Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và người làm phim phần nào đã mở lòng với cộng đồng đa bản dạng giới và tính dục trong nước.
Với sự góp mặt của hai diễn viên điển trai, Thưa Mẹ Con Đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhanh chóng được xếp vào vào hàng “nhất phẩm” trong các bộ phim Việt Nam lấy chủ đề về cộng đồng LGBT.
Bộ phim xoay quanh một cặp đôi đồng tính nam trở về Việt Nam sau thời gian sống ở Mỹ. Căng thẳng leo thang giữa họ khi về lại một gia đình truyền thống khá điển hình ở Việt Nam. Bộ phim này cũng là một trong hai tác phẩm của Việt Nam được chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế Busan vào tháng 10/2019.
Trụ cột gia đình — Hạnh (Hồng Đào), một người phụ nữ góa chồng — đón Văn, cậu con trai duy nhất, về nhà sau khi cậu hoàn thành chương trình học ở Mỹ. Hạnh tìm cách mai mối cho Văn với hy vọng anh sẽ lấy vợ, sinh con và nối dõi tông đường. Không may cho Hạnh và mọi người, Văn (Lãnh Thanh) có một sự thật đang giấu trong góc khuất.
Thưa Mẹ Con Đi là một chuỗi những cảnh quay đậm chất nghệ thuật phủ lên một kịch bản súc tích và gần gũi. Đó là hai chất liệu để kiến tạo một nhịp độ hợp lý cho bộ phim, với nhiều phân cảnh kịch tính hướng đến thời khắc định mệnh: người mẹ biết được và phải chấp nhận sự thật rằng con trai mình sẽ không trao trái tim cho ai ngoài bạn trai Ian (Võ Điền Gia Huy).
▪
Trịnh Đình Lê Minh quả thật có con mắt nhìn người, bởi Lãnh Thanh và Gia Huy hợp vai và rất đẹp đôi. Trong vai thanh niên lịch thiệp có “tội lỗi” duy nhất là yêu nhau, họ “đốn tim” khán giả nhanh như cách họ thuyết phục mẹ và gia đình bên nội ủng hộ xu hướng tính dục của mình.
Dù nội tâm có những chuyển biến rất thực tế, hình ảnh của hai nam nhân vật lại có phần quá đáng yêu gần như hoàn mỹ. Không nghi ngờ gì sớm hay muộn họ sẽ tìm ra hướng đi cho bản thân. Trở về từ xứ cờ hoa, cặp đôi như một hai thiên thần vô tư đang loay hoay thích nghi với nền văn hoá đậm chất Á Đông ở Việt Nam.
Văn hay được mẹ nuông chiều, còn bà nội thì thần kinh không ổn định nên thường nhầm cậu với Ian. Vậy là bà dành tình thương vô bờ bến cho “đứa cháu” Ian, dẫu chỉ là nhẫm lẫn. Chưa dừng lại đó, em họ Văn, đang là một nữ sinh cấp ba, bỗng cảm nắng và mơ về chuyện tình “gà bông” với Ian.
Em họ Ian có một người anh đã li dị vợ. Dầu là một “con sâu rượu” xấu tính, anh vẫn luôn yêu thương em gái mình. Cũng như mẹ và dì của Văn, anh là một thành viên trong xã hội Việt Nam nặng tính kỳ thị trái ngược với “thiên đường cởi mở” xứ cờ hoa. Vì thế, theo tôi, sẽ hợp lý hơn nếu người em họ này dành cho những người đàn ông xung quanh mình một tình cảm gì đó trong sáng hơn là "cảm nẳng."
Tuy nhiên, xét cho cùng, Thưa Mẹ Con Đi là một nỗ lực đáng ghi nhận để mang chủ đề đồng tính và chuyển giới lên màn ảnh Việt. Bộ phim cũng gợi nhớ đến những bộ phim đáng chú ý khác cùng chủ đề, ở cả thể loại phim truyện lẫn tài liệu: Hot Boy Nổi Loạn của Vũ Ngọc Đãng; Yêu của Việt Max, phỏng theo phim điện ảnh Thái Lan Love of Siam; Nguyễn Thị Thắm với Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng; và Đi Tìm Phong của Trần Phương Thảo.
Dư âm từ “bộ phim đồng tính đầu tiên” của Việt Nam
Năm 2011, Vũ Ngọc Đãng ra mắt bộ phim về chủ đề đồng tính nam, mại dâm và bệnh tâm lý. Ê kíp làm phim ngày ấy chắc cũng không ngờ bộ phim có tựa đề dài ngoằng Hot Boy Nổi Loạn Và Câu Chuyện Về Thằng Cười, Cô Gái Điếm Và Con Vịt sẽ trở thành nốt son trong sự nghiệp của mình.
Hot Boy Nổi Loạn, được ca ngợi là “bộ phim đồng tính đầu tiên” của Việt Nam, đã giành được loạt giải thưởng trong nước và góp mặt tại một số liên hoan phim quốc tế. Bộ phim cho thấy sự tiến bộ của Vũ Ngọc Đãng trong cách làm phim: từ dòng phim "gái" xô bồ đến những phim đậm chất trường phái hiện thực hơn. Hai nhân vật chính đồng tính trong phim dù được khắc hoạ rõ nét và thực tế hơn, nhưng lại có số phận bi ai hơn nhiều so với cặp đôi trong Thưa Mẹ Con Đi.
Cặp đồng tính nam của Đãng không giống như những cô gái showbiz quen thuộc trong các phim thương mại trước đó của anh: Những Cô Gái Chân Dài và Đẹp Từng Centimet. Họ cũng không giống với những nhân vật mang tính biểu tượng trong tác phẩm lớn đầu tiên của anh, Chuột, vốn là một câu chuyện mang tinh thần cao thượng về hành trình tâm lý của một tên tội phạm bỏ trốn trước khi ra đầu thú.
Qua Hot Boy Nổi Loạn, khán giả có thể nhận thấy thế giới quan của Đãng thay đổi như thế nào. Thế giới điện ảnh của anh không còn là một giấc mơ quanh quẩn trong đầu như Chuột, hay một showbiz rất “đời” và chật chội nữa, mà là một thực tế xã hội muôn màu với những người đồng tính và mại dâm.
Dù vậy, Đãng dương như khá “tham” khi đưa quá nhiều phận người vào phim. Bộ phim cũng nói về một người đàn ông tâm thần gắng gượng nuôi một con vịt con và làm bạn với một cô gái mại dâm bị đời hắt hủi. Và cốt truyện này không hề có liên quan gì đến cặp đồng tính nam vốn là tâm điểm của phim.
Mãi đến khi Thưa Mẹ Con Đi ra mắt, bức chân dung hãy còn dang dở của người đồng tính nam trong xã hội Việt mới được chấm phá và rõ nét hơn.
Tính dục và nghệ thuật
Đề tài đồng tính nữ cũng đã được đề cập trong điện ảnh Việt Nam đương đại. Năm 2015, Việt Max đã cho ra mắt bộ phim Yêu dựa trên bộ phim đồng tính nam Thái Lan Love of Siam. Bộ phim kể về nữ ca sĩ đầy khát vọng và người bạn gái thời thơ ấu. Dẫu không phải là một ý tưởng “cây nhà lá vườn,” bộ phim đã hướng sự chú ý sang giới tính nữ và thể hiện hình ảnh phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ và tinh tế.
Tuy Yêu không được lớp lang và sâu sắc như bản gốc Thái Lan, tác phẩm vẫn là một phiên bản làm lại đầy sáng tạo khi tạo ra các kiểu nhân vật nam mới với dụng ý làm bật lên mối quan hệ đồng tính nữ. Cách thể hiện các nhân vật nam đó khá thực tế và thuyết phục và người xem có thể hiểu tại sao các cô gái vẫn từ chối họ ngay cả khi họ không phải là người đồng tính. Tiêu biểu trong đó là một người đàn ông xuất thân từ một gia đình giàu có với lối sống trăng hoa và phung phí.
Kiểu nhân vật đồng tính đầy tài năng như trong Yêu lại một lần xuất hiện trong tác phẩm Song Lang của Leon Quang Lê ra mắt năm 2018. Bộ phim cũng giành chiến thắng ở nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tựa phim "Song Lang" không chỉ gợi lên hình ảnh một đôi nam thanh niên, mà còn ám chỉ nhạc cụ bộ gõ được chơi trong các tuồng cải lương. Bộ phim, trên tinh thần đó, đã khéo léo dệt nên một bức thảm kịch về mất mát văn hoá của Việt Nam, đan xen giữa mối quan hệ bất thành giữa hai thanh niên.
Lấy bối cảnh tại Sài Gòn những năm 1980, nội dung phim xoay quanh mối quan hệ giữa Linh Phụng, kép hát chính của đoàn cải lương Thiên Lý, và Dũng “Thiên Lôi,” một tay chuyên đòi nợ thuê có xuất thân từ gia đình cải lương.
Linh Phụng suýt mang đến cơ hội hạnh phúc thứ hai cho Dũng, người gánh trên vai nhiều phẫn uất và hận thù trên con đường sự nghiệp đang chùn bước của mình. Nhưng mối quan hệ của họ không thành, không chỉ vì số phận của họ bị trói buộc với bối cảnh xã hội biến động, đầy rẫy những con nợ tuyệt vọng và những kẻ cho vay nặng lãi tham lam.
Số phận của họ cũng không thể tách rời khỏi lịch sử đầy biến động của chiến tranh, chia rẽ và mất mát của Việt Nam. Vở tuồng trong Song Lang được phỏng theo truyền thuyết Mị Châu-Trọng Thủy. Theo truyền thuyết, vua An Dương Vương mất nước do hậu quả của việc con gái ông phản bội theo người chồng từ phương Bắc.
Được tái hiện lại qua phiên bản thể hiện trong Song Lang, vở tuồng khắc họa rõ nét cái đẹp của cải lương tuồng cổ miền Nam. Linh Phụng đóng vai Trọng Thủy, còn số phận của công chúa Mi Châu như được phản ánh những gì đã xảy ra với Dũng. Với những bộ trang phục lồng lẫu, nhiều màu sắc được thiết kế để gợi lại cảm giác về quá khứ nghiệt ngã của Sài Gòn, Song Lang quả nhiên là một “bữa tiệc thị giác” linh đình.
Những bài học rất nhân văn bên ngoài sách vở
Phim tài liệu Việt Nam đa phần có độ dài khoảng 30 phút, chủ yếu do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện cho truyền hình. Vì thế, bất kỳ tác phẩm dài tập nào do chính các nhà làm phim độc lập thực hiện đều là những nỗ lực đáng khen ngợi. Và có hai bộ phim đã trở thành tiêu biểu cho chủ đề người đồng tính và chuyển giới.
Đó là bộ phim tài liệu đầu tay Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng (2014) dài 86 phút của Nguyễn Thị Thắm và Đi Tìm Phong (2018) của Trần Phương Thảo và Swann Dubus. Thắm miệt mài theo chân một đoàn lô tô do Bích Phụng làm trưởng đoàn. Đoàn gồm 35 thành viên, hầu hết là người đồng tính hoặc chuyển giới.
Trong thực tế, những người đồng tính hoặc chuyển giới trong hai bộ phim tài liệu này kiếm sống bằng nghệ thuật và sân khấu. Việc gánh hát lô tô có phải là một loại hình nghệ thuật chính thống hay không có thể gây tranh cãi, nhưng có một điều rõ ràng: chị Phụng và các chị em trong đoàn đều cống hiến tất cả cho cái “nghề” của mình.
Đoàn của Bích Phụng đi từ Đà Nẵng đến Cà Mau để tổ chức hội chợ gồm các hoạt động như múa hát, hát lô tô và nhiều trò chơi giải trí khác. Trên đường đi, họ chạm trán với những người dân địa phương thù địch đến cay nghiệt với đỉnh điểm là màn phá hoại bất nhân ở cuối phim.
Ngược lại với tất cả các yếu tố đời thực, Đi Tìm Phong lại thu hút với những thước phim giàu tính biểu tượng. Không giống như bộ phim của Thắm, mang đến cái nhìn toàn cảnh về cuộc bể dâu của cả một gánh hát, bộ phim tài liệu của Thảo và chồng lấy tâm điểm là một cá nhân, cô gái chuyển giới tên Phong kiếm sống bằng nghề vẽ rối cho Nhà hát Múa rối Nước Thăng Long ở Hà Nội.
Các nhà làm phim đã đưa Phong một chiếc máy quay để cô tự ghi lại hành trình chuyển giới của bản thân. Sau đó, họ lồng ghép những đoạn quay của đoàn để dựng thành bộ phim. Hành trình của Phong tuy đầy gian nan, nhưng với những cảnh quay mang lại tiếng cười lẫn lấy đi nước mắt và một cái kết đáng yêu, bộ phim dễ dàng chiếm được cảm tình của khán giả.
Trong một shot quay đậm chất nghệ thuật, Phong (giờ đã là một cô gái nhưng vẫn giữ cái tên khai sinh) nhảy múa rồi dần khuất sau hành lang. Với shot quay đó, đạo diễn làm bật lên được bản tính tự do và phóng khoáng của giới tính, tính dục và của chính sự sống.
Ngạc nhiên thay, cả hai phim tài liệu đều được chiếu rạp đại trà — một thành tích hiếm có đối với thể loại phim tài liệu ở Việt Nam. Sự xuất hiện của nhân vật chính đằng sau hình ảnh Phong tại buổi công chiếu đã thu hút một số lượng đáng kể các bạn trẻ nhiệt thành. Đây là một hiệu ứng đầy hứa hẹn, cho thấy sức sống của các chủ đề xã hội quan trọng khi được đưa lên màn ảnh, đặc biệt là khi những vấn đề đó được khai thác với thái độ nghiêm túc và con mắt nghệ thuật nhân bản.
[Ảnh bìa: Tin247]