưởng thành ở Team16.

“Khi thấy một chú mèo ở ngoài đường, nhiều người chỉ chụp hình và đăng tin một cách bâng quơ, và họ quở trách khi tụi mình không kịp đến. Trong khi đó, mỗi người đều có thể tự hành động bằng cách đưa về nhà, đưa thú y, tận dụng hết nguồn lực bản thân trước khi nhờ sự trợ giúp cho các trạm đang chiụ trách nhiệm cho hàng trăm bé khác.”

Sau những uẩn ức, chị Quyên vẫn cố gắng làm công việc không công của mình một cách tốt nhất, bởi chị bảo khi mà rất nhiều đứa ngoài kia phải chịu mưa, chịu nắng, bị hành hạ, thì những đứa ở đây đã được cứu. “Tụi nó được đầy đủ đồ ăn, đủ pate, đủ hạt, tụi nó khỏe mạnh. Nhìn tụi nó chơi, làm mấy cái trò khùng khùng như vầy nè, tự dưng mình thấy vui rồi.”

Ấy vây nhưng chị vẫn khẳng định với tôi rằng đích đến tốt nhất cho những đứa trẻ bốn chân xung quanh chúng tôi không phải một cô nhi viện như thế này, mà là trong vòng tay của những ông bố, bà mẹ của riêng mỗi đứa.

Vậy làm gì để Sài Gòn không còn là thị trấn mèo hoang?

“Người chủ ấy chẳng cần phải giàu có, chỉ cần thực sự yêu thương và chịu trách nhiệm với nó.”

Khi nói đến giải cứu và nhân đạo động vật, chúng ta nghĩ ngay đến những người như chị Yến, chị Quyên — những người xông pha, hi sinh gần hết thời gian trong cuộc sống để đưa mèo chó về từ cửa tử; mà hay quên mất rằng, chính cộng đồng cũng là những nhân vật then chốt trong việc biến thành phố thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi loài vật

Đó có thể là chú bảo vệ ở chung cư Đồng Khởi nhận nuôi hai mèo con từ chị Yến với đôi mắt râng râng sau khi mèo chú bị đánh bả. Chỉ với hai bát nước, hạt, và trái banh chú vo lại bằng giấy để làm đồ chơi cho tụi nhỏ trong bãi giữ xe, hiện trường của cuộc thanh trừng lại trở về một mái nhà yêu thương cho những chú mèo, như nó đã luôn và từng. Cũng có thể là những người phụ nữ trung niên hiền hậu mà tôi gặp ở trạm thú y Tân Định — họ đều cùng đi một ngôi chùa, cùng nhận mèo từ một sư thầy tốt bụng đã cưu mang, mèo của họ được đèo bồng trong túi đi chợ như em bé.

Hai bé mèo được chú bảo vệ nhận nuôi.

Tất nhiên, những khuôn khổ luật pháp và chương trình kiểm soát động vật từ chính phủ sẽ là một giải pháp bền vững hơn rất nhiều về đường dài. Nhưng hiện tại không có giải pháp hoàn hảo nào như vậy cho rất nhiều chung cư Đồng Khởi khác chỉ đang chực chờ xảy ra.

Vậy trong lúc đó, chúng ta có thể làm gì để Sài Gòn ít mèo cơ nhỡ đi mỗi ngày?

Với chị Nguyên Anh, đó là mở rộng trái tim hơn nữa. Vào một tuần giữa tháng, chị nhận nuôi bé Xám, một trong những chú mèo khác sống sót từ vụ đầu độc, từ Team16. “Mình đã rất bối rối vì mình trước đó mình đã là mẹ của hai đứa rồi [...] nhưng luồng cảm xúc của mình lúc ấy rất mạnh.”

Xám, chú mèo may mắn sống sót sau vụ đầu độc, giờ đã có một mái nhà ấm áp.

“Lúc đó mình không chọn bé mèo nào cụ thể, mà chỉ bảo rằng muốn tùy duyên mà nhận. Thế rồi họ gửi hình một bé mèo xám nhìn rất gầy gò đen đúa, thương lắm.” Vậy là từ một cậu bé ăn thức ăn thừa ở chung cư, bị giun và ốm yếu, Xám trở thành em út trong gia đình ấm cúng ba anh em.

“Bây giờ Xám rất thân thiết với hai anh chị mèo còn lại. Xám kiểu hay ngại, chị ngủ thì sẽ lại nằm gần, nhưng thể hiện tình cảm thì không. Gần đây thì ngày càng đẹp trai, lông mượt hơn và mặt mũi sáng sủa lắm, cũng bớt trốn và bớt sợ người hơn rồi.”

Những sự việc đau lòng như trên sẽ còn có thể tái diễn chừng nào con người còn cho rằng mình có quyền tước đoạt mạng sống của sinh vật khi nó không phục vụ đúng nhu cầu của mình. Nhưng chúng ta luôn có thể thay đổi, ngay từ lúc này.

“Điều mà cộng đồng có thể làm ngay bây giờ là lên tiếng nhiều hơn, để mưa dầm thấm lâu, để nhân rộng những điều tốt đẹp nảy mầm trong xã hội. Mỗi người có thể làm một trạm cứu hộ riêng, cùng góp sức góp lòng cứu các bé có hoàn cảnh đáng thương mà mình gặp. Giờ mình cũng chỉ biết làm việc nhỏ vậy thôi.”

Và nếu mỗi người có thể làm một việc nhỏ như vậy, thì có lẽ mỗi kiếp mèo khi kết thúc, dù hoang hay không, cũng sẽ từng được hạnh phúc và yêu thương.

Viết cho Noir và Muối Tiêu, một nửa trái tim của má Uyên. Thiết kể bởi Hannah Hoàng, má của Mỡ.

Độc giả có thể đóng góp cho các hoạt động của Team16 tại đây.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Forever Wheelchair, chiếc xe lăn cho chó mèo khuyết tật Việt Nam nguồn sống mới

Chạy nhảy, vui chơi luôn là những hoạt động cần thiết để chó, mèo có đời sống tinh thần và thể chất lành mạnh. Song do không may mắn bị tai nạn hoặc bị bạo hành, nhiều bé đã gặp chấn thương dẫn đến kh...

in Đời Sống

Thức ăn hiếm, giải cứu khó: Những nỗi lo của các trạm cứu trợ chó mèo mùa giãn cách

Từ trước đại dịch COVID-19, các nhóm cứu hộ chó mèo đã phải đối mặt với những mối lo thường trực từ vấn đề chi phí, nguồn lực, thời gian cũng như làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các động vật được cưu ...

in Uống

Hẻm Gems: Passengers có cà phê thuần chay, không khí Đà Lạt và những người bạn bốn chân

Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng s...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Đời Sống

Bài tụng ca chia tay cụ bàng, 'người hàng xóm' đầu tiên tôi gặp

Tôi đội mưa chạy ra ngoài tầng trệt để hóng chuyện trong tò mò. Trước mắt tôi hiện lên các chú bác nhân viên công ích trong bộ đồng phục xanh, cam, người ướt đẫm vì cơn mưa nặng hạt. Họ đứng vây quanh...