Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Mekong Plus mang ‘màu áo mới’ tới vùng quê còn khó khăn của miền Tây [phần 2]

Vào buổi sáng thứ hai của chuyến đi, màn sương mềm giăng khắp những cánh đồng xanh tươi như hơi thở của đất trời phả vào trong không khí. Sống ở Sài Gòn, người ta dễ quên mất rằng bình minh có thể thanh bình đến nhường này.

 

 

Saigoneer đã được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp ấy trên hành trình từ huyện Long Mỹ đến chợ nổi Ngã Năm vào hồi đầu năm nay. So với chợ nổi ở Cần Thơ, lượng du khách đến thăm chợ nổi Ngã Năm ít hơn hẳn. Thay vào đó, khu vực này đóng vai trò là một điểm giao thương sầm uất, luôn tấp nập nông dân và tiểu thương mua bán trái cây, rau củ, thịt cá, v.v. sau đó chở hàng đi theo các nhánh sông đến phân phối tại các chợ nhỏ địa phương.

Đúng như tên gọi, chợ nổi này là giao điểm của năm nhánh sông đi năm ngả, mỗi ngày đón một lượng lớn thuyền bè chở đầy nông sản địa phương như xoài, chuối, thơm, khoai tây, su hào, trứng, gia cầm, v.v. ngược xuôi trên con nước theo các hướng khác nhau. Trên sông là những chiếc ghe máy được vẽ thêm đôi mắt sặc sỡ chầm chậm rẽ sóng trong tiếng động cơ kêu xình xịch, điệu nghệ lách qua các ghe bán hủ tiếu, bánh canh nóng hổi; trên bờ, các tiểu thương đang bận rộn với việc bốc xếp hàng hóa lên xuống thuyền.

Trong lúc nhiếp ảnh gia trong đoàn chúng tôi ghi lại khung cảnh giao thương nhộn nhịp này, ông Bernard Kervyn, đồng sáng lập của Mekong Plus, chia sẻ thêm về công tác phát triển nông thôn của tổ chức mà chúng tôi đã được chứng kiến ít nhiều vào buổi chiều hôm trước. Bernard giải thích rằng nhiều người dân địa phương đã từng thử sức với các dự án làm ăn nhỏ lẻ nhưng đều gặp thất bại nặng nề khiến họ lâm vào cảnh khó khăn. Từ đó, họ rất sợ sẽ phải khốn đốn lần nữa. Thế nhưng, Mekong Plus đã tạo dựng được lòng tin với bà con Long Mỹ nhờ có nhiều thành viên là người địa phương và hiểu rõ về đời sống cũng như khó khăn của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, bà con cũng an tâm hơn khi biết tổ chức đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hỗ trợ các hộ nghèo phát triển mô hình kinh tế nhỏ lẻ.

Dù đã được nghe Bernard kể về sự sáng tạo của những gia đình hợp tác cùng Mekong Plus, nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước các ý tưởng làm kinh tế đa dạng và thú vị. Đoàn chúng tôi quay trở về Long Mỹ trên những chiếc xe đạp làm từ thân tre. Quãng đường dài khoảng 9km, đi qua trung tâm thị trấn để đến nhà chị Lâm Thị Mỹ Linh. 

Nhờ nuôi một đàn heo nái mà tài chính của gia đình chị Linh tốt hơn hầu hết những hộ mà chúng tôi có dịp ghé thăm trong chuyến đi này. Giá thị trường của thịt heo vốn biến động, tiền vốn mua heo con lại cao, nếu không nhân giống được thì người chủ có thể phải chịu lỗ khi chỉ bán được heo cho lò mổ. Dù chi phí nuôi heo nái trưởng thành cũng khá tốn kém, nhưng chúng có thể đảm bảo được nguồn lợi nhuận lâu dài.

Cũng từ việc nuôi heo, chị Linh đã tích hợp thêm một công nghệ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao: hệ thống khí sinh học (biogas). Phân và nước thải từ chuồng heo đi qua ống dẫn khí sinh học sau vài tuần sẽ được chuyển đổi thành khí metan và sử dụng cho đun nấu trong nhà. Gia đình chị Linh là một trong hơn 1.000 hộ dân trong khu vực được Mekong Plus hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn lắp đặt hệ thống khí sinh học. Ngoài ra, chị Linh cũng sử dụng khí sinh học để nấu rượu gạo, đây cũng là một nguồn thu nhập đáng kể khác cho gia đình chị.

Hộ thứ hai mà chúng tôi đến thăm trong ngày hôm đó chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho mô hình kinh tế nông thôn nhỏ lẻ mà đa dạng. Chúng tôi được chủ hộ là chị Nguyễn Thị Trúc Mai dẫn đi xem ụ rơm trước nhà nơi chị trồng nấm để bán lên Sài Gòn. Sau đó, chị Mai đưa chúng tôi ra sân sau để xem đàn vịt chị nuôi với số lượng lên đến hàng trăm con. Khi đang đi ngang qua một bể cá nhỏ, chúng tôi thót tim khi nhìn dưới chân phát hiện ra một con trăn đang nằm cuộn tròn trong chiếc lồng bên lối đi. Con trăn khá lớn, thân chắc nịch với đôi mắt ánh lên bản năng hoang dại. Chị Mai liền giải thích rằng chị mới tìm thấy con trăn này gần đây và dự định nuôi thêm vài năm để bán được giá vài triệu đồng.

Số tiền kiếm được từ việc trồng nấm, nuôi vịt, cá và trăn sẽ được chị Mai trích ra để tiếp tục đầu tư vào các công việc khác. Mekong Plus giải thích rằng việc đa dạng hóa thu nhập giúp các hộ đảm bảo được tình trạng tài chính ổn định trước những biến động thị trường. Ngoài việc cung cấp vốn ban đầu và liên tục đầu tư bổ sung, tổ chức cũng thường xuyên đến thăm các gia đình để đưa lời khuyên và theo dõi tiến độ của mỗi dự án. Mekong Plus cũng hỗ trợ người mới tham gia kết nối với những hộ giàu kinh nghiệm để tham khảo và học hỏi những thông tin bổ ích.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là một hộ dân với mô hình kinh doanh có tiềm năng sinh lời rất cao trong tương lai gần. Đó là gia đình chị Lê Trung Đảo, một người nội trợ có con nhỏ trong tuổi nằm nôi. Chồng chị là thợ làm công theo ngày. Thế nhưng, việc làm nội trợ không ngăn cản chị đóng góp vào thu nhập của gia đình. Mới đây, Mekong Plus đã hỗ trợ vốn để chị mua 2.000 con lươn con nuôi tại nhà.

Chị Đảo nhấc tấm che trên mặt ao lên cho chúng tôi nhìn thấy hàng ngàn con lươn đen bóng ngúng nguẩy như những vết mực vẩy đang đan vào nhau chằng chịt. Nếu được thay nước và cho ăn đều đặn, trong vài năm tới, số lươn này có thể mang về cho gia đình chị Đảo một khoản lợi nhuận đáng kể. Mekong Plus đang theo dõi sát sao tiến độ của mô hình này. Nếu có kết quả khả quan, mô hình sẽ được nhân rộng tại các hộ khác trong vùng. Bên cạnh việc trồng rau và chăn nuôi cá, ba ba, ếch, gia cầm, heo, v.v., nuôi lươn cũng là một phương án tốt giúp cải thiện đời sống của các hộ dân huyện Long Mỹ.

Mặt trời bắt đầu đứng bóng, đoàn chúng tôi đạp xe qua chặng đường 13km để quay lại Long Mỹ dùng bữa trưa rồi chuẩn bị lên xe về Sài Gòn. Con đường chúng tôi đi băng qua những khu vườn xanh mướt, những cánh đồng lúa trải đều tăm tắp; trên nền khung cảnh chiều êm ru thi thoảng vẳng lên đâu đó tiếng kêu của vật nuôi. Cảnh vật tươi đẹp hiện lên trước mắt càng trở nên đáng trân trọng hơn sau khi chúng tôi được chứng kiến cách người dân địa phương nương nhờ vào mẹ thiên nhiên để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và thế hệ mai sau.

Chuyến đi kéo dài hai ngày với hơn 50km đạp xe ròng rã khiến người chúng tôi mệt nhoài nhưng tinh thần lại như được tiếp thêm năng lượng. Dù từng phải đối mặt với nhiều biến cố trong cuộc sống và khó khăn tài chính cùng cực, người dân địa phương vẫn kiên trì hướng về phía trước. Bà con hồ hởi mời chúng tôi tham quan công việc mà mọi người đang nỗ lực thực hiện với sự giúp đỡ của Mekong Plus và tươi cười kể về những thành quả mình gặt hái được trong thời gian qua.

Nếu bạn đọc có dịp tới Long Mỹ, Saigoneer tin rằng tham gia hành trình tour do Mekong Plus tổ chức mà chúng tôi đã có dịp trải nghiệm, chắc chắn sẽ để lại kỷ niệm đáng nhớ đối với bất kỳ độc giả nào — dù là để tìm hiểu thêm về đời sống kinh tế nông thôn; gặp gỡ những người dân địa phương thân thiện, cởi mở; tận mắt chứng kiến cách thức hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận; hay đơn giản là để tận hưởng bầu không gian yên bình và rèn luyện cơ thể bằng vài chuyến đạp xe trên những con đường ngập tràn bóng mát.