Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Phạm Gia Quý là một nhà làm phim trẻ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và là cựu sinh viên của đại học nghệ thuật danh giá Savannah College of Art and Design. Ở tuổi 23, Quý đã có trong tay kho tàng dự án chất lượng, bao gồm hai MV cho Ngọt là ‘Bartender’ và ‘(Tôi) Đi Trú Đông,’ cùng dự án phim Thường được công chiếu tại các LHP quốc tế như LA Shorts Film Festival, Brisbane International Film Festival.

Sau thành công với Vô Thường, chàng đạo diễn trẻ đã chia sẻ với Saigoneer những kinh nghiệm trong hành trình đến với sân chơi quốc tế và những ấp ủ riêng cho nền điện ảnh Việt Nam.

Trailer phim ngắn Vô Thường. Nguồn: Kênh Vimeo của Phạm Gia Quý. 

Khởi đầu của một hành trình

Có thể nói, Vô Thường chính là bước nhảy đầu tiên của Phạm Gia Quý trong hành trình hiện thực hóa những hoài bão cho nền điện ảnh Việt. Bộ phim dài vỏn vẹn 20 phút, với nội dung chính xoay quanh một kẻ đánh thuê tên Tuy, bị gán tội giết người và trở thành kẻ thế mạng cho ông chủ của mình.

Dự án được Quý ấp ủ từ mùa hè 2018, khi anh chàng vẫn còn theo học ngành sản xuất phim tại Mỹ. Đến tháng 4/2019, khi đã phần nào hài lòng với bản thảo, Quý bắt đầu kêu gọi sự giúp đỡ của một số người bạn, cũng như liên hệ người đồng nghiệp Nguyễn Văn Duy Linh để làm nhà sản xuất phim tại Việt Nam. Đoàn làm phim sau đó đã dành hơn bốn tháng, tức là gần 80% quá trình thực hiện phim, cho phần tiền kỳ.

Poster phim ngắn Vô Thường.

Quý “khoe” rằng điều làm anh chàng tự hào nhất là đoàn làm phim của mình. Cả đoàn làm việc một cách sát sao, nghiêm túc nhưng cũng rất thoải mái và tràn đầy năng lượng. Việc đào tạo, phổ quy trình cho nhân viên cũng được anh coi trọng. “Từ tiêu chuẩn của công đoàn Mỹ, mình xem xét quãng thời gian làm việc phù hợp và cố gắng hạn chế chuyện ‘chạy’ quá giờ nhất có thể,” chàng đạo diễn chia sẻ. 

Chuyện đưa phim ra biển lớn

Hành trình đưa Vô Thường đến các liên hoan phim không gặp nhiều gian nan, nhưng cũng đòi hỏi Quý và những người bạn của mình phải tính toán rất nhiều. Từ đầu, Quý vạch ra một danh sách các liên hoan phim và chia thành ba hạng mục. Những liên hoan phim lớn được ưu tiên hàng đầu, sau đó đến các liên hoan phim của các thành phố, cuối cùng là liên hoan dành cho các dòng phim chuyên biệt. Mỗi liên hoan phim đều có một đối tượng khán giả riêng, nên danh sách này giúp anh lựa chọn “hồng tâm” chính xác hơn cho tác phẩm.

Quý cũng có quan niệm rất kiên định về mục đích của việc tham gia liên hoan phim. Anh chàng chia sẻ: “Việt Nam thường nhắm đến liên hoan phim quốc tế với mong muốn đạt được giải thưởng và sự công nhận. Nhưng liên hoan phim không phải là cái thực sự quan trọng, mà là ‘cái chợ’ kế bên.” Cái "chợ" ở đây chính là nơi các công ty phân phối tìm kiếm tài nguyên để bán cho các nhà phát hành khác, từ đó giúp bộ phim có cơ hội được chiếu nhiều nơi trên thế giới.

Phim ngắn Vô thường được công chiếu ở nhiều LHP và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, chuyên gia quốc tế.

“Thắng giải mang lại danh dự và sự thỏa mãn dành cho cái tôi nghệ thuật, thế nhưng nó không tạo cho bạn cơ hội để giúp bạn xây dựng nền tảng phát triển sự nghiệp,” anh giải thích. Theo Quý, người trẻ không nên để làm phim trở thành gánh nặng cho mình cũng như người khác, mà hãy làm vì mình yêu thích và nhận được những gì xứng đáng với công sức bản thân bỏ ra.

Anh cũng khẳng định rằng bản sắc là điều không thể thiếu trong mỗi tác phẩm. “Một bộ phim nên thể hiện được cái nhìn xã hội của người làm nghệ thuật, nói lên câu chuyện của tầng lớp, nhóm người mà mình đồng cảm.” Các nghệ sĩ không phải áp lực bản thân hay đổi phong cách, đề tài hay bối cảnh để 'Tây' hơn khi mang phim ra chinh chiến quốc tế, vì chất liệu mộc mạc của văn hoá Việt "nhiều lúc [...] lại càng được yêu thích.”

"Một bộ phim nên thể hiện được cái nhìn xã hội của người làm nghệ thuật."

Những dự định mới

Phạm Gia Quý đã có cơ hội làm bộ phim ngắn mà bản thân hằng mong muốn và đạt được những cột mốc nhất định. Giờ đây, chàng đạo diễn trẻ muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp những nhà làm phim trẻ khác cùng cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. “Việt Nam là nơi mà mình thuộc về. Nếu mình chỉ làm phim về nước khác mà bỏ mặc câu chuyện của người Việt thì thật vô trách nhiệm.”

Vô Thường mang theo những yếu tố đặc trưng nhất của văn hóa Sài Gòn.

Cùng với nhóm làm phim trẻ Spring Auteurs, Quý đã thành lập nên dự án Saigon Stories, một tuyển tập phim ngắn của 10 nhà làm phim, biên kịch trẻ khác nhau tại Việt Nam. Việc chọn lọc và gộp nhiều phim ngắn thành một chuỗi series giúp các dự án nhỏ dễ tiếp cận hơn với các nhà phát hành, từ đó giảm nhẹ gánh nặng kinh phí cho các nhà làm phim độc lập. Quý mong rằng qua dự án, các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với phim ngắn Việt, rằng việc tài trợ cho cho phim có thể xem như một dạng đầu tư có lợi nhuận.

Một cảnh quay cao trào cắt từ Vô Thường.

Quý cũng chia sẻ một câu chuyện cá nhân để làm lời khuyên cho các nhà làm phim trẻ còn loay hoay tìm lối đi: "Có một thời gian, đặc biệt là sau khi làm xong MV 'Bartender,' mình cảm thấy bản thân không còn xứng đáng với công việc đạo diễn. Đấy là lúc mình mắc phải hội chứng 'kẻ giả mạo' (imposter syndrome)." Đây là cảm giác mà người trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể gặp phải, họ cảm thấy bản thân không đủ tài năng cho công việc mình đang làm, sản phẩm mình tạo nên.

Nhưng nghe theo lời khuyên của một người đi trước, chàng trai đã vực dậy bản thân và tiếp tục hành trình làm phim. “Bạn hãy cố nghĩ, không thể nào có chuyện bạn giả bộ làm một bộ phim, vì khi bạn đang 'giả bộ' làm nó, thì máy quay cũng đã thu hình rồi, quan trọng là hình được thu mình có thấy hay hay không mà thôi."

[Ảnh trong bài viết do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Màn Ảnh

Vũ trụ phim mì ăn liền: Lát cắt điện ảnh Việt Nam thập niên 1990

Nếu có chút gì quan tâm đến nền điện ảnh Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng thấy qua cụm từ “mì ăn liền”— hay được dùng để mô tả những bộ phim có chất lượng sản xuất thấp. Tuy chỉ mới trở nên thông dụng tro...

in Màn Ảnh

Lược sử phim queer tại Việt Nam: Từ phim tài liệu đến màn ảnh lớn

Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và ngư...

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.

in Màn Ảnh

Người trẻ học lồng tiếng và những cánh cửa cơ hội mới

Từ trước đến nay, diễn viên lồng tiếng hiếm được để ý đến vì họ luôn là những người nấp mình trong phòng thu để thổi hồn giúp những bộ phim thêm phần hấp dẫn. Nhưng vẫn còn rất nhiều bạn trẻ vô tình c...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

8 the Theatre trở lại với series unplugged, hòa phối màu sắc âm nhạc cổ điển và hiện đại

Viết tiếp giấc mơ làm mới trải nghiệm âm nhạc, 8 the Theatre đã trở lại với một hoài bão mới: mang cảm hứng cổ điển lên sân khấu âm nhạc hiện đại.