Từ khi thành lập vào tháng 5/2021, Đường dây nóng Ngày Mai đã tiếp nhận cuộc gọi từ hàng nghìn người có độ tuổi, giới tính, công việc khác nhau. Mỗi cuộc gọi đến đều mang theo mong muốn được lắng nghe, chia sẻ, và các tổng đài viên của dự án sẽ luôn sẵn lòng lắng nghe mà không phán xét.
Từ lâu, tôi đã luôn ấn tượng với chia sẻ của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: “Người trầm cảm và người thân của họ luôn bơ vơ giữa một xã hội đầy định kiến.” Đó là lí do vì sao tôi tìm đến Đường dây nóng Ngày Mai, không phải với tư cách người cần trợ giúp, mà với thái độ của một người tò mò cũng như ngưỡng mộ cách mà dự án đặc biệt này đã giúp đỡ vô số người trầm cảm vượt qua sự cô đơn.
Một người lắng nghe khi bạn cần
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Hà Thành vốn là hai cái tên quen thuộc đối với những ai quan tâm đến chủ đề tâm lý nói chung và căn bệnh trầm cảm nói riêng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là tác giả của nhiều tựa sách về cuộc sống của những người đã và đang mắc bệnh trầm cảm như Đại Dương Đen, Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ, Điểm Đến Của Cuộc Đời, v.v Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Hà Thành đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, hôn nhân gia đình cũng như bình đẳng giới. Có lẽ vì vậy mà khi Đường dây nóng Ngày Mai — đứa con tinh thần của cả hai — chính thức ra mắt, cộng đồng đã dành rất nhiều sự tin tưởng và yêu mến dành cho dự án này.
Chia sẻ về lý do thực hiện Đường dây nóng Ngày Mai, chuyên gia tâm lý Hà Thành kể: “Sau khi kết thúc một dự án ngắn hạn, mình và anh Giang nhận ra không phải ai cũng cần sự can thiệp của chuyên gia tâm lý. Đôi khi, một sự lắng nghe kịp thời cũng giúp các bạn vượt qua quãng thời gian kinh khủng của cuộc đời.”
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng bày tỏ: “Trong suốt quá trình viết sách, tôi đã trò chuyện với rất nhiều người gặp vấn đề tâm lý. Khác với những loại bệnh thông thường có thể thấy được bằng mắt, người mắc bệnh tâm lý thường không nhận được sự cảm thông, giúp đỡ. Thậm chí, họ còn bị đánh giá là yếu đuối. Điều đó cho thấy việc chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp càng thêm khó khăn.” Hiểu được thực trạng đó, Đường dây nóng Ngày Mai đã ra đời với mô hình của một tổng đài tham vấn tâm lý miễn phí, chuyên “sơ cứu” cho những ai đang gặp tổn thương tinh thần.
Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, Đường dây nóng Ngày Mai hiện đã có 23 cộng tác viên luân phiên nhau trực điện thoại xuyên suốt từ thứ 4 đến Chủ Nhật, từ 13 giờ đến 20 giờ 30 phút. Mỗi buổi sẽ có từ một đến hai bạn trẻ cùng nhau tham gia trực đường dây. Bên cạnh đó, các thành viên cũng chia ca quản lý fanpage chính thức để có thể nhanh chóng trả lời tin nhắn từ những ai gặp bất tiện trong việc gọi điện thoại.
Tâm lý, tình cảm con người bao giờ cũng là một chủ đề nhạy cảm, không phải ai cũng có thể đảm đương việc tư vấn cho những người gặp vấn đề tâm lý. Trong khi đó, đa số cộng tác viên tham gia tư vấn đều là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, nỗi lo ấy đã dập tắt khi tôi được chị Hà Thành chia sẻ về quy trình tuyển chọn và đào tạo các tình nguyện viên tại Đường dây nóng Ngày Mai.
Đầu tiên, tất cả các tình nguyện viên của Đường dây nóng Ngày Mai đều có chuyên ngành tâm lý học hoặc công tác xã hội. Trước khi bắt tay vào việc, các bạn phải tham gia nhiều buổi tập huấn cả về lý thuyết lẫn thực hành để có kiến thức cùng tinh thần vững vàng. Với khóa tình nguyện viên đầu tiên, họ sẽ được những chuyên gia trong ngành cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần, giới hạn dịch vụ cùng nguyên tắc làm việc của một tổng đài viên cũng như một chuyên gia tư vấn nhằm biết cách ứng phó với trường hợp khẩn cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần.
Song song đó, họ sẽ được luyện tập kĩ năng lắng nghe và đặt câu hỏi làm sao cho khéo léo, không gây tổn thương nhưng vẫn khai thác được vấn đề. Từ đó, họ hiểu rõ cách nhận biết và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp như khi đối phương có dấu hiệu làm hại bản thân hay người khác, cũng như thời điểm nên chuyển thân chủ của mình lên các dịch vụ y tế cao hơn để tiếp nhận điều trị từ chuyên gia, bác sĩ tâm lý. Ở khóa tình nguyện viên thứ hai, một số thành viên từ khóa trước sẽ tham gia chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mà bản thân đúc kết được từ trải nghiệm thực tế.
Sau gần hai tháng tuyển chọn và đào tạo, các thành viên sẽ bắt đầu trực điện thoại cùng sự hỗ trợ từ chuyên gia cho đến khi bản thân đủ vững vàng để tiếp nhận ca trực một mình. Việc “cầm tay chỉ việc” như vậy sẽ giúp cho các bạn tránh đi những lo lắng, sai sót không đáng có trong những lần trực điện thoại đầu tiên.
“Nhớ lại thời vận hành dự án, có bạn còn run bắn lên vào lần đầu nghe thấy điện thoại, kêu vì cảm giác bản thân đang gánh theo một trách nhiệm nặng nề. Đôi khi, trước những buồn phiền, khó khăn của thân chủ, các bạn lại cảm thấy tồi tệ vì bản thân không thể làm gì khác ngoài việc lắng nghe và chia sẻ,” chị Hà Thành kể. Thế nhưng sau khi cảm nhận được sự biết ơn và luyến tiếc từ người gọi đến, các bạn tình nguyện viên nhanh chóng nhận ra những điều bản thân đang làm thật sự có ích với một ai đó. Đó cũng là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy các bạn hoàn thiện các kĩ năng của bản thân để có thể giúp nhiều người hơn.
Còn với chị Hà Thành, Đường dây nóng Ngày Mai khơi dậy nhiệt huyết dành cho công việc cũng như thế hệ đi trước.“Thời điểm mới bắt đầu vào nghề, mình cũng tham gia vào dự án của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ nạn nhân buôn người hay nạn nhân quấy rối tình dục. Sau một thời gian, mình rút về làm việc với tư cách nhà tâm lý độc lập và cũng dần ít có cơ hội làm việc với các bạn trẻ,” chị chia sẻ. Dự án này đã mang đến cho chị cơ hội tiếp xúc và học hỏi rất nhiều từ những người trẻ, cảm nhận sự tâm huyết và nhiệt thành của các bạn khi đối diện với những công việc khó khăn.
Là một dự án phi lợi nhuận, kinh phí vận hành Đường dây nóng Ngày Mai đều đến từ hoạt động gọi vốn cộng đồng. “Nhờ sự ủng hộ từ rất nhiều người mà quá trình gây quỹ diễn ra vô cùng thuận lợi, giúp dự án có một nguồn quỹ nhất định để hoạt động lâu dài”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhận xét. Chuyên gia tâm lý Hà Thành cũng bày tỏ: “Ban đầu chúng tôi chỉ lên kế hoạch hoạt động từ 6 đến 12 tháng, thế nhưng một năm đã trôi qua, các thành viên vẫn rất sung sức, kinh phí duy trì còn dư dả, phản ứng từ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, vẫn vô cùng tích cực. Vì được trao gửi nên chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển dự án hơn nữa.”
Sau khi kết thúc hai cuộc trò chuyện với bộ đôi đồng sáng lập, tôi tiếp tục hẹn Phương, một cộng tác viên đã gắn bó với Đường dây nóng Ngày Mai từ những ngày đầu tiên, để lắng nghe câu chuyện từ người trực tiếp tiếp nhận các cuộc gọi của đường dây nóng.
Phương kể, thử thách lớn nhất mà các tổng đài viên phải đối mặt là làm sao để thuyết phục thân chủ tin tưởng và kể ra những nỗi đau, muộn phiền của họ. “Mình từng tiếp nhận cuộc gọi từ một thân chủ trong suốt ba tuần liên tiếp, mỗi tuần một lần,” Phương kể. Trong hai cuộc gọi đầu tiên, dù trao đổi rất lâu nhưng đối phương vẫn không hề tiết lộ bất kì thông tin gì về vấn đề của bản thân. Cô nàng hiểu rõ, đây là cơ chế phòng vệ tự nhiên của con người khi mà thân chủ vẫn chưa thể tin tưởng Phương hoàn toàn, “vì cả hai vốn xa lạ với nhau.
Để kéo gần khoảng cách, Phương phải bình tĩnh hỏi han và kiên trì bày tỏ mong muốn được chia sẻ với đối phương. Quy tắc hàng đầu mà Phương luôn tuân theo trong quá trình làm việc là phải giữ bí mật mọi thông tin được cung cấp bởi thân chủ. Điều này đã được Phương khẳng định lại nhiều lần xuyên suốt các cuộc gọi để thân chủ hiểu, tin tưởng và cởi mở hơn.
“Liên tục như vậy, cuối cùng, đối phương cũng mở lòng,” Phương kể. “Trong nước mắt, bạn ấy đã kể một câu chuyện rất buồn, nỗi buồn đó vượt ngoài sức tưởng tượng của mình.” Vậy mà ngay sau khi kể xong, chưa kịp đợi cho Phương phản hồi, vị thân chủ đặc biệt này đã mở lời cảm ơn vì cô nàng đã giúp bạn ấy có dũng khí đối diện với khó khăn của mình, “dũng khí để mở lòng và khóc cho nỗi buồn của chính mình — điều mà bạn ấy không thể làm được suốt một quãng thời gian dài trước đó.”
Cuộc gọi thứ tư, vị thân chủ này thông báo sẽ không liên lạc nữa vì bản thân đã sẵn sàng vượt qua nỗi buồn và bước tiếp về tương lai. Lần này, Phương lại là người bật khóc, cô nàng khóc vì hạnh phúc. Phương cảm thấy bản thân thật may mắn khi có thể chứng kiến và đồng hành cùng một người xa lạ đi qua giai đoạn khó khăn nhất của họ. “Đến nay, mình vẫn chưa thể gọi tên được cảm xúc của bản thân lúc ấy. Nhưng hẳn đó là cảm xúc tương tự với hạnh phúc, vì trong phút chốc, mình biết rằng sự cố gắng của bản thân đã thực sự tạo nên một giá trị tốt đẹp.”
Tất nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi. Có những trăn trở mà Phương cũng như nhiều người bạn trực điện thoại tại Đường dây nóng Ngày Mai mãi không thể tháo gỡ. Phương kể, trong những ngày đầu tiên làm việc, cô đã nhận được một cuộc gọi đặc biệt. “Thân chủ khóc ngay khi mình vừa bắt máy. Bạn ấy khóc liên tục trong suốt 40 phút, lúc thì gào lên, khi thì nghẹn ngào, rồi im lặng, đôi lúc còn có tiếng đập phá đồ đạc.” Suốt quãng thời gian ấy, chính Phương cũng rơi vào trạng thái hoảng loạn, cô vừa không ngừng trấn an, điều chỉnh cảm xúc của chính mình vừa trấn an người thân chủ đang ở đầu dây.
Khóc xong, cuộc trò chuyện bắt đầu diễn ra. Câu chuyện được kể thật sự nặng nề đến mức Phương lúc bấy giờ cũng không biết phải xử lý thế nào cả. Sau khi trao đổi với nhau và đưa ra một số phương án giải quyết, đối phương chia sẻ rằng bản thân đã ổn và đồng ý sẽ gọi lại vào hôm sau để thông báo tình hình. “Nhưng cuối cùng, mình đã không nhận được cuộc gọi nào sau đó, hoặc [phải] chăng nó đã đến vào ca trực của người khác,” Phương tâm sự.
“Thật tiếc vì cuộc điện thoại đó lại đến vào giai đoạn đầu của dự án, khi việc lưu trữ thông tin chưa hoàn thiện. Nên dù rất lo lắng nhưng mình vẫn chưa tìm được cách liên lạc lại với bạn đó,” cô nàng bày tỏ. Sau này, để tránh các trường hợp tương tự như cuộc gọi mà Phương tiếp nhận, Đường dây nóng Ngày Mai đã rút kinh nghiệm và cho phép tình nguyện viên có thể chủ động gọi lại cho thân chủ để hỏi thăm nếu cảm thấy quá lo lắng.
Dù vui hay buồn, tất cả trải nghiệm mà Phương có được sau một năm đồng hành và gắn bó với Đường dây nóng Ngày Mai đều vô cùng quý giá. “Từ những ngày đầu tiên biết đến dự án cho đến nay, Đường dây nóng Ngày Mai vẫn luôn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của Phương. Phương cảm thấy biết ơn khi bản thân được nghe vô số câu chuyện ý nghĩa, được tin tưởng, chia sẻ những điều vô cùng riêng tư, thậm chí có những bí mật mà họ còn không kể cho người thân và bạn bè biết. Cảm giác ấy rất thiêng liêng!”
Bài học vô giá về niềm tin
Dù đảm nhiệm các cương vị khác nhau trong dự án nhưng Phương, anh Đặng Hoàng Giang hay chị Hà Thành đều đồng tình rằng, Đường dây nóng Ngày Mai mang lại cho họ rất nhiều bài học về niềm tin. Với anh Đặng Hoàng Giang và chị Hà Thành, chương trình đã chứng minh được "sức bật của người trẻ" — rằng họ có khả năng đứng dậy và vươn xa nếu được giúp đỡ đúng thời điểm.
Đối với các thành viên của Đường dây nóng Ngày Mai, lời hẹn về một cuộc gọi kế tiếp không chỉ là sợi dây kết nối, níu giữ mối liên hệ với thân chủ. Đó còn là hi vọng về một ngày mai tốt đẹp rồi sẽ đến sau khi gánh nặng, buồn thương được sẻ chia.“Với vai trò tổng đài viên của dự án, mình như trở thành một người bạn xa lạ đáng tin cậy để cùng thân chủ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Và khi vấn đề của đối phương được giải quyết, mình lại được tiếp thêm niềm tin rằng cuộc sống sẽ tươi sáng hơn khi ta biết yêu thương, thông cảm cho nhau,” Phương nói.
Ở Đường dây nóng Ngày Mai, Phương không chỉ được chỉ dạy về kiến thức tâm lý học, kĩ năng chăm sóc bản thân cũng như cách làm việc chuyên nghiệp, cô nàng còn được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm của những người đã gọi điện đến. “Rất nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi bản thân không vượt qua được vấn đề của chính mình, nhưng Phương biết, để có đủ dũng cảm gọi đến Đường dây nóng Ngày Mai và chia sẻ câu chuyện của mình với một người lạ là điều không phải ai cũng có thể làm được.” Những người bạn ấy đã dạy cho Phương một bài học ý nghĩa: "Khi chúng ta có thể can đảm đối mặt khó khăn của chính mình, bằng cách này hay cách khác, mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết."