Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Tại chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín, nơi bể cá chất chứa cả chuyện đời người

Chỉ dài xấp xỉ 500m, nhưng đường Lưu Xuân Tín tại khu vực Chợ Lớn, Quận 5 là nơi tập trung của hàng chục hộ kinh doanh cá cảnh. Con đường màu sắc này là nơi mà không ít người Sài Gòn nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến các hoạt động mua, bán và sưu tầm cá.

Chỉ sở hữu vài cửa hàng nhỏ lẻ vào những ngày đầu hoạt động, đường Lưu Xuân Tín đã trở thành một trong những chợ cá cảnh nức tiếng nhất Sài Thành.

Phục vụ người chơi cá cảnh hơn 40 năm, Lưu Xuân Tín được xem là một trong những khu chợ cá cảnh lâu đời nhất thành phố.

Lối vào chợ. Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Danh tiếng của khu chợ đã vượt xa chất năng giao thương ban đầu. Khu phố giờ đây còn là một điểm dừng chân nổi tiếng với du khách khi ghé thăm Quận 5. Người đam mê cá cảnh ở Sài Gòn, và người kinh doanh cá cảnh từ các tỉnh thành trên khắp Việt Nam, cũng đến đây để tìm mua các loại động thực vật thủy sinh và dụng cụ nuôi cá.

"Hồi cô mới tới cái đường này, nó không có bao nhiêu tiệm hết, sau này mới có thêm [tiệm mở cửa]. Mấy người bán cá họ cứ lần lượt chuyển tới đây sống, người ta biến con đường thành cái chợ luôn," cô Đặng Thị Thủy, làm nghề bán nước giải khát, kể với tôi. Cô mở quầy ở đường Lưu Xuân Tín từ năm 1992.

Cô Thủy bán nước giải khát ở một quầy trong chợ. Ảnh: Trần Duy Minh.

Các tiểu thương trong chợ thường đến quầy của cô Thủy để giao kèo mua bán. Cô tự hào chia sẻ: "Cái quầy của cô là chỗ người ta tới để làm ăn đó."

Tiểu thương mời chào và bán cá cho khách hàng bên lề đường. Ảnh: Trần Duy Minh.

Tiểu thương không có mặt bằng chính thống có thể giao dịch ngay trên mặt đường. Cô Phạm Kiều Oanh cho biết: “Cô không có cửa hàng nhưng vẫn bán sỉ được. Cô bán tới giờ là gần 30 năm rồi."

Bể cá cần phải được vệ sinh, bảo dưỡng liên tục.  Ảnh: Trần Duy Minh.

Lúc mới kinh doanh ở chợ, cô Oanh chủ yếu bán các loại cá mồi, tức giống cá nhỏ làm thức ăn cho cá lớn. Khi đã gầy dựng được nhiều "mối làm ăn" hơn, cô mới mở rộng sang bán sỉ các loại cá cảnh khác.

Ngoài các loài động thực vật thủy sinh, các cửa hàng trong chợ còn bán nhiều mô hình màu sắc để người chơi trang trí bể cá. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Chợ không có giờ hoạt động chính thức, nhưng đa phần các cửa hàng mở cửa từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tiểu thương, khách hàng và người chơi đến giao dịch phải thức dậy thật sớm để bắt nhịp với phiên chợ đầu tiên.

Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

“Ngày nào cô cũng ra đây bán từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối. Cô ăn sáng, uống cà phê, rồi ra gặp khách hàng với nhân viên để đi đơn,” cô Oanh nói.

Lưới vớt cá. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Trước khi đi buôn, cô Oanh từng có thời gian làm công việc thêu quần áo. Về sau, anh trai cô mới giới thiệu cho cô nghề bán cá cảnh. Từ đó, cả cô và chồng đều theo nghề bán cá, phần lớn thu nhập của gia đình cô chú cũng đến từ đây.

Các loại thực vật thủy sinh. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

"Kinh doanh cái này cô không có giàu đâu, nhưng mà vẫn có đồng vào đồng ra, cô vẫn nuôi được gia đình. Năm nay cô 57 tuổi. Người ta không muốn thuê cô nữa vì cô già rồi, nên cái nghề buôn bán này nó lại hợp với cô,” cô  Oanh nói.

Các giống cá cảnh đa dạng và đặc sắc được trưng bày tại đây. Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Cô Oanh còn điều hành một trang trại cá cảnh tại nhà ở quận 8. Khi không đi bán và soạn hàng ở chợ, cô về nhà chăm sóc và theo dõi đàn cá ở trại.

Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

"Cô chăm tụi cá mỗi ngày như thể nó là con cô vậy đó. Mà cô theo cái nghề này lâu lắm rồi, cô mê lắm. Cô không muốn chuyển sang công việc khác," cô Oanh nói.

Cá vàng được bỏ trong bao nhựa cột sẵn. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Chợ cá cảnh của đường Lưu Xuân Tín hình thành hoàn toàn do tự phát, nhưng cũng đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân trong khu vực, dù họ có trực tiếp tham gia buôn bán cá cảnh hay không.

“Cô mở quầy ở đây hồi cô mới 28 tuổi, đến giờ là cô đã 60 tuổi rồi. Nhiều khách quen, khách thường người ta tới cô để mua nước lắm. Nhờ vậy mà cuộc sống của cô nó khấm khá, ổn định đó," cô Thủy nói.

Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên và Đỗ Anh Chương.

Ngay cả khi cô Thủy không ra quầy, khách quen của cô vẫn biết tự phục vụ và thanh toán khi gặp lại cô. "Cô không bao giờ phải lo cái quầy hết, nhiều khi cô để đó nó tự bán luôn," cô cười nói.

Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Vì bán nước ở chợ đã lâu, nên cô Thủy đã bỏ túi không ít kiến thức về nghề buôn bán cá cảnh. Khi có tiểu thương mới đến chợ lập nghiệp, cô luôn sẵn lòng giúp đỡ họ bằng những gì mình biết.

Cây thủy sinh được trồng trong bể cá. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

"Cô hay chỉ cho mấy người mới tới mua cá ở đâu thì được nhiều với rẻ," cô Thủy bật mí. "Cô thích cái đường này lắm tại ai cũng tốt bụng hết. Người ta quý mến, giúp đỡ lẫn nhau, dù là người bán hay người mua, giàu hay nghèo."

Tiểu cảnh cho cá. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Gắn bó lâu năm với khu chợ, nhiều tiểu thương ở đường Lưu Xuân Tín xem nơi này không chỉ là một điểm buôn bán và kiếm kế sinh nhai.

Một cậu bé theo chân cha mình mua cá trong một phiên chợ sớm. Ảnh: Trần Duy Minh.

"Cái chợ này giống như gia đình thứ hai của cô, còn mọi người ở đây giống như người nhà của cô. Được nói chuyện với mọi người cô thấy vui với dễ chịu lắm. Lúc ở chợ là lúc cô thấy hạnh phúc nhất trong ngày," cô Oanh chia sẻ.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

in Đời Sống

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Đời Sống

Thế giới sinh động dưới gầm cầu, 'nơi chốn thứ ba' ẩn dấu trong lòng Sài Gòn

Nơi chốn thứ ba (danh từ): Một địa điểm ngoài không gian sống và làm việc, nơi mọi người giao lưu và tương tác xã hội.

in Đời Sống

Thế lưỡng nan của Nghĩa trang Quy Nhơn cũ

​Nghĩa trang Quy Nhơn cũ nằm khuất mình ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Tây Sơn. Càng đến gần, khung cảnh nghiêm trang ấy càng mở rộng và dần chiếm trọn cả tầm mắt.