Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

Ai từng học cấp ba ở Việt Nam có lẽ đều quen thuộc với Nam Cao (1915–1951) qua hai tác phẩm 'Lão Hạc' và 'Chí Phèo' trong sách giáo khoa. Ông được xem là một nhà văn có lòng thương cảm với số phận của nông dân và trí thức nghèo bị chế độ quân chủ và thực dân bóc lột. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kĩ, tôi lại nhận ra những khía cạnh khác.

Nam Cao không chỉ cảm thán về nghèo đói hay mâu thuẫn giai cấp. Ông vượt khỏi khuôn mẫu đó để phác họa một thế giới phức tạp hơn, nơi các thể chế xã hội áp đặt con người, đặt vấn đề về nguồn gốc đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc ngay trong biến động của cuộc đời. Đây cũng chính là những thách đố khiến nhiều người trẻ hiện đại quan tâm và khao khát tìm lời giải đáp.

Nam Cao, một nhà văn trẻ viết về giới trẻ trong xã hội

Đế chế thực dân Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Quá trình kiến thiết thuộc địa đã dẫn đến thay đổi chóng mặt về kinh tế và xã hội; kéo theo đó là va chạm giữa trào lưu Âu hóa và văn hóa bản địa, bất bình đẳng xã hội gia tăng ở nông thôn, và hệ thống quan liêu bòn rút nông dân bằng sưu thuế.

Nam Cao lớn lên trong bối cảnh như thế. Ông được nuôi dưỡng trong một gia đình Công giáo trung lưu ở làng Đại Hoàng, tỉnh Hà Nam, nơi phần lớn người dân sống bằng nghề nông. Tại đây, ông chứng kiến quá trình thực dân hóa tàn bạo, khai thác quá mức các nguồn lực nông thôn và dẫn đến cảnh cơ cực của lớp thanh niên đồng quê. Niềm cảm hứng để ông tạo nên các nhân vật sống động đến từ những con người thật của làng Đại Hoàng.

Đời tư của Nam Cao cũng rất nhiêu khê. Ông từng ở với bà ngoại, một người phụ nữ cay nghiệt, từng khiến vợ ông phải ba lần bỏ nhà đi. Ông có thể trạng kém, thường hay bệnh và cũng trải qua những khánh kiệt về tài chính do nền kinh tế đình đốn thời Đệ nhị Thế Chiến. Những chuyện này đã tác động đến sự suy thoái tinh thần và góc nhìn của ông. Vốn là một người kiệm lời, Nam Cao ít khi kể cho người khác về nỗi buồn của bản thân mà trải lòng mình qua từng dòng chữ.

Một điểm quan trọng chúng ta cần nhớ là Nam Cao là một giọng văn trẻ của thời mình. Hầu hết truyện của ông được sáng tác từ khi ông 20 đến khi qua đời năm 36 tuổi. Ông cũng đa phần viết về những nhân vật ở giai đoạn cuộc đời mà ngày nay, chúng ta dùng từ "thanh xuân" để diễn tả.

'Chí Phèo', 'Đời Thừa' — Hai truyện ngắn quen thuộc của Nam Cao trong Truyện ngắn Nam Cao xuất bản năm 1976 bởi NXB Văn học Giải phóng.

Đặc biệt, Nam Cao đối diện với các vấn đề của giới trẻ và chia sẻ với tuổi trẻ mọi thời đại nỗi khắc khoải về sự đè nén của thể chế xã hội, về nỗi đau và hạnh phúc. Ba vấn đề ấy vẫn giữ nguyên tính thời sự với thanh niên đương đại, điều mà Phong Lê, nhà nghiên cứu về Nam Cao, gọi là “chuyện cũ mà mới.”

Các thiết chế xã hội làm chúng ta biến chất thế nào?

Trước đây, có hai quan niệm phổ biến về nguồn gốc tính cách: nó được thừa hưởng một cách siêu nhiên qua thành ngữ "cha mẹ sinh con, trời sinh tính," hoặc được hình thành từ nếp sống. Nam Cao đưa ra góc nhìn khác hẳn: tính cách cũng như hành vi chịu ảnh hưởng từ các thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội và tập quán.

Theo học giả Pierre Gourou, bề ngoài tẻ nhạt của làng mạc Bắc kỳ đầu thế kỷ 20, quê nhà của Nam Cao, ẩn giấu đời sống sôi động: sự chinh phục, giàu sang, ganh ghét, thủ đoạn. Thiết chế chính trị làng xã đó đã thể chế hóa tính cách của cư dân, nghĩa là buộc họ tự đồng hóa để thích nghi với lệ làng, thậm chí đánh mất chính mình. Không phải lúc nào con người cũng có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Chân dung hai người trẻ giả tưởng đã được Nam Cao khắc họa nhằm minh chứng cho luận điểm này.

Một thoáng cuộc sống ở miền quê Bắc Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ảnh: manhhai đăng tải trên Flickr.

Ta có thể kể đến tay đòi nợ thuê 27 tuổi của làng Vũ Đại trong truyện ngắn ‘Chí Phèo,’ một hiện thân của sự thoái hóa tính cách con người do thể chế làng xã. Tác giả nhắc nhở rằng Chí Phèo từng là một tá điền hiền lành. Sau này, anh trở nên tồi tệ, hay chửi bới, say xỉn và tự rạch mặt ăn vạ. Nguyên nhân của hành vi đó không phải vì “nhân chi sơ tính bản ác,” mà do hệ thống quyền lực đầy ganh ghét trong làng đã vu cáo, đưa Chí Phèo vào ngục, lợi dụng anh để trục lợi, và buộc anh phải thích nghi bằng sự hung tợn. Nó còn đến từ sự thờ ơ và né tránh của những dân làng chỉ muốn loại trừ anh chàng dị biệt khỏi đời sống làng xã bằng cách biến anh thành một ác quỷ trong mắt dân làng. “Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng,” Nam Cao viết.

Tranh vẽ Chí Phèo và Thị Nở của nhà văn Hoàng Minh Tường.

Một trường hợp tương tự là anh Lộ trong ‘Tư Cách Mõ,’ phải thích nghi với nền văn hóa dán nhãn và loại trừ ở một họ đạo. Lộ là một chàng trai ngay thẳng nên được nài nỉ nhận chức mõ làng để chạy việc vặt với mức lương khá và được miễn thuế. Chính điều này khiến hàng xóm của anh ganh tị, tìm cách gạt bỏ anh ở các buổi tiệc và gán nhãn cho anh. Từ một người chính trực, anh bỗng bị xem là kẻ đê tiện và tham lam. Đáng buồn, Lộ lại chọn thay đổi theo thành kiến độc hại đó để thích nghi và tồn tại trong cộng đồng. Nam Cao kết truyện bằng một thực tế:

Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện.

Câu chuyện về Chí Phèo và Lộ đặt ra câu hỏi: Đã bao lần chúng ta gán nhãn người khác để loại trừ họ?

Bức tranh về một thế hệ đau khổ oằn mình trong thế giới của chủ nghĩa vật chất

“Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo.”

Nam Cao đã khắc họa như vậy về một thế hệ trẻ đối diện với hai điều không thể tránh khỏi trong đời: lo âu và đau khổ. Sự khổ có muôn mặt: khổ vì nghèo, bệnh, vì bị phản bội, vì bị khinh chê, vì chứng kiến người thân phải khổ. Lão Hạc khổ vì nghèo túng và lo lắng cho con. Anh đĩ Chuột trong ‘Nghèo’ u uất vì bệnh tật và nợ nần. Chí Phèo khổ vì bị dân làng ghét bỏ. Văn sĩ Hộ trong ‘Đời Thừa’ và Điền trong ‘Trăng Sáng’ khổ vì nỗi lo chẳng thể theo đuổi đam mê trong tình trạng gia đình túng quẫn. Ngược lại, anh Phúc trong ‘Điếu Văn’ lại phiền muộn vì người vợ ưa "cắm sừng." Bé Hồng trong ‘Bài Học Quét Nhà’ chịu đựng bị mẹ đánh mắng thậm tệ, cái mà ngày nay gọi là bạo hành gia đình. Điều đáng buồn là ba người đầu tiên trong các trường hợp kể trên tìm sự giải thoát khỏi nỗi đau bằng cách tự vẫn.

'Mua Nhà,' 'Trăng Sáng' trong Truyện ngắn Nam Cao xuất bản năm 1976 bởi NXB Văn học Giải phóng.

Ngoài những phận đời đau khổ, Nam Cao cũng phác họa xã hội mà chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Trong đó, mối quan hệ cộng đồng trở nên vị kỷ vì miếng ăn và tiền bạc. Ví dụ điển hình cho chủ nghĩa vật chất là câu mỉa mai được viết trong ‘Một Chuyện Xuvơnia.’

Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã.

Một ví dụ khác là nhân vật người cha nghèo trong truyện ‘Một Đám Cưới’ ngấm ngầm thỏa thuận với bà hàng xóm về chuyện hôn nhân giữa con gái ông và con trai bà. Giao kèo chỉ xoay quanh khoản sính lễ đầy mùi tiền mà chẳng bận tâm niềm vui và sự lựa chọn của người con gái khi kết hôn. Như vậy, sự tôn sùng các giá trị vật chất khiến con người ích kỷ mà quên đi hạnh phúc của tha nhân.

Con người luôn phải vật lộn giữa ước mơ hạnh phúc và nhu cầu sinh tồn trong thế giới khắc nghiệt. Những người trẻ, vốn khát khao điều thiện, vẫn ngày ngày đối diện với bệnh tật, với các mối quan hệ phức tạp, với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động, với sự suy thoái về kinh tế và môi sinh. Bởi thế, độc giả vẫn cảm thấy như Nam Cao đang cất tiếng thay họ về hiện thực dù các tác phẩm của ông đã ra đời cách đây hơn gần một thế kỷ. Tuy nhiên, nhà văn không dừng ở khía cạnh tăm tối đó. Ông còn gợi ý những phương thế giúp người đọc hiện đại tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn giữa bao nỗi nhọc nhằn bủa vây.

Những người phụ nữ đội nón quai thao trong một đám cưới Công giáo tại Nam Định, cuối thế kỷ 19. Ảnh: manhhai đăng tải trên Flickr.

“Tao muốn làm người lương thiện!”

Câu nói thổn thức trên của Chí Phèo mở ra cánh cửa để chúng ta đặt vấn đề về mưu cầu hạnh phúc. Liệu tôi có thể theo đuổi đam mê và sống hạnh phúc trong xã hội đầy bất hạnh, gò bó và thực dụng? Nam Cao trả lời là có. Ông gợi ý rằng con người có thể tìm được hạnh phúc, và đề xuất ba yếu tố để đạt đến điều này: sự chấp nhận, lòng trắc ẩn, và tình yêu.

Trước hết, sự chấp nhận là bước đầu tiên trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Nếu bạn đang chênh vênh với sự nghiệp bấp bênh, làm điều bạn không thích, hay mệt mỏi vì lục đục gia đình, hãy can đảm nhìn nhận và đối mặt. Văn sĩ Điền trong ‘Trăng Sáng’ là hiện thân của Nam Cao, vừa ngắm trăng đẹp ngoài cửa vừa nghe vợ chửi, con khóc, và lo lắng về mưu sinh. Trong khốn quẫn, con người sẽ bộc lộ bản năng tự vệ và trốn tránh. Càng nghĩ, sự bức bối và mong muốn chối bỏ thực tại trong tâm trí của Điền càng lớn. Tuy nhiên, Điền vẫn ôm lấy cảm xúc bản thân, chấp nhận khó khăn, thậm chí biến nó thành động lực để viết.

Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

Kế đến, việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn giúp hàn gắn những tổn thương và xoa dịu đau khổ. Nam Cao dùng ‘Đời Thừa’ kể về mối quan hệ giữa Hộ và Từ để truyền tải thông điệp này. Hộ là nhà văn nghèo mong viết ra những tác phẩm chân chính. Anh yêu và nuôi Từ cùng con riêng của cô. Dù vậy, Hộ hay nóng giận với vợ con mỗi lần anh bế tắc. Thậm chí, anh từng hứa sẽ mua bữa thịt quay đãi gia đình nhưng lại trở về dưới bộ dạng say khướt. Sau tất cả, Hộ đều hối hận khi tỉnh táo. Tuy có anh chồng đáng chán là vậy, Từ vẫn yêu anh, thấu hiểu, tha thứ và ôm Hộ vào lòng khi anh khóc vì cùng quẫn. Lòng trắc ẩn của Từ giữ cho mối quan hệ bình yên và vượt qua sóng gió.

Cuối cùng, tình yêu cứu rỗi tất cả. Ví dụ kinh điển cho điều này là chuyện tình Chí Phèo và Thị Nở, hai kẻ bên lề xã hội. Chí Phèo, chàng trai bị ruồng bỏ của làng Vũ Đại, lại được lắng nghe, yêu thương, chăm sóc bởi Thị Nở, người phụ nữ xấu “ma chê quỷ hờn.” Chính tình yêu này đã khiến Chí Phèo xét lại căn tính và khao khát sống tốt hơn. Anh đã thực sự thấy hạnh phúc khi ở bên Thị Nở. Như thế, mối quan hệ giữa Thị Nở và Chí Phèo đã thể hiện một giá trị cơ bản nhất đem lại hạnh phúc cho con người: tình yêu thương vô vị lợi.

Đọc Nam Cao để ‘đọc’ thế giới

Ngày nay, người Việt Nam biết đến Nam Cao nhiều hơn, không chỉ trong sách giáo khoa, mà còn qua chuyển thể điện ảnh, tiêu biểu là Làng Vũ Đại Ngày Ấy. Càng nghiền ngẫm về ông, ta càng nhận thấy Nam Cao là một nhà văn tài năng. Ông đã chọn dấn thân vào vấn nạn muôn thuở là nỗi đau của con người để tìm đường đến hạnh phúc. Ông nêu bật ba khía cạnh của cuộc đời: sự tác động của thể chế xã hội lên bản tính con người, sự đau khổ với lo âu trong thế giới của chủ nghĩa vật chất, và vấn đề tìm kiếm hạnh phúc. Từ đó, Nam Cao gợi ý hành trình chữa lành để mưu cầu niềm vui trọn vẹn thông qua việc chấp nhận hiện tại, ươm dưỡng lòng trắc ẩn và can đảm để yêu thương.

Làng Vũ Đại Ngày Ấy, một bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn 'Chí Phèo'.

Khi sống giữa một đại dương bộn bề lo toan, người trẻ dễ lạc lõng và bất an. Vì thế, việc đọc Nam Cao, tuy không đưa ra liều thuốc giảm đau tức thời, nhưng giúp người trẻ tìm thấy sự đồng cảm, nhìn cuộc sống dưới một nhãn quan mới, và thắp lại niềm hy vọng vào sự tồn tại của hạnh phúc.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

Paul Christiansen

in Văn Chương

Ngồi quán Lão Hạc Cafe, nghĩ về truyện ngắn 'Lão Hạc' và lòng biết ơn

Được Nam Cao viết năm 1943, câu chuyện giờ đây được xếp vào hàng kinh điển của văn học hiện thực; một phong cách nổi bật giữa thế kỉ 20. Giá trị nghệ thuật của ‘Lão Hạc’ đã được bao đời độc giả thừa n...

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

in Trích or Triết

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám ...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...