Tháng 9 hằng năm, những cánh đồng lúa Mù Cang Chải lại chín vàng, trông tựa những thước lụa óng ánh uốn lượn theo triền đồi, báo hiệu một vụ mùa lại về trên bản làng.
Mù Cang Chải, theo tiếng địa phương là “đất gỗ khô,” là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Khoảng 90% dân số địa phương là người H’Mông, cộng cư cùng dân tộc Thái và Dao. Quanh năm suốt tháng, người dân ở đây đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.”
Trên đồng, người dân dùng liềm sắc để cắt lúa, sau đó cột lại thành từng bó rồi chuyển cho người khác đập lúa. Bà con đập bó lúa vào cạnh một chiếc thùng gỗ để hạt thóc rơi khỏi thân cây. Việc đồng áng này quả thực không dành cho những ai tay chân lóng ngóng.
Thu hoạch xong, nông dân lựa ra thóc tốt bằng cách rải chúng từ trên cao. Hạt thóc tốt sẽ rơi thẳng xuống đất, còn hạt thóc kém sẽ bay theo gió do có trọng lượng nhẹ. Sau đó, họ sẽ phơi thóc trong vài ngày trước khi đóng vào bao tải.
Bước cuối cùng là đốt đồng, dù biện pháp phát quang này cũng gây nhiều tranh cãi. Vào mùa đốt đồng, rơm rạ và những thân cây còn sót lại sẽ bị thiêu rụi, để lộ ra một vùng đất khô khốc cùng những cột khói nghiêng nghiêng khắp thung lũng, gây ô nhiễm không khí. Cùng với sự xoay vần của vụ mùa, chu kỳ gặt-đốt này cứ thế mà tiếp diễn mỗi năm.
Công việc gian nan, nhưng khó có thể thấy sự kham khổ trên khuôn mặt nông dân nơi đây, bởi xen lẫn những giờ thu hoạch là những tiếng cười, những câu chuyện phiếm góp phần xóa bớt nhọc nhằn đồng áng.