Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đồng thời công nhận quyền được thừa nhận giới tính hợp pháp cho người chuyển giới. Ngoài ra, Việt Nam đã dỡ bỏ luật cấm hôn nhân đồng giới từ năm 2013, và hợp pháp hóa việc người đồng tính tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 1992.
Thế nhưng, hiện vẫn đang tồn tại vô vàn các lỗ hổng chính sách, và những vấn đề nan giải nhất lại nằm ngoài phạm trù của pháp luật. Trải nghiệm thăm khám sức khỏe tại các cơ sở y tế và làm việc với các nhân viên y tế là một trong số đó. Bài viết này được thực hiện nhằm thảo luận về những thách thức trên thông qua việc tìm hiểu góc nhìn của bốn người chuyển giới tại Việt Nam.
Đối diện với nhân viên y tế: “Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái”
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chính sách bảo vệ người chuyển giới trước các hành vi phân biệt đối xử tại cơ sở y tế. Ngoài ra, đa phần các y bác sĩ vẫn chưa có cơ hội tham gia các chương trình tập huấn về giao tiếp, ứng xử khi làm việc với bệnh nhân chuyển giới. Tuy nhiên, dù thiếu các tư liệu và hướng dẫn chính thức, nhiều người chuyển giới chia sẻ rằng họ không gặp nhiều vấn đề trong qua trình thăm khám sức khỏe.
“Mình hay đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe hàng tháng. Từ trước đến nay mình chưa bao giờ gặp phải vấn đề gì với các bác sĩ y tá,” chị Ngọc Nguyễn (Hà Nội) cho biết. “Bệnh viện phục vụ hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày, nên họ thực sự không có thời gian để phân biệt đối xử với bệnh nhân.” Anh Chúc Linh (TP. HCM) cũng có chia sẻ tương tự: “Cá nhân mình chưa bao giờ bị các bác sĩ đối xử kỳ thị bao giờ.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người chuyển giới nào cũng có trải nghiệm thăm khám sức khoẻ tương tự với người hợp giới, hay thậm chí là tương tự với những người chuyển giới khác.
“Mình chưa phẫu thuật chuyển giới nên đôi khi các bác sĩ sẽ hỏi về giới tính của mình. Những lúc đó mình sẽ không ngần ngại mà nói thẳng luôn mình là người chuyển giới nam. Mình thấy chuyện giới tính thực sự không quan trọng, vì lý do mình đến gặp bác sĩ là vì sức khỏe chứ không phải giới tính,” anh Linh chia sẻ. “Mình biết một số bạn chuyển giới khác không thoải mái với việc bị bác sĩ hỏi quá nhiều. Mình hiểu tại sao, vì một số đứa bạn của mình còn chưa biết sự khác biệt giữa đồng tính và chuyển giới, chứ đừng nói đến các bác sĩ trung niên.”
Theo chị Ngọc, những người mới sử dụng hormone sẽ gặp nhiều khó khăn khi thăm khám sức khỏe hơn những người đã dùng hormone lâu dài, đặc biệt là khi có yêu cầu cởi quần áo để khám. “Khi bạn mới sử dụng hormone, cơ thể của bạn sẽ không hoàn toàn là 'một giới tính.' Ví dụ như khi một người vừa mới dùng hormone nữ tính hóa, tuyến vú sẽ bắt đầu phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Khả năng cao là chính bạn ấy còn khó muốn nhìn bản thân mình trước gương, chứ đừng nói đến việc để người khác nhìn mình.”
Với chị Vi (Hà Nội), rắc rối trong thăm khám sức khỏe không nằm ở sự phân biệt đối xử, mà là ở những khúc mắc trong quy trình y tế. “Mình thấy trải nghiệm của mình lúc đi khám ở một bệnh viện tư nói chung là khá tốt, nhưng mình gặp vấn là vì sinh ra [với giới tính sinh học] là nam giới, mình không được khám ung thư vú khi đi kiểm tra sức khỏe hàng tháng. Đây là rủi ro vì mình có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn khi dùng thuốc tránh thai.”
Chuyện xưng hô: "Ngay cả những luật sư mình đã gặp cũng không nắm rõ quy trình"
Nhiều người chuyển giới gặp khó với việc xưng hô với nhân viên y tế trong bệnh viện. Tuy vậy, các tương tác bất tiện thường không xảy ra khi tiếp xúc với bác sĩ, mà là với nhân viên lễ tân. “Bác sĩ trong bệnh viện thường gọi chung bệnh nhân là em, nhưng mà, lễ tân bệnh viện thường gọi bệnh nhân là anh hoặc chị,” chị Ngọc chia sẻ.
Trong khi đó, chị Tường cho biết, phải tùy thuộc vào hoàn cảnh mà chị thấy an toàn hoặc không an toàn. “Mình không có vấn đề gì khi bày tỏ nguyện vọng dùng một đại từ nhân xưng nhất định với bác sĩ, nhưng mà đó là trường hợp chỉ có mình với bác sĩ trong phòng với nhau thôi. Còn khi nhân viên lễ tân gọi tên mình, họ thường gọi bằng đại từ trùng với [giới tính sinh học trên] chứng minh thư, mà họ còn làm như vậy trước hàng trăm bệnh nhân khác tại bệnh viện. Mình thấy không thoải mái với điều đó lắm.”
Theo luật Việt Nam từ năm 2017, những người đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính được phép thay đổi hộ tịch theo giới tính của họ. Tuy nhiên, việc thay nhân xưng hợp pháp khá phức tạp, không chỉ vì nhiều bước thủ tục mà vì luật này còn khá mơ hồ. "Mình đã nghĩ đến việc thay đổi tên và giới tính của mình trước đây, nhưng quy trình này không hề dễ dàng," Vi kể. "Hiện không có hướng dẫn rõ ràng về việc thay đổi thông tin trên chứng minh nhân dân; ngay cả những luật sư mình đã gặp cũng không nắm rõ."
Rắc rối khi dùng bảo hiểm y tế: “Luôn phải tự bỏ tiền túi”
Với người chuyển giới, việc dùng bảo hiểm y tế cũng kéo theo những khúc mắc tương tự như khi sử dụng chứng minh thư. Anh Linh cho biết: “Mình ít khi gặp khó khăn khi dùng bảo hiểm, nhưng đó là vì mình khá cởi mở về bản thân. Thông thường, nhân viên y tế hỏi rất nhiều khi ngoại hình khác với giới tính, đó là vì họ muốn xác nhận kỹ danh tính để tránh ghi sai hồ sơ và tránh việc dùng bảo hiểm giả danh.”
Trở ngại trong việc dùng bảo hiểm y tế không chỉ nằm ở những câu hỏi từ nhân viên y tế. “Bảo hiểm thường không chi trả chi phí khám sức khỏe tự nguyện hoặc khám sức khỏe mà không có triệu chứng của bất kỳ bệnh nào. Đây là một khó khăn với người chuyển giới, vì họ cần khám sức khỏe định kỳ hàng tháng do có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV hay Viêm gan B,” chị Ngọc chia sẻ.
Chị Ngọc cho biết thêm việc bảo hiểm không chi trả khi khám sức khỏe tự nguyện cũng ảnh hưởng đến việc dùng hormone. “Thường mọi người hay hiểu nhầm rằng dùng hormone sẽ làm giảm tuổi thọ. Nhưng trên thực tế, nếu bạn khám sức khỏe định kỳ hàng tháng khi sử dụng hormone, bạn có thể sống lâu như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, mình luôn phải tự bỏ tiền túi trả cho những lần đi khám sức khỏe tầm soát.”
Điều trị sức khỏe tâm lý: “Họ đối xử như thể chuyển giới là một căn bệnh”
Việc chẩn đoán và điều trị tâm lý thường phức tạp hơn điều trị sức khỏe thể chất, đặc biệt là ở Việt Nam, trong bối cảnh các bệnh lý tâm lý chưa được công nhận rộng rãi. Tuy đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội, người chuyển giới đối mặt với những chướng ngại rõ rệt, vì hiện nay cộng đồng sức khỏe tâm lý tại Việt Nam thậm chí vẫn chưa thống nhất được thế nào mới là cách tiếp cận phù hợp nhất.
“Khi mình thử đến gặp bác sĩ tâm lý ở Hà Nội, họ đối xử như thể chuyển giới là một căn bệnh,” chị Ngọc chia sẻ. “Họ hỏi mình tại sao mình muốn chuyển giới, rồi bảo mình đi tập nhiều hơn và sống đàn ông hơn. Đấy là chưa kể việc điều trị sức khỏe tâm lý vô cùng tốn kém.”
“Một lần mình đến bệnh viện Bạch Mai để điều trị tâm lý, họ nhất quyết bảo rằng mình không bị trầm cảm,” chị Vi kể. “Đó là lần cuối cùng mình đến Bạch Mai. Việc không được điều trị sức khỏe tâm thần là một thử thách với người chuyển giới — những người phải đối mặt với tình trạng mặc cảm cơ thể, trầm cảm và các tác dụng phụ ảnh hưởng đến tâm lý khác khi dùng hormone và thuốc tránh thai.”
Những người được tiếp cận với bác sĩ tâm lý đúng cách thường có những trải nghiệm tích cực. “Sau khi gặp chuyên gia tâm lý, mình không chỉ cảm thấy thoải mái với bản dạng giới của mình, mà còn hiểu bản thân hơn. Mới đầu mình tìm đến chuyên gia tâm lý là vì mình bị bức bối, bối rối nội tâm và tự ti về cơ thể mình. Sau khi được trị liệu, chuyên gia tâm lý đã giúp mình mạnh mẽ đối diện với gia đình và come out thành công. Sau khi chữa lành sức khỏe tâm lý, mình trở thành một người mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, hạnh phúc hơn và tự do thể hiện bản sắc của mình,” anh Linh chia sẻ.
Nên có những thay đổi nào trong xã hội?
“Mình nghĩ bác sĩ và y tá cần được đào tạo nhiều hơn. Trước khi tốt nghiệp, họ nên được học ít nhất một bộ môn về giới tính học [gender studies],” chị Tường nói.
Chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ. “Vẫn còn nhiều kiến thức mà cả bác sĩ y tá lẫn người chuyển giới chưa biết đến,” anh Linh chia sẻ. Đây là động lực để anh tạo ra một kênh YouTube để chia sẻ trải nghiệm chân thật từ góc nhìn của một người chuyển giới nam. Một số nội dung mà anh chia sẻ có thể kể đến những tác dụng phụ người chuyển giới có thể gặp phải khi trị liệu hormone, hay cách tìm loại áo bó/áo nịt ngực phù hợp cho mỗi người.
“Cho đến nay, mình là một trong số ít YouTuber [Việt Nam] chia sẻ về sức khỏe của người chuyển giới. Sự thiếu nhận thức về vấn đề này là nguyên nhân của mọi vấn đề mà mình vừa đề cập trên,” anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng.
“Mình đã tạo một trang web để giúp phụ nữ chuyển giới biết thêm về kiến thức y khoa. Có thêm kiến thức thì việc đến bệnh viện khám sẽ thoải mái hơn rất nhiều,” chị Ngọc cũng theo đuổi một dự án tương tự.
Thế nhưng với chị Tường, những vấn đề người chuyển giới gặp phải ở Việt Nam không chỉ nằm trong khuôn khổ y tế. “Những vấn đề chúng mình gặp phải khởi phát từ khắp mọi nơi, ngay cả từ gia đình. Khi cha mẹ có con, họ luôn bảo con trai phải đá bóng, thích màu xanh lam và kết hôn với một người phụ nữ khi chúng lớn lên. Các cô con gái thì hay được dạy chỉ mặc đồ hồng và nhảy dây. Người ta không nói với con mình rằng dù sau này có trở thành người như nào hay lấy người như nào, chúng sẽ luôn được yêu thương, miễn là chúng quan tâm đến mọi thứ và mọi người xung quanh.”
Sự bình đẳng giữa người hợp giới, liên giới và chuyển giới sẽ không xảy ra nếu chúng ta chỉ chăm chăm tập trung vào bối cảnh bệnh viện. Nó cần xuất phát và sự phối hợp từ những khía cạnh khác của xã hội, như việc giáo dục về giới ở bậc gia đình. Khi thấy nhân viên y tế đón nhận các bệnh nhân chuyển giới với sự tôn trọng và chuyên nghiệp, các gia đình sẽ dễ dàng hiểu và chấp nhận những người chuyển giới xung quanh mình hơn. Đổi lại, nếu các gia đình nuôi dạy những đứa trẻ bằng sự đồng cảm và tử tế, xã hội sẽ có những nhân viên y tế ân cần và thấu cảm hơn với các bệnh nhân trong tương lai.