Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Forever Wheelchair, chiếc xe lăn cho chó mèo khuyết tật Việt Nam nguồn sống mới

Chạy nhảy, vui chơi luôn là những hoạt động cần thiết để chó, mèo có đời sống tinh thần và thể chất lành mạnh. Song do không may mắn bị tai nạn hoặc bị bạo hành, nhiều bé đã gặp chấn thương dẫn đến khuyết tật và mất đi khả năng vận động độc lập.

Forever Wheelchair (FW — tọa lạc tại quận 9, TP. HCM) một tổ chức thiện nguyện chế tác xe lăn cho động vật, đã ra đời nhằm trao lại cho các bé cơ hội để được sống trọn vẹn.

Anh Oscar, người Colombia, nhà sáng lập Forever Wheelchair.

Forever Wheelchair được vận hành bởi vợ chồng anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla và chị Trần Anh Thư — hiện đang là phụ huynh của một đại gia đình “đông con” gồm các bé chó, mèo, và…. khỉ được cứu hộ. 

Là một người yêu động vật từ bé, anh Oscar từng giải cứu và xây dựng nhiều mái ấm cho chó mèo cơ nhỡ ở quê nhà Colombia. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập FW chỉ nảy đến khi anh lập nghiệp ở Việt Nam và nhận nuôi Motor, một chú chó pug mũm mĩm nhưng bị tật hai chân sau. Vì không hài lòng với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, anh bắt đầu tự mày mò và thiết kế mẫu xe lăn đầu tiên để giúp Motor, cùng những em cún, mèo khiếm khuyết khác được tự mình tung tăng khám phá thế giới.

Một bé mèo bị tật chân.

Bé Lì bị liệt hai chân sau, một chân trước gãy nặng làm cho xương liền với phần thịt. Bên phải Lì là Motor. Đây là một số trong những bé chó mèo đang điều trị và sinh sống tại nhà chung của Forever Wheelchair.

Kể về quá trình chế tác ra một chiếc xe lăn, anh Oscar cho biết công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất chính là đo đạc. Khi khách hàng không thể mang thú cưng trực tiếp đến xưởng ở Bình Chánh, anh sẽ phải hướng dẫn họ cặn kẽ cách lấy “số đo các vòng” từ xa, vì “thông số phải chính xác thì mới có thể tạo ra chiếc xe lăn phù hợp được,” anh Oscar cho hay.

Đến với công đoạn thứ hai, anh Oscar và đội ngũ sẽ tiến hành lựa chọn kích cỡ khung xe phù hợp dựa trên thông tin nhận được. Các khung xe được chế tác tại Forever Wheelchair rất đa dạng về kích thước, trải dài từ XS (bé nhất) đến XXXL (kích cỡ lớn nhất). Sau khi đã chọn được kích cỡ khung xe phù hợp, đội ngũ sẽ thu thập các loại lò xo, ốc vít, và miếng nhựa phù hợp để bắt đầu quá trình lắp ráp.

Quá trình lắp đạt khung xe lăn.

Việc tự chế xe lăn cho thú nuôi thật sự không hiếm, nhưng nhiều người sử dụng dây điện, dây thừng để buộc cố định chó mèo vào xe. Việc này vô tình làm dồn áp lực vào vùng dưới bụng, gây khó chịu tổn thương hơn cho các bé khi mang.

Cơ thế khắc phục của FW là sử dụng lò xo giữa các khớp nối trên xe, một thay đổi đơn giản nhưng đem lại hiệu quả đáng kể giúp các “tay đua” bốn chân có thể chạy nhảy, thăng bằng trên mọi địa hình.

Anh Oscar cho biết chính bộ khung kim loại chất lượng cao đã khiến nhiều khách hàng ngoài nước lựa chọn sản phẩm của anh, dù chi phí vận chuyển cao tương đương chi phí sản xuất.

Thiết kế của xe lăn cũng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của các bé chó mèo. Với các bé còn nhỏ và nhiều năng lượng, trục bánh xe sẽ được thiết kế hướng ra sau nhiều hơn để tạo nên lực trụ giúp các bé có thể nằm xuống và đứng dậy dễ dàng. Ngược lại, với các bé đã lớn tuổi, trục bánh xe sẽ hướng về trước và ngang với phần hông để giảm tải trọng trên vai các bé.

Bề mặt vải của những miếng đệm này chứa các lỗ tí hon được Oscar đặt may riêng, giúp thoát khí và ngăn ngừa những bệnh về da cho các bé.

Các đầu đinh ốc được bo tròn một để giúp giảm ma sát và không gây xước da nếu có va chạm.

Tưởng lại những lần “trật bánh xe” trên con đường khởi nghiệp, anh Oscar và chị Thư không thể quên những khi cả nhà phải khăn gói “dời đô” do bị phàn nàn về “đội hợp xướng.”

“Các bé rất phấn khích khi thấy sự hiện diện của người, chỉ cần một bé sủa, là các bé khác sẽ ‘hòa thanh’ theo. Việc chuyển chỗ ở ít nhiều cũng gây khó khăn với các bé khi phải thích nghi với một môi trường sống hoàn toàn mới.” Cặp đôi đang lấy đây làm quyết tâm để xây một "khu bảo tồn" cho đại gia đình, nơi các bé động vật khuyết tật sẽ có sân chơi rộng hơn để phục hồi sau chấn thương và làm quen với “đôi chân” mới. Việt Nam cũng thiếu các cơ sở nghiên cứu và chăm sóc động vật khuyết tật, nên Oscar chỉ có thể “ném đá dò đường” — tự tìm hiểu giải phẫu cơ thể động vật, tự học thiết kế, in ấn 3D nhằm cải thiện hình dáng và công năng của sản phẩm.

Bên trái: Anh Oscar thiết kế các bộ phận bằng phần mềm 3D. Bên phải: Khớp nối xe lăn được in bằng máy in 3D.

Và dù chuyên sâu hơn về chế tạo xe lăn cho chó mèo, Forever Wheelchair còn giúp đỡ nhiều trường hợp khác như các bé chim, khỉ bị khuyết tật; thậm chí còn nhận được yêu cầu lên Đà Lạt để chế tạo chân giả cho vài bé lạc đà. “Chúng mình đang trong quá trình nghiên cứu để tạo ra xe lăn và chân giả cho nhiều động vật có kích cỡ lớn hơn [...] nhưng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian.”

Chưa có "khu bảo tồn" riêng nên những hoạt động trị liệu như đi bộ vẫn đang diễn ra trong khuôn viên chung của khu dân cư. 

Giờ đây, bạn đọc có thể bắt gặp áp phích khuyên dùng xe lăn Forever Wheelchair như một sản phẩm y tế tại các chuỗi thú y trên khắp Việt Nam. "Nhiều khách hàng ngoài nước cũng lựa chọn sản phẩm của Forever Wheelchair vì chúng mình chung sống với các bé với nhiều dị tật khác nhau, có thể thiết kế xe lăn tinh chỉnh cho mọi trường hợp.”

Đây là dấu mốc khá ấn tượng cho một tổ chức "cây nhà lá vườn" như FW, vì giai đoạn mới thành lập, gần như chẳng ai biết đến cái tên này. Hai vợ chồng thậm chí có thời gian phải dồn hết tiền túi để có thể "lăn bánh" tiếp cùng các bé. "Lúc đó chúng mình không ngờ rằng có một ngày, tất cả những gì chúng mình cho đi suốt 3 năm qua rồi sẽ được cộng đồng gửi gắm lại,” anh Oscar hạnh phúc chia sẻ.

Nguồn lợi nhuận từ việc bán xe lăn được cặp đôi xoay vòng để giúp đỡ những trường hợp kém may mắn khác. Thông qua chương trình thiện nguyện của FW, 10% doanh thu từ mỗi chiếc xe đều được đóng góp cho những mái ấm liên kết như Hanoi Pet Adoption, Sân Nhà Nhiều Chó, v.v đang nhận nuôi các bé chó mèo bị khuyết tật. Một số tiền dù không lớn, nhưng cũng đủ để lấp đầy bữa ăn hàng ngày của các bé. Những chủ nhân không có khả năng chi trả cũng sẽ được FW hỗ trợ gây quỹ qua kênh mạng xã hội.

Nhờ những chiếc xe lăn của Forever Wheelchair, các bé chó mèo khuyết tật giờ đây có thể thoải mái và tự tin di chuyển, từ đó trở nên dễ “hợp tác” hơn trong quá trình tập trị liệu sau này. Đối với anh Oscar và chị Thư, được nhìn thấy những chiếc đuôi ngoe nguẩy của các bé khi tự do chạy nhảy trên chiếc xe lăn luôn là phần thưởng lớn nhất của cặp đôi vào cuối ngày.

“Chúng mình chỉ mong một điều đơn giản, là xin mọi người hãy đóng góp mà không chỉ trích, đóng góp với lòng nhiệt thành thực sự của mình. Xin hãy thấu hiểu hơn với những khó khăn của các tổ chức cứu trợ chó mèo, họ chính là những người hùng thầm lặng của cộng đồng,” bộ đôi chia sẻ.

Anh Oscar và chị Thư. 

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Thức ăn hiếm, giải cứu khó: Những nỗi lo của các trạm cứu trợ chó mèo mùa giãn cách

Từ trước đại dịch COVID-19, các nhóm cứu hộ chó mèo đã phải đối mặt với những mối lo thường trực từ vấn đề chi phí, nguồn lực, thời gian cũng như làm sao để đảm bảo sức khỏe cho các động vật được cưu ...

in Đời Sống

Sau vụ đánh bả ở chung cư Đồng Khởi, tương lai nào cho những bé mèo được cứu?

Gần 10 tháng trước, cuộc sống của tôi đảo lộn vì hộ khẩu nhà có thêm thành viên bốn chân.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Đời Sống

Viết cho những bình nước '0 đồng' giữa lòng thành phố

Những năm gần đây, tôi nghe nhiều tin tức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống của người dân Việt Nam.

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.