À La Carte, bộ phim ngắn dài sáu phút lấy bối cảnh thời chống thực dân Pháp của đạo diễn trẻ Jay Do (Đỗ Đức Hùng) mở ra như một lát cắt của thời gian khi đặt người xem vào ngay giữa tâm bão của câu chuyện. Phim đã được chọn để trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế bao gồm Liên hoan phim Raindance và Vancouver.
Hình ảnh đầu tiên của À La Carte là ánh mắt đầy ám ảnh của nữ diễn viên Quỳnh Nguyễn, người vào vai cô gái trẻ bị ép phải nấu cho viên tướng Pháp một bát phở để giữ mạng sống cho mình và gia đình khi cùng lúc chứng kiến từng người thân bị hành hình. Với thời lượng sáu phút, vốn là một khoảng thời gian tương đối ngắn để kể một câu chuyện, ngoài việc người kể chuyện phải tận dụng từng khung hình để truyền tải nội dung một cách cô đọng và tính toán nhịp điệu hiệu quả, việc lựa chọn một yếu tố trung tâm đủ thú vị và tinh giản để khai thác là vô cùng quan trọng — điều mà Jay Do đã làm được với tác phẩm phim ngắn hiện đang tranh giải tại các liên hoan phim quốc tế của mình.
Dùng món phở truyền thống để kể câu chuyện về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, cái đẹp của À La Carte nằm ở sự tương phản: động và tĩnh trong chuỗi hoạt động của nhân vật; rộng và hẹp trong góc máy và từ đó là nhãn quan hay cái tôi của cá nhân trong khung hình; ít và nhiều của vật chất và tinh thần; tồn tại và băng hoại, những yếu tố khả dĩ của chiến tranh. Tất cả được thể hiện gần như chỉ thông qua yếu tố hình ảnh. Sử dụng một bối cảnh duy nhất xuyên suốt, phim có phần thoại được giản lược. Không khó để nhận ra Jay là một người kể chuyện duy mỹ và tin vào việc để các thước phim của mình tự xâu chuỗi và viết nên câu chuyện của chính nó.
“Jay muốn mỗi khung hình đều như một câu thơ, và cả bộ phim là một bài thơ. Hình ảnh của phim rất quan trọng vì nó có thể làm người xem cảm thấy dễ chịu và bị cuốn vào câu chuyện ngay,” Jay Do chia sẻ.
Để hai ngày quay phim diễn ra trơn tru, đội ngũ À La Carte đã có một tháng chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi phương diện, từ kịch bản, thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ, đến tìm kiếm những khuôn mặt phù hợp cho từng vai diễn. Hơn hết, với một tác phẩm lịch sử lấy bối cảnh thời Pháp thuộc, đội ngũ làm phim đã phải dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu các tư liệu lịch sử để đảm bảo độ chính xác cho từng chi tiết. Chỉ đạo nghệ thuật của phim là nghệ sĩ Dũng Minh, một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử thời Pháp thuộc; hỗ trợ anh là nghệ sĩ Kelly Hoàng, để dựng nên một bối cảnh thật nhất cho thước phim.
Là tác phẩm đầu tay, nên quá trình sản xuất không thể tránh khỏi những thách thức lớn. Tuy nhiên thành quả mà cả đoàn phim nhận được là trên cả mong đợi khi tác phẩm thu về những thành công nhất định về mặt chuyên môn, với việc À La Carte được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Vancouver giữa tháng 9 vừa rồi và Raindance, một liên hoan phim lớn tập trung vào các tác phẩm phim ngắn, diễn ra tại London vào cuối tháng 10 năm nay.
“Có rất nhiều bộ phim được làm ra có vòng đời rất ngắn. Chúng ta nên kéo dài tuổi thọ của phim bằng cách tiếp cận với các liên hoan phim. Rất nhiều người trẻ khi nhắc đến liên hoan phim thì rất sợ vì cho rằng nó quá to và khó. Dù quả thật là to và khó, nhưng vẫn là điều mà ta nên nhắm tới khi tạo ra sản phẩm”, Jay nói.
Khi được hỏi liệu có một công thức chung để đưa tác phẩm đến với các liên hoan phim quốc tế, đạo diễn trẻ nhấn mạnh yếu tố “phù hợp với tiêu chí” khi nộp phim “đi giải” và liên tục trao đổi với đơn vị sản xuất để hiểu rõ hơn về tính chất cũng như mong đợi của chương trình: từ chủ đề từng năm, thời lượng, đối tượng khán giả, cho đến nền văn hóa hay quốc gia mà mỗi liên hoan phim muốn đại diện. Jay Do chia sẻ rằng, dù gửi đến rất nhiều liên hoan phim khác nhau, chỉ một số ít phù hợp nhất mới là sân chơi thật sự cho sản phẩm của mình.
Khi được hỏi về đinh hướng nghệ thuật, chàng đạo diễn trẻ chia sẻ muốn khai thác màu sắc Việt Nam để khẳng định danh tính nghệ thuật của chính mình và cũng là để góp phần giới thiệu các bạn bè quốc tế đến một góc nhìn, câu chuyện đậm chất Việt Nam. Nhắc đến bà của mình như một trong những cảm hứng chính cho À La Carte, Jay Do cho rằng bất cứ ai cũng có một nguồn chất liệu sáng tạo vô tận từ chính đời sống và con người xung quanh.
“Jay muốn bắt được cái không khí của Việt Nam, từ các bác sửa xe bên đường, những hàng bán cà phê buổi sáng sớm, hay con mèo trên khung cửa sổ của một chung cư cũ. Jay cũng muốn làm những bộ phim gần với trải nghiệm cảm xúc của người trẻ thời đại hơn. Mỗi một thế hệ sẽ có một tư duy khác nhau, và sự đối chọi giữa các luồng tư duy thế hệ là rất cao,” anh giải thích.
Theo Jay Do, việc tìm ra lối đi riêng phù hợp với hệ tầng văn hóa, xã hội, và truyền thông của mỗi thế hệ đối với các đạo diễn trẻ quan trọng ngang ngửa với việc tìm kiếm cho mình một giọng điệu cá nhân, điều mà Jay hiểu rằng sẽ đòi hỏi người làm phim hàng năm trời để tìm thấy.
Mỗi nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới đều đã từng trải qua một hoặc nhiều những làn sóng quan trọng giúp thúc đẩy và đưa điện ảnh của quốc gia đó lên những chiều kích mới. Nhắc đến Spring Auteurs — một dự án đầy tham vọng mà Jay Do cùng các đồng nghiệp đang xây dựng với mong muốn tạo ra một cộng đồng, thậm chí là một hệ sinh thái, cho những người có cùng đam mê làm phim — đạo diễn trẻ cho biết:
“Mọi thứ sẽ có vẻ bế tắc cho đến khi có người làm, và khi đó thì mình đã lỡ mất cơ hội. Khi không có một mô hình cụ thể hay những ví dụ mẫu để đi theo thì sẽ có hai hướng, một là không thể làm được, nhưng mình phải tin vào điều thứ hai — đó là mình sẽ tìm ra cách để làm. Jay tin là mình sẽ tìm được.”