Nếu biết đến travel blogger Nguyễn Hương Linh qua “Cái Linh Lại Đi Đâu Rồi?”, bạn chắc hẳn sẽ bị ấn tượng bởi sự độc lập, hài hước và cá tính của cô gái này.
Bắt đầu từ năm 2018, Linh thường xuyên chia sẻ trên Facebook về những chuyến du lịch một mình: ghé qua mảnh đất Morocco đầy nắng gió, dừng chân tại Mexico rực rỡ sắc màu và ở tại New York hoa lệ. Giờ đây, Linh không còn rong ruổi mọi nẻo đường mà đã trở về Việt Nam, vừa là để khám phá nội tâm và quan trọng hơn, cô muốn đặt nền móng cho sự nghiệp Trị liệu nghệ thuật tại quê hương (TLNT).
Mới hoàn thành quá trình đào tạo Trị liệu nghệ thuật hồi tháng 5 tại trường Nghệ thuật thị giác New York (School of Visual Arts) theo học bổng Fulbright, nhưng Linh đã đam mê với lĩnh vực này từ lâu. Cô chia sẻ: “Hồi làm việc ở Việt Nam từ năm 2015 đến 2018, mình đã bắt đầu tìm hiểu về trị liệu nghệ thuật. Mình thích các hoạt động nghệ thuật, điều phối cũng như tổ chức các sự kiện giúp mọi người bộc lộ câu chuyện của họ. Khi tham gia một khóa chơi sáng tạo, mình được người điều phối giới thiệu cho một môn tên là art therapy, bao gồm việc chiêm nghiệm nội tâm qua các hoạt động nghệ thuật thị giác. Mình nhận ra đó là những gì mình vẫn làm nhưng thường làm vụn vặt và vô thức, chưa có đủ kỹ năng. Vì vậy, mình quyết định nộp hồ sơ đi học theo chương trình học bổng Fulbright.”
Nguyễn Hương Linh (phải) trong một buổi hoạt động trị liệu nghệ thuật tại Guatemala.
Học trị liệu, được trị liệu và khởi nghiệp trị liệu
Trong suốt hai năm theo học tại Mỹ, Linh không chỉ nghiên cứu về cách thức trị liệu mà còn tự trải qua những lần trị liệu và cảm nhận những tác dụng tích cực biện pháp khoa học này mang lại. Để trở thành một nhà tâm lý, trước hết cần hiểu tâm lý bản thân, nên cô đã dành ra một năm rưỡi cho hoạt động trị liệu bằng phương pháp nói chuyện.
“Trong con người mình có rất nhiều phần mâu thuẫn, ví dụ như khi mệt mỏi mình lại hay có cách giải quyết chưa được lành mạnh. Nhưng nhờ có thời gian trị liệu, mình đã biết cách làm lành với bản thân,” Linh chia sẻ tận tình. “Mình học được tính kiên nhẫn, cho bản thân những gì mình cần. Đôi khi một cái ôm cũng đủ. Mình cũng đã trải nghiệm hình thức trị liệu bằng âm nhạc trong vòng tám tuần và sau đó càng tin hơn vào cách trị liệu bằng hình thức sáng tạo.”
Vào năm 2017, Linh đã mở một không gian trực tuyến để tổ chức những hoạt động TLNT mang tên MAI:tri. Lấy cảm hứng từ tiếng Phạn, cái tên mang ý nghĩa “lòng từ bi dành cho chính mình.” Không gian trực tuyến vừa là nơi chị chia sẻ những trải nghiệm mới mẻ và bước đầu giới thiệu phương pháp trị liệu mới mẻ này tới đối tượng người Việt Nam.
Hướng đi cho trị liệu nghệ thuật tại Việt Nam
Trong số các biện pháp tâm lý phổ biến, trị liệu nghệ thuật vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ. Là một phương pháp trị liệu tâm lý giúp thân chủ thể hiện cảm xúc qua các liệu pháp nghệ thuật như vẽ tranh, cắt dán ảnh, nhiếp ảnh, các chuyên gia tâm lý và nhà điều phối hoạt động cam kết tạo ra một không gian để bạn thoải mái sáng tạo, từ đó hiểu bản thân hơn. Hình thức này mới chỉ bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ 20 tại Mỹ. Hiện nay các nhà hoạt động trị liệu nghệ thuật ở Mỹ cũng rất linh hoạt, thường thực hành ở nhiều không gian công cộng như bệnh viện, trường học hay trại hè.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần vào năm 2019, khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó 25% phải đối mặt với trầm cảm. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này và chưa tìm các biện pháp điều trị hiệu quả. Với MAI:tri, Linh tâm niệm đây không chỉ là nơi chị giúp đỡ những người gặp trầm cảm và các rối loạn lo âu, mà còn cả những người gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội hay mới trải qua nhiều mất mát.
“Khi rất nhiều vấn đề tâm lý bắt nguồn từ việc mất kết nối với cơ thể hay những dư âm của sang chấn vẫn còn nhiều, thì những biện pháp nghệ thuật hay sáng tạo sẽ có lợi hơn.”
Đến với MAI:tri, thân chủ sẽ được trải nghiệm những hoạt động trị liệu nghệ thuật do đích thân chị Linh điều phối để giải tỏa những cảm xúc khó nói. Ngoài ra, MAI:tri cũng sẽ hợp tác với một số chuyên gia tâm lý và các nghệ sĩ để mang đến những buổi trị chữa lành tâm lý toàn diện nhất.
So với hình thức trị liệu truyền thống bằng phương pháp nói chuyện, TLNT sẽ giúp thân chủ khai phá tiềm thức, từ đó họ hiểu hơn về chính mình, kết nối với cơ thể, tâm trí; người trị liệu cũng sẽ biết rõ về thân chủ. Khi rất nhiều vấn đề tâm lý bắt nguồn từ việc mất kết nối với cơ thể hay những dư âm của sang chấn vẫn còn nhiều, thì những biện pháp nghệ thuật hay sáng tạo sẽ mang lại nhiều lợi thế trị liệu hơn, có tác dụng dần dần theo thời gian.
MAI:tri và những bước đi đầu tiên
Những hoạt động chính thức của MAI:tri được diễn ra trong… một khu cách ly tập trung tại Việt Nam. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, Linh đã tổ chức thành công hai workshop dành cho chính những công dân Việt Nam mới về nước từ Mỹ trên cùng chuyến bay giải cứu. “Đây là cơ hội để mọi người kết nối và cũng là dịp để mình thực hành điều phối bằng tiếng Việt sau hai năm chủ yếu làm việc với các thân chủ bằng tiếng Anh. Có 14 người tham gia thôi nhưng đây là một cơ hội học hỏi tuyệt vời với mình.”
Tại khu cách ly, người tham gia được vẽ theo chủ đề kết nối với những trải nghiệm trong cuộc sống của họ. Linh tiến hành workshop đầu với một gia đình, khuyến khích họ vẽ về hành trình đi về Việt Nam từ Mỹ. “Mỗi người sẽ vẽ một con đường, và trên con đường đó sẽ có một phương tiện cũng như những hành trang họ chuẩn bị trên đường về nước. Phần đường khi về nước cũng được họ tự vẽ lên,” Linh nói. “Dù là một gia đình nhưng mỗi người lại có một trải nghiệm khác nhau.”
![](http://media.urbanistnetwork.com/urbanistvietnam/articleimages/2020/10/6/cachlingay7b.jpg)
![](http://media.urbanistnetwork.com/urbanistvietnam/articleimages/2020/10/6/cachlingay10b.jpg)
Workshop thứ hai với chủ đề “Hải đảo an toàn trong tôi” được diễn ra với với các bạn sinh viên đi trao đổi hoặc đi học thạc sĩ. Linh mời người tham gia tự thiết kế một hòn đảo mà họ muốn sống. Hải đảo ấy có thể rất đông đúc hoặc có thể rất tĩnh lặng và nhiều cây cối. Qua hoạt động đó, người trị liệu là Linh càng hiểu rõ hơn về nhu cầu và giá trị sống đa dạng của mỗi cá nhân.
Cả hai workshop dù ngắn ngủi nhưng nhận được những phản ứng rất tích cực: “Mọi người rất thích các hoạt động nghệ thuật mình tổ chức, đặc biệt là vẽ. Những người tham gia cũng quan tâm tới cảm xúc của mình hơn và có những chuyển biến rất nhanh. Họ cũng giúp mình nhận ra trị liệu nghệ thuật là một ngành nghề rất có tiềm năng ở Việt Nam (cười).”
Fanpage chính thức của MAI:tri cung cấp đa dạng các hoạt động trị liệu trực tuyến. Một trong những hoạt động đó bao gồm 20 phút tư vấn miễn phí để các thân chủ trò chuyện và quyết định xem họ có muốn đi tiếp trên hành trình trị liệu.
Vài lời nhắn nhủ cho hành trình yêu thương bản thân
Tìm đến trị liệu rồi thực hành các hoạt động trị liệu nghệ thuật là một điều còn khiến nhiều người thấy quá lạ lẫm, thậm chí là kì cục. Nhưng theo Linh, nhận ra bản thân có điều không ổn cũng chính là dấu hiệu chứng tỏ bạn muốn yêu thương chính mình hơn. “Mong bạn luôn thương lấy chính mình, nhận ra những gì bạn muốn và có được sự trợ giúp lúc cần thiết,” cô gửi lời nhắn nhủ tới độc giả của Saigoneer.