Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » 'Hà Nội 12 Ngày Đêm': Bản hùng ca điện ảnh về người dân thủ đô năm tháng kháng chiến

“Văn hóa nghệ thuật cũng là mặt trận, và anh chị em cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” — Hồ Chí Minh

Điện ảnh cách mạng là tấm gương phản chiếu những khoảnh khắc hào hùng lẫn đau thương của dân tộc, góp phần truyền tải tinh thần cách mạng và tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước từ bao đời.

Poster phim Hà Nội 12 Ngày Đêm.

Trong số những tác phẩm tiêu biểu của dòng phim này, không thể không nhắc đến Hà Nội 12 Ngày Đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Bộ phim được lấy cảm hứng từ một sự kiện lịch sử có thật: chiến dịch Linebacker II — hay “Điện Biên Phủ trên không” — diễn ra từ ngày 18 đến 30 tháng 12, 1972. Đây là khoảng thời gian Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực miền Bắc phải hứng chịu những trận không kích ác liệt, với tâm điểm là các cuộc tấn công bằng “siêu pháo đài bay B-52.” Âm mưu tàn bạo của đế quốc Mỹ khi ấy là đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá.”

Chiến dịch xuất phát từ thất bại của Mỹ trong chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971. Mỹ không thể làm suy yếu quân ta và phong trào đấu tranh ở Đông Dương bùng lên. Trước sức mạnh ngày càng lớn của lực lượng cách mạng, Mỹ phải tiến hành chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” để cứu vãn tình thế.

Vài nét về phim

Mở đầu bộ phim là cảnh Hồ Gươm thanh bình. Ở đó, những người trẻ đi dạo cùng nhau, họ hỏi han về người bạn, về tình hình chiến sự. Xuyên suốt mạch phim là sự đan xen giữa không gian đô thị yên ả, với những nếp nhà phố cổ lâu đời, với thời khắc khỏi lửa rực trời, người dân chạy loạn trong đêm tối, cả những cảnh trai gái thương nhau, thề hẹn son sắt.

Cảnh mở đầu Hà Nội 12 Ngày Đêm. Bộ phim lồng ghép khung cảnh nhịp sống yên bình ở thủ đô và bom đạn khói lửa từ chiến dịch quân sự.

Hà Nội 12 Ngày Đêm đã nỗ lực khắc họa hình ảnh những con người với nhiệm vụ riêng đối với đất nước. Ở đó, mỗi vị trí đều như “cánh én nhỏ làm nên mùa xuân.” Trong đó, có những nhân vật chính như phi công Trần Đại, tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân, những người đã có công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ và hy sinh trước thềm hòa bình. Đó có thể xem là những chất liệu có thực từ lịch sử được đưa vào điện ảnh.

Bộ phim kể câu chuyện của các nhân vật từ những hoàn cảnh, công việc khác nhau trong thời chiến.

Phim lấy bối cảnh chính ở làng hoa Ngọc Hà, khu phố Khâm Thiên, thuộc Đống Đa, thủ đô Hà Nội, với những con người, số phận, nhiệm vụ đối với cách mạng: bao gồm quân chủng phòng không, không quân, nhà báo trong nước và nước ngoài, họa sĩ, bác sĩ, y tá… Trong cảnh mưa bom, đạn lạc hình ảnh con người trở nên nhỏ bé trước những vũ khí tối tân nhất, song, vẫn toát lên dáng vẻ anh dũng, bất khuất và giữ được chất lãng mạn trong mỗi con người Hà thành.

“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Hoa Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỏi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chỗ này.”

Những câu thơ trên được lưu truyền lâu đời trong dân gian, ý chỉ làng hoa truyền thống Ngọc Hà với vẻ đẹp thơ mộng, làm xao xuyến bao thế hệ ở đất kinh kỳ hay phương xa lui tới. Dù bối cảnh diễn ra ở “làng lúa làng hoa,” nhưng những phân cảnh về vườn hoa khá ít xuất hiện, có điểm nhấn nhất về kết phim khi nhân vật cô giáo Hiền đi giữa cánh đồng lúa chín rộng lớn và nhớ về người chồng đã hy sinh hay phân cảnh chợ tết rộn rã sau khi chiến thắng trận.

Tình yêu đôi lứa và khát vọng hạnh phúc ở thời hòa bình là một chủ đề xuất hiện xuyên suốt phim.

Phải chăng, khi chiến tranh phủ khắp làng xã thì nó hòa vào không gian cộng đồng: sự đổ vỡ của nhà cửa, tiếng khóc than ai oán và con người ta lỡ quên đi mất nhịp thở thân quen của nơi mình sống? Song, làng hoa Ngọc Hà vẫn phảng phất trong nếp sống, trong lối nghĩ, cử chỉ của mỗi nhân vật. Mà ở đó, người ta vẫn cảm nhận một chất thi vị, lãng mạn trong câu nói, cử chỉ và khát vọng của mỗi con người giữa biển trời rực lửa.

Những cái chết không đổ máu vẫn đau thương

Mỗi tác phẩm điện ảnh thường có một phân đoạn cao trào nhất, và Hà Nội 12 Ngày Đêm có nhiều hơn như thế. Bởi lẽ, nó đã cho khán giả thấy những sắc thái của mất mát.

Sự hy sinh của nhân vật Trần Đại lấy cảm hứng từ vị phi công cảm tử Vũ Xuân Thiều.

Sự mất mát ấy có thể được khắc họa theo số phận của từng người. Họ sinh nghề tử nghiệp như những chiến sĩ không quân. Giây phút người đồng đội dưới mặt đất cố gắng kết nối với chiến sĩ không quân “Thăng Long gọi 28, Thăng Long gọi 28” và chỉ nhận về tiếng im bặt từ đầu dây bên kia.

Họ im lặng, nén những giọt nước mắt, lẳng lặng đi vào màn đêm tối. Đứng trước thời khắc sinh tử, chiến sĩ không quân cũng không kịp hốt hoảng hay trăn trối gì. Cái chết nhanh chóng, chớp nhoáng và đầy kinh sợ. Cái chết vỡ tan trong thuốc nổ của B52, ngay cả xác người cũng thành những hạt tro tản mát trong không khí, mất hình, mất dạng.

Chiến tranh kết thúc nhưng nỗi day dứt mãi ở lại trong tâm trí những người sống sót.

Giữa chiến tranh và hòa bình có một làn ranh mỏng manh, nhập nhằng đến đau lòng.

Hòa bình đã rất gần, nhưng không thể chạm tới. Như nhà báo Ngân Hà, trải qua nhiều lần chứng kiến sự ra đi của người thân. Cuối cùng, Ngân Hà lại gặp nạn khi cô bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và đường ống nước bị vỡ bung, cô chẳng kịp thoát, khiến ngộp thở. Dẫu phút cuối, cứu hộ đã tìm thấy sự cầu cứu của Ngân Hà, nhưng đã quá muộn. Sự mất mát của cô không trực tiếp đến từ bom rơi, đạn lạc, mà đến một cách gián tiếp mà chiến tranh phi nghĩa đã rải lên Làng hoa Ngọc Hà khi ấy. Để rồi để lại sự nghẹn ngào, tiếc thương cho những ai chứng kiến về Hà Nội 12 ngày đêm thuở đó.

Kết thúc chiến tranh không chỉ là câu chuyện nằm trên sắc lệnh trên giấy tờ, hay đài phát thanh, chiến tranh còn ở lại, khắc sâu trong tâm trí của những ai sống dưới bầu trời rực lửa hồi ấy những ký ức dai dẳng mãi mãi.

Nếp sống Hà Nội — Phảng phất chất hào hòa lãng mạn

Song với đó, khi xem lại Hà Nội 12 Ngày Đêm, ta như thấy được một Hà Nội với một đời sống tinh thần giàu có, nhạy cảm. Ở đó, trong chiến tranh ác liệt, người Hà Nội vẫn dâng những nén hương, cùng lời cầu khẩn đầy thiết tha lên bàn thờ người đã khuất. Người ta vẫn hằng tin, linh hồn của người thân ở lại, bảo trợ cho gia đình họ. Khói trắng tỏa ra từ nén nhang, phảng phất trong không gian nếp nhà ấm cúng, càng khiến cho người xem thấy được một Hà Nội đậm đà nghĩa tình:

“Kính thưa bà, hôm nay là ngày 26 tháng 10 năm 72, tức ngày 18 tháng 8 năm Nhâm Tý. Tôi và các con có bát cơm tưởng nhớ đến vong linh bà, mong bà phù hộ độ trì cho các con. Dù có đi đâu xa, rồi cũng như chim tìm về tổ, như cây nhớ cội, như sông nhớ nguồn. Cầu mong ngày yên lành chóng tới, anh, em, cha, con sum họp một nhà. Cầu mong bà thấu hiểu tâm trạng cha con tôi, phù hộ cho mọi sự được thái hòa.”

Thiên nhiên bình yên lần đầu hiện lên khi phim đi đến cái kết.

Người dân đối mặt hiện thực thảm khốc, hướng về ngày hòa bình trong tương lai nhờ vào việc họ để toàn vẹn tâm hồn mình vào đời sống tâm linh. Chính truyền thống, văn hóa như một dòng chảy dạt dào khiến con người vượt lên những ngày tháng đau thương của hiện thực:

“Kính lạy trời phật, tổ tiên, ông bà cùng vong linh các bậc anh hùng đã hy sinh vì dân vì nước. Hôm nay là ngày rằm tháng mười năm nhâm tý, chúng con có chút hương hoa, lễ mọn kính dâng lên các ngài mong các ngài phù hộ độ trì cho Hà Nội tai qua nạn khỏi đánh thắng loài giặc b52, đem lại thoái hòa thịnh vượng cho dân, cho nước.”

Trong cảnh bom dội ác liệt, người dân vẫn có thú uống trà, xem tranh, mời nhau từng tách cà phê cho… tỉnh ngủ để mà đánh giặc. Ở những phút đầu phim, nhà báo Ngân Hà có dẫn phóng viên quốc tế Lily đến phòng tranh, nơi gặp gỡ các nghệ sĩ như họa sĩ, nhạc sĩ và nhà văn.

Dù chiến tranh bủa vây thì người Hà Nội vẫn có trà, có tranh.

Dường như, trước mắt, sống chết như thế nào cũng trở thành chuyện một sớm một chiều, nên họ sẵn sàng lãng quên đi hiện thực để có thể tận hưởng thời gian đáng giá trong đời mình. Họ cùng nhau nâng đỡ, dìu dắt nhau trong đau thương thời chiến. Và dù thế, sâu thẳm trong mỗi người, vẫn có một khoảng trống vì sự vắng mặt của người thân, đã mất trong chiến tranh. Họ chọn cách im lặng, nén nỗi đau và hướng về phía trước.

Ký ức sẽ còn sống mãi

Hà Nội 12 Ngày Đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc đã ghi lại một cách sinh động, chân thực người dân thủ đô bất khuất, kiên cường chống lại trận thả bom quyết liệt từ phía Mỹ.

Hàng trăm khuôn mặt, số phận người Hà Nội thời kháng chiến được khắc họa.

Trong ngày hòa bình lập lại, vẫn là tiếng phát thanh đầy quen thuộc, nhưng nay càng bồi hồi: “B52 bị bắn rơi ở làng Hoa Ngọc Hà, là chiếc B52 cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. 12 ngày đêm đánh phá thủ đô hà nội, Nix-sơn đã phạm phải tội diệt chủng ghê tởm nhất trong thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Quân và dân với tinh thần bất khuất, sáng tạo đã đập tan cuộc tập kích chiến lược khổng lồ của không quân Mỹ, viết tiếp trang sử chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.”

Một câu hỏi đau đáu rằng: Liệu 50 năm sau, lớp chiến sĩ tham gia cách mạng mất đi, thì ai sẽ là nhân chứng để thế hệ sau lắng nghe về một thời đại đau thương bao trùm, mà cũng rất thảy vẻ vang?

Bài viết liên quan

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Những ký ức về Hà Nội thời hậu chiến qua loạt ảnh năm 1973

Trong bộ sưu tập ảnh trắng đen được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia người Đức Horst Faas, phố xá Hà Nội hiện lên đầy tấp nập và giàu sức sống. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau khung hình tràn đầy tiếng cười con ...

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."

in Di Sản

Chuyện về Nguyễn Thị Định, nữ tướng khăn rằn của Quân đội cách mạng Việt Nam

Nằm khuất mình trong con hẻm nhỏ ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi nhà của cố Thiếu tướng Nguyễn Thị Định vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật về vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...