Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Trích or Triết » Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng đến sự giả trá, sự lường gạt, sự độc địa. Tóm lại, sống trong sự hiểu biết, trong mối đồng cảm đồng tình, trong ánh sáng của công bình và bác ái.

Nhà văn Lan Khai viết những áng văn trên trong giai đoạn mà làn sóng cách mạng chống thực dân bùng nổ đầu thập niên 1940. Từng câu chữ của ông phản ánh niềm hy vọng về sự tự do, bình đẳng, bác ái. Trong bối cảnh người trẻ phải đối diện với những thách đố gia tăng từ áp bức và bất công xã hội, những tác phẩm của Lan Khai như một tiếng nói mạnh mẽ cất lên thúc đẩy những giá trị nhân văn trong một thế giới bao phủ bởi khổ đau và thù hận.

Lan Khai: một ngòi bút lửa thời thuộc địa

Lan Khai sinh trưởng trong một gia đình có quá khứ chống Pháp. Cha và chú của ông từng là những Nho sĩ tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp, sau đó trú ẩn tại Tuyên Quang. Khi chỉ vừa 22 tuổi, Lan Khai tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng và bị người Pháp giam cầm bốn năm sau khi cuộc nổi dậy năm 1930 thất bại.

Có lẽ, giai đoạn tù đày khiến ông lựa chọn con đường vừa ôn hòa để cổ vũ một xã hội tự do và công bằng. Vì vậy, ông di chuyển đến Hà Nội và chọn nghề cầm bút. Lan Khai đã sáng tác tiểu thuyết lịch sử nhằm ngầm ý phản kháng chế độ thuộc địa và mường tượng một xã hội nơi con người theo đuổi công lý và tình thương thay vì hận thù.

Tuyên Quang, quê nhà của Lan Khai. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Những nhà phê bình đương thời cho rằng vì Lan Khai từng quan sát sự sinh tồn của thiên nhiên khi còn nhỏ tại vùng rừng núi nên tác phẩm của ông đậm màu sắc “mạnh được yếu thua.” Hơn nữa, Trương Tửu, một nhà phê bình thời danh, chọn góc nhìn của những nhân vật phản diện quyền uy trong truyện để kết luận rằng Lan Khai miêu tả thế giới mà người tốt phải đầu hàng trước kẻ mạnh.

Tuy nhiên, việc đọc kỹ hành vi của “kẻ yếu” lại cho thấy Lan Khai sử dụng sự giả tưởng dựa trên lịch sử để kiến tạo hình ảnh về một thế hệ trẻ khẳng định chính mình bằng cách phản kháng những ràng buộc của những xung đột từ thế hệ trước, và sự áp chế của xã hội nhằm theo đuổi các giá trị tình yêu và công bằng.

Một thế hệ vùng vẫy trong xã hội thù hận để tự do yêu thương

Trước hết, Lan Khai tạo nên những khuôn mẫu người trẻ loay hoay lựa chọn giữa tình yêu và sự hận thù trong những thời điểm xã hội chìm trong mâu thuẫn.

Dựa trên sự kiện cuộc chiến vương quyền giữa họ Mạc và liên minh họ Lê-Trịnh tại Việt Nam thế kỷ XVII, Lan Khai viết Ái tình và sự nghiệp để nói lên thực tế nghiệt ngã rằng tình yêu nhiều khi phải đầu hàng trước hận thù của xã hội.

Bìa tiểu thuyết Ái tinh. Nguồn ảnh: Bibliothèque nationale de France.

Trong truyện, thái tử họ Mạc là Mạc Kính Hoàn, đang làm con tin của họ Trịnh nhưng vẫn ngấm ngầm chống đối, đem lòng yêu quận chúa của kẻ thù là Phương Lan. Dù mỗi người thuộc về gia tộc đối địch, cả Hoàn và Lan đều dành tình cảm sâu đậm cho người kia và nhanh chóng tiến đến kết hôn.

Tuy nhiên, sự cam kết hôn nhân không đủ để vượt qua những rào cản mà thế hệ đi trước để lại. Hoàn từng cân nhắc phản đối ý muốn của cha, từ bỏ kế hoạch chống lại họ Trịnh để sống với Phương Lan. Trớ trêu thay, Hoàn nhanh chóng đổi ý vì sự khiêu khích ngấm ngầm của một sứ giả họ Mạc khi hắn liên tục nhắc đến trách nhiệm của Mạc Kính Hoàn với gia tộc. Hoàn liên tục đấu tranh nội tâm giữa tình yêu với Lan và trách nhiệm với dòng họ, giữa khao khát hòa bình và mưu đồ theo đuổi chiến tranh.

Sự bức bối của Hoàn lên đến đỉnh điểm, điều mà Lan Khai miêu tả sinh động: “Dòng máu anh hùng trong huyết quản lại sôi lên sùng sụt. Chàng muốn đập phá tan tành một cái gì, một cái gì đã khiến tâm hồn chàng, trải qua mấy năm trời nay, đắm chìm vào chỗ ủy mị.”

Cuối cùng, dù rất đau đớn, Hoàn vẫn quyết định rời xa người thương với lời hứa hẹn về duyên nợ kiếp sau để trốn về quê nhà dấy binh chống lại gia tộc của người vợ đầu ấp tay gối. Dù kết thúc bằng bi kịch, Lan Khai tỏ ra cảm thông với những cặp đôi phải chia xa vì những mâu thuẫn xã hội. Một lựa chọn dẫn đến bi kịch trong tình yêu không hẳn là đúng hoặc sai về luân lý, mà trước hết đó là sự phản kháng và gào thét bên trong con người trước sự kìm hãm của xã hội.

Tranh minh họa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Nguồn ảnh: Đại Việt Cổ Phong.

Khác với trường hợp trên, câu chuyện tình yêu trong Chiếc ngai vàng đưa ra cách lựa chọn khác, rằng những người trẻ vẫn có thể cùng nhau can đảm vượt qua sự thù hận của thế hệ đi trước. Trong lịch sử Việt Nam, sự chuyển đổi triều đại từ nhà Lý sang nhà Trần được đánh dấu bằng hôn sự giữa hai đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi là nữ vương Lý Chiêu HoàngTrần Cảnh. Cuộc hôn nhân của cả hai đều nằm trong mưu đồ soán ngôi của viên quan quyền lực Trần Thủ Độ. Qua ngòi bút của Lan Khai, mối quan hệ Lý Chiêu Hoàng-Trần Cảnh trở thành câu chuyện tình đôi nam nữ tuổi hai mươi mắc kẹt giữa sự thù địch của hai dòng họ Lý-Trần.

Bất chấp sự lo lắng của cha về âm mưu cướp ngôi, Lý Chiêu Hoàng vẫn quyết cưới Trần Cảnh và nhường ngai vàng cho họ Trần. Tương tự, Trần Cảnh nỗ lực che chở cho người yêu khỏi âm mưu tận diệt người họ Lý của Trần Thủ Độ. Khi cảm thấy không thể thay đổi sự cứng rắn của Độ, Trần Cảnh tiếp tục phản kháng thụ động bằng cách bỏ việc triều chính trốn lên một ngôi chùa để gây sức ép buộc Độ từ bỏ ý định hãm hại Lý Chiêu Hoàng.

Kết cục, sức ép của Trần Thủ Độ và cả triều đình đã nghiền nát sự phản kháng của Trần Cảnh, dẫn đến sự tan vỡ của mối tình sâu sắc giữa anh và Lý Chiêu Hoàng. Mặc dù kết thúc câu chuyện trong nước mắt, Lan Khai cho thấy những tia hy vọng của những người trẻ dám có lúc cùng nhau vượt lên sự thù hằn của thế hệ đi trước để theo đuổi tự do yêu đương dẫu cho sự phản kháng có mong manh và dễ bị dập tắt.

Di tích còn sót lại của nền văn minh Chăm Pa ở Bình Định. Ảnh: Alberto Prieto.

Ngoài những câu chuyện về thù hận giữa các dòng họ, Lan Khai mở rộng phạm vi về sự tranh đấu cho tình yêu giữa mối thù địch của hai sắc tộc. Trong truyện ‘Chế Bồng Nga,’ Nam Trân và Chế Bồng Nga yêu nhau trong chiến tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa, thế kỷ XIV. Một người là con gái của viên tướng Đại Việt, một người là thủ lĩnh của quân đội Chăm. Cả hai thuộc về hai xã hội, hai nền văn hóa khác nhau, thậm chí kình địch nhau.

Mặc dù vậy, những rào cản của gươm giáo và lòng thù hận không ngăn được tình yêu nhen nhóm. Để bảo vệ tình nhân trước sự truy bắt của Đại Việt, Nam Trân tìm cách che giấu Chế Bồng Nga rồi giúp anh trốn thoát. Chế Bồng Nga cũng vì tình yêu nên tạm gạt đi cái nhìn thù hằn với Đại Việt. Đáng tiếc, Chế Bồng Nga sớm tử trận trong một trận thủy chiến ác liệt giữa hai vương quốc.

Những trường hợp trên đều là kết thúc trong bi kịch. Bi kịch của những rào cản xã hội, của thù hận, của chiến tranh. Bằng những gam màu tối tăm, Lan Khai khéo léo khắc họa những con người vật lộn, trăn trở với những lựa chọn khó khăn của cuộc sống. Chính trong những gian nan đến mức nghẹt thở đó, con người bắt đầu cất lên những thanh âm của sự tự do và tình yêu.

Những tiếng vọng can đảm của người trẻ trước sự áp chế của xã hội

Chứng kiến trào lưu của giới thanh niên Việt Nam kháng Pháp, Lan Khai đã khắc họa những người trẻ can đảm cất tiếng và đương đầu trước quyền lực dường như vô song.

Tiểu thuyết Chàng kỵ sĩ kể lại chuyện Lê Văn Khôi, một chiến binh xuất sắc, tìm cách chống lại hoàng đế Minh Mệnh vì nhà vua và quyền thần trong triều ghen tị và chèn ép cha nuôi của anh là Lê Văn Duyệt. Khôi cho rằng cha anh là đại công thần trong sự kiến lập vương quốc nên phải nhận được sự tôn trọng thay vì lòng nghi ngờ từ triều đình. Khi cha nuôi qua đời, Khôi cùng các đồng sự nổi dậy chống lại nhà vua. Mặc dù kết cục là sự phản bội và thất bại, Lan Khai đã khắc họa tuổi trẻ tự khẳng định mình bằng sự đấu tranh cho công bằng trong một môi trường đầy đố kỵ và ganh ghét.

Tương tự trường hợp trên là câu chuyện về Lê Duy Vỹ trong Thành bại với anh hùng, lấy bối cảnh thời suy thoái của nhà Lê khi quyền lực của chúa Trịnh đã lấn át vua Lê. Vỹ là một thái tử tuấn tú, thông minh, và thường xuyên thách thức quyền uy của chúa Trịnh để giành lại quyền hành cho nhà Lê. Trong những buổi tiệc hoặc các lần đàm đạo, Vỹ tìm cách khẳng định một cách khéo léo quyền uy trước Trịnh Sâm, người thừa kế của phủ chúa, khiến mối thù hận giữa họ Trịnh và họ Lê càng lên đến đỉnh điểm. Tức giận trước thái độ phản kháng của thái tử, chúa Trịnh và các cận thần âm mưu vu khống Vỹ hãm hiếp cung nữ, sau đó xử chết Vỹ bằng hình phạt “tam ban triều điển,” đồng nghĩa với tự vẫn. Trước khi tự kết liễu bằng một cây dao, Vỹ vẫn không ngừng khẳng định sự vô tội của bản thân, đồng thời tiếp tục chỉ trích hành vi lạm quyền của họ Trịnh.

Hà Nội năm 1940, nơi Lan Khai từng tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Công bằng mà nói, những truyện dã sử mang màu sắc chủ nghĩa anh hùng của Lan Khai vừa phác họa sự kháng cự của người Việt với quyền lực của chế độ thuộc địa, vừa nói lên sự bi quan của ông trước những thất bại của các phong trào kháng Pháp trước năm 1945. Tuy vậy, các tác phẩm của ông như một lời nhắc nhở về sự theo đuổi công lý như một mục đích tối thượng và tia hy vọng của đời người dù trong những thời điểm đen tối nhất.

Lan Khai và thách đố của giới trẻ đương đại

Trương Tửu từng nhận xét về Lan Khai như sau: “Viết chuyện lịch sử, ông ham tả những hiện trạng [s]âu thẳm của lòng người.” Thật vậy, Lan Khai đã soi vào những đè nén và hy vọng của con người trong những hoàn cảnh éo le. Qua những câu chuyện đầy trắc trở của Phương Lan-Mạc Kính Hoàn, Lý Chiêu Hoàng-Trần Cảnh, Nam Trân-Chế Bồng Nga, hoặc những cá nhân như Lê Duy Vỹ và Lê Văn Khôi, Lan Khai khắc họa những người trẻ đưa ra những lựa chọn khác nhau trước sự ràng buộc và áp đặt của thiết chế xã hội. Trong đó, họ luôn có sự đấu tranh nội tâm và những hành vi phản kháng để tìm cách vượt khỏi những kìm hãm để theo đuổi tình yêu, sự tự do và công lý.

Ta phải thoát ly cõi địa ngục ấy; ta phải sống cho ánh sáng chứ không sống cho hắc ám nữa!

Những thông điệp của Lan Khai vẫn không ngừng đặt ra thách đố cho giới trẻ đương đại. Liệu họ sẽ đưa ra lựa chọn nào trước hiện thực nhức nhối của xã hội, chẳng hạn như bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, chèn ép nơi công sở, những hiện tượng mà con người phải đối diện với sự mất cân bằng quyền lực? Liệu sự phản kháng có phải là lựa chọn tốt khi đối mặt với rủi ro liên quan đến sự an toàn của bản thân? Có nên đi ngược lại kỳ vọng của các thiết chế xã hội để theo đuổi tự do yêu đương? Đến khi nào những vấn đề gay cấn như vậy vẫn âm ỉ, những câu chữ sinh động của Lan Khai vẫn không ngừng cất tiếng.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

in Văn Chương

Gói ghém kho tàng văn học đồ sộ Việt Nam trong cạc bo góc của Nhã Tự

Bắt nguồn từ văn hóa thần tượng Hàn Quốc, những chiếc “cạc bo góc” (photocard — thẻ in hình nghệ sĩ) được nhiều người trẻ sưu tầm bởi sự nhỏ gọn và xinh xắn của chúng. Nắm bắt được trào lưu này, Nhã T...

in Trích or Triết

Tình dục, giáo dục giới tính và mại dâm qua giọng văn thẳng-mà-thật của Vũ Trọng Phụng

“Vấn đề nam-nữ giao-hợp phải đem ra giảng cho tuổi trẻ.”— Vũ Trọng Phụng

in Trích or Triết

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám ...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21?