Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Màn Ảnh » Gặp nhóm bạn trẻ sáng tạo 'Centuries and Still,' bộ phim ngắn về nạn kỳ thị người Mỹ gốc Á

Chuyện diễn ra hôm nay có thể là kết quả của một chương lịch sử bị lãng quên.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một làn sóng bạo lực và phân biệt chung tộc, thường nhằm đến người gốc Á, đã nổi lên trên khắp nước Mỹ. Một số nhận định ban đầu cho rằng các vụ tấn công phát sinh từ việc dịch bệnh có nguồn gốc từ châu Á. Tuy nhiên, khi xét đến bối cảnh xã hội và lịch sử của nước Mỹ, có thể thấy chuỗi sự kiện này chỉ là giọt nước tràn ly — một hệ quả của nạn kỳ thị kéo dài hàng trăm năm ở quốc gia này.

Trước vấn đề này, một nhóm các nhà làm phim, nhà sản xuất và nhà sáng tạo từ New York đã thực hiện phim ngắn mang tên Centuries and Still (tạm dịch: Trăm năm vẫn thế). Với ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo, kết hợp tranh cắt giấy và âm thanh từ các phóng sự có thật, Centuries and Still xâu ghép những sự kiện nổi bật để phản ánh lịch sử kỳ thị người gốc Á ở Hoa Kỳ. Phim hiện nằm trong mục “staff pick” (do Ban Biên tập đề cử) trên nền tảng Vimeo.

Saigoneer đã có cơ hội trò chuyện với ba thành viên người Việt trong nhóm làm phim, bao gồm đạo diễn Sally Trần đến từ New Zealand, chuyên viên PR Đoàn Nam Phương đến từ Hà Nội, và nhà sản xuất Phương Võ đến từ Sài Gòn. Cả ba hiện đều đang sinh sống tại Brooklyn.

Bộ phim mở đầu bằng đoạn ghi âm từ bản tin về Vicha Ratanapakdee, một người đàn ông gốc Thái sống ở San Francisco, và Pak Ho, người đàn ông gốc Hồng Kông sống ở Oakland. Ca hai nạn nhân đều tử vong sau khi bị tấn công và hành hung. Tiếp đó, bộ phim quay ngược về khung cảnh năm 1849, khi hàng ngàn người Trung Quốc đổ về bờ Tây Hoa Kỳ để tham gia Cơn Sốt Vàng California.

Một phân cảnh từ Centuries and Still.

Dự án được khởi động sau khi Sally hoàn thành phim ngắn 60 Years and Still(tạm dịch: 60 năm trôi qua vẫn thế), xoay quanh vấn nạn bạo lực cảnh và kì thị người Mỹ gốc Phi sau cái chết của George Floyed năm 2020. Khi hình dung được cốt truyện và mạch phim, Sally đã liên lạc và mời Phương Võ tham gia sản xuất Centuries and Still.

Nhận được sự đồng ý của Phương, hai người đã thành lập một nhóm làm phim, có đa số thành viên là nữ giới và là người gốc Á, hiện đang sinh sống tại New York và nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, phim cũng có phụ đề 5 thứ tiếng: tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Trung. Nhóm cũng có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ người Việt, trong đó có Lys Bùi, hiện đang sinh sống tại Việt Nam.

Đội ngũ sản xuất tại New York. Ảnh: Nam Phương.

“Mình nghĩ rằng trong một thời điểm nhạy cảm như thế này, việc kết nối với nhau, cùng nhau thực hiện một dự án có ý nghĩa, đã giúp bọn mình hiểu thêm về lịch sử của cộng đồng người châu Á,” Nam Phương cho biết. “Ở Việt Nam hay ở Mỹ thì câu chuyện lịch sử cũng bị cắt xén và hiểu sai. Cá nhân mình thì đã học được đôi điều về lịch sử của dân tộc mình trong quá trình làm phim.”

Quả thực, có một vài sự kiện trong bộ phim mà nhiều người hẳn chưa bao giờ được học ở trường như vụ thảm sát ngày 24/10/1871 ở Los Angeles đã giết chết 19 người là đàn ông và bé trai Trung Quốc; hay một vụ thảm sát khác ở Rock Springs, Wyoming ngày 2/9/1885, trong đó 28 người Trung Quốc đã bị giết bởi một nhóm người da trắng. Sau đó bộ phim kể tiếp về các sự kiện gần đây như loạt ba vụ xả súng kinh hoàng tại ba tiệm spa khiến 8 người thiệt mạng tại Atlanta vào ngày 16/3 năm nay, trong đó có 6 phụ nữ châu Á.

Khi được hỏi đã lựa chọn các sự kiện như thế nào, Sally cho biết mình không có tiêu chí cụ thể.

“Trong hai tháng, mình tra cứu rất nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông, và thực sự rất khó lựa chọn những thông tin nào cần đưa vào phim,” cô giải thích thêm. “Có những sự kiện quá phức tạp để giải thích, và mình cũng không muốn nhắc về chiến tranh vì đó là đề tài khác nữa. Vậy nên mình quyết định quay về những năm 1850, rồi tìm kiếm những sự kiện có thể xâu chuỗi được với nhau cho đến hiện tại. Có những sự kiện đã được nhiều người biết đến, như Đạo luật Loại trừ Trung Quốc, nhưng nói chung câu chuyện nào cũng có cùng sức lay chuyển người xem.”

Centuries and Still có nội dung khá nghiêm túc và một số ngôn ngữ không phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, bộ phim đã khắc hoạ chính xác hiện thực tàn khốc về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Một cảnh phim về những lời nói ác ý về người châu Á.

Bên cạnh việc truyền tải những thông điệp ý nghĩa, Centuries and Still cũng là liều thuốc tinh thần cho đội ngũ sản xuất.

Nam Phương cho biết: “Mình sống ở New York, và đôi khi mình thấy người Việt ở đây không đoàn kết như người Việt ở bờ Tây. Vậy nên đối với chúng mình, dự án này có ý nghĩa rất lớn. Chúng mình đã được gặp những người châu Á khác và chia sẻ những nỗi buồn, những kỷ nhiệm không vui khi bị kỳ thị. Từ đó, chúng mình có thể quan tâm nhau nhiều hơn, xây dưng một cộng đồng gắn kết hơn."

Đoàn làm phim cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ hơn mười tổ chức của người Châu Á Thái Bình Dương trên khắp nước Mỹ.

Hậu trường quay phim. Ảnh: Nam Phương.

Định hướng mỹ thuật độc đáo của Centuries and Still được lấy cảm hứng từ 60 Yeas and Still, cũng do Sally Trần chỉ đạo.

“Mình chọn cách thức làm phim này vì trên mạng đã có quá nhiều hình ảnh đau buồn về những sự kiện này.” Sally nói. “Mình cũng phải tìm cách để truyền tải những nội dung lịch sử đến người trẻ — đối tượng khán giả chính của phim, nên phim cần phải thu hút về mặt hình ảnh nhưng vẫn ở trong tầm sản xuất và chi phí của nhóm.”

“Dù không có cảnh quay thực tế, nhưng âm thanh trong phim được trích hoàn toàn từ những bản tin có thật. Khi xem phim xong, khán giả sẽ có động lực để tìm hiểu thêm về những câu chuyện được nhắn đến. Đó là mong muốn của bọn mình."

Để đặt mục tiêu này, nhóm đã chuẩn bị sẵn một danh sách các nguồn tin, video và các nghiên cứu liên quan đến những sự kiện được nhắc đến trong phim.

Tuy Sally mất đến hai tháng để chuẩn bị cho giai đoan tiền kỳ, quá trình quay phim lại diễn ra rất nhanh chóng. Nam Phương cho biết: “Tính từ khi lên ý tưởng với cả nhóm cho đến khi hoàn thiện các bước sau cùng thì tổng thời gian là chưa đầy ba tuần. Chúng mình thiết kế và dựng bối cảnh trong khoảng hơn hai tuần rồi sau đó quay phim trong hai ngày.”

Centuries and Still không đưa ra một tuyên ngôn hay câu trả lời nào, mà khuyến khích mọi người tự tìm hiểu và trao đổi, tranh luận. Đây là điều mọi người ngại làm khi nhắc đến chủ đề chủng tộc,” Nam Phương nói thêm. "Bộ phim cũng là cơ hội để họ nhìn nhận lại vấn đề và mang nó vào những cuộc trao đổi hằng ngày."

Nam Phương cho biết: “Bộ phim được đón nhận nhiệt tình, có nhiều người đồng cảm với những gì diễn ra trong phim. Bên cạnh đó, cũng có người đặt ra nghi vấn về cánh nêu vấn đề của phim, thậm chí còn có khán giả phản bác thông điệp mà chúng mình cố gắng truyền tải. Nhưng mình nghĩ như thế có nghĩa là nhóm đã đạt được mục tiêu khuyến khích tinh thần tranh luận rồi.”

Hậu trường phim. Ảnh: Nam Phương.

“Một vài người có lẽ không nắm được thông điệp của bộ phim và cảm thấy bị xúc phạm,” Nam Phương giải thích. “Thẳng thắn mà nói thì họ có thể cảm thấy bị tổn thương nữa, nhưng đây cũng là điều khó tránh khỏi khi xem những nội dung như thế này. Từ góc nhìn cá nhân thì mình thấy cả nhóm đã thành công khi khiến khán giả thảo luận về câu chuyện của bộ phim.”

Về phần mình, Phương Võ rất cảm kích vì dự án đã kết nối những người cùng gặp khó khăn về sắc tộc, dù đến từ những hoàn cảnh khác nhau.

“Lý do mà mọi người tập hợp lại với nhau là vì ai cũng có trải nghiệm giống nhau, bất kể chúng mình đến từ đâu. Ba đứa đều là người Việt nhưng Sally sinh ra và lớn lên ở New Zealand, mình quê ở Sài Gòn còn Nam Phương quê ở Hà Nội. Ngay khi đặt chân đến Mỹ, mình đã gặp phải thái độ bài xích này. Nhưng giờ đây chúng mình đã có phương tiện để nói về điều đó.”

“Dự án này cũng cho thấy khoảng cách thế hệ trong cộng đồng người gốc Á trước vấn đề sắc tộc. Thế hệ trước thường sẽ cố gắng tránh rắc rối, như bố mẹ mình thường nói là cứ ở nhà và tránh xa mấy chuyện đó. Tuy nhiên, sự khác biệt của lớp trẻ ngày nay chính là chúng mình muốn hành động, muốn có tiếng nói riêng về những vấn đề như vậy và thay đổi chúng. Nên dù là Việt Kiều lớn lên trong những môi trường khác nhau, chúng mình vẫn có những điểm chung và trải nghiệm giống nhau.”

Centuries and Still.

Ảnh bìa: Một cảnh trong bộ phim với hình ảnh những người phụ nữ châu Á bị giết hại trong các vụ xả súng tại ba tiệm spa ở Atlanta và những băng rôn mang khẩu hiệu ủng hộ, đấu tranh cho người gốc Á.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Màn Ảnh

Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Phạm Gia Quý là một nhà làm phim trẻ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và là cựu sinh viên của đại học nghệ thuật danh giá Savannah College of Art and Design. Ở tuổi 23, Quý đã có trong tay kho tàng dự ...

in Màn Ảnh

Nữ diễn viên gốc Việt thủ vai chính trong series spin-off của 'How I Met Your Mother'

Tien Tran, một nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt, sẽ góp mặt trong dàn diễn viên chính của series How I Met Your Father, phần tiếp theo của bộ sitcom kéo dài 9 mùa How I Met Your Mother.

in Màn Ảnh

Phim hài lãng mạn về Việt Nam do Netflix sản xuất chuẩn bị bấm máy quay

Lấy bối cảnh ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang, A Tourist's Guide to Love sẽ là bộ phim quốc tế đầu tiên được quay ở Việt Nam từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

in Màn Ảnh

Phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết ‘Tấm Ván Phóng Dao’ của Mạc Can giành giải tại LHP Busan 2021

Dự án điện ảnh If Wood Could Cry, It Would Cry Blood (tạm dịch: Nếu gỗ biết khóc, nước mắt sẽ là máu) của đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Linh Đan vừa thẳng Giải thưởng Quốc tế ArteKino tại LHP Quốc tế Busan...

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.