Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Ẽplain » Hồi ức đẹp về forum Táo Xanh, mái nhà online cho người đồng tính Việt những năm 2000

Trước kỷ nguyên của Facebook, Insta, hay Twitter, đã có một thời cư dân mạng chỉ có thể kết nối với nhau trên các diễn đàn online.

Trên những diễn đàn thời ấy, các thành viên lập những “threads,” tức chủ đề, để mọi người cùng thảo luận phía dưới. Với tùy chọn lập tài khoản ẩn danh trên forum (diễn đàn), các thành viên có sự tự do và an toàn để thể hiện bản thân. Ở Việt Nam có rất nhiều các diễn đàn với các chủ đề khác nhau, một số còn tồn tại đến bên giờ như Webtretho (chăm sóc trẻ em), GameVN (game), hay Tinh Tế (công nghệ), v.v.

Một số diễn đàn nổi bật dành cho người đồng tính ở Việt Nam vào thập niên 2000: taoxanh.net, vuontinhnhan.net, tinhyeutraiviet.com, thegioithu3.vn. Ảnh lưu trữ từ Wayback Machine.

Nhờ tính ẩn danh, các forum sớm trở thành một không gian an toàn để cộng đồng LGBT Việt Nam hoạt động những năm đầu thập niên 2000, khi xã hội vẫn dành cái nhìn khắt khe, thậm chí kỳ thị với những nhóm người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt. Một trong những diễn đàn LGBT xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam là Táo Xanh, một cộng đồng dành cho người đồng tính nam, ra đời vào năm 2005. Táo Xanh bắt đầu chỉ là một nhóm bạn nhỏ, nhưng dần trở thành một trong những diễn đàn LGBT lớn nhất cả nước vào giai đoạn hoàng kim năm 2014.

Từ trên xuống dưới: Ảnh chụp từ sự kiện Táo Xanh Big Party vào năm 2014. Một hình xăm lấy cảm hứng từ logo của Táo Xanh. Ảnh screenshot trang nội quy của diễn đàn Táo Xanh.

Ngày xửa ngày xưa ở tiệm net

“Hồi đó, cách để biết đến những nơi như Táo Xanh là do mọi người truyền miệng nhau thôi,” Mạnh Quân, một thành viên của Táo Xanh, kể với tôi về cách anh tìm đến diễn đàn. “Mình nhớ là mình đọc được một mẩu tin trên báo cảnh giác về những hoạt động không phù hợp của người LGBT trên các phòng chat online.” Mỉa mai thay, bài báo mang tính “răn đe” lại làm Quân tò mò về các không gian mạng này, anh đã đi tìm và tham gia một số các trang khác nhau, trong đó có Táo Xanh.

Bìa sau quyển “Hãy để anh thương em,” tuyển tập truyện ngắn viết bởi các thành viên diễn đàn. Ảnh qua trang Facebook Táo Xanh.

Tuy Quân tham gia nhiều diễn đàn LGBT khác nhau, Táo Xanh khác biệt hơn cả nhờ vào cái tên: “Mình thường truy cập các diễn đàn LGBT ở tiệm net, nên đôi khi sẽ có trường hợp là người khác sẽ liếc nhìn vào màn hình rồi đánh giá mình. Nhưng với Táo Xanh thì không, vì thời điểm đó người ngoài họ không biết về Táo Xanh, họ chỉ nghĩ đó là một cái diễn đàn thông thường thôi.”

Điều thú vị là cái tên “Táo Xanh” cũng phần nào phản ánh bản chất của diễn đàn lúc bấy giờ. “Mình nhớ là hồi đó mình đã dành vài đêm mất ngủ ở quán nét ngồi chat với hai người bạn của mình, để lên ý tưởng cho cái tên Táo Xanh,” Minh Thảo, một trong những người sáng lập diễn đàn chia sẻ. Hồi đó, anh Thảo và những người bạn muốn tạo một diễn đàn cho những người đồng tính nam không công khai, nên họ muốn tìm một cái tên ít gây chú ý.

Nhóm của Thảo tìm thấy cảm hứng cho tên diễn đàn từ biểu tượng quả táo. Trong nhiều văn hóa, quả táo là biểu tượng của tình yêu, nó cũng là trái cấm trong câu chuyện của Adam và Eva. “Nhưng đó lại là 1 trái táo đỏ, nên tụi mình quyết định sử dụng cái tên Táo Xanh, như là biểu tượng của một tình yêu khác biệt.”

Cuộc sống ảo trên Táo Xanh

Khi mới lên sóng ngày 19/9/2005, diễn đàn có những nguyên tắc rất khắt khe. Thảo mong muốn Táo Xanh sẽ là không gian an toàn nơi những người đồng tính có thể thoải mái chia sẻ những thú vui và kết thân với nhau. Vậy nên những bài viết có nội dụng khiêu dâm hay từ ngữ thô tục đều bị nghiêm cấm. “Bọn mình có cả luật về việc thành viên phải viết có dấu khi đăng bài và bình luận nữa,” Thảo giái thích về tính nghiêm khắc của diễn đàn.

Thế nhưng, vì diễn đàn ban đầu chỉ hướng tới những người đồng tính nam không công khai, nên một số những quy tắc của được đưa ra để lọc những người không thuộc cộng đồng. “Vào những thời kỳ đầu của diễn đàn, bọn mình có luật để hạn chế đặt tên và xưng hô là nữ,” Thảo nói. Những quy tắc này nhận nhiều phản ứng gay gắt từ các thành viên. “Vào thời điểm đó, bản thân bọn mình không có nhiều kiến thức về cộng đồng LGBT, cho nên bọn mình đã muốn tách biệt ra với những nhóm LGBT khác,” anh nói.

Minh Thảo tại sự kiện Táo Xanh Big Party vào năm 2013. Ảnh qua trang Flickr của Huỳnh Minh Thảo.

May mắn thay, khi phong trào LGBT ở Việt Nam ngày càng phát triển thì Thảo và các bạn cũng có nhiều cơ hội hơn để kết nối với mọi người và tìm hiểu về các bản dạng giới khác nhau. Nhờ đó nên các nguyên tắc về tên người dùng được thay đổi để giúp cho diễn đàn thân thiện hơn với cộng đồng LGBT nói chung.

Táo Xanh lên sóng năm Thảo 23 tuổi. Anh đã từng dành rất nhiều thời gian cho trang web. “Mỗi ngày sau khi đi làm về là mình sẽ chạy ra quán net để lên Táo Xanh,” anh nói. Cầm trịch vai trò admin và mod của Táo Xanh, hàng ngày anh sẽ tìm những bài thú vị để đăng lên diễn đàn, giám sát các chủ đề khác nhau, và thảo luận với cộng đồng. Thảo cũng là người dẫn chương trình của Táo Xanh Radio; anh ghi âm những mẩu chuyện ngắn liên quan đến chủ đề LGBT và đăng lên trang web.

Một số từ chương trình Radio Táo Xanh.

“Mình nghe radio của anh Thảo rất là nhiều. Bằng cách nào đó ảnh tìm được rất nhiều mẩu truyện LGBT rất hay và rất buồn. Và đối với mình, giọng đọc của anh ấy mình nghe thấy rất hợp,” Mạnh Quân chia sẻ. Quân tham gia Táo Xanh năm 2007, hồi anh học cấp ba. Phần lớn thời gian tuổi teen của Quân gắn liền với các quán cà phê internet — điểm đến thường ngày mỗi khi tan học. Quân sẽ vừa chơi game vừa nghe nhạc và radio. “Mỗi khi mình tới quán net, mình sẽ vào Yahoo!, rồi vô Táo Xanh, rồi mở NhacCuaTui để nghe nhạc, rồi ngồi chơi game. Như một thói quen vậy thôi,” Quân kể.

Từ diễn đàn đến gặp mặt: Táo Xanh đi offline

Ngoài những hoạt động thường thấy trên các cộng đồng mạng, Táo Xanh cũng có những câu lạc bộ do chính các thành viên tổ chức. Nào là những câu lạc bộ dành cho hát hò, đi phượt, thiết kế, v.v. Những nhóm nhỏ này là nơi mọi người có thể trao đổi sở thích và gặp mặt offline.

“Câu lạc bộ kịch ở Táo Xanh là nơi mình được kết nối với rất nhiều người, và đó cũng là nơi để mình phát triển bản thân,” Trọng Nghĩa nói. Anh là chủ quản của câu lạc bộ kịch trên Táo Xanh mang tên The Gardener Club. Đây là nơi dành cho những ai thích tham gia những vở kịch liên quan đến chủ đề LGBT, với nhiều buổi biểu diễn hàng tuần trong các quán cà phê kịch ở Sài Gòn.

Các thành viên của The Gardener Club biểu diễn một vở kịch vào năm 2012. Ảnh qua Facebook người dùng Oril Nguyễn.

Cà phê kịch là một loại hình cafe có sân khấu nhỏ, nơi mà các nhóm kịch độc lập có thể biểu diễn để kiếm thêm chút thu nhập và đưa tên tuổi ra công chúng. Nghĩa cho biết mô hình này khá phổ biến hồi những năm 2010. Hàng tuần, các thành viên đội kịch sẽ đi hỏi các chủ quán khác nhau để kiếm nơi biểu diễn.

“Mình luôn nhớ được cái cảm giác bản thân mình đã vui như thế nào khi được làm những vở kịch ấy,” Nghĩa nói. Những buổi biểu diễn của nhóm đã thu hút rất nhiều khán giả đến xem. “Mỗi lần đi diễn là tụi mình sẽ có khoảng 50, 60 người đến xem. Do ở thời kỳ đó, có rất ít những nơi mà cộng đồng chúng mình có thể tới giao lưu và vui chơi. Nên khi có những sự kiện như thế này thì sẽ có rất nhiều người đến xem. Và cảm giác được là một phần trong bầu không khí đó, đối với mình nó rất là tuyệt vời.”

Sự kiện Táo Xanh Big Party vào năm 2013. Ảnh qua trang Flickr của Huỳnh Minh Thảo.

Nghĩa biết đến Táo Xanh qua một buổi giao lưu offline của diễn đàn: “Táo Xanh Big Party.” Đây là những sân chơi thường niên để liên hoan sinh nhật diễn đàn, và cũng là những dịp đông vui nhất. “Mình chưa bao giờ thấy nhiều bạn gay ở chung một sự kiện đến như vậy,” Nghĩa kể. Quân cũng có nhiều kỷ niệm lần đầu đi Big Party. “Lần đầu đi mình rất ngại. Tại vì quá đông người nên mình chỉ khép nép đứng một chỗ rồi về sớm.” Sau này Quân cũng cảm thấy hòa nhập hơn khi gia nhập ban tổ chức sự kiện, anh vừa chạy loanh quanh giúp đỡ mọi người, vừa tận hưởng bầu không khí nhộn nhịp.

Nhưng niềm vui cũng có đi kèm nhiều khó khăn. “Buổi offline đầu tiên của diễn đàn thì nhỏ thôi, và các bạn tham gia hầu như đều mang khẩu trang. Nhưng lúc đó bọn mình hiểu là các bạn cần được cảm thấy an toàn, bởi vì khoảng thời gian đó là một thời kỳ rất khác biệt,” Thảo kể lại. Trong những sự kiện sau này, mọi người không phải đeo khẩu trang nữa, và hình chụp cũng chỉ được đăng riêng trên diễn đàn để giúp mọi người an toàn.

Thảo (mặc áo đỏ) tại Táo Xanh Big Party năm 2014. Ảnh từ trang Facebook Táo Xanh.

Về việc đi tìm địa điểm tổ chức, Thảo nói: “Bọn mình cũng phải lươn lẹo một chút. Bọn mình chỉ nói là muốn tổ chức tiệc gặp mặt cho các bạn trẻ giao lưu thôi. Bọn mình không thể nói là bọn mình đang làm sự kiện cho cộng đồng LGBT được.” Nhưng với anh, mọi khó khăn đều được đền đáp. “Sau những sự kiện lớn, tụi mình hay tập trung ở một quán hủ tiếu bò viên ở đường Trần Khắc Chân. Khi ngồi ở quán, tất cả mọi người, kể cả mình, đều trông rã rời vì chạy sự kiện. Nhưng với mình, những khoảnh khắc đó rất đáng nhớ. Nó là một cái cảm giác mà mình đã cố gắng hết sức mình cho những điều mà mình tin tưởng.”

Khung trời ký ức về Táo Xanh

Trong suốt 11 năm hoạt động, gia đình Táo Xanh đã có lúc chào đón tận 80.000 thành viên. Diễn đàn đã tổ chức nhiều sự kiện offline để kết nối cộng đồng LGBT, và cũng từng chạy chiến dịch quyên góp từ thiện để nâng cao hình ảnh cộng đồng.

Nhưng đến năm 2016, diễn đàn phải đóng cửa vì thiếu kinh phí. Nhóm admin và mod cũng gặp trục trặc khi lưu trữ dữ liệu nên diễn đàn đã biến mất. Trên Internet giờ chỉ còn chút thông tin về Táo Xanh, nhưng sân chơi đầy kỉ niệm này chắc chắn còn sống mãi trong ký ức của hàng ngàn người dùng.

Ảnh bìa và nhạc nền xuất hiện khi truy cập diễn đàn. Ảnh từ Huỳnh Minh Thảo.

“Mình là một người hay quên. Có những lúc mình gặp các bạn ngoài đời và các bạn gọi mình là ‘Sas Ri,’ tên account của mình trên diễn đàn, và đôi khi mình chẳng nhớ được họ là ai. Nhưng mình luôn biết rằng là khoảng thời gian với Táo Xanh đều là những khoảng thời gian vô giá của bản thân mình,” Thảo nói. Thảo là một trong người sáng lập diễn đàn Táo Xanh, và hiện đang là một nhà hoạt động quyền LGBT.

“Đó là nơi đã cho mình rất nhiều mối quan hệ quý giá, có những người mình quen biết trong diễn đàn mà mình vẫn còn giữ liên lạc với họ tới ngày hôm nay,” Quân chia sẻ. Anh đã từng làm người dẫn chương trình cho nhiều sự kiện của diễn đàn, và giờ anh đang là diễn viên kiêm MC.

Nghĩa, người từng dẫn dắt câu lạc bộ kịch ở Táo Xanh và chỉ đạo rất nhiều vở kịch của nhóm, giờ đây đang làm việc với vai trò đạo diễn mảng phim ảnh. Khi được hỏi về những ký ức về Táo Xanh, anh nói: “Mặc dù mình không nhớ rõ những chi tiết nhỏ như thế nào, Nhưng mình luôn nhớ được cái cảm giác mình đã vui như thế nào. Nó là một phần rất đẹp trong cuộc sống của mình, bởi vì bây giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, nên những trải nghiệm và ký ức đó là những thứ mà mình không bao giờ lấy lại được.”

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Đến với cộng đồng nhảy waacking để được là chính mình, 'bung xõa' theo điệu nhạc

“Mình được làm con điên ấy,” Trần Khánh Linh, biệt danh Lyna, bộc bạch khi được hỏi vì sao cô theo đuổi waacking suốt 10 năm qua. Ban ngày, Lyna bán trang sức và đá quý, nhưng đến tối, cô và những ngư...

in Ẽplain

Từ câu chuyện meme thanh long, nghĩ về bài học quảng bá nông sản Việt Nam

Trái thanh long tồn tại ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước, nhưng phải đến thế kỷ 21, nó mới lần đầu tiên có trong mì tôm.

in Văn Hóa

Xem Hollywood, nghe bé Xuân Mai, nhớ một thời chinh chiến cùng băng đĩa lậu

Ở Hà Nội, đã từng có một thời thị trường trao đổi, mua bán băng đĩa lậu diễn ra vô cùng công khai và sôi động. Nhưng ngày nay, khi nhìn vào những cửa hàng băng đĩa lậu trên phố Hàng Bài, người ta chỉ ...

in Ton-sur-Ton

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sốn...

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Hình ảnh LGBTQ+ trong văn hóa đại chúng Việt Nam: từ cấm kỵ đến được đón nhận

Sự xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh các nghệ sĩ thần tượng có phong cách phi giới tính (androgyny), cùng với chủ đề tình yêu đồng giới trong nhiều video âm nhạc và sản phẩm văn hóa đại chúng, đã dấy...

in Ẽplain

Idol ảo và tình bạn thật trong thế giới của các Vtuber Việt

Trong nhiều năm qua, cụm từ "Vtuber" đã trở thành một trong những xu hướng đi đầu của ngành công nghiệp livestream, thu hút đến hàng triệu người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng trong dòng ...