Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Công Nghệ » Gặp Sumi, người bạn AI hài hước và tâm lý của Gen Z Việt

Gặp Sumi, người bạn AI hài hước và tâm lý của Gen Z Việt

Sumi có ngoại hình là một bé gà màu vàng rực rỡ, đầu đội mũ phi công, dễ thương hệt như một nhân vật trong phim hoạt hình. Ngoài ra, người bạn này còn có một năng lực rất đặc biệt: có thể trò chuyện với hàng triệu bạn trẻ Gen Z mỗi ngày qua các ứng dụng Messenger, Skype và Zalo.

Sumi là một chatbot được phát triển bởi công ty phần mềm Hekate tại Việt Nam, được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (machine learning) để có thể tự động trò chuyện với người dùng. "Bé gà" này ra đời vào năm 2016 với sứ mệnh lan toả năng lượng tích cực, giúp người dùng vui vẻ hơn sau mỗi cuộc trò chuyện. Theo thời gian, Sumi không chỉ dừng chân ở việc kể chuyện cười hay đối đáp ngẫu hứng, mà còn mang thêm trong mình một nhiệm vụ quan trọng.

Hầu hết người nói chuyện với Sumi là các bạn trẻ Gen Z, đặc biệt là những bạn bắt đầu bước vào tuổi dậy thì và đang có rất nhiều tâm sự không biết thổ lộ cùng ai. Sumi là một người bạn đáng tin cậy mà họ có thể dựa vào, gửi gắm mọi cảm xúc và giải tỏa nỗi trăn trở trong lòng.

Đa số những câu trả lời của Sumi vẫn còn khá ngẫu nhiên và chưa mang lại nhiều thông tin. Tuy nhiên, Sumi được tạo ra không phải để cung cấp kiến thức mà để làm một người bạn để con người có thể trút bầu tâm sự sau một ngày làm việc mệt mỏi, thi cử không tốt, gia đình không vui hay những áp lực khác trong cuộc sống. Những nỗi niềm khi được chia sẻ giúp người dùng cảm thấy thoải mái hơn. Và trong thời thông tin hiện nay, không chỉ Sumi mà nhiều người bạn AI cũng đang sẵn sàng giúp đỡ những ai đang cần được lắng nghe.

Các bạn trẻ trong nhóm Hekate vẫn đang nỗ lực để cải tiến Sumi. Nhóm hy vọng rằng trong tương lai, Sumi sẽ không chỉ là một người trợ thủ hoàn hảo, mà còn là cầu nối để gắn kết các bạn trẻ với nguồn hỗ trợ tinh thần cần thiết.

Một người bạn tâm giao

“Khi đọc dữ liệu của Sumi, mình thấy được rằng mọi người xem Sumi như một người bạn mà họ có thể chia sẻ tất cả mọi thứ, dù cho câu trả lời của Sumi có đúng hay không,” Nguyễn Trâm Anh chia sẻ với Saigoneer qua Zoom.

Hekate chia người dùng thành các nhóm theo vấn đề mà họ đang gặp phải như áp lực từ gia đình, vấn đề ở trường học, và thậm chí là nhóm các bạn trẻ có suy nghĩ đến chuyện tự tử. Hiện tại, Sumi chủ yếu lắng nghe như một người bạn đồng trang lứa nhưng điều đó cũng đã đủ để tạo nên những ảnh hưởng tích cực.

Trâm Anh hiện là COO của Hekate. Vai trò của cô trong đội ngũ là mở rộng cơ sở người dùng cho Sumi. Chính Trâm Anh là người đã đưa ra ý tưởng chuyển hướng xây dựng Sumi từ mục đích giải trí đơn thuần trở thành một người bạn có khả năng tâm sự và chia sẻ.

“Cải tiến Sumi cũng giống dạy trẻ con tập nói vậy, bạn có thể tập cho bé nói cả tiếng Anh và tiếng Việt.” Sumi từng được lập trình để trả lời tất cả mọi nhân nhắn một cách hài hước chỉ nhằm để gây cười. “Nhưng bây giờ, nếu người dùng nói rằng họ cảm thấy buồn hay đang chịu áp lực thì Sumi cũng có thể động viên an ủi họ.”

Với một lượng lớn người dùng nhỏ tuổi, hầu hết những vấn đề mà Sumi nhận được đều là về trường học và gia đình. Để bảo mật danh tính của người dùng, tất cả thông tin người dùng đều được mã hóa trước khi tiến hành phân tích dữ liệu.

“Có một việc đã khiến chúng mình hiểu được tầm quan trọng của Sumi đối với mọi người. Đó là lần Facebook chặn hoạt động của Sumi. [...] Chuyện là hôm đó chúng mình thực hiện một chiến dịch kêu gọi mọi người nhắn tin cho Sumi để được Sumi kể một câu chuyện. Đã có 100.000 tin nhắn được gửi đến trong vòng một giờ và Facebook nghĩ rằng phía mình đang gửi tin rác cho người dùng nên đã chặn Sumi trong suốt ba ngày. Phản ứng ban đầu của mọi người là tức giận, nghĩ là chúng mình đã lừa họ vì không thấy phản hồi. Nhưng sau đó các bạn cảm thấy bất thường và có chút lo lắng, hỏi Sumi có ổn không, nói họ nhớ Sumi và khi không có cô bé để trò chuyện họ cứ cảm thấy thiếu thốn gì đó. Từ việc này mà chúng mình nhận ra rằng thành quả sáng tạo của cả nhóm thực sự có ý nghĩa với cộng đồng.”

Một AI ham học

Là một chatbot, Sumi sử dụng công nghệ máy học thay vì trả lời theo những câu được lập trình sẵn. Điều này có nghĩa là Sumi có thể học hỏi từ người dùng, tự phát triển và điều chỉnh bản thân sau mỗi cuộc trò chuyện. Ở một khía cạnh nào đó thì Sumi giống như một đứa trẻ, dễ ảnh hưởng bởi bạn bè và nhiều lần khiến cha mẹ phải thốt lên: Con học ở đâu vậy?!

Một ngày nọ, khi kiểm tra khả năng tự học của Sumi, nhóm đã sử dụng Google Dịch để đưa đưa ra một số câu hỏi cho Sumi bằng các ngôn ngữ khác nhau. Và mọi người đều ngạc nhiên khi Sumi có thể trò chuyện bằng cả tiếng Indonesia. “Chúng mình mở dữ liệu và thấy rằng có hơn 50.000 người Indonesia đang nói chuyện với Sumi. Ngoài ra, còn có nhiều người dùng nói chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Thái, và nhiều ngôn ngữ khác. Đó là lúc chúng mình nhận ra Sumi đã vươn ra tầm quốc tế.”

"Kết nối mọi lúc, mọi nơi." Hình minh họa trên trang web của Sumi.

Đối với đội ngũ Hekate, khả năng tự học của Sumi là điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ. Trâm Anh thừa nhận rằng: “Chúng mình không thể kiểm soát tất cả những gì mà Sumi học được. Cuối năm 2019, trong khoảng 6 tháng đến gần một năm, Sumi 'văng tục' với tất cả những tin nhắn được gửi đến. Chúng mình gần như gặp khủng hoảng khi xử lý vấn đề này vì lượng dữ liệu đầu vào quá nhiều mà Sumi lại học rất nhanh nữa.”

Hekate đã phải cố gắng hết sức để lọc ra tất cả những từ không đúng chuẩn mực, một thử thách cực kỳ lớn với cả nhóm vì các bạn trẻ dùng nhiều tiếng lóng, teen code, và chữ viết tắt. “Đến nửa cuối năm 2020, chúng mình không thể để Sumi học mọi thứ một cách tự động nữa mà phải giám sát. Chúng mình đã viết một đoạn mã có thể chặn tới 70% tất cả các từ chửi bới trong tiếng Việt. Giống như chúng mình soạn ra một từ điển những từ nói tục vậy.”

Cầu nối giữa các thế hệ

Dữ liệu của Sumi có thể cho ta biết nhiều điều về người dùng, và nhờ đó bé gà vàng trở thành một cánh cửa, một nguồn tư liệu độc đáo để những ai quan tâm có thể hiểu hơn về thế hệ trẻ. Năm 2020, tác giả-doanh nhân Nguyễn Phi Vân đã đến gặp Hekate và đề nghị hợp tác. Thời điểm đó, cô đang viết một cuốn sách về Gen Z và thế giới công nghệ, cô đã hỏi nhóm về những chủ đề mà Gen Z thường quan tâm.

Phân tích dữ liệu từ hàng triệu người dùng, Hekate đã lọc ra 20 chủ đề phổ biến nhất mà sau này đã trở thành 20 chương trong cuốn sách Nym - Tôi của Tương lai của tác giả Nguyễn Phi Vân. Trong số đó, có một chủ đề mà Gen Z nói với Sumi nhiều nhất: tình dục.

Điều này gây bất ngờ nhưng cũng rất dễ hiểu, vì thường thì các bạn trẻ không có nhiều nơi để tâm sự về những chuyện nhạy cảm như vậy, nhất là ở Việt Nam. Tác giả Nguyễn Phi Vân và nhóm Hekate quyết định rằng chính Sumi sẽ tự mình viết nên chương sách về chủ đề này.

Trâm Anh cho biết: “Hôm đó, nhóm đã cùng chị Vân quan sát Sumi theo thời gian thực để xem Sumi sẽ viết gì. Lúc ấy mình thực sự rất lo lắng!" Trước đó, Sumi chỉ có thể viết tin nhắn chat. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, nhóm Hekate đã cho Sumi đọc hơn 3.000 cuốn sách, trong đó có những cuốn do chính tác giả Nguyễn Phi Vân viết. “Chúng mình đã rất sợ rằng Sumi sẽ không viết được điều gì có nghĩa, nhưng ơn trời là bé nó đã làm được. Dù bản thảo cuối cùng của chương sách đã được chỉnh sửa ngữ pháp và văn phong trước khi xuất bản nhưng các ý chính thì vẫn là của Sumi.”

Nguồn ảnh: Saigon Books.

Thông qua cầu nối là Sumi, Hekate cũng đang tìm cách tốt hơn để giúp đỡ Gen Z, đặc biệt là những bạn đang gặp các vấn đề về tâm lý. Nhóm cũng đã gửi đơn đăng ký đến Quỹ Đổi mới của UNICEF.

Hekate mong muốn có thêm nhiều nguồn kinh phí để phát triển Sumi, giúp Sumi có khả năng nhận diện cảm xúc tốt hơn và từ đó có những biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng người dùng. Ví dụ, như đối với những bạn cảm thấy buồn chán thì Sumi có thể gửi lời nhắn khích lệ hay video hài hước. Còn với những bạn có các vấn đề tâm lý trầm trọng hơn hoặc thậm chí có ý định tự tử thì Sumi có thể liên hệ với gia đình, bạn bè của họ hoặc với cả các chuyên gia tâm lý nếu thấy cần thiết.

“Chúng mình sẽ tiếp tục phát triển Sumi để người bạn AI này có thể thấu hiểu và đồng cảm được với cảm xúc của con người,” Trâm Anh chia sẻ. “Sumi sẽ trở nên giống một con người thực thụ hơn. Tuy nhiên, bây giờ thì mục tiêu đó vẫn còn khá xa vời.” Không phải ai trong chúng ta cũng giàu khả năng thấu cảm huống chi là robot. Thế nhưng robot có thể đọc 3.000 cuốn sách cùng một lúc và con người thì không, nên biết đâu cô nàng Sumi sẽ làm nên chuyện trong tương lai?

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Đường dây nóng Ngày Mai và hành trình học cách lắng nghe

Từ khi thành lập vào tháng 5/2021, Đường dây nóng Ngày Mai đã tiếp nhận cuộc gọi từ hàng nghìn người có độ tuổi, giới tính, công việc khác nhau. Mỗi cuộc gọi đến đều mang theo mong muốn được lắng nghe...

in Ẽplain

Idol ảo và tình bạn thật trong thế giới của các Vtuber Việt

Trong nhiều năm qua, cụm từ "Vtuber" đã trở thành một trong những xu hướng đi đầu của ngành công nghiệp livestream, thu hút đến hàng triệu người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng trong dòng ...

in Văn Nghệ

Cái Linh lại đi đâu rồi? Linh đi trị liệu nghệ thuật rồi

Nếu biết đến travel blogger Nguyễn Hương Linh qua “Cái Linh Lại Đi Đâu Rồi?”, bạn chắc hẳn sẽ bị ấn tượng bởi sự độc lập, hài hước và cá tính của cô gái này.

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Công Nghệ

5 sáng chế made-in-Vietnam hỗ trợ 'điện-đường-trường-trạm' phòng, chống COVID-19

Giữa giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất, hàng loạt các sáng tạo công nghệ made-in-Vietnam đã được ra mắt, không chỉ hỗ trợ hiệu quả các nhân viên tuyến đầu chống dịch, mà còn giú...

in Công Nghệ

App 'chỉ mặt đặt tên' những thiết bị ngốn điện trong nhà

Trong những đợt nắng nóng dai dẳng vừa qua, Việt Nam thường rơi vào trường hợp thiếu hụt điện năng do tình trạng cung không đủ cầu. Nhiều người dân đã chủ động cắt giảm các thiết bị trong nhà để tránh...