"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."
Đó là lời tự sự của Nguyễn Tuân (1910–1987), một văn hào nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông trong sách Ngữ Văn trung học như ‘Chữ người tử tù’ và ‘Người lái đò sông Đà’ đã trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam.
Trong khi các miêu tả mang tính giáo khoa về văn chương Nguyễn Tuân nhấn mạnh sự ngợi ca cái đẹp và trữ tình, những trước tác của ông lại phơi bày sự thật nghiệt ngã của cuộc sống. Qua ngòi bút, nhà văn phác họa hai thách đố tối hậu của con người trong mọi thời đại: cái chết và những thất vọng hiện sinh. Từ đó, ông gián tiếp đưa ra những phương thế để đối mặt với chúng, và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, ngay cả giữa những giới hạn của đời người.
Từ tuổi trẻ lạc lõng đến những chiêm nghiệm hiện sinh
Chàng thanh niên Nguyễn Tuân viết những tác phẩm nổi tiếng nhất vào cuối thập niên 1930 và suốt những năm 1940. Tại Việt Nam, biến động chính trị và lối sống Châu Âu đã thách thức nghiêm trọng xã hội truyền thống đến mức, theo sử gia Hue-Tam Ho Tai, giới thanh niên không còn cảm thức về cội nguồn và lúng túng trước hàng loạt các giá trị trái ngược nhau. Nói cách khác, người thanh niên cuối thời thuộc địa lạc lõng giữa hố sâu bất định của thời cuộc.
Trong xã hội đó, Nguyễn Tuân đã từng là một thanh niên đầy sôi nổi. Ông đam mê du lịch đến mức hay để vali ngay đầu giường. Tuy thế, ông cũng từng nghiện thuốc phiện, mê hát ả đào dù đã kết hôn, điều khiến ông ân hận. Những tính cách này của Nguyễn Tuân một phần chịu ảnh hưởng từ người cha, một phần là cách để ông phản kháng các quy chuẩn xã hội.
Ông từng kể: “Tôi chơi bời cũng là một cách phá phách để tự lẩn trốn mình chứ có thích thú gì đâu! Sau mỗi cuộc chơi bời phá phách về, mình lại tự chán mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó vẫn thấy bế tắc, lại lao vào con đường cũ.” Từ những chiêm nghiệm đó, ông nêu bật các chủ điểm hiện sinh mà chính bản thân ông và người trẻ đương thời phải đối diện. Những giới hạn, mà với Nguyễn Tuân, khiến con người sợ hãi và đau đớn, nhưng không thể vì thế mà mất đi sự tận hưởng cuộc sống.
Nếu biết cái chết là một hằng số
Người trẻ những năm cuối thời thuộc địa không xa lạ gì với kí ức về các cuộc nổi dậy chính trị chống lại người Pháp và những buổi xử tử người Việt diễn ra sau đó. Vì vậy, những án tử liên quan đến quyền lực nhà nước đã khắc vào ngòi bút của Nguyễn Tuân tuổi ba mươi. Bằng cách tưởng tượng lại quá khứ, Nguyễn Tuân đã lột tả ám ảnh của ông về cái chết, và hơn hết, gợi ý cách thức mà con người đối mặt với tử thần.
Câu chuyện về con người trước cái chết đã xuất hiện trong ‘Chữ người tử tù,’ một truyện ngắn quen thuộc của Nguyễn Tuân. Truyện kể về Huấn Cao, lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát, là một nho sĩ bị giam giữ trước ngày tử hình vì nổi dậy chống lại nhà Nguyễn. Biết Huấn Cao nổi danh là người viết chữ đẹp, viên quản ngục đã biệt đãi ông với ý muốn xin chữ.
Dù được đối xử tử tế, Huấn Cao vẫn mang tâm trạng buồn bã và uất ức vì việc nổi dậy bất thành. Ông chưa sẵn sàng để đón nhận cái chết. May thay, hành vi của quản ngục, thể hiện sự chân thành và yêu quý của một người xa lạ với tài năng của Huấn Cao, đã mang đến niềm vui và sự tĩnh lặng cho tâm hồn ông. Ngay giữa đêm tối của cái chết và sự chà đạp nhân vị, chính ánh lửa thắp lên trong ngục tối nơi Huấn Cao viết những nét chữ sau cùng đã xóa tan nỗi sầu muộn của cái chết và thay bằng sự tôn trọng giữa con người với nhau.
Trái với ‘Chữ người tử tù,’ truyện ngắn ‘Bữa rượu máu’ sẽ khiến độc giả bất ngờ khi viết về kẻ gây ra cái chết để nói về ý nghĩa sự chết. Đó là trường hợp của Bát Lê, một đao phủ già chuyên nghiệp kiêm chức quan bát phẩm, bất đắc dĩ hành hình những tử tù tham gia nổi dậy Bãi Sậy. Trái với định kiến về một gã đao phủ hung tợn mang đến hình phạt nhục nhã, Bát Lê lại là người mong cầu sự vị tha trước cái chết. Ông không quen biết các tử tội, cũng chẳng còn tha thiết với chuyện múa đao giết người. Hơn hết, Bát Lê xem buổi hành hình như một chuỗi các nghi thức để tiễn đưa những binh sĩ Bãi Sậy đến với cái chết, nơi hóa giải thù oán, điều mà ông vẫn ngâm nga “Sống không thù nhau, chết không oán nhau.” Bằng cách đó, Nguyễn Tuân đã gán ý nghĩa của khoảnh khắc lìa đời, dù có thể đớn đau, lại là khoảnh khắc xóa bỏ thù hận trên đời.
Làm gì khi thế giới không như ta mong đợi?
Từ trải nghiệm về những thất bại và nỗi thất vọng, Nguyễn Tuân đã khắc họa chân dung những người trẻ phải đối mặt với sự bất ưng trong cuộc sống. Đó là câu chuyện về những thanh niên bất mãn với chính quyền thuộc địa Pháp và ám ảnh về con đường công danh với chế độ khoa cử.
Thành công trong giáo dục luôn là nỗi ám ảnh với người trẻ. Điều này thể hiện trong truyện ngắn ‘Báo oán,’ kể về lần ứng thí kỳ thi Nho học năm 1919 của hai anh em học giỏi nhất vùng (gọi là đầu xứ) Sơn Nam hạ. Đầu Xứ Anh, mang theo kỳ vọng của người trong vùng, từng lên đường ứng thí nhưng trớ trêu lại rớt ngay bài thi đầu tiên vì đau bụng. Không khác gì người anh, Đầu Xứ Em cũng dự khoa thi cuối cùng và rớt vì dạ dày hành hạ. Điều đáng nói là cả hai đều ám ảnh về thi cử đến mức loạn thần và tưởng tượng ra một hồn ma báo oán khiến họ bệnh phải bỏ thi như một định mệnh đã sắp đặt. Câu chuyện bi đát này dường như thông cảm cho những thanh niên thất chí chỉ còn biết tìm lời giải thích tâm linh về số phận đã an bài để xoa dịu sự bất ưng trong nghiệp học hành.
Mang màu sắc tươi sáng hơn, ‘Một đám bất đắc chí’ (tên khác là ‘Ném bút chì’) kể về những thanh niên nghèo chán nản với cuộc sống. Lý Văn, một lý trưởng buồn bực hay bỏ nhà đi dù đã có vợ con. Trong khi đó, Cai Xanh là một tay võ biền lão luyện từng ủng hộ Đề Thám nhưng thường bị túng thiếu, còn Phó Kình lại có tài phóng dao nhưng tính tình nóng nảy. Điều đáng nói là chữ Lý, Cai, Phó hàm ý cả ba người đều giữ chức vụ nhỏ của triều Nguyễn. Thú vị hơn, cả ba lại là bạn thân và cùng nhau âm mưu “lấy chỗ tiền của bọn bất nghĩa, đem chia cho anh em khác nghèo như mình.” Mặc dù bất mãn với hiện thực, cả ba người đều đối mặt với điều ấy để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua tình bạn và một lý tưởng để theo đuổi.
Liệu chúng ta có chấp nhận sự thất vọng và thất bại như một phận số đã an bài hay xem đó là bàn đạp để ta cùng với bạn bè vẽ nên một bước ngoặt mới?
Cuộc đời không phải chỉ là bể khổ
Cuộc sống không chỉ có nghĩa vụ hoặc nỗi lo âu về cái chết và nỗi thất vọng. Bằng những miêu tả tinh tế về ba thú vui gồm du lịch, trà, và thơ, Nguyễn Tuân chỉ ra rằng con người có thể tận hưởng cuộc sống bằng những điều nhỏ nhặt ngay trong buổi giao thời xô bồ và khắc nghiệt.
Du lịch có thể là liều thuốc giúp con người đổi mới và tận hưởng cuộc sống. Nguyễn Tuân đã minh chứng bằng trải nghiệm của người bạn Nguyễn Văn Gi… trong tùy bút ‘Lại đi nữa.’ Gi… là một thanh niên độc thân và theo chủ nghĩa xê dịch. Anh đam mê du lịch đến mức có dịp là xách va-li lên và đi. Triết lý sống của Gi… là tận hưởng một đời phóng khoáng phiêu bạt không bị cố định vào các mối quan hệ xã hội và vật chất. Quan trọng nhất, theo Gi…, du lịch mang ý nghĩa giải phóng bản thân và gắn kết nhân loại.
Thứ nhất, du lịch mở mang suy nghĩ của con người. Với Gi…, sự chật chội và quen thuộc quá lâu khiến con người trở nên ốm yếu, thành kiến, và đố kỵ. Trái lại, việc du lịch đặt những suy nghĩ của con người trong một hành trình khám phá đầy thú vị. Thứ hai, du lịch đưa con người gắn kết với nhau trên phạm vi toàn cầu. Nó góp phần định vị cá nhân trong nỗ lực kiến tạo nhân loại. “Sự kiến thiết xã hội ngày mai sẽ đẹp vững và bền lắm nếu ở thế giới này người ta ai cũng được đi về như trẩy chợ. Không có bài học ái quần nào thiết tha bằng sự chung đụng với mọi người ở mọi chốn,” Nguyễn Tuân viết về suy nghĩ của Gi…
Không giống như Gi…, có những người tận hưởng niềm vui theo một cách khác: thi ca. Nếu thơ có hữu dụng với con người thì đó là đem lại niềm vui và tình bằng hữu. Câu chuyện của phu thê Phó Sứ và Mộng Liên trong ‘Đánh thơ’ cho thấy điều đó. Là một viên quan trông lăng vua, ông Phó Sứ đã nên duyên với Mộng Liên, một cô đào hát xinh đẹp nức tiếng kinh thành. Trong những chuyến du ngoạn khắp miền Trung, đôi vợ chồng thường bày những cuộc ‘thả thơ,’ một hình thức cờ bạc mà theo đó ai thả được nhiều bài thơ nhất theo một chủ đề thì thắng được tiền của đối phương. Cứ như vậy, dù có lúc thua cược nhẵn túi, Phó Sứ và Mộng Liên vẫn tận hưởng những chuỗi ngày hạnh phúc với nhau và thậm chí kết giao được bạn bè khắp nơi nhờ vào niềm vui với thi ca.
Những người nghèo ít khi có cơ hội du lịch hay an yên với những vần thơ. Dù vậy, giữa cơn sóng dữ của khốn cùng, niềm vui vẫn nảy nở khi con người biết giữ lấy “mỏ neo.” Với cụ Sáu trong ‘Chiếc ấm đất,’ ‘mỏ neo’ chính là những ấm trà. Cụ Sáu là người đam mê mọi thứ về trà, từ nghệ thuật pha trà đến cách thức thưởng trà. Hơn hết, cụ dành sự quan tâm đặc biệt cho những bình trà bằng đất. Khi thời thế thay đổi, gia cảnh cụ Sáu sa sút đến mức chật vật từng bữa cơm. Dù gặp phải khốn đốn, cụ vẫn giữ niềm đam mê với những ấm trà, thậm chí kinh doanh ấm trà ở hàng chợ. Chính thú vui với trà và ấm trà đã khiến những tháng ngày khó khăn của cụ đầy niềm vui.
“Self-help” của Nguyễn Tuân?
Suốt thời kỳ tuổi trẻ nổi loạn, Nguyễn Tuân đã trải qua những khoái lạc, sự ăn năn, và cả sự biến đổi bản thân. Ông đã đưa những trải nghiệm sống quyện với hơi thở thời đại qua những tác phẩm xuất sắc, lột tả ba vấn đề căn cốt của nhân sinh.
Thứ nhất, dù cái chết là hiện thực đầy hãi hùng, con người vẫn có thể thay đổi góc nhìn về nó như một cột mốc của sự hòa giải và xoa dịu nỗi sợ hãi trước tử thần bằng tình thương và sự chân thành giống Huấn Cao và viên quản ngục vô danh. Thứ hai, cuộc đời đầy sự bất ưng dễ khiến người trẻ nản lòng. Đối mặt với giới hạn của kiếp sống, con người hoặc là tự lừa dối mình bằng sự hoang tưởng về định mệnh như hai anh em Đầu Xứ, hoặc đứng lên cùng với bạn bè theo đuổi những lý tưởng xã hội. Và sau cùng, dẫu dòng chảy của cuộc sống vạn biến, con người bất kể sang hèn vẫn được lựa chọn tận hưởng nó bằng những thú vui: du lịch, thi ca, hoặc đơn giản là ngắm nghía những ấm trà tàu.
Trong nhịp sống đương đại, giới trẻ vẫn loay hoay với những khó khăn và đôi khi lạc lõng giữa nhiều phương hướng của cuộc sống. Những ý tưởng của Nguyễn Tuân không hẳn giải pháp cho những vấn đề người trẻ đang đối mặt. Nhưng trên hết, ông nhắc nhở rằng trước bất kỳ điều gì xảy ra, con người vẫn có thể lựa chọn cách đối diện, hoặc ít nhất là thay đổi góc nhìn với vấn đề. Đấy chính là thứ nghệ thuật sống mà Nguyễn Tuân đã để lại người đọc.