Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Màn Ảnh » Vũ trụ phim mì ăn liền: Lát cắt điện ảnh Việt Nam thập niên 1990

Nếu có chút gì quan tâm đến nền điện ảnh Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng thấy qua cụm từ “mì ăn liền”— hay được dùng để mô tả những bộ phim có chất lượng sản xuất thấp. Tuy chỉ mới trở nên thông dụng trong những năm gần đây, đây không phải là một thuật ngữ mới, mà đã xuất hiện từ thập niên 1990 — giai đoạn đánh dấu sự ra đời của một dòng phim thương mại mới, có ảnh hưởng lớn đến cách khán giả Việt tiêu thụ phim ảnh lúc bấy giờ.

Sơ lược về phim mì ăn liền

Từ công cuộc Đổi Mới năm 1986, Việt Nam đã trải qua những thay đổi lớn về chính trị, xã hội và văn hóa. Những cải cách này gây hiệu ứng dây chuyền đến ngành công nghiệp sản xuất phim và nền điện ảnh Việt Nam. Trước thời kỳ này, việc sản xuất và phân phối phim ảnh hoàn toàn được điều phối bởi nhà nước, nhưng đến giai đoạn Đổi Mới, ngân sách điện ảnh bị cắt giảm khiến nhiều hãng phim gặp khó khăn do tài nguyên hạn hẹp. Do đó, nhiều nhà sản xuất đã tìm đến các nguồn vốn tư nhân để tiếp tục tồn tại. Quá trình tư nhân hóa này đã mở cửa cho một thời kỳ mới, khi điện ảnh trong nước được thống trị bởi dòng phim thị trường tập trung vào yếu tố thương mại.

Ngày nay, cụm từ “mì ăn liền” thường được dùng để mỉa mai phong cách làm phim ăn xổi ở thì và thiếu chiều sâu.

Đồng thời, các tiến bộ công nghệ ở giai đoạn này đã mở đường cho những thay đổi trong phương pháp làm phim. Khi băng VHS trở nên phổ biến, các hãng phim bắt đầu sản xuất phim bằng các loại máy quay cầm tay vì rẻ, nhanh chóng và dễ dàng hơn so với việc ghi hình trên phim truyền thống.

Thời kỳ Đổi Mới cũng đưa văn hóa giải trí nước ngoài đến gần hơn với khán giả trẻ thông qua các phim bom tấn Hollywood, phim võ thuật Hồng Kông và phim truyền hình Hàn Quốc. Làn sóng này đặt ra thách thức mới cho điện ảnh Việt Nam, vì thị hiếu xem phim của thế hệ trẻ đã thay đổi, và người xem không còn bị giới hạn trong các câu chuyện thường chỉ xoay quanh đề tài chiến tranh như thời kỳ trước đó.

Việt Trinh

Diễm Hương

Lý Hùng

Đến thập niên 1990, nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các bộ phim mì ăn liền ra rạp ồ ạt để lôi kéo công chúng đến phòng vé và nâng cao doanh thu. Các tác phẩm thường được sản xuất gấp rút, có kinh phí thấp và quay trên máy cầm tay. Biệt danh “mì ăn liền” xuất phát từ sự tương đồng giữa các bộ phim của thời kỳ này và mì ăn liền: nhanh, rẻ, dễ tiêu thụ và thỏa cơn đói của nhiều người — giống như cách các bộ phim thương mại đáp ứng những nhu cầu mới của khán giả trong một thời kỳ chuyển đổi của nền điện ảnh.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế phim mì ăn liền

Những bộ phim mì ăn liền đầu tiên đã nhận được phản hồi tích cực của khán giả, nhiều bộ trong số đó đạt được thành công lớn tại phòng vé. Trung bình, có khoảng 50 bộ phim được cho ra lò mỗi năm vào đầu thập niên 1990, cho ra đời thế hệ minh tinh điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. NSND Thu Hà, một trong những cái tên hiếm hoi từ miền Bắc thành công ở thể loại mì ăn liền, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với VTV: “Dòng phim ấy phủ sóng toàn bộ rạp. Lúc bấy giờ, chúng mình đi đến đâu, công chúng cũng biết đến.”

Hình ảnh của các diễn viên được in trên lịch, bìa sổ tay và bưu thiếp. Đây là những hiện vật được lưu giữ bởi người sưu tập Nguyễn Văn Đương. Ảnh qua trang Facebook Thương Mái Trường Xưa.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim này kéo dài không bao lâu. Đến năm 1994, thể loại này bắt đầu thoái trào mà không có nguyên nhân cụ thể. Một số ý kiến cho rằng xu hướng làm phim ăn xổi, thiếu chiều sâu, tập trung tối đa vào lợi nhuận, cũng như sự ra đời của dòng phim truyền hình đã khiến người xem phải quay lưng. Cũng theo nhà phê bình và nghiên cứu phim Ngô Phương Lan, thị trường phim mì ăn liền “bão hòa” khiến khán giả bị bội thực với những tác phẩm “thiếu chất lượng về mặt kịch bản và giá trị nghệ thuật.”

Sau thời kỳ hoàng kim của phim mì ăn liền, thể loại này đã nhường chỗ cho dòng phim nghệ thuật cũng như sự trở lại của dòng phim chiến tranh theo định hướng của nhà nước trong những năm 1990. Tuy thời kỳ này của điện ảnh Việt Nam có mang lại những thay đổi tích cực, những gì đọng lại trong ký ức của công chúng đến nay thường là những khía cạnh tiêu cực: thuật ngữ “mì ăn liền” vẫn được dùng để đại diện cho những sản phẩm kém chất lượng cũng như cách làm phim tàu nhanh.

Tuy nhiên, đâu đó trong thời buổi hiện đại, khán giả vẫn có thể trân trọng những tác phẩm sản sinh từ thời kỳ này. Tạm bỏ qua những nhược điểm, phim mì ăn liền là một vùng trời hoài niệm, là xuất phát điểm của những cái tên thân thuộc với khán giả, cũng như sự khéo léo của nhà làm phim khi đối mặt với kinh phí thấp và kỹ nghệ làm phim còn chập chững của điện ảnh Việt ngày ấy.

Thời kỳ này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia khi giới thiệu những góc nhìn và kỹ thuật làm phim mới. Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 năm 2011 đã tôn vinh dòng phim mì ăn liền trong buổi lễ khai mạc bằng cách bao gồm những tác phẩm nổi tiếng của thời kỳ này trong triển lãm Lịch sử Điện ảnh Việt Nam.

Tuy đã hơn ba mươi năm kể từ đỉnh cao của phim mì ăn liền, nhờ sự xuất hiện của YouTube, nhiều bộ phim từ thập kỷ 1990 đã được “hồi sinh” qua các phiên bản trực tuyến. Đa dạng về số lượng lẫn chất lượng, sau đây là một số tác phẩm “mì ăn liền” nổi bật đã được Saigoneer tổng hợp và gửi đến độc giả.

1. Những tác phẩm tiên phong

Nguồn gốc của trào lưu phim ăn liền có thể được quy về hai bộ phim. Cả hai tác phẩm đều đạt được thành công lớn tại phòng vé, giúp truyền cảm hứng, định hình cho thể loại: từ các tình tiết điển hình, phong cách diễn xuất, đến cảm quan chung của những tác phẩm về sau.

Vị Đắng Tình Yêu (1990)

Đây có lẽ là bộ phim phổ biến nhất trong thời kỳ này, nói nôm na là “Mì Hảo Hảo” của thế giới phim mì ăn liền. Vị Đắng Tình Yêu kể về chuyện tình day dứt giữa Quang, một sinh viên y khoa nhút nhát và hiền lành, và Phương, một nghệ sĩ đàn piano yêu nghề mãnh liệt. Phương suy sụp khi bác sĩ phát hiện một mảnh đạn găm vào não cô, buộc cô phải từ bỏ sự nghiệp âm nhạc của mình, vì suy tư quá nhiều về âm nhạc có thể khiến cô phải bỏ mạng.

Đây là bộ phim mì ăn liền đầu tiên mà tôi xem, và lần đầu tiên xem nó, tôi liên tục bị xao nhãng bởi những chi tiết nhập nhằng trải dài suốt bộ phim. Cách chuyển cảnh của phim rất thô và rời rạc vì thiếu góc quay toàn cảnh. Tại nhiều điểm quan trọng trong mạch truyện, bộ phim lại sa đà vào các diễn biến chóng vánh và lời giải thích rườm rà của nhân vật thay vì những phân cảnh có sức nặng hơn.

Nhưng nếu tạm tha thứ cho những khiếm khuyết này, và hiểu cho rằng chúng phản ánh những đặc tính “xưa cũ” của điện ảnh thập niên trước, thì bộ phim lại làm khá tốt vai trò của mình. Cốt truyện theo chân Phương trên hành trình đấu tranh giữa hai lựa chọn: theo đuổi đam mê hay bảo vệ sự sống. Các diễn viên đóng vai sáu người bạn của Quang phối hợp rất ăn ý. Tuyến nhân vật học sinh ngây thơ, hồn nhiên cũng giúp cân bằng lại những phân đoạn nặng nề hơn của bộ phim. Thế nên, dù đầy rẫy lỗi kỹ thuật và chi tiết khó chịu khắp nơi, bộ phim vẫn đáng xem nhờ câu chuyện nhân văn và nhẹ nhàng của mình.

Rạp Vinh Quang (trước đó tên là Rạp Casino) treo áp phích quảng cáo phim Vị Đắng Tình Yêu (trái), một trong những phim mì ăn liền nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Ảnh chụp bởi Raymond Depardon năm 1992. Nguồn ảnh: người dùng Flickr manhhai.

  • Độ “ăn liền”: Một bộ phim mì ăn liền cực kì kinh điển với sự tham gia của các diễn viên ngôi sao. Phim có nhiều khiếm khuyết về mặt kỹ thuật, có lẽ là do kết quả của quá trình làm phim gấp rút. [10/10]
  • Đánh giá chung: Cốt truyện tốt nhưng cần cải thiện ngôn ngữ điện ảnh của mình. [6.5/10]
    . [6.5/10]
  • Nếu ra rạp ngày nay: Cốt truyện và diễn xuất vẫn có thể tạo ấn tượng tốt cho khán giả, nhưng những điểm yếu của phim sẽ bị các nhà phê bình xử đẹp. [5/10]

Xem Vị Đắng Tình Yêu tại đây.

Phạm Công - Cúc Hoa (1989)

Đây là tác phẩm chuyển thể từ một bài thơ nổi tiếng cùng tên. Mặc dù không nổi tiếng như Vị Đắng Tình Yêu, Phạm Công - Cúc Hoa cũng đạt được thành công nhất định tại phòng vé. Bộ phim nói về cuộc đời của Phạm Công, từ ngày anh yêu Cúc Hoa và sau này cưới cô, đến khi họ có con. Phạm Công phải rời thủ đô để nhập ngũ và gặp phải nhiều biến cố, còn Cúc Hoa phải đấu tranh để nuôi hai con một mình. Ở thủ đô, Phạm Công bị ép phải lấy con gái của một quan chức làm vợ lẽ.

Bộ phim khai thác những đề tài như lòng chung thủy và giá trị gia đình, đồng thời phê phán chế độ đa thê của quý tộc xưa. Đây là một cốt truyện có chiều sâu, nhưng không may, cách câu chuyện được kể lại có nhiều vấn đề. Trong suốt 2 giờ 35 phút, bộ phim lạm dụng những trường đoạn âm nhạc kéo dài mà không có hình ảnh thú vị hoặc liên quan đến cốt truyện.

Từ góc độ kỹ xảo, bộ phim có một lượng lớn những cảnh chiến đấu khá gượng gạo. Diễn viên di chuyển chậm như thể các nhân vật đang đùa giỡn chứ không phải đánh nhau. Xét về tổng thể, phim có phần lỗi thời và có lẽ sẽ tốt hơn nếu câu chuyện được rút gọn và kể một cách súc tích hơn.

  • Độ “ăn liền”: Điểm nổi bật duy nhất của bộ phim so với những tác phẩm mì ăn liền khác là thời lượng, vì hầu hết các bộ phim khác chỉ dài tầm 90 phút. [9/10]
  • Đánh giá chung: Phim có cốt truyện tốt, nhưng diễn biến quá chậm. [5/10]
  • Nếu ra rạp ngày nay: Một bộ phim sử lịch sử bị chê toàn tập về khâu kỹ xảo. [2/10]

Xem Phạm Công - Cúc Hoa tại đây.

2. Các dòng phim mì ăn liền phổ biến

Các bộ phim mì ăn liền ngày ấy thường rơi vào hai đề tài chính: tình yêu thanh xuân và chính kịch lịch sử. Chủ đề tình cảm tất nhiên chiếm ưu thế vì dễ tiếp cận với khán giả trẻ. Về phương diện sản xuất, các cốt truyện và bối cảnh hiện đại trong phim tình cảm cũng sẽ dễ quay dựng hơn. Để giới thiệu rõ hơn về thể loại này, tôi chọn phim Vĩnh Biệt Mùa Hè (1992), tác phẩm đã từng giành thành công lớn tại phòng vé và được xem là một tác phẩm kinh điển trong kho phim tình cảm “vườn trường” của điện ảnh Việt Nam.

Thể loại thứ hai, chính kịch lịch sử, từng bị thất sủng, nhưng đã được hồi sinh trong thời kỳ phim mì ăn liền với nhiều bộ phim lịch sử thành công tại phòng vé. Trong số đó, Tráng Sĩ Bồ Đềđược xem là một trong những tác phẩm để lại dấu ấn tốt nhất về chất lượng kỹ thuật.

Vĩnh Biệt Mùa Hè (1992)

Vĩnh Biệt Mùa Hè theo chân hai người bạn thân Hằng và Hạ và chuyện tình của họ vào năm cuối cấp trung học. Hạ, xuất thân từ một gia đình giàu có, phải lòng một chàng trai hiền lành từ gia đình nghèo khó. Trong khi đó, Hằng lại theo đuổi mối quan hệ bí mật với một giáo viên tại trường mình.

Vĩnh Biệt Mùa Hè được xếp vào hàng kinh điển vì nhiều lý do. Dù khai thác những mô típ quen thuộc như “Romeo và Juliet” và tình thầy trò, tác phẩm vượt qua những hạn chế của thể loại bằng nghệ thuật kể chuyện. Câu chuyện bắt đầu như những bộ phim tình cảm khác, nhưng không sa đà vào những tình tiết giằng co, lâm li bi đát, mà tập trung vào việc truyền tải thông điệp về hạnh phúc trong cuộc sống. Hành trình trưởng thành và tính cách của các nhân vật chính được khắc họa một cách gần gũi và chi tiết.

Ở khía cạnh thị giác, bộ phim nổi bật nhờ việc sử dụng liên tục các cảnh quay cận cảnh, cho diễn viên có cơ hội để thể hiện cảm xúc của nhân vật tốt nhất. Tuy nhiên, diễn xuất của các diễn viên có phần non nớt và đài từ còn đơn điệu. Tuy nhiên, kịch bản phim vẫn đủ chắc để “gánh” các khuyết điểm trên.

  • Độ “ăn liền”: Bộ phim có những đặc điểm chung của phim mì ăn liền về chất lượng kỹ thuật và thể loại. Kịch bản tương đối xuất sắc khi so với các phim cùng thể loại. [8/10]
  • Đánh giá chung: Một bộ phim “thanh xuân vườn trường” ổn áp. [8/10]
  • Nếu ra rạp ngày nay: Lời thoại đơn điệu có khả năng gây buồn ngủ cao, nhưng thông điệp ý nghĩa về năm tháng trưởng thành sẽ níu chân khán giả. [7/10]

Xem Vĩnh Biệt Mùa Hè tại đây.

Tráng Sĩ Bồ Đề (1991)

Vào thế kỷ thứ 10 tại Việt Nam, nội cung của Triều đình bắt đầu dậy sóng. Nhân vật chính, vị tráng sĩ tên Bồ Đề, được giao nhiệm vụ tiêu diệt một kẻ thù dấu mặt đang ấp ủ âm mưu lật đổ ngai vàng.

Bộ phim thể hiện rõ những yếu tố của dòng phim kiếm hiệp Trung Quốc mà các phim mì ăn liền thường “học tập” — các phân đoạn đánh nhau kịch tính, các cảnh đấu kiếm gãy gọn, nhân vật chính là một vị trượng phu hào hiệp, câu chuyện diễn ra giữa bối cảnh nội cung thâm chiến.

Từ tên gọi, mọi người sẽ dễ nhầm tưởng đây là một bộ phim cổ trang quy mô lớn với nhiều phân cảnh chiến đấu hoành tráng, nhưng trên thực tế, bộ phim lại mang hơi thở bí ẩn của dòng phim trinh thám, những diễn biến chính đa phần xoay quanh âm mưu tranh quyền đoạt vị giữa cánh rừng cơ mật, tạo nên một bầu không khí căng thẳng và hấp dẫn xuyên suốt. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử cùng việc các nhân vật xuất hiện dưới nhiều danh tính sẽ dễ gây nhầm lẫn cho người xem.

Về phương diện võ thuật, kịch bản được thực hiện khá tốt với các cảnh đánh nhau chủ yếu diễn ra trong bóng tối, có lẽ để che giấu nhược điểm kỹ thuật và mang lại cảm giác chân thật hơn. Xét tổng thể, có thể gọi đây là một bộ phim sử thi mang yếu tố trinh thám, các kỹ xảo chiến đấu đến giờ vẫn không hề lỗi thời mặc dù bộ phim này được sản xuất từ năm 1991.

  • Độ “ăn liền”: Có đặc điểm tương tự với các bộ phim lịch sử cùng thời kỳ, nhưng khéo léo hơn trong việc che giấu các hạn chế kỹ thuật. [8/10]
  • Đánh giá chung: Một bộ phim khiến bạn phải nín thở từ đầu đến cuối. [7.5/10] 
  • Nếu ra rạp ngày này: Những phân cảnh đánh nhau vẫn rất đáng xem ngay cả sau 32 năm. [8/10]

Xem Tráng Sĩ Bồ Đề tại đây.

3. Các tác phẩm của Trần Cảnh Đôn

Vai trò đạo diễn cho các bộ phim mì ăn liền đã được nắm bởi cả cái tên gạo cội và gương mặt mới. Một cá nhân nổi bật trong số họ, đối với tôi, là Trần Cảnh Đôn, một trong những đạo diễn sản xuất nhiều nhất của thời kỳ này, với tám bộ phim điện ảnh ra rạp từ năm 1990 đến 1994, gần như tất cả đều đạt được thành công thương mại. Do ông ưa thích lựa chọn cách diễn viên mới, nhiều bộ phim của ông đã trở thành bệ phóng cho các ngôi sao lớn.

Đạo diễn Trần Cảnh Đôn trên phim trường. Ảnh qua Dân Việt.

Hai tác phẩm của Trần Cảnh Đôn là ví dụ hoàn hảo về phim mì ăn liền. Chúng ta có thể kể đến bộ phim hài lãng mạn Cô Thủ Môn Tội Nghiệp (1991), tác phẩm đoạt giải thưởng đầu tiên của ông; hay Ngôi Sao Cô Đơn (1992), được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, trở thành bộ phim thước đo tiêu chuẩn cho phim mì ăn liền thập kỷ 1990.

Cô Thủ Môn Tội Nghiệp (1991)

Ngay cả ngày nay, đề tài bóng đá nữ vẫn hiếm khi được khám phá trên màn ảnh. Việc đưa đưa chủ đề này vào một bộ phim điện ảnh vào năm 1991 của Trần Cảnh Đôn là một quyết định rất táo bạo. Câu chuyện xoay quanh Thục Hiền, một cô gái đam mê bộ môn bóng đá. Cơ hội trở thành thủ môn cho một đội bóng bán chuyên. Tuy nhiên, điều này khiến cô bị người hôn phu, gia đình anh, và thậm chí là mẹ cô từ mặt.

Những nhân vật phản diện trong bộ phim này được phát triển có chiều sâu và phức tạp. Các động cơ hợp lý được thiết lập để giải thích tại sao ba nhân vật này lại quyết liệt từ chối Hiền, cũng như cách họ từ từ thay đổi và phát triển. Thật không may, bộ phim bắt đầu “đuối sức” khi chạy được một nửa thời lượng, khi giới thiệu thêm một số nhân vật như HLV đội bóng và đồng đội của Huyền.

Từ góc độ kỹ thuật, có một vấn đề lớn trong cách bộ phim sử dụng âm thanh lồng tiếng. Giọng của diễn viên gần như tách biệt hoàn toàn với âm thanh của môi trường xung quanh. Lỗi này xuất hiện xuyên suốt bộ phim, làm giảm trải nghiệm của người xem. Tóm lại, so với các bộ phim mì ăn liền khác, bộ phim khá tương tự về khía cạnh kỹ thuật và cốt truyện, nhưng đi trước thời đại khi tập trung vào một chủ đề tiến bộ như bóng đá nữ.

  • Độ “ăn liền”: Một bộ phim mì ăn liền có chủ đề độc đáo về bóng đá nữ. [9/10]
  • Đánh giá chung: Hơi tham lam trong việc xây dựng nhân vật. Khắc họa hình ảnh của thế giới bóng đá nữ một cách thú vị và văn minh. [6.5/10]
  • Nếu ra rạp ngày nay: Chủ đề về bóng đá nữ có thể thu hút khán giả hiện đại, nhưng vấn đề âm thanh sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm khi xem. [4/10]

Xem Cô Thủ Môn Tội Nghiệp tại đây.

Ngôi Sao Cô Đơn (1992)

Với Ngôi Sao Cô Đơn, Trần Cảnh Đôn lại một lần nữa làm mới thể loại phim mì ăn liền, lần này là với đề tài trinh thám. Bộ phim bắt đầu với cảnh điều tra viên Quốc cùng một số một số đồng nghiệp đang xem buổi hòa nhạc của ca sĩ Mỹ Nhung trên TV. Một cuộc gọi điện báo tin cho họ biết Mỹ Nhung được phát hiện đã tử vong trong phòng ngủ của mình. Quốc bắt đầu hành trình để giải mã vụ án mạng này và sớm khám phá ra cuộc sống bí mật đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nữ nghệ sĩ nổi tiếng.

Cũng như bộ phim trước, Trần Cảnh Đôn cố gắng xây dựng các nhân vật phức tạp và đa chiều hơn, và lần này, ông đã thành công. Trong hành trình khám phá cuộc đời của Mỹ Nhung, câu chuyện khai thác những chủ đề sâu sắc hơn, như số phận của những người phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc bị thao túng bởi nam giới.

Ngoài việc phát triển nhân vật một cách tròn trịa, bộ phim còn mang một phong cách thẩm mỹ riêng biệt. Âm nhạc dồn dập, bối cảnh âm u, và một điều tra viên nghiêm nghị với điếu thuốc luôn trong tay — mọi chi tiết đều làm người ta nhớ đến những bộ phim trinh thám Hollywood từ thập niên 1950. Theo cảm nhận của tôi, đây là bộ phim tượng đài cho phong cách phim mì ăn liền thập niên 1990, và do đó đây cũng là bộ phim yêu thích của tôi trong danh sách.

  • Độ “ăn liền”: Điểm tương đồng duy nhất giữa bộ phim này và các bộ phim mì ăn liền khác là có sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngoài ra, từ cốt truyện, thể loại, đến chất lượng sản xuất, thì Ngôi Sao Cô Đơn đều vượt xa các tác phẩm cùng thể loại. [3/10]
  • Đánh giá chung: Đây là bộ phim mà tôi đánh giá cao nhất trong danh sách. [9/10]
  • Nếu ra rạp ngày nay: Hoàn thiện về kịch bản lẫn kỹ thuật quay dựng, bộ phim vẫn có thể chinh phục khán giả hiện đại. [10/10]

Xem Ngôi Sao Cô Đơn tại đây.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Giai thoại về 2 ca khúc Giáng sinh kinh điển: 'Hai Mùa Noel' và 'Bài Thánh Ca Buồn'

Tuy Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở nước ta, người Việt dành tình cảm cho mùa Noel không kém cạnh bất kỳ dịp lễ nào khác. Đương nhiên, sẽ không thể nào ăn mừng Giáng sinh đúng nghĩa nếu thiếu...

in Màn Ảnh

Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Phạm Gia Quý là một nhà làm phim trẻ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và là cựu sinh viên của đại học nghệ thuật danh giá Savannah College of Art and Design. Ở tuổi 23, Quý đã có trong tay kho tàng dự ...