Trong nhiều năm qua, cụm từ "Vtuber" đã trở thành một trong những xu hướng đi đầu của ngành công nghiệp livestream, thu hút đến hàng triệu người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng trong dòng chảy mạnh mẽ đó, các kênh Vtuber của người Việt — được thực hiện dành riêng cho khán giả Việt, lại chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.
Tuần trước, tôi đã dành khoảng năm giờ đồng hồ chỉ để xem một Vtuber chơi game kinh dị.
Tôi không biết vì sao các Vtuber lại khiến mình hào hứng đến vậy. Có lẽ là vì giọng nói hay khiếu hài hước của họ? Là sự đồng bộ đến kinh ngạc của người điều khiển và nhân vật đại diện khi họ bị dọa? Hay là cảm giác buồn cười khi họ "xin vía" người xem để sống sót qua một màn game?
Virtual YouTuber — hay còn gọi là Vtuber, là những người sáng tạo nội dung và biểu diễn trực tuyến hoạt động chủ yếu trên Twitch và YouTube. Họ sử dụng hình đại diện kỹ thuật số (avatar) thay cho khuôn mặt thật của mình. Các avatar có thể do Vtuber tự mình hoặc nhờ một ai đó thiết kế, và được điều chỉnh để mô phỏng nét mặt và chuyển động của họ. Hình ảnh ấy có thể là ảnh động 2D được thực hiện bằng công nghệ Live2D, hoặc hình đồ họa 3D. Vì quá trình thực hiện kỳ công và tốn kém, hình vẽ 3D thường được các Vtuber dùng để đánh dấu những cột mốc nhất định trong sự nghiệp của mình, chẳng hạn như khi đạt 100.000 lượt đăng ký kênh.
Về mục đích hoạt động, Vtuber cũng giống như các streamer và vlogger trực tuyến khác. Họ thực hiện nhiều loại nội dung để phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau. Tuy nhiên, một bộ phận lớn các Vtuber ưu tiên các hoạt động chỉ diễn ra trong không gian kỹ thuật số để không làm lộ danh tính hoặc vị trí ngoài đời thực của mình. Vì thế, những nội dung phổ biến của Vtuber mà bạn sẽ thường bắt gặp là chơi game, trò chuyện, ca hát và vẽ vời qua các trang trực tuyến.
Ngành công nghiệp từ xứ mặt trời mọc
Trào lưu Vtuber khởi nguồn từ Nhật Bản và trở nên phổ biến nhờ sự xuất hiện của Kizuna Ai vào năm 2016. Đây cũng chính là người đã sáng chế ra cụm từ “Virtual Youtuber” (Youtuber ảo). Hai năm sau, các agency chuyên quản lý Vtuber, trong đó có Hololive và Nijisanji, đã được thành lập để phát triển xu hướng lên quy mô toàn cầu như hiện nay. Giờ đây, Vtuber đã trở thành một hiện tượng quen thuộc với người dùng mạng; những Vtuber hàng đầu như Gawr Gura có thể đạt đến hơn 3,5 triệu lượt người đăng ký trên YouTube tính đến thời điểm này.
Có lẽ một số độc giả đến đây sẽ liên tưởng đến Hatsune Miku — nữ idol ảo đình đám một thời của Nhật Bản. Đây cũng không phải là ngẫu nhiên. Ngành công nghiệp Vtuber hiện tại vay mượn nhiều mô-típ và thẩm mỹ từ văn hóa thần tượng Nhật Bản. Và dù đang là xu hướng toàn cầu, nhiều Vtuber không phải người Nhật vẫn tôn trọng nguồn gốc Nhật Bản của ngành mình theo đuổi. Họ chọn thiết kế nhân vật theo phong cách vẽ anime của Nhật. Hầu hết người hâm mộ và người xem Vtuber cũng là fan anime hoặc yêu thích văn hóa Nhật Bản vì lý do này.
Một trong những điểm cộng lớn nhất của việc dùng avatar là tính ẩn danh. Các Vtuber cảm thấy không tự tin về ngoại hình của mình có thể dùng avatar để thể hiện được sức hút bên trong. Không những thế, sở hữu nhân vật ảo của riêng mình còn giúp Vtuber xây dựng câu chuyện của nhân vật ấy. Họ có thể thỏa sức sáng tạo khi xây dựng vẻ ngoài và tính cách của avatar. Họ có thể biến hóa thỏa thích thành một chú chó Shiba, tiểu quỷ đáng yêu, một chú yêu tinh mặc quần áo nữ, hay thậm chí là... một khẩu súng.
Vtuber người Việt: Họ là ai?
Tại Việt Nam, có rất nhiều fan của kênh Vtuber nói tiếng Nhật và tiếng Anh. Cộng đồng fan này còn lập hẳn nhiều kênh YouTube để làm phụ đề tiếng Việt cho nội dung từ thần tượng của mình. Trái ngược với sự nhộn nhịp này, lĩnh vực Vtuber trong nước chỉ mới phát triển gần đây, và có những bước đi chập chững từ năm 2020.
Vào ngày đầu tiên của tháng 10/2020, một video ngắn 15 giây, chiếu hình ảnh một cô bé mặc áo xám, hát bài hát chúc mừng sinh nhật đã xuất hiện trên YouTube. Đây cũng là lần đầu tiên Chiêm hóa thân thành một Vtuber. Cô tự nhận mình là một “thiên thần sa ngã,” bị trục xuất và phải bán linh hồi cho “ác quỷ” — cũng chính là bạn thân kiêm người quản lý của Chiêm — để giúp cô xây dựng cuộc sống mới với tư cách streamer trong cõi phàm trần.
Ở ngoài đời, tính cách Chiêm có chút khác biệt với nhân vật ảo của mình; cô nhút nhát và có vẻ xa cách với người xung quanh. “Trong sâu thẳm, mình vẫn muốn kết nối với người khác, trở thành một điều đặc biệt trong cuộc đời của một ai đó,” Chiêm chia sẻ. "Vì vậy, có thể nói rằng mình làm Vtuber là để gián tiếp trở nên tự tin hơn vào bản thân."
Nữ streamer chọn cách ẩn mình sau nhân vật “Chiêm” vì cô ấy “muốn mọi người biết ‘Chiêm’ về tính cách và nội dung [của cô], thay vì đánh giá [cô] chỉ qua vẻ bề ngoài.” Giống như bao Vtuber khác, động lực tạo nên Chiêm chính là lòng yêu thích văn hóa Nhật Bản.
“Mình cũng thích văn hóa manga, anime và những thần tượng ảo đang thịnh hành ở Nhật Bản,” Chiêm nói. “Việc mình trở thành một nhân vật ảo có thể khiến người xem có ấn tượng rằng ‘À, cô bạn này chắc phải thích văn hóa Nhật Bản lắm,’ nhờ vậy mà mình sẽ có nhiều cơ hội kết nối với những người có cùng sở thích.”
Nội dung của Chiêm thay đổi theo thời gian. Đôi khi cô chơi các game nhiều người chơi như Among Us với các Vtuber Việt khác. Cũng có lúc, cô sẽ trò chuyện thâu đêm suốt sáng với người xem về bất cứ chủ đề gì. Trong một số buổi stream khác, cô lại tự vẽ avatar của mình và vẽ fan art cho các Vtuber khác. Dù rất đa dạng, các hoạt động ấy được kết nối bằng một điểm chung là sự gắn bó thân mật giữa streamer và người xem.
“[Ngoài đời] có người biết mình làm thêm nghề Vtuber, có người thì không. Nhưng mình thấy không có gì để giấu, mình luôn cởi mở về công việc của mình,” Chiêm chia sẻ. “Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên nhưng vẫn ủng hộ, mình cảm thấy thực sự may mắn khi được cổ vũ trong hướng đi mới.”
Trong một ngành mà hầu hết mọi người đóng giả làm quái vật, sinh vật thần thoại, siêu nhiên, hoặc chỉ là những cô mèo nekomimi quen thuộc, thì Jortun Leventor, được người hâm mộ gọi thân mật là "Lê Văn Tèo," lại có hình tượng "lành tính" đến bất ngờ trong diện mạo chàng trai tóc xanh sát gái, bị “bắt cóc” để trở thành Vtuber. Kẻ chủ mưu chính là 3Di Project một nhóm Vtuber độc lập và đầy hoài bão. Trước đây, Leventor xuất hiện với hình ảnh người lướt sóng, nhưng gần đây anh đã lột xác và trở thành một tên cướp biển.
Nội dung video của Leventor chủ yếu là gaming; anh không giới hạn thể loại game mình chơi, từ những game nhẹ nhàng như Stardew Valley đến các game bắn súng hạng nặng như Doom Eternal và Apex Legend. Thỉnh thoảng, anh cũng mở buổi stream để trò chuyện với người xem về các chủ đề mà họ quan tâm. Ngoài ra, anh cũng không ngại "chế" những nội dung tinh quái như video meme, hoặc các buổi chơi game với hai người bạn Vtuber khác là Minh Nguyệt và Vici, cũng đều đến từ 3Di Project. Bộ ba được đặt biệt danh là “Đèn Giao Thông” theo thiết kế màu sắc của các avatar.
Chúng ta ai cũng sẽ làm lo lắng khi làm điều gì đó lần đầu tiên. Jortun Leventor cũng không phải là ngoại lệ. Thời gian đầu anh luôn đặt câu hỏi “lỡ như” về các vấn đề kỹ thuật hay biểu hiện của mình, nhưng giờ đây Leventor cảm thấy thoải mái trong mỗi buổi stream, điều này một phần nhờ vào sự giúp đỡ của người hâm mộ. “Đối với mình, các fan thật tuyệt vời, lịch sự và hài hước. Đôi khi, các bạn còn giúp mình giới thiệu những người xem mới về quy tắc trò chuyện để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người khác," Leventor chia sẻ.
Khi được hỏi rằng có trải nghiệm đặc biệt thú vị nào mà anh muốn chia sẻ không, Leventor trả lời: “Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất phải kể đến là 4 buổi chào cờ giữa tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Hồi đó vẫn còn trong thời gian giãn cách, nhưng sắp đến ngày Quốc khánh và ngày khai giảng (trực tuyến) rồi, vì vậy mình muốn thực hiện mấy buổi chào cờ sáng thứ Hai, hát Quốc ca với những fan không thể đến trường. Mình cứ tưởng bắt đầu vào sáng sớm sẽ không có nhiều người tham gia, nhưng hóa ra buổi stream lại rất đông đúc và sôi động. Mình thậm chí còn mời bạn bè trong 3Di hát cùng, nhưng vì chúng mình hát qua Discord nên âm thanh bị trễ và không ai hát đều với nhau cả,” anh cười lớn khi kể lại.
Khi giới Vtuber vẫn còn là "ao làng"
Là Vtuber độc lập, Chiêm phải tự gánh việc sáng tạo nội dung, quảng bá buổi stream, cùng nhiều công việc khác trên mạng xã hội. Nhưng theo cô, "nhiệm vụ khó nhằn" nhất là giữ tương tác với người xem.
Khi được hỏi có phải tính cách và khiếu hài hước của cô là điều thu hút người xem hay không, nữ streamer cho biết: “Mỗi người đến với buổi stream của mình vì một lý do khác nhau, cũng chính vì vậy mà streamer cần hết sức lưu ý khi livestream. Mình từng mất đi vài người hâm mộ trung thành mà không biết tại sao, nhưng là một người sáng tạo nội dung muốn trở nên chuyên nghiệp hơn nữa, mình đang cố gắng hết sức để không nghi ngờ bản thân quá nhiều hoặc níu kéo những người bỏ theo dõi. Thay vào đó, mình chỉ tập trung tạo ra nhiều nội dung hơn để phát triển kênh của mình.”
Là một trong số ít nam Vtuber trong lĩnh vực nơi nữ giới chiếm đa số, Jortun Leventor đôi khi cảm thấy lạc lõng: “Lượng người xem của mình chủ yếu là các bạn nữ. Vì vậy, mình phải điều chỉnh cách nói chuyện sao cho nhẹ nhàng hơn một chút. Tuy nhiên, trong thực tế, mình thường bị ngạc nhiên vì phản ứng của người xem rất… cuồng nhiệt!”
"Ở Việt Nam, nữ Vtuber chiếm đa số, nên việc debut của mình đã làm dấy lên một số phản ứng kỳ quặc. Mình đã lo lắng không biết liệu bản thân mình và nội dung của mình có phù hợp với người khác hay không; nhưng may mắn là cuối cùng mình đã được người hâm mộ chấp nhận và ủng hộ.”
“Thông thường, việc tạo nội dung sẽ hơi tốn kém đối với hầu hết các Vtuber độc lập, vì vậy mình rất may mắn khi có sự hỗ trợ của 3Di… Các công việc như vẽ mô hình cho avatar, rig mô hình bằng Live2D theo chuyển động của nhân vật, tạo layout cho buổi stream v.v. được chia đều cho mọi người, chúng mình cũng tích cực thảo luận và giúp đỡ lẫn nhau, vì vậy cả nhóm không gặp phải vấn đề quá lớn về tài chính,” Leventor chia sẻ.
Tương lai của ngành Vtuber ở Việt Nam
Hiện tại, ngành Vtuber trong nước vẫn còn non trẻ, nhưng vẫn có những gương mặt mới xuất hiện hàng ngày. Đối với những khán giả Việt đã quen xem livestream của các Vtuber nói tiếng Nhật và tiếng Anh, thì các nội dung “cây nhà lá vườn” vẫn chưa hẳn có cái duyên ngộ nghĩnh và đôi khi còn hơi “lố.” Nhưng Chiêm tin rằng đây là vấn đề mà thời gian sẽ khắc phục được.
“Đúng là mình đã xem một số bài báo và video chê bai các Vtuber Việt Nam… Mình nghĩ quan điểm của người phê bình hơi bị ảnh hưởng bởi định kiến chung dành cho khái niệm 'Vtuber,' đơn giản vì nó đang là một xu hướng quốc tế rầm rộ," cô bạn nhận định. “Trên thực tế, làm Vtuber không khác gì làm người sáng tạo nội dung hoặc streamer khác, một nghề vốn đã rất phổ biến ở Việt Nam.”
Cả Chiêm và Leventor đều có hy vọng về tiềm năng của ngành Vtuber trong nước, vì ngày càng có nhiều Vtuber, cả độc lập và theo nhóm, có nội dung chất lượng và tham gia vào lĩnh vực truyền thông. Điều này mang lại cho Chiêm động lực cải thiện bản thân để trở nên nổi bật hơn trong hệ sinh thái phát triển ngày càng nhanh chóng. Về phía Leventor, anh chàng streamer có mái tóc xanh làm nên thương hiệu, vừa qua đã cùng ê-kíp của mình giao lưu với người hâm mộ tại Color Fiesta năm nay. Đây là một trong những đại hội lớn nhất dành cho các họa sĩ và người đam mê anime tại Việt Nam.
Không bàn về tính mới lạ của ngành Vtuber, tôi vẫn luôn cảm thấy vui khi nhìn thấy người khác tìm được đam mê của mình, và nếu làm Vtuber có thể giúp những ngại xuất hiện trước công chúng trở thành người sáng tạo nội dung mà họ hằng mơ ước, ai đó có quyền gì để phán xét họ?
Tại thời điểm này, tôi sẽ cỗ vũ cho Chiêm và Leventor ngày càng thành công, và hy vọng một ngày nào đó sẽ được thấy fansub bằng tiếng Anh cho nội dung của Vtuber Việt Nam. Điều đó thể hiện rằng giới streamer trong nước đã tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế.