Một nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh tại trường đại học RMIT gần đây đã cho ra mắt tựa game Counter Attack Therapy, hay CAT, đặc biệt hướng tới đối tượng người chơi gặp các vấn đề về tâm lý.
CAT mang người chơi đến với thế giới của Alex, một chú mèo đa sầu đa cảm. Trải qua một loạt những sự kiện không may như phạm lỗi trong công việc và gặp tai nạn giao thông, cậu mau chóng rơi vào trạng chán nản và bộc phát các dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu-trầm cảm.
Bước vào game, người chơi sẽ nhập vai bạn thân của Alex và lắng nghe những tâm sự của chú mèo buồn rầu. Nhiệm vụ của người chơi là an ủi và giúp Alex đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân.
Người chơi cũng sẽ cùng Alex tham gia các hoạt động như nghe tư vấn từ chuyên gia, thiền và vẽ tranh, đều là những phương pháp phổ biến đang được ứng dụng trong trị liệu tâm lý hiện nay.
CAT là một sản phẩm tâm huyết của nhóm ba cô gái đến từ đại học RMIT là Michelle Chen, Hiền Lê và Châu Nguyễn. Trong bài viết được nhóm đăng tải trên Facebook, nhóm giới thiệu rằng CAT là một phần của dự án Mental Jam, được khởi xướng bởi trưởng nhóm Michelle cho công trình nghiên cứu tiến sĩ của mình. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã phỏng vấn những người trải qua cảm xúc lo âu, căng thẳng và xây dựng các video game dựa trên những trải nghiệm đó để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khỏe tinh thần, vốn chưa được các loại hình giải trí thông thường chú ý nhiều đến.
Trao đổi với Saigoneer, Hiền, người viết kịch bản của CAT, cho biết những câu chuyện trong trong game đều chân thực vì được lấy cảm hứng từ những biến cố trong cuộc sống của chính đội ngũ phát triển: “2 năm về trước, mình đã gặp vấn đề ở chỗ làm và bị ngã xe máy. Khi bắt đầu thiết kế nhân vật Alex, mình cũng đang điều trị chấn thương khác ở tay. Nên có thể nói rằng nhân vật Alex là dựa trên những trải nghiệm có thật.”
Các tình tiết trong game đều được thiết kế có chủ đích, nhằm nổi bật chủ đề sức khỏe tâm lý. Chẳng hạn, CAT có nhịp độ chậm để người chơi đang gặp những vấn đề về tâm lý có thể đọc kịp lời thoại và chơi trong một trạng thái thư giãn chứ không phải dồn dập như các tựa game phổ biến khác. Bên cạnh đó, tông màu game phản ánh diễn biến tâm trạng của nhân vật chính, từ rất u tối lúc Alex gặp sự cố đến vui tươi hơn khi tinh thần của nhân vật được cải thiện. Ngay cả hình tượng chú mèo với cái tên trung tính — Alex cũng được nhóm chọn để người chơi thuộc “bất cứ giới tính, độ tuổi, hay tính dục nào” cũng cảm thấy gần gũi và dễ đồng cảm.
Đến nay, CAT đã nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ thông điệp ý nghĩa. Hiền chia sẻ rằng khi hoàn thành tựa game chính bản thân cô cũng có một cái nhìn khác về những trải nghiệm không hay trong cuộc sống: “Điều đau buồn trong quá khứ không nhất thiết phải là mãi mãi. Chi cần có chiến lược đúng và những người đồng đội tốt thì hoàn toàn có thể biến nó thành cái gì đó tạo cảm hứng hoặc giúp đỡ những người xung quanh.”
Độc giả hiện có thể tải Counter Attack Therapy về trên hệ điều hành Windows hoặc chơi phiên bản trực tuyến của game tại đây.
[Ảnh: Game Counter Attack Therapy]