“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.
Dù vắng bóng trong chương trình văn học nhà trường, Hồ Biểu Chánh (1884–1958) lại được đông đảo người Việt biết đến như cây đại thụ của văn đàn miền Nam Việt Nam suốt nửa đầu thế kỷ XX. Trong khi văn học miền Nam cuối thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng của Hán văn và thơ Nôm, thì Hồ Biểu Chánh là một trong những ngòi bút tiên phong ở Nam Kỳ viết thể loại tiểu thuyết bằng Quốc ngữ với chủ đề tâm lý xã hội lấy bối cảnh đời sống nông thôn và đô thị.
Các chủ đề của ông xoay quanh những biến chuyển trong đời sống xã hội, tập trung vào một khía cạnh nổi bật: thế giới hôn nhân và gia đình. Chủ đề này dường như vẫn là nỗi trăn trở và bận tâm lớn của nhiều gia đình người Việt ngày nay. Như vậy, độc giả đương đại có thể học được gì từ góc nhìn về hôn nhân của một văn hào sống cách đây gần trăm năm?
Hồ Biểu Chánh khởi nghiệp văn chương và hoạt động xã hội ở Sài Gòn suốt thời kỳ Pháp thuộc. Dù đảm nhận vai trò viên chức cộng tác với chính quyền thuộc địa, ông cũng là một trí thức trăn trở về đời sống thường dân. Công tác ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hồ Biểu Chánh chứng kiến những ảnh hưởng của quá trình Âu hóa lên lối sống của dân cư địa phương.
Các dòng chảy của tư tưởng tự do và giải phóng về tình yêu đã len lỏi vào Việt Nam, làm rung chuyển hệ thống luân lý lễ giáo thống trị suốt hàng trăm năm. Sự xung động chóng mặt này khiến cơ cấu gia đình gãy đổ, dẫn đến sự xét lại phong tục truyền thống và ưu tiên giá trị kim tiền trong hôn nhân. Chính trong bối cảnh đó, Hồ Biểu Chánh quan sát đời sống cư dân Nam Kỳ và phân tích các hiện tượng xã hội rồi truyền tải vào văn học với ba vấn đề cốt lõi: ngoại tình, dục vọng trong hôn nhân, và hạnh phúc gia đình.
Cả ba vấn đề này vẫn là nỗi khắc khoải của con người mọi thời và Hồ Biểu Chánh đã cất lên tiếng nói về những thao thức đó từ một thế kỷ trước.
Khi dục vọng khoác áo choàng hôn nhân
Trước thời Pháp thuộc, xã hội Việt nam xem xét giá trị hôn nhân trong khuôn khổ văn hóa truyền thống, thứ thường nhấn mạnh sự phục tùng của cá nhân với lợi ích gia tộc, và đi kèm quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.” Khi người Pháp đô hộ Việt Nam, các giá trị hiện đại coi trọng tự do cá nhân khi kết hôn bắt đầu lan rộng.
Vấn đề hôn nhân thời thuộc điạ chịu sự giằng xé giữa truyền thống và hiện đại. Tại Nam Kỳ thuộc Pháp, chuyện kết hôn của con cái vẫn phụ thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên, các tranh cãi về tự do luyến ái và sự hình thành luật pháp còn lỏng lẻo về hôn nhân đã dẫn đến sự phóng túng trong việc kết hôn và ly dị. Xã hội do đó cũng theo đuổi dục vọng hơn là cam kết các giá trị nhân bản bằng cách “hô hào” quyền tự do để đi dây giữa truyền thống lễ giáo và lối sống tân thời. Đây dẫu là hệ quả từ quyết định của mỗi cá nhân, song những chuyển biến của thời đại phần nào đã tiếp thêm sức mạnh cho xu hướng theo đuổi tự do luyến ái.
Thông qua hai câu chuyện điển hình, Hồ Biểu Chánh đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, ông chỉ ra các động lực đen tối ẩn sau lớp vỏ phong tục hôn nhân và hậu quả của nó. Thứ hai, ông lột tả cách con người khước từ các giá trị nhân bản để theo đuổi dục vọng cá nhân thông qua tập tục cưới hỏi.
Đầu tiên, sự ép buộc, tiền bạc và danh vọng ẩn sau lớp áo hôn nhân đều đem lại nỗi đau cho người phối ngẫu. Trong Đóa Hoa Tàn, Cai tổng Bình là một viên chức mới nổi, tham vọng, hám danh lợi. Vì muốn kết thông gia với một gia đình quyền thế, Bình ép gả con gái là Túy Nga cho một chàng trai giàu có nhưng vô trách nhiệm. Vì vậy, cuộc hôn nhân vỏn vẹn hai năm khiến Túy Nga đau buồn vì người chồng lạnh nhạt, thậm chí còn đệ đơn ly hôn cô nhiều lần.
Nghiêm trọng hơn, nó khiến Túy Nga rơi vào sự mặc cảm về thân phận gái một đời chồng và nghi ngờ về hạnh phúc trong hôn nhân, đến mức không dám chấp nhận yêu Hải Đường, một kỹ sư tài năng mà cô đem lòng yêu từ lâu. Những chuyện này khiến cha cô ân hận. Câu nói của Túy Nga nói lên điều mà các thế hệ phải nằm lòng: “Theo ý tôi, cưới vợ lấy chồng phải vì tình vì nghĩa, chớ không nên vì quyền thế, vì bạc tiền.”
Với trường hợp khác, Hồ Biểu Chánh khắc họa lớp người lợi dụng khuôn khổ hôn nhân truyền thống để theo đuổi tư lợi. Trong Từ Hôn, Tất Đằng là một sinh viên du học Pháp ngành bác vật nhưng không có bằng cấp và thất nghiệp. Là một người ưa thích chủ nghĩa "không làm mà vẫn có ăn," Đằng vừa khích bác tất cả những phong tục và định kiến giới về lao động, vừa mưu cầu cuộc sống nhàn nhã. Cùng lúc, Đằng được người chị đồng hương mai mối cho Bạch Yến, một tiểu thư xinh đẹp và danh giá, hứa hẹn cuộc sống giàu sang cho Đằng. Để cưới được Yến, Đằng phải nói dối về nghề nghiệp và dựng màn kịch hoàn hảo về con đường công danh xán lạn. Nhờ thế, Bạch Yến và mẹ cô nhanh chóng xiêu lòng trước Đằng. Trớ trêu thay, sự dối trá và ích kỷ lại dằn xé tâm trí Đằng, vì anh cũng đem lòng yêu Bạch Yến và không thể nói dối người mình yêu. Cuối cùng, Đằng từ hôn và bỏ khỏi Sài Gòn, để lại nỗi đau không nguôi cho Yến.
Trong khi cai tổng Bình che đậy lòng tham sau lớp áo choàng hôn nhân buồn thảm của con gái ông, thì Tất Đằng lại khước từ sự thật và để cho lời nói dối lẫn tiền bạc phủ bóng mối quan hệ tốt đẹp ngay từ đầu. Ở hai trường hợp, nhơn nghĩa đều phải chào thua thiên kim; động lực hôn nhân đều là toan tính vật chất, và nhận về cái kết đau thương. Hồ Biểu Chánh hàm ý rằng người lạm dụng hôn nhân để thỏa mãn dục vọng sẽ bị phán xét, không phải bởi miệng đời hay luân lý xã hội, mà trước hết trước tòa án lương tâm của họ và cái giá mà người họ yêu thương họ phải gánh chịu.
Ngoại tình và ly dị thách thức hôn nhân truyền thống
Không đợi đến khi phủ sóng mạng xã hội và báo chí Việt Nam, chủ đề ngoại tình đầy éo le đã được Hồ Biểu Chánh đem vào văn đàn Nam Kỳ từ một thế kỷ trước. Ngoại tình có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kể giới tính hay địa vị xã hội, và bắt nguồn những nguyên nhân sâu xa như chủ nghĩa vật chất hoặc xung đột quan niệm sống.
Qua hai nhân vật giả tưởng, Hồ Biểu Chánh cho thấy ranh giới mong manh giữa mối quan hệ xã hội nam nữ và ngoại tình, đặc biệt trong thời đại mà giá trị tư bản lên ngôi cạnh tranh cùng luân lý truyền thống. Điều thú vị là Hồ Biểu Chánh mỉa mai các định kiến hôn nhân vốn bất công lại được nam giới dùng làm lá chắn cho mặt trái của sự khai phóng: hành vi ngoại tình.
Nhân vật Bình trong Bỏ Vợ là chàng nhân viên đầy học thức thuộc một doanh nghiệp ở Sài Gòn. Anh sống không hôn thú với Huyền, con gái thuộc gia đình trung lưu hành nghề thuốc. Bình coi trọng tiền bạc hơn lương tâm khi quả quyết: “Thiên hạ ai cũng lo kiếm tiền hết thẩy, mình dại gì mà còn đeo theo nhơn với nghĩa, đạo với đức, không chịu làm như họ.” Vì vậy, anh cam tâm bỏ mặc Huyền để cưới một góa phụ giàu có. Hơn nữa, Bình trơ trẽn đến mức sử dụng câu “trai năm thê bảy thiếp” để biện hộ trước cáo buộc ngoại tình của Huyền, và bị vợ cũ mắng té tát.
Khác với Bình, nhân vật Oanh trong Bỏ Chồng là một phụ nữ xinh đẹp có cuộc hôn nhân sáu năm với người chồng công sở kiêm tiểu thuyết gia. Oanh ủng hộ sự tự do cho nữ giới, và được chồng tôn trọng. Tuy nhiên, cách hiểu của Oanh về tự do là tùy thích làm theo ý riêng miễn đem lại vui thú cá nhân, trái với quan niệm của chồng cô về sự tự do có trách nhiệm với gia đình. Vì xung đột nhận thức và chán nản người chồng tham công tiếc việc, Oanh vụng trộm với một nghị viên giàu có và bỏ mặc chồng con.
Từ một mối quan hệ xã giao, Oanh và gã nghị viên nhanh chóng vượt ranh giới mong manh của luân lý để chìm vào nhục cảm xác thịt. Qua trường hợp của Oanh, Hồ Biểu Chánh đặt vấn đề muôn thuở cho độc giả đương đại về không gian riêng trong đời sống vợ chồng: Thế nào là tự do trong hôn nhân? Sự tự do ấy nên ở mức độ nào và dựa trên điều gì?
Hạnh phúc lối nào?
Ngày nay, khi chứng kiến những gia đình đổ vỡ vì ngoại tình hoặc tiền bạc, nhiều người trẻ ngại ngần kết hôn, xem hôn nhân là điều xa xỉ, và nghi ngờ về hạnh phúc. Dù nhận thức những vấn nạn nhức nhối đó từ gần trăm năm trước, Hồ Biểu Chánh vẫn không mất niềm tin vào giá trị đích thực của gia đình: sự yêu thương vô điều kiện, lòng vị tha, và sự tôn trọng lẫn nhau và với chính mình. Gia đình đúng nghĩa là nơi con người được yêu thương không phải vì của cải hay địa vị xã hội, mà vì họ là một con người có nhân vị với các tính cách cá biệt và độc đáo. Qua ba ví dụ giả tưởng, Hồ Biểu Chánh đã nêu bật các khía cạnh tạo nên một gia đình hạnh phúc.
Thứ nhất, gia đình là nơi con người học cách tha thứ cho nhau. Trong Cha Con Nghĩa Nặng, nhân vật Sửu ngộ sát người vợ ngoại tình và phải bỏ con là Tý và Quyên mà tha phương. Sau nhiều năm bôn ba, Sửu quay về một cách dè dặt và được bố vợ khuyên nên bỏ đi vì sợ ảnh hưởng cuộc sống của hai con. Vô tình, Tý nghe lỏm được và quyết đuổi theo cha. Trong mắt đồng hương, Sửu là kẻ mất nhân tính. Trái lại, Tý xem Sửu là kẻ ăn năn mang mặc cảm về quá khứ đau đớn, và hơn hết là một người cha luôn yêu thương con cái. Vì vậy, Tý chọn tha thứ cho Sửu và mong ông quay về cùng anh. Chính tình thân mạnh mẽ từ hai phía cùng lòng vị tha đã chiến thắng mọi nan đề và gắn chặt tình cảm gia đình.
Thứ hai, sự tôn trọng nhân vị và lựa chọn của mỗi người mới đem lại hạnh phúc gia đình. Trong Hạnh Phúc Lối Nào, bà Xã Cầm là góa phụ sống theo tam tòng tứ đức, và cho rằng việc tuân thủ các quy chuẩn xã hội mới đem lại hạnh phúc. Trong khi đó, con trai bà là Đường lại gắn hạnh phúc với tự do lựa chọn của cá nhân. Thay vì vạch rõ ranh giới và nói rõ quan điểm của mình với mẹ, Đường lại chọn cam chịu số phận bằng cách chấp nhận hôn nhân sắp đặt với Oanh, con gái một gia đình gia giáo chỉ để bà Cầm vui lòng. Chính vì để sự hài lòng của người khác che khuất tính cá vị và hạnh phúc cá nhân, Đường phải sống một thời tuổi trẻ trong u uất.
Qua bi kịch này, Hồ Biểu Chánh nhấn mạnh rằng mỗi người có cách quan niệm và trải nghiệm hạnh phúc rất khác nhau. Với người này, việc tuân thủ các quy chuẩn xã hội mới đem lại hạnh phúc đích thực, trong khi với người khác, hạnh phúc mang tính cá nhân, là tự do lựa chọn cách sống phù hợp nhất.
Cuối cùng, sự yêu thương vô điều kiện bất kể con người có thế nào chính là đặc tính của gia đình. Trong Hai Khối Tình, nhân vật Cúc là cô gái đầy cá tính, coi trọng phẩm hạnh cá nhân và theo đuổi tự do lựa chọn trong hôn nhân. Vì vậy, cô thường hay tranh cãi với mẹ là bà Lan vốn ủng hộ sự can dự của cha mẹ trong kết hôn. Dù khác biệt quan điểm, bà Lan chỉ nhắc nhở và để cô làm theo ý riêng chứ không áp đặt. Sau này, Cúc trải qua một lần bị bạn trai phụ tình, một lần suýt bị cưỡng hiếp và bị tình nghi sát hại kẻ hiếp dâm, cô trở nên chán chường và muốn chết. Khi đó, bà Lan vẫn thương cô, không trách mắng mà còn nhờ luật sư biện hộ cho cô sớm được tự do.
Điều đáng nói là dù hai mẹ con theo đuổi các nhãn quan rất khác nhau về hôn nhân, nhưng sự khác biệt không làm mờ đi tình cảm gia đình bởi vì tình thương vô vị lợi của người mẹ dành cho con cái là bất chấp mọi định kiến.
“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm,...”
Ngày nay, Hồ Biểu Chánh được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến qua màn ảnh nhỏ với các phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông như Hai Khối Tình, Lòng Dạ Đàn Bà, và Tại Tôi. Sức hút này đến từ chính các vấn đề thời sự mà Hồ Biểu Chánh đặt ra: dục vọng, chủ nghĩa vật chất, ngoại tình, ly dị, và sự tìm kiếm hạnh phúc trong đời sống gia đình. Nếu một cuộc hôn nhân được xây dựng dựa trên sự cưỡng ép, tiền bạc, danh vọng, và sự khác biệt quá lớn trong quan niệm sống, nó thường dẫn đến kết cục khó mà tránh khỏi là ngoại tình, đau khổ và tan vỡ. Vì vậy, nền tảng cho một đời sống hôn nhân hạnh phúc cần được vun đắp từ sự gắn kết về tinh thần, sự tôn trọng lựa chọn cá nhân, và lòng vị tha.
Kết một lời, tôi mượn lại câu nói trong truyện Hồ Biểu Chánh để gợi cho độc giả suy nghĩ: “Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt.”