Phối hợp với Đường dây nóng Ngày Mai, một dịch vụ tư vấn miễn phí qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm, một nhóm bạn đã cho ra mắt sản phẩm âm nhạc ‘Mental Sound’ đậm chất Gen Z, từ ngôn ngữ hình ảnh, âm nhạc tới phong cách thể hiện, để khuyến khích người trẻ mở lòng chia sẻ cảm xúc, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề tâm lý này.
MV của dự án vừa được ra mắt vào ngày 30/12 vừa qua, khi năm 2021 nhiều biến động sắp qua đi, nhưng biết bao lo âu trong lòng người vẫn ở lại, bao gồm những người trẻ buộc phải dồn nén lại năng lượng và gạt sang lề nhiều kế hoạch hứa hẹn.
Nguyễn Xuân, đại diện truyền thông của dự án âm nhạc 'Mental Sound,' chia sẻ về lý do lựa chọn dịp ra mắt đặc biệt này: “Trong năm 2021, em và các bạn đã phải đối mặt vô số áp lực không nằm trong ‘danh bạ’ cảm xúc của người lớn, từ chuyện học hành thay đổi 180 độ, chỗ ở không ổn định, áp lực kiếm việc làm sau tốt nghiệp, đến các mối quan hệ xã hội bị hạn chế, v.v."
"Đây là những áp lực khó gọi tên so với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền của người lớn, nhưng không vì thế mà mớ bòng bong cảm xúc của người trẻ không nghiêm trọng. Thực tế thì những bạn trẻ như em rất ngại chia sẻ, bày tỏ những cảm xúc tiêu cực của mình. Bản nhạc muốn truyền tải những rối bời của người trẻ trong giai đoạn dịch vừa qua và động viên các bạn chia sẻ những cảm xúc khó định nghĩa ấy.”
Trên phần beat mô phỏng nhịp tim của người trầm cảm, giai điệu chậm rãi có phần u uất trải dài bài hát, dần dần đưa người nghe vào thế giới cảm xúc mơ hồ và quẩn quanh của nhân vật. ‘Mental Sound’ bắt đầu với chuỗi thanh âm cảm xúc tiêu cực khó cắt nghĩa, khó nhận diện:
“Lại một mình loay hoay
Cố thoát ra nhưng bên trong toàn mảnh vỡ tâm hồn…
Đầu óc lơ lửng như ở trên mây
Cố gắng cân bằng như đứng trên dây..."
Trong khi đó, phần verse thứ hai khiến không ít người trong chúng ta giật mình khi nhận ra cách mình vô tình làm tổn thương người trầm cảm:
“Họ bảo mình điên
Họ vào mình phiền
Ra vẻ cảm thông nhưng lại cau mày…”
Ý tưởng sử dụng nhịp tim làm chất liệu âm nhạc không đơn thuần là ý đồ sáng tạo mà khởi phát từ một hiện trạng sức khỏe những người trầm cảm đang phải đối mặt. Theo thông tin nhóm dự án chia sẻ, có đến 40% người trầm cảm, rối loạn tâm thần mắc các bệnh liên quan đến tim mạch từ đó dẫn tới nguy cơ tử vong do suy tim và đột quỵ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng người trầm cảm thường có nhịp tim bất thường, được thể hiện ở hai xu hướng cao hơn và thấp hơn rõ rệt so với người khoẻ mạnh. Từ đó, nhóm nảy ra ý tưởng sử dụng âm thanh lấy cảm hứng từ nhịp tim người trầm cảm, biến thành những bản nhạc đặc biệt, cất lên những cảm xúc khó nói của họ, đồng thời hướng sự chú ý của cộng đồng tới những nguy cơ sức khỏe chưa được chính người trong cuộc, người thân và cộng đồng nhận định đúng tầm.
Toàn bộ hình ảnh của MV được thiết kế hoạt hình 2D, với những hình minh họa mang tính tượng trưng, gợi mở, đơn giản nhưng hiệu quả. Trong đó, ở mọi khung hình luôn có sự đối lập giữa khoảng tối bao trùm và những tia sáng màu neon xanh-hồng được hoạt họa lấy cảm hứng từ điện tâm đồ và sóng âm thanh, như đại diện cho những thái cực đối chọi của cảm xúc.
“Từ âm nhạc, ca từ và cho tới phần đồ họa không nhằm hô hào động viên người trẻ hướng tới những suy nghĩ tích cực. Chúng em nghĩ rằng, dũng cảm nhìn nhận và ‘tháo chốt’ cảm xúc là bước đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết vấn đề. Thông qua lời bài hát bộc bạch về chuỗi cảm xúc khó gán tên, chúng em mong muốn những bạn trẻ lắng nghe ca khúc này cảm thấy được đồng cảm, từ đó dừng lại suy nghĩ và thương cảm xúc của mình hơn," Xuân chia sẻ về thông điệp của sản phẩm âm nhạc.
"Chúng ta không nhất thiết phải định nghĩa mớ cảm xúc hỗn độn, nhưng việc nói ra và được lắng nghe rất quan trọng. Và Đường dây nóng Ngày Mai là một kênh luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với các bạn.”
Với những ai chưa trải qua tình trạng này, nhóm dự án mong rằng khi lắng nghe ca khúc, họ có thể ngừng xét nét, và chiêm nghiệm nhiều hơn về những sự việc xung quanh, bởi chính người trong cuộc còn chưa thể hiểu rõ mình.
Với quan niệm không ai hiểu Gen Z hơn Gen Z, Xuân đã kết nối với bạn bè đồng trang lứa để thực hiện dự án. Tuy nhiên, có nhiều thành viên của nhóm là gương mặt mới toanh, chỉ vừa gặp gỡ thông qua dự án, chẳng hạn như chàng rapper Avocat hiện đang sống ở Pháp, cách cả nhóm đến tận năm múi giờ. Nhưng nhờ có cùng mối quan tâm đặc biệt về chủ đề trầm cảm, cũng như có những niềm riêng muốn kể, nhóm bạn đã làm việc ăn ý và cán đích đúng dự kiến — toàn bộ quá trình thực hiện chỉ vỏn vẹn diễn ra trong hai tuần.
Đồng hành cùng với nhóm bạn trẻ trong khoảng thời gian hai tháng ở vai trò bảo trợ chuyên môn là các chuyên gia tâm lý của Đường dây nóng Ngày mai, do TS. Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành sáng lập. Đội ngũ chuyên gia đã chia sẻ “1001” câu chuyện của các bạn trẻ ở ngưỡng cửa trưởng thành được kể trong bảy tháng hoạt động vừa qua để ca khúc thể hiện chủ đề đa diện hơn, cũng như có phần lời tinh tế nhất.
Xuân nói về trải nghiệm làm việc với các chuyên gia tâm lý trong quá trình phát triển lời bài hát: “Cả rapper và ca sĩ đều rất thận trọng để ca từ phản ánh được tâm trạng bức bối của người mắc chứng trầm cảm, mà không làm tổn thương đến ai. Nhưng đôi lúc, nhóm vẫn dùng phải những từ ngữ không đúng do chưa có kiến thức hoàn chỉnh về tâm lý. Rất may vì đã được các chuyên gia chia sẻ thông tin và đưa ra gợi ý phù hợp hơn. Ví dụ như thay vì dùng ‘người bị bệnh trầm cảm,’ chúng ta nên nói ‘người trầm cảm.’”
MV ‘Mental Sound’ là một phần của chiến dịch thử nghiệm được phát triển bởi nhóm thí sinh chung kết tại cuộc thi Young Marketers mùa 10 với sự bảo trợ chuyên môn từ Đường dây nóng Ngày Mai. Xuân và các thành viên khác mong muốn có thể tiếp tục phát triển dự án ở quy mô lớn, thực hiện một sản phẩm âm nhạc chất lượng hơn — sử dụng nhịp tim thật của người trầm cảm, để lan tỏa rộng rãi hơn thông điệp nhân văn ấy. Mọi cá nhân và tổ chức quan tâm tới chủ đề trầm cảm với người trẻ có thể kết nối để hợp tác và hỗ trợ qua website chính thức của dự án tại đây.