Nếu như trong một gia đình từ lâu đã tồn tại những tổn thương vô hình do thói bạo hành gây ra, thì việc cố gắng chữa lành cho các thành viên trong gia đình ấy có khiến họ phải chịu nhiều đau đớn hơn không? Đêm Tối Rực Rỡ! đi tìm lời đáp cho câu hỏi này bằng cách đẩy các nhân vật vào một tình huống khiến họ để lộ những vết thương đang mưng mủ rất cần được chữa lành.
Cảnh báo: nội dung bài viết có đề cập vấn đề bạo hành gia đình.
Đêm Tối Rực Rỡ! lấy cảm hứng từ bộ phim chuyển thể từ vở kịch Long Day’s Journey into the Night của nhà soạn kịch người Mỹ Eugene O'Neill. Toàn bộ câu chuyện diễn ra nội trong một buổi tối khi các thành viên trong một gia đình ở Sài Gòn trở về nhà người cha để dự đám tang ông nội. Trong buổi tối ấy, họ biết được cha mình đã làm tiêu tan hết tài sản gia đình, và kẻ cho vay nặng lãi sẽ đến đòi nợ ngay sáng hôm sau. Nếu không trả đủ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nỗi bất an ấy là chất xúc tác khơi dậy bóng ma tâm lý đã âm thầm ám ảnh họ suốt mấy chục năm. Trong diễn biến tiếp theo, bộ phim sẽ đưa khán giả “bước vào thế giới điên cuồng của phong tục tang lễ và văn hóa gia đình Việt Nam” như lời giải thích của đạo diễn Aaron Toronto. Đối diện với tình huống ấy, họ sẵn sàng trả cái giá nào?
Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sante Fe của Mỹ hồi tháng Hai năm nay. Tác phẩm đã chiến thắng ở hai hạng mục: Câu chuyện hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (cho nữ diễn viên chính Nhã Uyên). Sau màn chào sân ở Hoa Kỳ, Đêm Tối Rực Rỡ! đã khởi chiếu tại các hệ thống rạp Việt Nam. Cách đây vài tuần, Saigoneer đã có dịp trò chuyện với đạo diễn Aaron để tìm hiểu về quá trình làm phim cũng như kỳ vọng của anh về hiệu ứng của bộ phim.
Về căn bản, Đêm Tối Rực Rỡ! nói về vấn đề bạo hành gia đình và ảnh hưởng của hành vi này lên tâm lý và cuộc sống của nạn nhân. Đối tượng cụ thể là những người bị bạo hành về cả thể chất lẫn tinh thần suốt nhiều năm. Người con gái cả Xuân Thanh, anh trai Kim Hoàng và em gái Kim Bảo đều trải qua tuổi thơ đầy buồn tủi khi sống bên người cha tồi là ông Toàn. Họ đều bị đánh mắng rất nhiều và phải tự mình vượt qua những tổn thương đó, dù mỗi người phản ứng với hoàn cảnh theo một cách khác nhau.Trớ trêu thay, đám tang ông nội lại là lần đầu tiên họ buộc phải đối mặt với quá khứ của bản thân và đối mặt với nhau.
Bộ phim lấy bối cảnh là một lễ tang miền Nam điển hình với các hoạt động văn nghệ, tiệc rượu, và cờ bạc diễn ra giữa không khí trầm mặc của một tang gia. Đoàn phim có nhiều người xuất thân từ Nam Bộ, nhưng từng phong tục tang lễ và văn hóa gia đình địa phương vẫn được nghiên cứu từ nhiều nguồn để thể hiện sao cho chân thực. Bước này đặc biệt quan trọng vì mặc dù là người Mỹ sống ở Việt Nam hơn 15 năm và nói tiếng Việt trôi chảy, Aaron biết là khán giả vẫn sẽ có nghi ngại rằng người nước ngoài khó có thể khắc họa trung thực xã hội Việt Nam.
Đảm nhận vai nữ chính của Đêm Tối Rực Rỡ! là diễn viên Nhã Uyên, cũng là vợ của Aaron và đồng biên kịch của bộ phim. Đạo diễn chia sẻ rằng cả hai đã bổ trợ nhau để xây dựng tác phẩm chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung. Aaron tạo ra “khung xương” cho bộ phim bằng chuyên môn về biên kịch, quay phim và sản xuất. Nhã Uyên “đắp da đắp thịt” cho khung xương ấy bằng kinh nghiệm sống của mình và của những người Việt trong ê-kíp.
Aaron cũng nhận định rằng một diễn viên giỏi như Nhã Uyên “sẽ hiểu nhân vật hơn cả đạo diễn.” Và thật vậy, diễn xuất tuyệt vời của chị đã tạo nên mạch cảm xúc chính của bộ phim. Đặc biệt là trong một trường cảnh mang tính đặc tả nhân vật. Aaron chia sẻ rằng dụng ý của anh là khiến khán giả cảm thấy “bị mắc kẹt và bị đe dọa.” Từ đó, khán giả phần nào hiểu hơn về cảm xúc của những người mang bệnh tâm lý.
Gia đình của Xuân cho rằng la mắng, đánh đập là cách thể hiện tình yêu thương. Trên thực tế, những người đồng cảnh ngộ với Xuân không phải là thiểu số trong xã hội hiện đại. Theo dữ liệu khảo sát năm 2019, cứ ba trẻ em ở Việt Nam thì có hai trẻ là nạn nhân của hành vi bạo hành thân thể từ các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vấn nạn này trước giờ không nhận nghiêm túc quan tâm, nhìn nhận và phân tích. Chỉ đến gần đây, khi một số vụ án bạo hành gia đình gây chấn động dư luận, xã hội bắt đầu xem xét lại hành vi này. Tính thời sự của Đêm Tối Rức Rỡ!, dù bị trì hoãn do đại dịch vào 2019, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo hành gia đình.
Bộ phim cũng bàn về sức khỏe tinh thần một cách nghiêm túc và có chiều sâu. Khán giả sẽ quan sát thấy những gì nhân vật Xuân trải qua hoàn toàn không giống với nhận định của mẹ cô. Bà cho rằng trầm cảm là do tự Xuân nghĩ quá nên thành bệnh, và bảo Xuân chỉ cần mạnh mẽ là khỏi bệnh. Nhân vật người mẹ cũng đại diện cho quan niệm cổ hủ của xã hội về các bệnh tâm lý. Chúng ta cần cởi mở hơn trong cách nhìn nhận hành vi bạo hành và các vấn đề về sức khỏe tinh thần để có thể xóa bỏ những rào cản khi cố gắng chữa lành cho nạn nhân. Và một trong những công cụ hiệu quả nhất để thay đổi định kiến xã hội là ngôn ngữ điện ảnh, thông qua những tác phẩm có sức tác động lớn như Đêm Tối Rực Rỡ!.
Một người con trai cả hư hỏng, tham của và hay lợi dụng vai vế của mình trong gia đình; một cô con gái phải bỏ nhà để thoát khỏi quá khứ đau buồn; và người chồng xem con cái là quân cờ để tranh chấp tài sản khi ly hôn: hình ảnh các nhân vật trong Đêm Tối Rực Rỡ! nhuốm màu châm biếm, nhưng vẫn giữ được tính logic trong diễn biến tâm lý. Mỗi khán giả sẽ có cảm nhận riêng về cốt truyện và từng nhân vật tùy theo trải nghiệm cá nhân. Những ai chưa từng gặp kiểu đàn ông bạo hành người nhà và nghiện cờ bạc như ông Toàn sẽ thấy ông ta hoàn toàn xấu xa và đáng bị trừng phạt. Mặt khác, sẽ có khán giả đã gặp kiểu người ấy ngoài đời, hoặc có người nhà giống như vậy, họ sẽ nhìn đúng bản chất của nhân vật và có cách phân tích đa chiều hơn. Có lẽ chúng ta nên cứu giúp thay vì chỉ chăm chăm kể tội ông ấy.
Với tư cách là một đạo diễn, Aaron quan niệm rằng mỗi bộ phim phải truyền tải được một thông điệp: “Đó là lý do tại sao chúng ta xem phim; là lý do tại sao loài người đã kể chuyện cho nhau nghe suốt hàng nghìn năm… chúng ta lắng nghe những câu chuyện để học cách làm người, học cách sống tốt.” Đêm Tối Rực Rỡ! gửi gắm bài học về những nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ và làm sao để hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên. Nhưng không vì thế mà bộ phim trở thành câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Thay vào đó, Aaron và Nhã Uyên mang đến một tác phẩm phản ánh hiện thực qua những đức tính đáng quý và cả khuyết điểm đáng trách của từng nhân vật. Đồng thời, phim cũng gợi ý những điều chúng ta có thể làm để tạo ra thay đổi tích cực. Vị đạo diễn giải thích: “Mấu chốt là cách thể hiện, phải thể hiện sao cho khán giả tin và bình luận rằng ‘cuộc sống là như thế.’ Vì khi thể hiện cuộc sống một cách thuyết phục, thực tế… phim sẽ không gây cảm giác giáo điều sáo rỗng.”
Trong sự nghiệp cá nhân, đạo diễn Aaron và Nhã Uyên đều hoạt động sôi nổi ở hai mảng điện ảnh và sân khấu. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên họ có cảm giác một tác phẩm “thuộc về mình.” Đó là vì họ được tự sản xuất Đêm Tối Rực Rỡ! với nguồn vốn từ nhà đầu tư ngoài ngành. Nhờ thế hai vợ chồng có thể ra quyết định và chịu trách nhiệm về phong cách thẩm mỹ, thủ pháp nghệ thuật, và sức sáng tạo họ dành cho bộ phim. Đêm Tối Rực Rỡ! chính là tâm huyết lớn nhất và là tác phẩm làm nên dấu ấn của cả hai.
Nếu Đêm Tối Rực Rỡ! thành công, cả hai sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm phim. Cũng như vị đạo diễn nhận định: “Bộ phim đầu tay của bất kỳ nhà làm phim nào cũng là ‘tiếng gọi cửa’ để mở ra nhiều cơ hội về sau.” Mặt khác, bộ phim cũng là tiếng nói đại diện cho tiếng lòng của những khán giả từng là nạn nhân của bạo hành gia đình nhưng chưa bao giờ được lắng nghe và thấu hiểu. Vì vậy, Saigoneer hy vọng rằng sau Đêm Tối Rực Rỡ!, đạo diễn Aaron và Nhã Uyên sẽ tiếp tục sản xuất nhiều tác phẩm đáng xem. Song song đó, nền điện ảnh Việt sẽ hướng đến việc khai thác những góc khuất trong đời thực, với cách tiếp cận tinh tế và kịp thời.