Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » “Chuyện Lẩu Cua”: Truyện tranh ngụ ngôn về môi trường công sở

“Chuyện Lẩu Cua”: Truyện tranh ngụ ngôn về môi trường công sở

Cua Trừng Phạt “kéo Cua Tôi-Trước-Đã xuống đáy nồi rồi ị lên mai của chú để làm chú bẽ mặt.” Ai ngờ rằng một quyển sách bàn về cách cải thiện tư duy trong môi trường làm việc sẽ có những chi tiết như thế này? Ấy thế mà đây lại là một nút thắt quan trọng trong “Chuyện Lẩu Cua.”

Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nội dung thu hút độc giả ngay từ những trang đầu tiên khi miêu tả cảnh một bầy cua trên bãi biển bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng dành cho những người đã-đi-làm.

Câu chuyện mở đầu với cảnh bầy cua đang loay hoay tìm cách thoát khỏi cảnh hiểm nghèo. Trong đó có Cua Vấn Đề, Cua Hành Động, Cua Đơn Độc, Cua Quy Phạm, và Cua Giao Thiệp. Không may, họ liên tục thất bại theo những cách hài hước. Ví dụ, Cua Chuẩn Bị dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu nhiều cách “vượt ngục” nhưng không đưa ra được kế hoạch cụ thể nào; Cua Giải Pháp làm cái thang bằng búp măng và bạt lò xa bằng nấm nhưng chưa thoát đã hỏng; Cua Thuật Ngữ khiến mọi người rối trí bằng những câu nói có-vẻ-là-cao-siêu như "Cua cao cả, bì bõm bơi, lưng đội cát, đất trao quyền." Bế tắc, cua này đổ lỗi cho cua kia đến khi ẩu đả xảy ra. Căng thẳng trong bầy cua cũng gần đạt điểm sôi như nước trong nồi, và có lẽ cả bầy sẽ phải chịu cảnh “chết chùm” trong nồi lẩu.

Trong cơn hỗn mang, bầy cua bắt đầu xem xét lại vai trò của mỗi cá nhân trong tập thể và ý nghĩa cái tên được tác giả đặt cho. Từ đó, cả nhóm bắt đầu thay đổi và cùng nhau tìm ra giải pháp. Khi Cua Không-đủ-tốt biến thành Cua Kết Quả, cô đã giúp đồng nghiệp của mình hiểu ra rằng: “Tương lai của chúng ta bắt đầu từ cam kết chung của chúng ta trong việc thoát khỏi chiếc nồi, tận hưởng cuộc sống thực thụ của một đàn cua trên bãi biển. Cuộc sống đó quan trọng hơn việc chứng minh là mình đúng.”

Nhờ Cua Kết Quả thay đổi suy nghĩ của bản thân, Cua Kẹt-trong-quá-khứ cũng có động lực trở thành Cua Tương Lai, Cua Sai Lầm trở thành Cua Ghi Nhận, Cua Vấn Đề trở thành Cua Đột Phá,... Họ ngưng mổ xẻ những khác biệt nhỏ nhặt giữa các thành viên và hoá giải những quan điểm tiêu cực kiềm hãm năng suất công việc. Cả nhóm giờ đã có thể cùng nhìn về một phía: bên ngoài nồi lẩu. Nhờ đó, bầy cua đã thoát khỏi số phận bị đánh chén. Và phải đến trang cuối cùng, độc giả mới hay bầy cua đã làm điều đó thế nào.

“Chuyện Lẩu Cua” ghi dấu ấn trong lòng đọc giả nhờ tạo hình nhân hóa của bầy cua qua nét vẽ dí dỏm của Châu Phạm (họa sĩ thuộc nhóm Vườn Illustration nổi tiếng). Không khó để độc giả nhìn thấy bản thân và đồng nghiệp trong bầy cua này. Ai đọc truyện cũng sẽ bất giác liên hệ đến chốn công sở, các mối quan hệ và vai trò của bản thân trong một bộ máy. Dù mang lại tiếng cười cho độc giả, việc khám phá muôn hình vạn trạng những tình huống trong môi trường công sở mới là mục đích chính của cuốn truyện tranh này.

Dịch giả: Nam Phương. 

Tác giả “Chuyện Lẩu Cua” là anh Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital, một công ty cổ phần tư nhân tập trung vào thị trường Việt Nam. Các khoản đầu tư của Mekong Capital bao gồm nhiều công ty quen thuộc với độc giả Saigoneer như Pizza4Ps, Marou Chocolate, Pharmacity và Thế Giới Di Động, cùng nhiều thương hiệu khác. Hiện tại, Mekong Capital là một doanh nghiệp thành công, nhưng việc kinh doanh cũng từng trải qua nhiều thăng trầm. Vào năm 2007, lợi nhuận đầu tư của công ty không mấy khả quan dù đã đi vào hoạt động 6 năm. Chris tự nghi ngờ năng lực lãnh đạo của mình trong vai trò Giám đốc Điều hành và từng nghĩ đến việc từ chức.

May thay, trước khi quyết định nghỉ việc, Chris đã tham dự một chương trình chuyển hóa ở Singapore. Nhờ đó, anh thay đổi hoàn toàn tư duy quản lý của mình. Anh nhận ra rằng Mekong Captial cần phải thay đổi hoàn toàn về tầm nhìn và văn hoá của doanh nghiệp. Thay vì để những thất bại trong quá khứ níu chân, Mekong Capital chuyển sự tập trung vào tương lai và những kết quả cam kết. Nối tiếp thành công đó, họ đã áp dụng các chương trình chuyển hóa vào các công ty trong danh mục đầu tư.

Cuối năm 2007, Mekong Capital đã chuyển hóa từ mô hình quản trị tri thức truyền thống sang một phương pháp tiếp cận mang tính bản thể. Cách tiếp cận này khám phá quan điểm của mỗi nhân viên về vai trò, nhiệm vụ và cách thức xử lý tình huống của họ. Mô hình Đầu tư theo Định hướng Tầm nhìn này cũng đã giúp nhiều công ty chuyển mình thành công với những bức phá trên thương trường.

Chris Freund (bên trái) và nhân viên Mekong Capital (bên phải.)

Không lâu sau khi thay đổi cách tiếp cận, Mekong Capital đã hợp tác với một huấn luyện viên chuyên về phương pháp kể chuyện xây dựng một khoá học cho đội ngũ mình. Họ tập sáng tác câu chuyện theo kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân rồi chia sẻ với nhau. Các câu chuyện thường có khúc cao trào trong đó nhân vật chính phải trải qua thay đổi hoặc bộc lộ sự thay đổi. Motif này khuyến khích nhân viên chia sẻ thành công trong công việc và truyền cảm hứng cho nhau.

Phương pháp kể chuyện này đã giúp Chris viết nên “Chuyện Lẩu Cua.” Ban đầu, anh chỉ viết để chia sẻ trong nội bộ và có thể là một vài công ty trong danh mục đầu tư. Nhưng vị huấn luyện viên đã khuyến khích anh xuất bản câu chuyện thành sách để lan toả đến cả cộng đồng. Alpha Books, nhà xuất bản Hà Nội với nhiều đầu sách về kinh doanh và self-help cho người Việt Nam, ngay lập tức bày tỏ sự thích thú với dự án này. Tiếp đó, các khâu vẽ minh họa và chuyển ngữ lần lượt được giao cho Châu Phạm từ Vườn Illustration và Nam Phương. Sách hiện đã có mặt tại các trang thương mại điện tử và hiệu sách trên toàn quốc.

Việc chuyển hoá không gian làm việc hoặc phương pháp kinh doanh không diễn ra trong một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình thường bắt đầu khi người lãnh đạo có được nguồn cảm hứng hoặc hiểu ra những thầm hiểu trong doanh nghiệp. “Chuyện Lẩu Cua” khéo léo giới thiệu cách đổi mới tư duy ở môi trường công sở thông qua nội dung dễ tiếp cận và mang tính giải trí. Với định dạng dễ đọc và vui nhộn, quyển sách phù hợp với nhiều nhu cầu của người mua: làm quà tặng cho đối tác kinh doanh hay đặt lên tủ sách công ty. Bản thân người mua cũng tìm được một góc nhìn mới hữu ích. Và tất nhiên, sách cũng rất đáng thưởng thức với bất cứ ai chỉ đơn giản muốn biết bầy cua thoát khỏi nồi lẩu như thế nào!

 

Mua sách "Chuyện Lẩu Cua" trực tuyến tại:

Amazon: bản e-book tiếng Anh

Tiki: bản tiếng Việt và bản tiếng Anh