Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Parks & Rec » Đến với cộng đồng nhảy waacking để được là chính mình, 'bung xõa' theo điệu nhạc

“Mình được làm con điên ấy,” Trần Khánh Linh, biệt danh Lyna, bộc bạch khi được hỏi vì sao cô theo đuổi waacking suốt 10 năm qua. Ban ngày, Lyna bán trang sức và đá quý, nhưng đến tối, cô và những người bạn trong nhóm Soul Waackers cùng "quẩy" theo phong cách waacking để được thỏa sức thể hiện bản thân.

Lyna lần đầu biết đến waacking qua một cuộc thi ở quê nhà Nam Định, những mãi đến khi lên Hà Nội học đại học, cô mới bắt đầu theo đuổi bộ môn này. Cô nói: “Khi đi làm, mình là người khá nhẹ nhàng, ‘elegant’ và hơi ‘fancy’ các thứ, nhưng khi được nhảy waack, mình khoác lên những tính cách hoàn toàn khác, mạnh mẽ hơn, buồn hơn, tùy theo từng bài hát.”

Lyna (mặc quần áo đỏ và xanh) trong một trận waacking.

Waacking ra đời từ những năm 1970, nên mọi người thường nhảy trên nền disco. Những bản tình ca khêu gợi như ‘Love To Love You Baby’ của Donna Summer, ‘In The Bush’ của Musique, hay ‘Push It’ của Salt-N-Pepa, trở thành phông nền để Lyna biểu lộ xúc cảm dạt dào trong mình. Từ động tác của cô bừng lên đam mê, nỗi buồn và cả hạnh phúc.

Zupi (Đức Nguyễn) phải khoác vẻ nghiêm túc ở nơi công sở, nhưng với Soul Waackers, anh được nuôi dưỡng một khía cạnh nữ tính hơn trong mình.

Nhiều người đến với waacking cũng chỉ vỉ cơ hội được thể hiện bản thân. Một thành viên khác trong nhóm Soul Waackers, Đức Nguyễn, biệt danh Zupi, kể rằng anh cảm thấy lập tức bị thu hút và “thuộc về” thế giới của waacking khi khám phá ra bộ môn này. “Mình không phải là người chuyển giới,” Zupi nói, “nhưng mình rất là nữ tính. Hồi trước khi còn ở với gia đình và hồi đi nhảy hip hop, mình vẫn ăn mặc khá là nam tính. nhưng một khi bùng ra, khi bắt đầu nhảy waack, thì mình muốn lôi được ‘con đàn bà’ bên trong ra.”

Zupi (mặc áo đen) đang biểu diễn.

Công việc hàng ngày của Zupi là làm quản lý sự kiện, nên anh thường phải mặc vest và mang cà vạt khi đi làm. Nhưng khi lên sàn, anh chọn những chiếc váy bồng bềnh, đi giày cao gót, và uyển chuyển cùng những bước nhảy gợi cảm. Là một người đồng tính đã công khai từ hồi tuổi teen, Zupi rất tự hào về sự chấp nhận vô điều kiện của cộng đồng waacking. Không ai quan tâm đến danh tính hay ngoại hình của người khác, mọi người chỉ chú trọng vào những kỹ thuật điêu luyện và trang phục phù hợp, bất kể phong cách hàng ngày với trên sàn nhảy có tương phản đến mức nào. Zupi giải thích: “Giả sử trong hip hop, khi đi nhảy mình có thể thấy rõ các bạn ấy ăn mặc theo phong cách riêng của hip hop, kiểu như người trong môn phải trình diện theo một kiểu nhất định ý. Còn trong waacking, thì mình mặc cái gì cũng được. Mình có mặc một bộ costume mèo, đi battle, cũng không ai nói gì.”

Tyrone Proctor, được xem là “cha đẻ” của bộ môn waacking, biểu diễn cùng bạn nhảy Sharon Hill vào năm 1975. Nguồn ảnh: LA Times.

Không có gì là khó hiểu về sự cởi mở của cộng đồng waacking khi xét về nguồn gốc của nó. Ra đời trong những câu lạc bộ gay ở Los Angeles, điệu nhảy ban đầu có tên là punking — một từ lóng dùng để xúc phạm người đồng tính. Sau này, cái tên được thay đổi thành waacking. Bộ môn lấy cảm hứng từ thể loại phim câm ngày ấy. Khi không có tiếng nói, cảm xúc được truyền tải thông qua các chuyển động sắc sảo và ấn tượng. Kể từ những ngày đầu, waacking đã là chốn an toàn cho những đối tượng yếu thế được thể hiện bản thân, được thoát khỏi thực tại ngột ngạt của cuộc sống hàng ngày. Bản chất này đến giờ vẫn không đổi, ngay cả khi điệu nhảy đã lan rộng đến khắp các ngõ ngách trên thế giới.

Soul Waackers thi đấu tại giải vô địch I.D.C - In Fire We Trust Dance Championship năm 2022. Ảnh cung cấp bởi Soul Waackers.

Ở Việt Nam, waacking bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 2010 nhờ vào đóng góp lớn của nhiều nhân vật như Nguyễn Cường, biệt danh C2 Low. Là trưởng nhóm Soul Waackers, C2 thường xuyên tổ chức các lớp học và những buổi biểu diễn khắp miền Bắc đất nước. Nhờ vào những nỗ lực đó mà anh tìm được thêm các bạn đồng hành như Lyna và Zupi. C2 vẫn đang tiếp tục dạy nhảy và anh rất tự hào khi thấy cộng đồng ngày càng thêm đa dạng. “[Cộng đồng waacking] có cả các bạn straight, gay, les, hoặc các bạn mà còn chưa biết xu hướng tình dục của mình. Có cả trẻ em và người lớn tuổi. Có cả các bà mẹ, đã sinh con, mà vẫn đi nhảy,” C2 chia sẻ.

C2 Low (Cường Nguyễn) là một gương mặt cộm cán trong giới nhảy ở Hà Nội. Anh thường xuyên tổ chức các lớp học để giới thiệu bộ môn đến những người mới.

Lyna “bung lụa” tại studio Soul Waackers.

Khi được hỏi về hy vọng cho bộ môn này, Lyna nói: “Mình muốn mang lại niềm vui cho cộng đồng và khán giả của mình. Mình mong là khi nhìn thấy mình nhảy, mọi người sẽ thấy thoải mài vui cười cùng Mình.” Còn Zupi chia sẻ: “Mình rất là muốn tìm ra được một truyền nhân, một ai đó mà khi người ta nhìn vào, có thể đấy là học sinh của Đức Zupi.” Về phía C2 Low, anh muốn nâng tầm waacking Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. Anh biết mình có lợi thế hơn những vũ công tỉnh lẻ. Lớn lên ở Hà Nội, C2 được đi nhảy từ nhỏ, và anh cũng có nhiều cơ hội hơn để tiết kiệm và thi đấu ở nước ngoài.

Zupi (trái) và Lyna (phải) đang khởi động.

C2 Low muốn nâng tầm waacking Việt Nam tại các đấu trường quốc tế.

Khi C2 chinh chiến tại các cuộc thi quốc tế, Lyna, Zupi và các Soul Waackers khác theo dõi và ăn mừng chiến thắng của anh với niềm tự hào từ Việt Nam. “Rõ ràng là cái trình độ của mình so với mặt bằng chung ở nước ngoài thì kém hơn,” C2 chia sẻ, “nhưng nhóm mình cũng có rất nhiều bạn giỏi, các bạn có tiềm năng.”

Waacking là một không gian an toàn cho sự sáng tạo và sự biến chuyển của giới.

Cứ hai lần một tuần, nhóm Soul Waackers lại gặp nhau để tập luyện. Tại đây, họ được cởi bỏ tất cả để trở thành phiên bản chân thật nhất với bản thân mình, dù họ đang nhún nhảy với đôi tất, hay đôi cao gót tận 11 phân. Trong studio, mỗi người dễ dàng chuyển đổi từ những động tác mạnh mẽ sang đến các tư thế uyển chuyển, nhẹ nhàng. Họ thay nhau mỗi người nhảy một phút, cùng đắm chìm trong các bài hát disco cổ điển. Họ khuyến khích nhau thử các động tác khó, các bước đi táo bạo, và cùng ăn mừng khi ai đó thành công. Tiếng vỗ tay, reo hò, tiếng cười nói vang lên suốt buổi tập. Khác với thực tại thường ngày, waacking là một không gian an toàn để sự sáng tạo và sự biến chuyển của giới được thể hiện và tôn vinh.

Bài viết liên quan

in Ẽplain

Hồi ức đẹp về forum Táo Xanh, mái nhà online cho người đồng tính Việt những năm 2000

Trước kỷ nguyên của Facebook, Insta, hay Twitter, đã có một thời cư dân mạng chỉ có thể kết nối với nhau trên các diễn đàn online.

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Hình ảnh LGBTQ+ trong văn hóa đại chúng Việt Nam: từ cấm kỵ đến được đón nhận

Sự xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh các nghệ sĩ thần tượng có phong cách phi giới tính (androgyny), cùng với chủ đề tình yêu đồng giới trong nhiều video âm nhạc và sản phẩm văn hóa đại chúng, đã dấy...

in Parks & Rec

Múa cột — Thử thách giới hạn của nghệ thuật và định kiến về giới

Những ngọn neon xanh đỏ bám lên cơ thể người vũ công đang xoay quanh chiếc cột trong tiếng nhạc xập xình và tiếng thở đầy mời gọi. Vô hình trung, trong tâm trí của nhiều người, bộ môn múa cột đã trở t...

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Ton-sur-Ton

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sốn...

in Màn Ảnh

Lược sử phim queer tại Việt Nam: Từ phim tài liệu đến màn ảnh lớn

Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và ngư...