Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là sau 1954, cùng với thế hệ của Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ hay Ý Nhi, Xuân Quỳnh là một gương mặt thơ ca với những phẩm chất nổi trội và cá tính sáng tạo khó bị trộn lẫn.

Giáo dục nhà trường đã dạy chúng ta về một Xuân Quỳnh có tiếng nói của trái tim tuổi trẻ, mang khát vọng tình yêu muôn thuở, cùng tâm hồn nhân hậu của người phụ nữ trong tình yêu. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết thêm về một cá tính cứng cỏi, mạnh mẽ luôn hướng tới sự khai phóng, ẩn đằng sau thẩm mỹ cổ điển nhưng luôn cởi mở của cô.

“Đắng cay gửi lại bao mùa cũ”

Xuân Quỳnh trong trang phục văn công (Tháng 7/1961).

Xuân Quỳnh (1942–1988) là nhà thơ được sinh ra đúng ngày mùng một 1 Tết Âm lịch. Cái tên Xuân Quỳnh được cha cô đặt cho với mong muốn ấp ủ "Quỳnh nở mùa xuân phô màu sáng tươi." Từ nhỏ, bố Xuân Quỳnh đã nhận xét rằng cô "được truyền thụ đức độ của mẹ hiền, chỉ có biết hy sinh, hỷ xả." Nhưng phàm những người như vậy thường "phải chịu những phũ phàng ngang trái của thế sự."

Tuổi thơ Xuân Quỳnh sớm thiếu vắng tình mẹ cha bởi mẹ mất sớm, cha sớm đi bước nữa. Người yêu thương, gần gũi với cô nhất là bà ngoại và chị gái. Cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên cùng đoàn văn công đã đem đến cho Xuân Quỳnh cuộc sống mới, một mái ấm gia đình mà cô hằng ao ước. Nhưng niềm hạnh phúc ấy sớm rạn nứt, Xuân Quỳnh ly hôn vì không muốn sống giả dối với tình cảm của mình.

Giữa lúc chơ vơ, hụt hẫng, thì người chồng thứ hai của cô, chàng thi thi sĩ Lưu Quang Vũ đến. Anh là "một tâm hồn đồng điệu, một con người tài hoa, một tình yêu đích thực mà Quỳnh vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Quỳnh đón nhận tình yêu của Vũ như đón nhận cái phao giữa dòng nước xoáy," chị gái của nữ thi sĩ kể lại trong hồi ký Xuân Quỳnh - Một Nửa Cuộc Đời Tôi.

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ bên bàn làm việc (1987).

Có lẽ vì một cuộc đời lênh đênh và nhiều biến động như vậy, nên ​​chủ đề chính trong những bài thơ của Xuân Quỳnh thường hướng nhiều về nội tâm như: kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình, v.v. Thơ ca của cô đậm tính hướng nội, thiên nhiều về tâm trạng cá nhân nhưng đồng thời cũng đại diện cho nội tâm của một nhóm xã hội, dễ tạo sự đồng cảm ở bạn đọc mọi thời.

Lúc con nằm ấm áp / Lời ru là tấm chăn / Trong giấc ngủ êm đềm / Lời ru thành giấc mộng. (Lời ru của mẹ)
Em thấy mình cũng thật vẩn vơ / Lại đi thương cây bàng trước cửa / Cây dù nhỏ, gió dù gió dữ / Hết mùa này cây lại lên xanh. (Trời trở rét)

Đây hẳn cũng là một quan điểm không mới trong cách tiếp cận với Xuân Quỳnh của chúng ta qua bài 'Sóng,' âm thanh trong trẻo của người con gái khi yêu. Mong ước của cô cũng chính là có thể hòa vào biển lớn của tình yêu.

Thế nhưng, hơn cả một ham muốn về tình yêu cuộn sóng, dâng trào, gia tài thơ ca và sự nghiệp của Xuân Quỳnh còn cất giấu một trái tim độ lượng vị tha, cùng một tính nữ được khắc hoạ và biểu hiện sâu đậm.

Tiếng thơ hay là tiếng nói mỹ học của riêng nữ giới

Trong phê bình văn học và ngôn ngữ học, tính nữ thường được dùng để khu biệt với tính nam. Hầu hết những người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu cũng mang trong mình ít nhiều chất nữ tính. Một cách tự nhiên, họ để cho yếu tố nữ tính ùa vào tác phẩm của mình. Đó là những tình cảm thiết tha dành cho chồng con, cho cuộc đời, qua những sự nhạy cảm, tinh tế rất đặc trưng của người phụ nữ.

Xuân Quỳnh và bà ngoại.

Minh chứng cho điều này, trong tập thơ Không bao giờ là cuối của Xuân Quỳnh, chúng ta sẽ không bắt gặp những khái niệm vĩ đại, lớn lao như thời cuộc, bản thể hay cái tôi cái ta. Tập thơ chỉ có những tình cảm nhỏ bé và bình dị nhất của đời sống như bốn mùa, chợ búa, tuổi thơ, trẻ con.

Cuối trời mây trắng bay / Lá vàng thưa thớt quá / Phải chăng lá về rừng / Mùa thu đi cùng lá / Mùa thu ra biển cả. (Thơ tình cuối mùa thu)
Trời sinh ra trước nhất / Chỉ toàn là trẻ con / Trên trái đất trụi trần / Không dáng cây ngọn cỏ / Mặt trời cũng chưa có / Chỉ toàn là bóng đêm. (Chuyện cổ tích về loài người)

Có một điều chúng ta ngầm hiểu, đó là khi cùng khai thác một đề tài, những nhà văn nam cùng thời bao giờ cũng có cách cảm nhận và thể hiện theo một chiều hướng khác, gai góc hơn, quyết liệt hơn. Ví dụ như dưới góc nhìn của bạn đời Xuân Quỳnh, nhà thơ Lưu Quang Vũ, cùng là nỗi xót xa, cay đắng trước tan vỡ, Lưu Quang Vũ đã viết:

Em đứng bên anh nồng nàn mùa hạ / Chưa kịp lời tình tự / Trời đã òa cơn mưa. (Mưa)

Còn ở Xuân Quỳnh, chất nữ tính ẩn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần từ tư tưởng, tình cảm, hình ảnh đến ngôn ngữ và giọng điệu. Cô chọn những ý tứ mang tính ẩn dụ trong đời thường hơn là đi trực diện vào vấn đề.

Nếu từ giã biển rồi / Thuyền chỉ còn sóng gió / Nếu chỉ cách xa anh / Em chỉ còn nỗi nhớ. (Thuyền và biển)

Nhìn lại sự nghiệp sáng tác của cô, có thể thấy tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh biểu hiện ở những tình cảm thiết tha dành cho chồng, cho con, cho cuộc đời. Cũng có khi nó hiện diện ở sự nhạy cảm, độc thoại với những thương cảm rất bâng quơ của người nữ. Hoặc có khi lại là sự sôi nổi, rồi đến phấp phỏng, lo âu, bất an trong tình yêu của một trái tim phụ nữ đa sầu đa cảm.

Xuân Quỳnh thời kỳ ở đoàn ca múa Trung ương.

Mái tôn dột sao mà mưa mãi / Anh ra đi / Phố vắng / Đầu trần / Chẳng có gì để em nói về em / Em chỉ thấy em là người có lỗi… (Không đề II)
Ôi trời xanh xin trả cho vô tận / Trời không xanh trong đáy mắt em xanh / Và trong em chẳng thể còn anh / Nếu ngày mai em không làm thơ nữa… (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Là một người viết nữ trong bối cảnh chiến tranh, loạn lạc và ly tán, Xuân Quỳnh phần nào bị ảnh hưởng bởi ý thức về hậu phương, sự vun vén và hy sinh cho gia đình, xã hội. Cô và những nữ sĩ đương thời đã tạm bỏ qua cái riêng tư và khát khao hạnh phúc riêng để hướng đến độc lập chung.

Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi / Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày / Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây / Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ / Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa (Thơ vui về phái yếu).

Những câu thơ của Xuân Quỳnh giàu tình cảm và sự tinh tế nhưng khuất phía sau xúc cảm ấy là là các tư tưởng có tính khái quát, triết lý. Đó là một trong những triết lý được nảy sinh từ đời sống, giúp cô thấu hiểu được cảm xúc của con người. Thế nhưng, những chiêm nghiệm sâu xa hơn trong triết lý, hẳn phải được tự đúc kết từ những thăng trầm của cuộc đời mình.

Đọc thơ cô, chúng ta nhận ra một người phụ nữ vừa dịu dàng nhưng lại vừa mạnh mẽ, luôn khát khao khẳng định mình, khẳng định vị thế của mình, của giới mình. Đó cũng là một cách hiểu khác về tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh — cảm hứng và ý thức nữ quyền đến một cách tự nhiên, không phô diễn.

Với các nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ (từ trái sang phải).

Trước Xuân Quỳnh, chúng ta cũng đã từng bắt gặp tính nữ và ý thức nữ quyền như Hồ Xuân Hương đầy bản lĩnh khi khẳng định giá trị bất biến của người phụ nữ. Hay Đoàn Thị Điểm với sự thấu hiểu, nói hộ khát vọng hạnh phúc lứa đôi đã, đang bùng cháy mãnh liệt trong trái tim người phụ nữ qua thi khúc 'Chinh phụ ngâm' (nguyên tác của Đặng Trần Côn).

Cùng thời với Xuân Quỳnh, chúng ta cũng nhớ đến một Lâm Thị Mỹ Dạ với những vần thơ bao dung, nhân hậu nhưng vẫn nồng nàn chân chất qua rất nhiều hình ảnh người mẹ, người lính nữ trong chiến tranh.

Em có nỗi buồn như tro / Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ (Anh đã nhìn thấy em).

Xuân Quỳnh đã tiếp nối tính nữ, gọi dậy ý thức nữ quyền từ những nhà thơ đi trước và nhà thơ cùng thời theo cách như thế. Dù là ở cuộc đời hay thơ ca, cô đều dấn thân quyết liệt để kiếm tìm giá trị của đời sống và tình yêu.

Mây trắng bay đi cùng với gió / Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ / Đắng cay gửi lại bao mùa cũ / Thơ viết đôi dòng theo gió xa (Hoa cỏ may).

Dù có đổ vỡ, đắng cay, nhưng Xuân Quỳnh chưa bao giờ nao núng tâm thế mà lại tự mình đón nhận, chứng nghiệm tất cả sóng gió, đắng cay, nghịch lý của cuộc đời. Có thể vẫn còn đó những điều cô chưa kịp hay chưa đủ vốn liếng để giải thích trọn vẹn.

Em lo âu trước xa tắp đường mình / Trái tim đập những điều không thể nói / Trái tim đập cồn cào cơn đói / Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn (Tự hát).

Xuân Quỳnh quan tâm nhiều đến mục đích trong thơ mình hơn là cách thể hiện. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng có tứ, dùng tứ thơ để bộc lộ chủ đề. Đây được coi là một trong những đóng góp đáng quý vì giai đoạn đó, thơ của chúng ta rất lỏng về tứ.

“Lấy thời gian em viết những dòng thơ / Để thấy được chúng mình không cách trở”

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (1973).

Nói về tính nữ và nữ quyền trong thơ Xuân Quỳnh như thế không có nghĩa là cô đặt mình nằm ngoài sức ảnh hưởng của phái mạnh. Nữ thi sĩ cũng cần tới tình yêu và sự nâng đỡ của người yêu, người bạn đời trong hành trình dài của tồn tại và thi ca.

Và khi đặt mình trong ánh nhìn nam giới, Xuân Quỳnh cũng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối như vạn vật trên cuộc đời. Và điều cô mong mỏi đau đáu ở đây là sự tương trợ, chia sẻ, yêu thương giữa hai cá thể độc lập, giữa người với người trong tự tôn và kiêu hãnh với giá trị riêng, chứ không phải ban phát.

Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh / Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng / Lòng tốt để duy trì sự sống / Cho con người thực sự Người hơn (Nói cùng anh).

Chữ "Người" viết hoa phải chăng là bản chất sâu xa của nó là nhân tính, cao thượng và vị tha, nhưng cũng bao hàm cả khía cạnh vị kỷ? Hay chỉ là khi mỗi người đều tự nguyện hy sinh và cũng đồng thời được thỏa mãn cao nhất cá nhân mình? Xuân Quỳnh có lẽ là một nhà thơ chạm đến cả hai khía cạnh đó.

Xuân Quỳnh đọc thơ cho đơn vị bộ đội trên chốt ở Lạng Sơn năm 1979.

Sau tất cả, đọc thơ cô, chúng ta đều đồng ý với nhau rằng, năng lực nhận thức một cách độc lập, bản năng mãnh liệt cuốn phăng mọi giáo điều định kiến. Đó là lòng tự tin vào tính nữ nhưng không nằm ngoài tính nam, đồng thời cũng là tự tin vào bản thân. Để từ đó, cô bộc lộ con người trong tâm thế chủ động, khai phóng bất kể mọi khuôn mẫu, dù là thành công hay thất bại, kể cả những tiêu chuẩn được định hình về nữ quyền.

Song song với đó, Xuân Quỳnh chưa từng và cũng không phủ nhận vai trò to lớn của những người đàn ông. Họ “vĩ đại,” “nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay,” “thăm dò những hành tinh mới lạ,” “chinh phục đại dương,” “đi tới tương lai,” v.v. Thế nhưng, tất cả những con người vĩ đại ấy, hay nói cách khác là những phát minh vĩ đại ấy của nhân loại sẽ không có nếu như không có người đàn bà sau bếp, những bóng hồng mong manh.

Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng / Là bác học… hay là ai đi nữa / Vẫn là con của một người phụ nữ / Một người đàn bà bình thường không ai biết tuổi biết tên (Thơ vui về phái yếu).

Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu, tình người. Nữ thi sĩ không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ riêng tư.

Xuân Quỳnh và nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng Aziz Nesin (1982).

Để có tính nữ cũng cần thêm tính nam, để thật sự được sống chúng ta cần được yêu

Hành trình văn chương của Xuân Quỳnh có lẽ sẽ không thể vẹn nguyên và đủ đầy nếu thiếu đi dáng hình bạn đời của cô, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Chúng ta đọc thơ Xuân Quỳnh mà hình dung được nữ thi sĩ sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì. Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo, thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống, tâm trạng thật của cô trong mỗi bước vui buồn của đời sống vợ chồng.

Gia đình Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ năm 1988.

Trong những bức thư gửi cho Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh luôn đặt vào đó tất cả những tình cảm và trìu mến tràn đầy.

Thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ lúc ở Nga.

Tình yêu gắn liền với che chở và vị tha đã đem lại cho không chỉ Xuân Quỳnh, mà còn cả Lưu Quang Vũ một cuộc sống cân bằng, ấm áp, tin cậy trong giai đoạn phía sau của cuộc đời. Lưu Quang Vũ chín chắn hơn khi cho ra đời rất nhiều những vở kịch nổi danh khắp sân khấu trong Nam ngoài Bắc bấy giờ, còn thơ Xuân Quỳnh cũng hay lên rất nhiều. Người nọ chắp cánh cho người kia bay lên.

Xuân Quỳnh và chị gái Đông Mai.

“Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất vĩnh viễn.” Hơn tất cả, có lẽ cuộc đời và tình yêu của Xuân Quỳnh, những tư tưởng và sự khai phóng của về tính nữ khi sống và khi yêu, còn đẹp hơn cả những vần thơ.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Dục vọng, ngoại tình, và hôn nhân qua lăng kính của Hồ Biểu Chánh

“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

in Trích or Triết

Đạm Phương nữ sử và những bài học về nữ quyền từ 100 năm trước

“Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhân loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức thì một nửa nhân loại có lẽ sẽ là thú cả.”

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...